Người Việt và các dân tộc khác ở nước ta vốn là cư dân nông nghiệp trồng lúa ở vùng nhiệt đới gió mùa, do vậy, từ ngàn đời nay, từ quan niệm, lối nghĩ đến nếp sống của họ cơ bản vẫn là nông dân. Quan niệm vũ trụ luận phương Đông cổ đại vẫn là âm dương tương khắc, tương sinh. Trong tiềm thức của họ, việc tôn thờ thần Đất, thần Nước, thần Núi, thần Lúa… đều đồng nhất với âm và nhân hóa thành nữ tính – Mẹ. Hơn thế nữa, nhiều hiện tượng vũ trụ và tự nhiên cũng được người Việt gắn cho nữ tính, mà thuộc tính của nó là bảo trữ, sinh sôi, sáng tạo.
Đi sâu hơn vào đời sống của người nông dân trồng lúa nước thì đất và nước là những điều kiện quan trọng hàng đầu, nó nuôi sống cây lúa để sinh sản ra thóc gạo nuôi sống con người. Bởi thế, từ lâu người nông dân coi đất, nước và cây lúa như thần linh, đúng hơn là một biểu tượng mang tính thiêng liêng và các vị thần đó đều mang tính nữ: Mẹ Đất, Mẹ Nước và Mẹ Lúa. Quy trình canh tác cây lúa từ lúc cày xới, gieo cấy, chăm sóc và thu hoạch đều được mở đầu bằng các nghi lễ. Nhiều khâu công việc trong trồng cấy lúa đều gắn với phụ nữ, dành cho phụ nữ , tạo ra những cấm kị đối với nam giới. Bởi thế việc trồng lúa và tín ngưỡng trồng lúa gắn với vai trò và vị trí của người đàn bà – Người Mẹ.
Cùng với sự phát triển sản xuất và phân công lao động, nhiều hoạt động sản xuất và ngành nghề mới xuất hiện gắn với vai trò của người phụ nữ kể cả trên thực tế cũng như trên biểu tượng và thế giới tâm linh. Từ đó đã xuất hiện các vị tổ sư ngành nghề là phụ nữ.
Có nhiều ý kiến khẳng định rằng xã hội Việt Nam để lại những tàn dư rõ nét chứng tỏ một thời chế độ mẫu hệ và mẫu quyền đã từng tồn tại. Chúng ta có thể nhận biết những tàn dư này trên nhiều phiến diện: huyền thoại, truyền thuyết, thờ cúng, pháp luật, các quan hệ hôn nhân, gia đình, quan hệ làng xã… Từ sau công nguyên, đặc biệt là từ thế kỷ X, nhà nước phong kiến đã được thiết lập, chế độ phụ quyền đã được thay thế chế độ mẫu quyền, nhưng những dấu vết và tàn dư của nó thì không dễ gì xóa được.
Chịu ảnh hưởng của Nho giáo, từ thời nhà Lê, nhất là thời nhà Nguyễn, vai trò của những người phụ nữ trong gia đình và xã hội có bị coi nhẹ, cái gọi là “nam tôn nữ ti” đè nặng lên quan niệm của giai cấp phong kiến, các nhà Nho và thể hiện qua luật pháp. Tuy nhiên, trong làng xã người nông dân vẫn sống theo thói quen cổ truyền, kiểu “phép vua thua lệ làng”. Truyền thống mẫu hệ, mẫu quyền vẫn chi phối nhiều quan hệ trong gia đình. Người vợ người phụ nữ vẫn giữ vai trò hàng đầu trong tổ chức và quản lý gia đình, nhất là về phương diện kinh tế. Họ là “nội tướng”, là “tay hòm chìa khóa”, đàn ông lo việc lớn phụ nữ lo quản lý, chi tiêu, kiểu “đàn ông tậu nhà, đàn bà bán lợn”. Nếu một người đàn ông nào đó can thiệp vào quản lý gia đình thì thường bị chê là “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành, là kẻ “tiểu nhân”. Hình ảnh một người phụ nữ đảm đang, tần tảo lo toan cho chồng con luôn thấy trong văn học (thơ Tú Xương).
“Quanh năm buôn bán ở đầu mom
Nuôi đủ năm con với một chồng”
Vai trò “nội tướng” của người phụ nữ cũng đã được phản ánh thông qua nghi lễ. Nếu ngôi đền thờ nào thờ cả ông cả bà thì trong đám rước, khi còn trong phạm vi ngôi đền thì kiệu Bà bao giờ cũng đi trước, kiệu ông tiếp sau, chỉ khi đi qua cổng ra tới đường, thì kiệu Bà mới dừng lại nhường cho kiệu Ông tiến lên trước, kiệu Bà theo sau.
Trong việc giáo dưỡng con cái thì người vợ, người phụ nữ chịu trách nhiệm chính “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, “Phúc đức tại Mẫu”. Trong đời sống cộng đồng, tín ngưỡng, người phụ nữ có một thế giới riêng, đó là ngôi chùa và ngôi đền thờ Mẫu, chỉ có ở ngôi đình, nơi thờ thành Hoàng làng, chịu ảnh hưởng của Nho giáo thì họ mới bị cự tuyệt mà thôi.
Trong lĩnh vực pháp luật của nhà nước, ngay một nhà nước đã lấy Nho giáo làm nền tảng thì trong Bộ luật Hồng Đức (1478), nhiều mặt về vai trò và quyền lợi của người phụ nữ cũng còn được đề cao và bênh vực. Ví dụ, trong hôn nhân, chỉ khi người phụ nữ ưng thuận thì mới được phép kết hôn. Chồng xa nhà quá 5 tháng mà không đi lại hỏi thăm vợ thì có thể mất vợ, rồi quyền con gái trong thừa kế gia sản của cha mẹ để lại cũng được pháp luật đảm bảo…
Chỉ với những nét phác họa như vậy cũng đủ cắt nghĩa tại sao trong đời sống tinh thần và tâm linh, nhiều phụ nữ đã trở thành các thần – Nữ thần, trong đó có các vị tôn vinh là Mẫu, Thánh Mẫu; đạo của dân gian, của dân tộc được gọi là tín ngưỡng thờ Mẫu.
Ban Nghiên cứu Tôn giáo