Trong quá trình đạo Phật du nhập vào nước ta và một bộ phận quan trọng của nó phát triển theo khuynh hướng dân gian hóa, giữa tín ngưỡng thờ Phật và tín ngường thờ Mẫu có sự thâm nhập và tiếp thu ảnh hưởng lẫn nhau khá sâu sắc. Điều dễ nhận biết là ở hầu hết các ngôi chùa hiện nay ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đều có điện thờ Mẫu. Trong đó phổ biến nhất là dạng “tiền Phật hậu Mẫu”. Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền thì việc xuất hiện điện Mẫu và tượng Mẫu trong chùa mới chỉ thấy ở giai đoạn muộn. Người ta đi chùa vừa để lễ Phật vừa để cúng Mẫu. Nhiều khi điện Mẫu đã tạo nên không khí “ấm cúng”, nhộn nhịp hơn cho các ngôi chùa làng. Có nhiều ngôi chùa ở Nam Bộ lại thờ Mẫu như là chính, như chùa Hang ở Linh Sơn (núi Bà Đen) hay chùa Bà ở thành phố Hồ Chí Minh.
Thiên hậu Thánh Mẫu
Không chỉ có con đường các điện Mẫu đi vào chùa, mà còn có đường ngược lại – Phật đi vào các đền phủ thờ Mẫu. Trong điện thần cũng như cách thức phối tự ở các ngôi đền, phủ, ta đều thấy sự hiện diện của Phật, mà đại diện cao nhất là Phật Bà Quan Âm cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh. Cũng phải nhấn mạnh rằng Quan Âm trong Phật giáo Ấn Độ vốn là một nam thần, nhưng khi qua Trung Quốc và nước ta đã bị “nữ thần hóa”, thậm chí “Mẫu hóa” để trở thành Quan âm Thánh Mẫu của tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam. Trong các ngày giỗ Mẫu đều có nghi thức rước Mẫu lên chùa đón Phật về đền phủ cùng tham dự ngày hội. Trong hệ thống các bài văn chầu thì có chầu Nhị vị Bồ Tát…
Truyền thuyết về Liễu Hạnh công chúa còn ghi rõ sự tích “Sòng Sơn đại chiến”, theo đó trong lúc Mẫu Liễu Hạnh đang bị đạo sĩ của phái Đạo Nội dồn vào tình thế nguy kịch thì Thích Ca Mâu Ni ra tay cứu độ, giải thoát cho Liễu Hạnh Công Chúa. Từ đó Thánh Mẫu Liễu Hạnh quy y, nghe kinh luân pháp, chuyển hóa từ bi theo gương Phật.
Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một trong 4 vị Thánh bất tử của Việt Nam
Tất nhiên, trong khung cảnh nông thôn Việt Nam sự xâm nhập và ảnh hưởng lẫn nhau giữa hai thứ tôn giáo tín ngưỡng dân dã là điều dễ hiểu. Cũng là tín ngưỡng dân dã của người dân, cũng hướng về từ bi bác ái, tinh thần cộng đồng, khuyến thiện trừ ác, nền tảng của những nguyên tắc xã hội cổ truyền. Với lại dường như hai tín ngưỡng này có cái gì bổ sung cho nhau, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người nông dân: Theo Phật để tu nhân tích đức cho đời kiếp sau được lên cõi Niết bàn cực lạc; còn theo tín ngưỡng thờ Mẫu là mong được phù hộ độ trì mang lại tài lộc, sức khỏe, may mắn cho đời sống hiện hữu thường ngày.
Còn với Ấn Độ giáo và Thiên Chúa giáo thì tín ngưỡng thờ Mẫu cũng không tạo ra bức tường ngăn cách. Hơn thế nữa truyền thống tôn thờ Mẫu của người Việt Nam cũng có cái gì đó gần gũi với biểu tượng Đức Mẹ Maria của Đạo Thiên Chúa. Do vậy khi du nhập vào nước ta những người làm truyền đạo không nhận ra nét tương đồng giữa tín ngưỡng thờ Mẫu bản địa và Thiên Chúa Giáo, lợi dụng nó trong việc truyền đạo. Với đọa Hindu (Ấn Độ giáo) xa xôi về nhiều phương diện, nhưng người Việt không phải là không “Việt hóa” các vị thần của đạo này, biến nó thành một dạng Thánh mẫu của người Việt. Việc tôn thờ Bà Đen ở Linh Sơn và bà Chúa Xứ ở Núi Sam là những ví dụ điển hình cho xu hướng bản địa hóa ấy.
Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam