Điện Kremlin nằm giữa trung tâm Thủ đô Moscow (ảnh Vietnam Booking.com)
Nước Nga nằm ở phía Bắc, phía Đông của Bắc bán cầu, gần Bắc Cực, với diện tích 17,09 triệu km2 được xem là lớn nhất thế giới.
Nga có đường biên giới chung với 14 quốc gia, kéo dài tới 57.792 km, trong đó biên giới đất liền dài 20.139 km, cũng được xem là biên giới dài nhất thế giới.
Quảng trường Đỏ nằm giữa trung tâm Thủ đô Moscow (ảnh Vietnam Booking.com)
Đặt chân đến nước Nga, du khách không thể không thể bỏ qua ba địa danh nổi tiếng, đó là: Điện Kremlin, Quảng trường Đỏ và Cung điện Mùa Đông.
Điện Kremlin nằm giữa trung tâm Thủ đô Moscow, là nơi ở và làm việc của vua Nga trước đây. Nay là trụ sở làm việc của nhiều cơ quan cấp cao Nga. Quảng trường Đỏ là địa danh nổi tiếng thứ hai sau điện Kremlin, được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Còn Cung điện Mùa Đông được xem là “linh hồn” của thành phố Saint Petersburg ra đời từ thế kỷ 18.
Đi Nga, nhưng chúng tôi chỉ được phép tham quan Điện Kremlin, Quảng trường Đỏ và Trường Đại học Tổng hợp Mocscva. Trường Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov (Московский государственный университет имени).
Trường Đại học Tổng hợp Moskva (ảnh Internet)
Trường Đại học Tổng hợp Moskva có 34 tầng, trung bình mỗi tầng cao khoảng 5m, gồm 40.000 phòng. Nếu không tính các tòa nhà chọc trời ở New York thì tòa nhà của Đại Học Lomonoxop là tòa nhà cao nhất thế giới cũng như Châu Âu. Nó chứa tổng cộng 33 kilômét đường hành lang và 5.000 phòng. Có ít nhất có ba tầng chìm sâu dưới đất. Nếu muốn đi thăm hết tòa nhà này bạn phải dành ít nhất 60 năm để đi hết các phòng trong trường.
Về khí hậu ở Nga chia thành hai mùa rõ rệt trong năm là mùa hè và mùa đông, trong khi mùa xuân và mùa thu của nước Nga thì chỉ là giai đoạn giao mùa ngắn ngủi. Tháng 7 là khoảng thời gian ấm áp nhất tại đất nước này và từ tháng 5 đến tháng 10 là thời điểm lý tưởng nhất để du khách đi du lịch Nga. Thời điểm này thời tiết mát mẻ, dễ chịu, du khách có thể tham gia hoạt động ngoài trời mà không bị ảnh hưởng.
Cung điện Mùa Đông thuộc thành phố Saint Petersburg (ảnh Vietnam Booking.com)
Thời tiết mùa đông rất lạnh nên Rượu Vodka được xem là thức uống truyền thống của Nga. Rượu Vodka được làm từ các loại ngũ cốc lên men hoặc khoai tây và người dân địa phương thường uống rượu nhằm giữ ấm cơ thể trong những ngày mùa đông buốt giá. Nga có hẳn một bảo tàng về loại rượu Vodka để du khách đến tham quan và thưởng thức các loại rượu. Thời tiết lạnh nên ẩm thực cũng là những món nướng. Shashlik là món thịt nướng trứ danh của Nga. Để món ăn có hương vị ngon hơn, người ta thường nướng thịt trên than hồng không khói. Thịt sẽ được cắt thành từng miếng nhỏ, tẩm ướp đầy đủ gia vị, sau đó xiên que cùng với các loại rau củ và đặt trên vỉ nướng. Món Shashlik dùng nóng hay nguội đều rất tuyệt và đặc biệt rất hợp với rượu vang Nga.
Tác giả thời học sinh, sinh viên
Thế hệ chúng tôi gắn bó với nước Nga qua những trang sách học trò, qua nền điện ảnh Xô Viết, qua âm nhạc và qua những tác phẩm văn học mô tả cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Nga...
Trái tim non nớt của tôi ngày bé, nhiều lần run rẩy mỗi khi xem những bộ phim xúc động của Nga về chiến tranh và đến tận bây giờ vẫn không sao quên được...
Tôi học hệ Phiên dịch tiếng Nga (Đại học Ngoại ngữ Hà Nội) nhưng cũng không theo nghề phiên dịch và cũng chỉ sang Nga đúng một lần, tham quan trường đại học tổng hợp Mocscva.
Các giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội năm đó là những thầy cô rất giỏi: Thầy Hùng, thầy Thanh, cô Thư, cô Thanh, thầy Nghiêm, thầy Bích....những thầy cô trực tiếp dạy tôi ngày ấy sau này luôn tỏ ra tiếc nuối khi thấy tôi không theo nghề.
Thầy Hùng là Hiệu phó, sau này là Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội; Thầy Thanh là Trưởng phòng Đào tạo, còn thầy Nghiêm là Trưởng khoa Phiên dịch. Thầy Nghiêm (chủ nhiệm lớp tôi) trước đó là phiên dịch chính cho các phái đoàn ngoại giao của Chính phủ ta thời ấy.
Chúng tôi ra trường rồi nhưng thầy trò vẫn tình nghĩa, gắn bó, quan tâm đến nhau. Thỉnh thoảng thầy Nghiêm gọi điện thoại nói chuyện với tôi bằng tiếng Nga rất hồn nhiên, nhưng tôi cười bảo: "Thầy ơi, em quên hết rồi thầy ạ. Chỉ còn nhớ được đúng một câu tiếng Nga thôi.
Thầy hỏi tôi: Câu gì?
Tôi trả lời thầy bằng tiếng Nga (lấy từ một câu nói trong một bộ phim Nga, nội dung là: "Người ta có thể quên nhiều thứ trong đời, nhưng không thể nào quên được con sông nơi mình đã đi qua và con đò đã chở mình qua sông ngày ấy..."
Thầy xúc động nói với tôi: Em nhớ được câu đó là tuyệt vời lắm đấy. Em làm thầy thêm yêu nghề dạy học...
Tôi yêu nước Nga. Đất nước, con người, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mê hồn của người dân Xô Viết luôn để lại những tình cảm tốt đẹp, không thể phai mờ trong ký ức của lớp người, thế hệ chúng tôi ngày ấy...
Nếu sau này có điều kiện, tôi sẽ quay lại nước Nga vào mùa Đông để trải nghiệm và cũng là để thực hiện một ước mơ thời niên thiếu của mình....
(Ghi chép của Đào Quốc Thịnh)