banner 728x90

Nguồn gốc tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ Phủ

28/08/2024 Lượt xem: 2361

Thần linh chỉ trở thành linh thiêng khi được con người tín thờ, ngưỡng vọng, khi thần linh đó nảy sinh từ ngay chính nhu cầu và nguyện vọng thiết thân của con người, trong một hoàn cảnh xã hội nhất định của con người. Đừng đi tìm sự xác thực lịch sử ở các hiện tượng tôn giáo tín ngưỡng vì ở đó chỉ có sự xác tín. Mà với con người nhiều khi sự xác tín còn cao hơn và quan trọng hơn sự xác thực.

Những tư liệu thư tịch ghi chép về tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ Lên đồng còn lại quá ít ỏi. Trong “Thiền Uyển tập anh” nói về nhà sư Khánh Hỷ thời Lý Thần Tông (trụ trì ở chùa Từ Liêm, mất năm 1135), khi cùng thầy đến nhà thí chủ, Khánh Hỷ hỏi thầy rằng “ý nghĩa của Tố Thiền là thế nào mà thầy đến nhà dân nghe đồng cốt?”. Bản tịch trả lời “Hỏi như vậy chẳng hóa ra đồng cốt giáng thần à?”.

Điện thờ Tam phủ

Tư  liệu mô tả ít ỏi về “đồng cốt” trong “Thiền Uyển tập anh” nêu trên thật khó xác định đó là tục “đồng cốt” nói chung (với các dạng “đồng thiếp”, “đồng nồi”, “đồng cối”…) hay là tục Lên đồng (cũng gọi là đồng cốt) của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ. Theo quan niệm khá phổ biến hiện nay thì tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ với nghi thức Lên đồng chỉ xuất hiện từ sau thế kỷ XV với sự xuất hiện của Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Ca dao thời Lê (hậu Lê) mà sau này được ghi lại trong “Nam Phong giải trào” cũng có những câu nhắc tới hiện tượng đồng cốt:

“Bà cốt đánh trống long bong

Nhảy lên nhay xuống cái ong đốt…”

Thượng Kinh ký sự thời Lê của Lê Hữu Trác có kể lại một buổi ngồi đồng. Năm 1781, ông từ Thanh Hóa ra Thăng Long, qua xã Kim Khê nghỉ lại và được mời dự buổi lên đồng: “Tôi nghỉ ở trạm Kim Khê quan văn thư làm lễ vào yết miếu làng ấy, ông có đặt một tiệc hát và cho mời tôi thấy một “cô đồng” đang hầu giá nhà Thánh vua đảo vừa nói lảm nhảm. Có người bảo tôi rằng Thánh Mẫu ở đây linh ứng lắm, cụ vào kinh, có muốn việc gì thì cứ kêu ngài. Tôi trả lời rằng, phàm ai cũng cần lấy cái sở đắc, chứ có ai cầu cái sở thất, bụng tôi không nguyện đắc cái gì thì cầu làm chi. Cô đồng nghe tủm tỉm cười, quan văn thư cũng trông tôi cả cười”.

Những tư liệu trích dẫn trên từ thế kỷ XII (thời Lý) đến thế kỷ XVIII (hậu Lê) cho ta thấy ở người Việt có tục “đồng cốt”, đặc biệt thời hậu Lê (qua Nam phong giải trào), còn mô tả kỹ hơn là “Bà cốt” (Bà đồng) vừa nhảy đồng vừa gõ trống. Còn trong tư liệu mô tả của Lê Hữu Trác (1781) thì thực sự là một cuộc Lên đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ. Cũng cần nói thêm rằng việc bà cốt vừa nhảy đồng vừa gõ trống là hiện tượng ngày nay không thấy nữa, vì gõ trống, đàn hát bây giờ là do cung văn đảm nhiệm. Tuy nhiên, việc bà đồng vừa nhảy vừa múa vừa gõ trống thì lại là hiện tượng phổ biến hiện nay của các thầy Shaman của các dân tộc trên thế giới. Như vậy, ít nhất cho tới thời hậu Lê (Lê Chiêu Thống) hiện tượng bà đồng vừa nhảy múa vừa chơi nhạc (gõ trống) vẫn phổ biến ở người Việt.

Tín ngưỡng thờ Tam Tứ Phủ của người Việt

Theo sự tích và huyền thoại được ghi chép trong bi ký và sách Hán Nôm, đặc biệt là sách Vân Cát thần nữ của nữ sĩ Hồng Hà Đoàn Thị Điểm thì thân chủ của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là Công chúa Liễu Hạnh con vua Ngọc Hoàng do mắc lỗi đánh vỡ chén ngọc trong Hội Vườn đào nên đã 3 lần giáng trần. Lần thứ nhất, từ năm 1434-1473 Công chúa Liễu Hạnh giáng sinh vào nhà họ Phạm tại thôn Vỉ Nhuế, xã Trần Xá, huyện Đại An (Ý Yên) tỉnh Nam Định. Lần thứ hai, từ năm 1557-1577, giáng sinh vào nhà họ Lê tại làng Vân Cát, lấy chồng họ Trần (xã An Thái, huyện Thiên Bản, tức Vụ Bản, Nam Định ngày nay). Lần thứ ba, từ năm 1609-1610, công chúa giáng trần vào nhà học Hoàng lấy chồng là Mai Sinh ở làng Tây Mỗ, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Với ba lần giáng sinh (tam hóa tam sinh) Tiên Chúa Liễu Hạnh đều hiện thân là người phụ nữ tài danh, công dung ngôn hạnh, giúp dân mở mang nghề nghiệp, xây chùa đi tu, khi hóa được nhân dân khắp nơi thờ phụng để ghi nhớ công đức của Tiên Chúa.

Sau ba lần “Tam sinh tam hóa” kể trên, Liễu Hạnh công chúa chu du khắp nơi. Từ Lạng Sơn, Tây Hồ (Hà Nội), Đèo Ngang, Phố Cát, Sòng Sơn…. đã từng chống lại các pháp sư dòng Nội Đạo của vua Lê – chúa Trịnh, sau cùng được Phật Quan Âm giáo hóa quy y, vua Lê phong Thánh, trở thành vị thần chủ Mẫu Tam, Tứ phủ.

Ban Nghiên cứu VHTN phía Nam

 

Tags:

Bài viết khác

Các hình thức diễn xướng trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Hầu bóng là một nghi lễ tiêu biểu và đặc trưng nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu, vốn xuất phát từ người Việt ở Bắc Bộ, nhưng sau đó theo chân người Việt vào Trung Bộ và Nam Bộ, tạo nên những sắc thái riêng cho mỗi miền. Hầu bóng, nhìn từ góc độ văn hóa - nghệ thuật là một hình thức diễn xướng dân gian tổng hợp, một loại hình sân khấu tâm linh.

Lễ hội Nghinh Ông - Nét văn hóa đậm chất dân gian và lâu đời của người dân vùng biển Cần Giờ

Hàng trăm ghe đánh cá của ngư dân huyện Cần Giờ (Tp.Hồ Chí Minh) tham gia đoàn đưa - rước Nghinh Ông, cầu vụ mùa bội thu. Từng đàn hải âu bám theo ghe Nghinh ra khu vực làm lễ. Bên đường người dân lập hương án chờ Nghinh Ông về.

Sự tích hợp các giá trị văn hóa nghệ thuật trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Trong các loại hình văn hóa của con người có một dạng thức văn hóa khá đặc thù, đó là “văn hóa tôn giáo”, như văn hóa Phật giáo, văn hóa Gia tô giáo, văn hóa Ấn giáo và văn hóa Khổng giáo. Đối với một số tín ngưỡng hay tôn giáo sơ khai, chúng ta có thể dõi thấy những dạng thức văn hóa, những quá trình tích hợp văn hóa – nghệ thuật như vậy, trong đó tín ngưỡng thờ Mẫu là một ví dụ khá tiêu biểu.

Lễ hội Nghinh Ông Phú Quốc: Nét đẹp tín ngưỡng thờ Cá Ông của ngư dân đảo ngọc

Lễ hội Nghinh Ông Phú Quốc được xem là lễ hội dân gian lâu đời của ngư dân trên đảo ngọc. Hằng năm, lễ hội đều được tổ chức để tỏ lòng thành kính đối với Cá Ông, cũng như mong muốn một năm mưa thuận gió hoà.

Ý nghĩa tượng Phúc Lộc Thọ

Từ xa xưa, con người luôn tin vào sức mạnh của thần linh để cầu chúc cho niềm vui, tuổi thọ và sức khỏe. Đặc biệt, tượng Phúc - Lộc - Thọ luôn được tôn thờ để gắn kết với những điều tốt đẹp này.

Tín ngưỡng thờ cúng trong các nhà thờ họ ở vùng biển

Nhà thờ họ là một công trình kiến trúc truyền thống của người Việt, được xây dựng để thờ cúng tổ tiên của một dòng họ. Đây là nơi con cháu trong dòng họ tập trung vào những dịp quan trọng như ngày giỗ tổ, lễ Tết, hay các nghi lễ tôn giáo khác để tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên.

Những mặt hạn chế, tiêu cực của tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ lên đồng

Bản thân tín ngưỡng thờ Mẫu là hệ thống các tín ngưỡng ở các trình độ phát triển rất khác nhau, từ sơ khai, nguyên thủy như các hình thức thờ Nữ thần đến các hình thức phát triển cao hơn là thờ Mẫu Tam Phủ Tứ Phủ.

Vẻ đẹp văn hóa trong nghệ thuật múa dân gian của người Dao

Khởi nguồn từ đời sống lao động và những ước mơ về cuộc sống thanh bình, hạnh phúc, nghệ thuật múa dân gian của người Dao phản chiếu những góc nhìn văn hóa đa chiều về cuộc sống, tín ngưỡng và bản sắc văn hóa Dao.
Top