banner 728x90

Phóng sự: Trăn trở nghề bán vé số dạo

24/09/2024 Lượt xem: 2430

Vé số dạo đất du lịch...

        Một buổi sáng mùa hè trong vắt, bên một quán càfê ven biển Vũng Tàu, tôi đang ngồi mơ màng thả hồn theo những làn gió biển, bỗng một bàn tay đâp nhẹ vào vai. Quay lại, tôi bắt gặp một chú bé ốm nhách, trên tay cầm một tập vé số đang chìa ra trước mặt tôi mời chào:

Chú mua giúp con tờ vé số, chú lấy tờ đuôi 53 này dễ trúng lắm chú ơi...

Tôi lưỡng lự  và rồi cũng mua giúp chú bé 2 tờ vé số. Chú bé vừa đi khỏi, bỗng xuất hiện 5 chú bé bán vé số khác ở đâu lao đến.

Chú mua cho nó sao không mua giúp con??...

Cả ngày nay con chưa bán được tờ vé số nào, chú mua giúp con đi...

Thôi chú mua cho mỗi đứa một tờ cũng được...

Bọn trẻ tranh nhau mời chào, cảnh ồn ào khiến tôi và một số du khách phải đứng dậy đi nơi khác sau khi miễn cưỡng mua cho mỗi đứa một tờ vé số. Có thể nói, cảnh tượng này đã quá quen thuộc đối với những du khách đặt chân đến đất du lịch biển Vũng Tàu, bởi nơi đây ước tính có trên 300 người bán vé số dạo.

        Một người bán vé số dạo ở Bà Rịa - Vũng Tàu có thể bán được khoảng từ 50 -200 vé một ngày. Mỗi ngày tỉnh này tiêu thụ từ 30-40 ngàn vé xổ số các loại. Như vậy, nếu tính bình quân mỗi người bán được 100 vé một ngày thì ở Bà Rịa – Vũng Tàu ước tính có khoảng 300 đến 400 người bán vé số mà chủ yếu là những người đi bán dạo. Suy rộng ra, mỗi ngày ở các tỉnh Nam Bộ phát hành từ 8-9 triệu vé/ ngày. Như vậy, sẽ có gần 80-90 ngàn người bán vé số dạo. Đó quả thật là một con số không nhỏ.

        Toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 33 đại lý cấp I. Các đại lý cấp II và cấp III, công ty không trực tiếp quản lý nên không nắm được. Các đại lý đều tính hoa hồng 10% cho những người bán vé dạo. Như vậy mỗi ngày, mỗi người bán được 100 vé thì sẽ được lời 20 ngàn đồng. Mỗi tháng cũng kiếm được 600 ngàn đồng. Trừ tiền thuê nhà trọ 200 ngàn đồng họ cũng còn 400 ngàn đồng để ăn uống chi tiêu. Đó là chưa kể tiền "lì xì" của khách hàng trúng thưởng. Ở đất du lịch này, bán vé số dạo đã trở thành một nghề sống được và không sợ chết đói. Một số vùng quê nghèo, nếu làm nghề nông có lăn lưng ra đồng cả ngày cũng không thể kiếm đâu ra được số tiền như thế !

… Và những cảnh đời :

        Chị Nguyễn Thị Hồng, 35 tuổi, hiện ở khu nhà trọ trong một con hẻm đường Nguyễn Trường Tộ, phường 3 tâm sự: "Tôi bán vé số ở đây đã được gần 3 năm. Quê tôi ở Huế. Chồng tôi bị bệnh chết. Một mình làm ruộng không đủ nuôi hai đứa nhỏ nên tôi đưa chúng đến đây. Tôi và cháu trai lớn (12 tuổi) ngày ngày đi bán vé số. Cháu gái nhỏ (9 tuổi) ở nhà trông nhà nấu cơm. Mỗi ngày hai mẹ con cũng kiếm được vài chục ngàn, đủ cho ba miêng ăn ".

        - Sao chị không bán vé số ở quê ? Tôi hỏi.

        - Ở đây dễ bán hơn. Đất du lịch, du khách bỏ ra năm ba chục ngàn đồng để mua vé số cầu may là chuyện bình thường.

        - Chị có cho các cháu đi học không ?

        - Cháu lớn  mắc đi bán vé số. Còn cháu nhỏ học lớp 1 buổi tối ở lớp học tình thương.

        Chị Huệ có thâm niên bán vé số gần 3 năm thì lại có một hoàn cảnh khác, chị kể :  "Quê em ở huyện Long Đất. Em lấy chồng và sinh được một cháu gái, sau đó ít lâu chồng em bỏ em để rồi lấy chính em gái em. Uất hận, em bỏ nhà đi lên đây thuê nhà trọ ở và bán vé số kiếm ăn qua ngày. Con em hiện đang gửi ngoại ở quê ". Tôi hỏi chị :

        - Lấy  vé số ở các đại lý có phải trả tiền ngay không?

- Họ cho thiếu nợ. Cuối ngày thanh toán vé cũ, lấy vé mới- chị trả lời.

Sau nhiều ngày lang thang thâm nhập vào đội quân bán vé số dạo, tôi làm quen với một chú bé bán vé số tên Ca, quê ở Long An có đôi mắt đen láy, ngây thơ, trông rất dễ thương. Chú bé kể cho tôi nghe hàng ngày phải đi bán vé số dạo từ nhà trọ, ở một con hẻm trên đường Thùy Vân, đi hết đường Hoàng Hoa Thám rồi dọc theo đường Quang Trung (Bãi Trước) và quay về... Tôi nhẩm tính đoạn đường trên ước chừng 5 km. Như vậy, cả đi và về, một ngày em phải đi 10 km. Và tôi bỗng giật mình khi nghĩ đến một năm, một cháu bé 10 tuổi phải đi hết 3.600km (gấp 2 lần đường từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh) để kiếm sống mưu sinh ?! Tôi hỏi cháu: "Bố mẹ đâu?" "Bỏ nhau rồi!" "Cháu ở với ai?" "Với mẹ" "Mẹ đâu?" "Cũng đi bán vé số "  "Sao không đi cùng mẹ?" "Đi cùng mẹ bán được ít " "Một ngày cháu bán được bao nhiêu vé?" "Hơn trăm vé" "Gần trưa rồi sao không về nhà ăn cơm" "Trưa tự mua bánh mì ăn, chỉ có buổi sáng và buổi tối mẹ mới nấu ăn ở nhà". Cậu bé còn kể cho tôi nghe có lần cậu bị bọn trẻ lớn hơn cướp tiền và mua vé số không trả tiền. Những người xung quanh còn kể cho tôi nghe chuyện năm kia, có một cậu bé chạc tuổi này đi bán vé số qua đường bị xe ô tô cán chết...

Vẫn biết để ổn định cuộc sống cho những người lao động không nghề nghiệp nhập cư từ nơi khác đến là rất khó khăn, song làm thế nào để những người bán vé số dạo vẫn thực hiện được việc mưu sinh mà không làm phiền lòng các du khách ở đất du lịch này là câu hỏi đang cần lời giải đáp. Ai sẽ đảm bảo cho những người bán vé số dạo khi họ đau ốm bệnh tật hay không còn khả năng lao động ? Trong lúc cả nước đang tích cực phấn đấu xóa mù chữ, nâng cao mặt bằng dân trí thì việc học hành của các em nhỏ đi bán vé số dạo này sẽ giải quyết ra sao ?

        Các công ty xổ số kiến thiết hoăc những đơn vị thu lợi nhuận từ vé số nên chăng lập ra quỹ từ thiện, quỹ bảo hiểm xã hội để giúp cho họ lúc rủi ro, đau ốm bệnh tật. Đó cũng chính là thực hiện chủ trương chính sách đối với người lao động của Đảng và nhà nước ta.../.

Đào Quốc Thịnh

 

 

Tags:

Bài viết khác

Phóng sự: Tôi đi hớt tóc… đêm (Tác giả Đào Quốc Thịnh)

Hớt tóc là một dịch vụ không thể thiếu trong đời sống xã hội. Bất kể bạn là ai, bạn làm nghề gì, giàu hay nghèo, tóc bạn ngắn hay dài, thưa hay mau, mọc nhanh hay mọc chậm… Nhưng nếu bạn là đàn ông thì một tháng ít nhất một lần, bạn phải tìm đến tiệm hớt tóc. Đó là chưa kể những lần bạn đến chỉ để cạo mặt, lấy ráy tai, mát xa mặt, nhuộm tóc hay gội đầu.

Truyện ngắn: Về quê

Thằng Lộc khóc như đứa trẻ lên 3, nhất quyết không theo mẹ về thành phố. Ở quê thích quá với đủ thứ trò vui chơi, khám phá mà đám trẻ thành phố tìm đâu cho ra! - Con chơi với nội cả tháng rồi, giờ phải về chuẩn bị đi học chứ - mẹ Lộc ra vẻ năn nỉ!

Truyện ngắn: Sắc màu qua ô cửa sổ

Lúc mới vào công ty, tôi không mấy thiện cảm với chị Thoa ở phòng kế hoạch. Chị còn trẻ nhưng lúc nào trông cũng nghiêm nghị, chẳng mấy khi cười. Lúc nào cũng thấy chị vội vã, tất bật. Nghe tôi thắc mắc, anh trưởng phòng tên Thành tỏ vẻ đăm chiêu:

Truyện ngắn: Má tôi

Nhà chỉ có một mình tôi được học cấp 3. Trường cách nhà gần 15km, tôi đi học bằng chiếc xe đạp cà tàng. Nhà nghèo nên ngoài bộ đồng phục, tôi chẳng có thứ gì, không quần jeans, áo thun, không một xu dính túi. Mỗi lần xin mẹ tiền mua một quyển sách tham khảo cũng chẳng có. Tôi hay khóc khi vừa cầm vở vừa lùa một đàn bò vào chân núi. Chăn bò, kiếm củi, cấy, cắt cỏ… nói chung những công việc nhà nông thì tôi rất rành.

Truyện ngắn: Hạnh phúc không đến nhiều lần trong đời người

Khác với chợ ở thành phố, chợ quê thường họp ven sông hay dưới bóng mát của tán đa, tán gạo đình làng. Mưa nắng gì cũng thế, nhưng mưa thì có tranh tre nứa lá che chắn, trông luộm thuộm nhưng hàng hóa bày bán cũng ngăn nắp, gọn gàng. Mùa nào thức ấy. Mùa xuân có cải ngọt, xà lách, dền… Mùa hè có rau muống, mồng tơi, sen, mướp đắng… Mùa thu có nhiều loại quả. Mùa đông có bắp cải, su hào, kiệu, bí, gừng.

Truyện ngắn: Dự án du lịch

Sáng Chủ nhật, nhà Mây có khách: Một người đàn ông trẻ mặc veston đen, sơ mi sọc xanh, đi xe Camry. Trông anh ta chững chạc và lịch sự như đi dự hội thảo - Mây nghĩ. Người đàn ông nhìn Mây với ánh mắt thân thiện: “Mây không nhớ mình sao? Sơn đây!”. “Ôi Sơn! Trời ơi! Đúng là Sơn rồi!” - Mây kêu lên, ngạc nhiên đến thảng thốt.

Truyện ngắn: Xóm lưới nơi đảo xa

Biển mùa này rực nắng. Sóng lăn tăn, lấp lánh từng lượn đuổi xô, oạp khẽ vào bờ cát trắng. Xa, ngực biển xanh thẫm, vồng cao. Trời cũng vồng cao, thẳm xanh. Xa hơn, trời thấp xuống, biển cao lên, nhập thành một lằn ngang duy nhất. Trên cái lằn ngang mong manh ấy, thi thoảng hiện ra chấm đen nhỏ xíu của một con tàu. Hiện rồi biến mất, chẳng con tàu nào có ý định đến gần đảo hơn…

Truyện ngắn: Anh sẽ chờ em

Sau khi tốt nghiệp ngành Nuôi trồng thủy sản, Vi quyết định về làm việc tại Tràm Chim ở tỉnh Đồng Tháp. Ai cũng ngạc nhiên, hỏi: “Sao Vi có thể rời bỏ Vũng Tàu để đến một nơi xa lắc xa lơ vậy?”. Vi trả lời đơn giản: “Vì nơi ấy có những buổi bình minh xôn xao tiếng chim”. Thật ra, còn một lý do khác mà Vi chưa thể nói…
Top