Hớt tóc là một dịch vụ không thể thiếu trong đời sống xã hội. Bất kể bạn là ai, bạn làm nghề gì, giàu hay nghèo, tóc bạn ngắn hay dài, thưa hay mau, mọc nhanh hay mọc chậm… Nhưng nếu bạn là đàn ông thì một tháng ít nhất một lần, bạn phải tìm đến tiệm hớt tóc. Đó là chưa kể những lần bạn đến chỉ để cạo mặt, lấy ráy tai, mát xa mặt, nhuộm tóc hay gội đầu. Ghế Hồng Kông bật lò xo, nằm ngửa, bạn sẽ thấy thật thoải mái khi cạo mặt, gội đầu, lấy ráy tai, có khăn nóng, khăn lạnh, xịt chút dầu thơm… Chính vì vậy, nhiều khách hàng đã xem đây là loại hình giải trí, thư giãn trong những ngày nghỉ.
Hớt hóc là nghệ thuật tạo hình, được xem là một nghề lương thiện, dễ học, vốn ít, chóng thành nghề, công việc không vất vả nặng nhọc, thu nhập trung bình, đáp ứng nhu cầu tất yếu của mọi người trong xã hội. Ngoài ra, nó còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho một số lượng lao động không nhỏ ở địa phương và lao động nhập cư từ nơi khác đến. Theo ước tính sơ bộ, trong phạm vi bán kính chưa đầy 3km từ xã Mỹ Xuân đến xã Phước Hoà, huyện Tân Thành, đã có khoảng gần 100 tiệm hớt tóc lớn nhỏ, mỗi tiệm từ 2 đến 8 ghế, nếu tính bình quân 3 ghế một tiệm thì nơi đây đã có gần 300 lao động làm nghề hớt tóc.
Cách đây vài chục năm, nghề này chủ yếu dành cho nam giới vì nữ giới sợ bị đụng chạm khách nam ở cự ly gần, gây nên cách hiểu không hay trong dư luận xã hội. Thế nhưng, ngày nay thì ngược lại. Các tiệm hớt tóc nam “truyền thống” đã phải cạnh tranh rất vất vả với các tiệm “Hớt tóc nghệ thuật”, “Hớt tóc thanh nữ”, do các cô thợ hớt tóc trẻ đẹp, khêu gợi ở đây hành nghề. Nhiều tiệm của các thợ hớt tóc nam đã phải dẹp bỏ vì ế ẩm, không đủ sức cạnh tranh.
Quả thật, chỉ trong vòng vài năm gần đây, trên các con đường dẫn ra các khu công nghiệp ở huyện Tân Thành, các tiệm hớt tóc nam phát triển khá nhanh, phần đông là do các cô gái trẻ đảm nhiệm. Các tiệm này đã và đang thu hút giới mày râu đến chỉnh trang hình thức, trong đó có đủ mọi lứa tuổi, thành phần.
Anh Nguyễn Văn B công nhân khu công nghiệp Phú Mỹ I cho biết: “Trước đây cả tháng tôi mới ghé tiệm hớt tóc một lần. Sau đó, đến riết thành quen, giờ thì đâm… nghiện. Mỗi tuần tôi đến một lần để cạo mặt, cạo râu, ngoáy tai, mát xa mặt… giá chỉ 15 ngàn đồng, đó là chưa kể tiền gội đầu hoặc tiền “bo” tuỳ hứng…”.
Một đêm tối trời cuối năm, 12 giờ kém 15 phút, tôi rời khỏi nhà. Lúc này quốc lộ 51 vắng hoe. Thỉnh thoảng mới có một chiếc xe ô tô lao vút qua, chạy về hướng thành phố Vũng Tàu. Khu dân cư yên tĩnh chìm trong giấc ngủ. Chỉ có vài quán bi da là còn hoạt động. Theo sự chỉ dẫn của anh bạn, tôi lò dò tìm đến tiệm hớt tóc LD (nằm cạnh một quán cà phê) thuộc địa bàn thôn Quảng Phú, thị trấn Phú Mỹ. Hai cô gái trẻ xinh đẹp đang nằm dài trên ghế chờ khách. Thấy tôi, cả hai cô cười tươi như…đã quen nhau từ kiếp trước: “Anh hớt tóc, mát xa mặt hay giác hơi?”, “Ủa ! Đây là tiệm hớt tóc mà, sao lại giác hơi ?”, Tôi buột miệng buông ra một câu hỏi ngớ ngẩn. Cô chủ cười : “Anh mới đến đây lần đầu à ?. Vậy anh ngồi lên ghế, để các em nó phục vụ…
Sau vài đường kéo sơ sơ, kèm theo mấy câu hỏi thăm dò, cô gái bắt đầu trổ tài trình diễn những màn công phu, thi thố các công đoạn làm hút hồn khách, như ngồi bên này với qua ngoáy tai bên kia, thỉnh thoảng lại với người qua lấy dụng cụ hớt tóc, tạo nên những cảm giác va chạm nhẹ tưởng chừng như vô tình nhưng thực ra là những màn nghệ thuật cố ý. Đôi lúc, cô gái lại dừng lại cúi xuống sát mặt tôi để nhìn cho rõ mấy nốt mụn trứng cá trên mặt, rồi nặn, hay nhổ mấy sợi tóc bạc nếu phát hiện thấy. Anh bạn nghiện hớt tóc của tôi tiết lộ: “Cảm giác mạnh, chỉ thực sự xảy ra ở phòng sau (phòng gội đầu). Phía sau tấm rèm che thiếu ánh sáng hoặc tấm ri đô, khách có thể múa may thoải mái với tiền “bo” ở công đoạn này là 30 ngàn đồng. Ở công đoạn này, các cô gái thường có màn biểu diễn đứng ở dưới với tay lên gội đầu cho khách… Thảo nào, có lần tôi rất ngạc nhiên khi nhìn thấy có những ông đầu hói trọc, loe hoe mấy sợi tóc vẫn thích gội đầu. Hầu hết thợ ở những tiệm hớt tóc như thế này đều biết cách vòi vĩnh bằng cử chỉ, để được nhận tiền “bo”. Có cô chiếm được cảm tình của khách nhờ biết… im lặng, trong mọi tình huống. 12 giờ 10 phút, bỗng nhiên có một ông khách khoảng chừng hơn 50 tuổi bước vào, đi thẳng đến ghế. Trời không nóng bức, ấy thế nhưng ông ta lại cởi phanh áo ngực một cách rất tự nhiên. Cô chủ thấy vậy lập tức móc điện thoại ra bấm liên tục rồi sau đó thì thầm vào máy “Mối của mày tới, về nhanh…” và chỉ mấy phút sau, ông khách đã được một cô gái trẻ từ đâu chạy về phục vụ.
Cô gái vừa cạo mặt cho tôi, vừa cúi sát xuống rỉ vào tai tôi thì thào: “Khách sộp của bọn em đấy. Ổng ấy làm gì, ở đâu bọn em không rõ, nhưng “ổng” thích con T nên chỉ có mình con T được tiếp lão mà thôi. Thợ hớt tóc tụi em đứa nào kiếm được ông khách như lão thì… “đã” lắm.
Thấy tôi có vẻ “Con nhà lành” ngô nghê không biết gì, nên cô gái gợi ý: “Chỉ cần anh muốn, bọn em cũng sẽ chiều anh như vậy, từ A tới Z ngay…”. Tôi cười, buông một câu nửa đùa nửa thật : “Sao không Z ngay đi để anh về cho sớm ?!..”. Cô gái cười như nắc nẻ: “Ở đây không được. Anh đi kiếm phòng trọ đi...”
À! Thì ra, khoảng cách từ hớt tóc đến mại dâm cũng là một khoảng cách ngắn… Tôi từ chối khéo vì lúc này đã khuya, đồng hồ trên tường chỉ 12 giờ 30 phút. Tôi đứng dậy ra về, trước khi thanh toán tiền, không quên xin số điện thoại di động của cô gái và hẹn gặp lần sau.
Sau lần đi hớt tóc… đêm, tôi gặp một cán bộ địa phương kể lại câu chuyện tối hôm đó cho anh nghe, anh cho biết: “Hầu hết các thợ hớt tóc nằm trên địa bàn xã đều đàng hoàng, biết giữ khoảng cách chừng mực với khách. Tuy nhiên vẫn còn những tiệm hớt tóc “đen” như tiệm LD là không thể tránh khỏi”.Cho đến nay, chưa ai nói rằng “Hớt tóc thanh nữ là tệ nạn”. Nhà nước cũng không cấm nữ làm nghề hớt tóc nam, song nó cũng giống như các loại hình dịch vụ khác, nếu không được quản lý kiểm soát chặt chẽ, khoảng cách từ đó đến tệ nạn xã hội thật sự cũng không lấy gì làm xa lắm. Cơ quan chức năng sẽ không thể kiểm soát nổi những màn múa may “mong mỏng” như thế diễn ra ở các tiệm hớt tóc “đen”. Chưa kể việc tổ chức khám bệnh định kỳ cho các thợ làm nghề hớt tóc cũng đang còn nhiều vấn đề bất cập.Xin được kết thúc phóng sự này bằng câu chuyện : “ Cô Trần Thị H quê ở Tiền Giang làm nghề hớt tóc ở thị trấn Phú Mỹ cách đây 3 năm tâm sự : “Em chọn nghề này vì nó nhẹ nhàng, nhanh kiếm được tiền để gởi về quê phụ má. Em đã gom góp gần đủ vốn để có thể về quê mở tiệm riêng nhưng không may em có bầu 8 tháng. Hắn trốn mất tích rồi. Giờ thì em nhận ra rằng: Để có một gia đình êm ấm hạnh phúc trong tương lai với em là rất mịt mù”. /.
Đào Quốc Thịnh
( Báo BR-VT, số 3752 ra ngày 07/03/2006 )