Đối với các tộc người thiểu số, quan niệm về mọi vật đều có linh hồn, từ các hiện tượng như trời, đất, rừng núi, sông suối, sấm chớp,… đến nhà cửa, làng mạc, hòn đá, gốc cây,… đều có “hồn” mà tùy theo dân tộc để gọi với các tên khác nhau, như người Thái gọi là “Phi”, người Êđê, Giarai và các tộc người khác ở Tây Nguyên gọi là “Yang”,…
Chính quan niệm vạn vật có linh hồn này là cơ sở của mọi hình thức tín ngưỡng của các tộc người thiểu số, khiến họ luôn luôn sống trong trạng thái không tách biệt giữa thế giới hiện hữu và thế giới siêu hình, mọi hành động của con người đều có thể bị chi phối bởi quan niệm siêu hình ấy, xuất hiện các hình thức kiêng kỵ, bói toán, chiêm mộng,…
Trong mỗi gia đình có thờ cúng ma nhà, ma tổ tiên, làng bản (buôn, plây,…) có ma (thần) bản (là Sơn thần hay Thổ thần), sông suối, núi rừng đều có vị thần (ma) canh giữ. Người Nùng thờ Nùng Trí Cao và thân mẫu Nùng Trí Cao, thờ thái tổ họ Hoàng, người Mường thờ vua Ba Ví, người Dao thờ Bàn Hồ,… Con người không được khỏe mạnh, gặp rủi ro, bệnh tật đều quy về nguyên nhân là do con người nào đó làm hại, phải làm lễ cúng trừ khử ma tà, cứu sinh mạng con người.
Trong xã hội các dân tộc, nhất là các tộc người miền núi phía Bắc, chịu tác động khác nhau của Tam giáo (Đạo giáo, Phật giáo và Khổng giáo), hình thành các hình thức tín ngưỡng dân gian, như thờ cúng Pụt (Phật), thờ Thánh, thần Ngọc hoàng Thượng đế (Đạo giáo) với các thuật phù phép của phù thủy, thầy Tào. Xã hội các tộc người này cũng hình thành các tầng lớp thầy cúng: Then, Mo, Tào. Pụt ở vùng núi Đông Bắc: Mo, Một, Mỡi ở Tây Bắc…
Ở các tộc người thiểu số cũng có một số hình thức thờ cúng ở một nơi nhất định như miếu, chùa, đình (Tày, Mường), bàn thờ trong nhà (thờ tổ tiên, ma nhà, thờ Bà Mụ, bàn thờ của Then, Tào, Mo,…).
Trên đây là những phác thảo hết sức sơ lược về các hình thức tín ngưỡng của người Việt và các tộc người thiểu số, giúp người đọc có được một ý niệm chung nhất về sự đa dạng, phức tạp của một phần đồi sống tâm linh là vì, ngoài các tín ngưỡng, người dân Việt Nam còn tôn thờ các tôn giáo khác nữa, như Phật giáo, Đạo giáo, Khổng giáo, Kitô giáo. Đó là chưa kể giữa tín ngưỡng bản địa với các tôn giáo kể trên đã diễn ra quá trình ảnh hưởng, tiếp thu qua lại, một mặt vừa nâng cao, làm phong phú hơn các tín ngưỡng dân gian bản địa, mặt khác, cũng làm biến dạng bản thân các tôn giáo ngoại lai theo hướng bản địa hóa. Cùng với các tôn giáo, tín ngưỡng kể trên, còn có cả một hệ thống các lễ nghi, phong tục, kiêng kỵ hết sức phức tạp. Từ đó tạo nên một bức tranh hết sức đa dạng, phong phú và sống động của đòi sống tâm linh con người Việt Nam./.
Ban Tôn giáo phía Nam