Tết Đoan ngọ là ngày lễ truyền thống quan trọng ở Việt Nam và một số quốc gia châu Á khác; riêng với Việt Nam, đây là ngày Tết giết sâu bọ, bảo vệ mùa màng.
Tết Đoan ngọ, còn gọi là Tết Đoan dương, được tổ chức ở nhiều quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ở Việt Nam, ngày này còn có cái tên dân dã là "Tết giết sâu bọ".
Ngày lễ này diễn ra vào ngày mùng 5/5 Âm lịch hàng năm, thời điểm quan trọng nhất là giờ Ngọ - từ 11-13h.
Tết Đoan ngọ không chỉ là dịp để cả gia đình sum họp bên nhau, mà còn là thời điểm quan trọng trong nông nghiệp, đánh dấu bước khởi đầu cho việc bắt sâu bọ, tiêu diệt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng, chuẩn bị cho mùa vụ mới. Tết Đoan ngọ 2024 rơi vào thứ Hai ngày 10/6 Dương lịch.
Bạn có biết nguồn gốc, ý nghĩa ngày Tết Đoan ngọ?
Nguồn gốc Tết Đoan ngọ
Theo dân gian Việt Nam, tục tổ chức Tết Đoan ngọ bắt nguồn từ câu chuyện cách đây rất lâu, khi nạn sâu bọ tấn công mùa màng của nông dân. Chuyện kể rằng sau một mùa gặt hái bội thu, nông dân vui sướng tổ chức ăn mừng, nhưng rồi đàn sâu bọ khổng lồ đã kéo đến phá hoại mất cây trái và thực phẩm đã thu hoạch.
Dân làng đau đầu không biết cách đối phó, may được một ông lão tự xưng là Đôi Truân từ xa đến chỉ dẫn. Ông lão hiền từ bảo mỗi nhà nên lập đàn cỗ đơn giản với bánh tro, trái cây và cùng nhau ra đường vận động thể dục. Họ làm theo lời ông thì chỉ trong chốc lát, đàn sâu bọ hung hăng đã bị trừ diệt.
Trước khi rời đi, ông lão căn dặn mỗi năm đến ngày ấy (ngày mùng 5/5 Âm lịch) cứ làm như lời chỉ dẫn thì sẽ đuổi được sâu bọ. Dân làng biết ơn vô cùng, chuẩn bị tạ lễ chu đáo, nhưng ông lão đã đi mất tăm. Từ đó, người dân đặt tên cho ngày này là "Tết diệt sâu bọ" hay "Tết Đoan ngọ" vì giờ cúng thường vào giữa trưa. Từ đó, việc tổ chức Tết Đoan ngọ trở thành một truyền thống với nhiều nghi lễ như dựng hương án, cúng trái cây, bánh tro, rượu nếp để cầu một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Trong văn hóa Trung Quốc, truyền thuyết phổ biến nhất về nguồn gốc Tết Đoan ngọ gắn với Khuất Nguyên, một nhà thơ và chính trị gia. Ông là người có tính khí cương trực, luôn can ngăn vua nên bị gian thần hãm hại, buộc phải đi đày. Ông thất chí, tự cho mình là "người trong sống trong thời đục" nên suốt ngày ca hát như người điên, làm bài phú tỏ lòng mình rồi ôm một phiến đá, gieo mình xuống sông Mịch La tự tử vào ngày 5/5 Âm lịch. Để bày tỏ lòng thương tiếc vị trung thần, người dân tổ chức tưởng niệm ông vào đúng ngày này.
Ý nghĩa ngày Tết Đoan ngọ
Trên khắp mọi miền Việt Nam, Tết Đoan ngọ không đơn thuần là một ngày lễ truyền thống mà còn là dịp quan trọng để phát động phong trào bắt sâu bọ, tiêu diệt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng, cầu mong cho một vụ mùa bội thu.
Các gia đình cũng duy trì tập quán ăn bánh tro, chè trôi nước hạt sen, cơm rượu và các loại quả chua với niềm tin đây là cách giúp diệt trừ sâu bọ trong cơ thể, tránh các loại bệnh tật mùa hè. Người xưa quan niệm bộ phận tiêu hóa của con người thường có các loại ký sinh gây hại nhưng không phải lúc nào cũng diệt được; nhưng trong ngày 5/5 chúng sẽ ngoi lên và đây là thời cơ để con người diệt trừ chúng bằng những thức ăn có vị chua, chát, cay nóng...
Việc ăn hoa quả và rượu nếp vào ngày 5/5 Âm lịch được coi là biện pháp diệt trừ sâu bọ. Theo quan niệm dân gian, trong ngày này, cần súc miệng 3 lần và ăn một bát rượu nếp sẽ làm sâu bọ say sưa, sau đó tiếp tục ăn trái cây để chúng chết.
Như vậy, Tết Đoan ngọ không chỉ là dịp tôn vinh truyền thống, văn hóa dân tộc mà còn là cơ hội để nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống và cầu mong một mùa màng mùa mới bội thu.
Theo VTC NEWS