Thờ cúng Thành hoàng là tín ngưỡng rất phổ biến ở các làng xã người Việt và ở một số dân tộc thiểu số khác, như Mường, Tày, tuy mức độ kém phổ biến hơn. Có thể nói, nếu thờ tổ tiên là tín ngưỡng chính của cộng đồng gia tộc thì thờ Thành hoàng là tín ngưỡng chính của cộng đồng làng. Thiếu hiểu biết về thờ Thành hoàng làng xã sẽ hạn chế đối với sự hiểu biết dân gian nói chung và tín ngưỡng làng xã nói riêng, đối với việc tìm hiểu con người và văn hóa của người nông dân Việt Nam.
Đình làng Thọ Bình thờ Thành Hoàng Chử Đồng Tử
Đã có nhiều nhà nghiên cứu bỏ công sức tìm kiếm từ nguyên của chữ “Thành hoàng” và đưa ra định nghĩa về loại tín ngưỡng này. Một điều không thể chối cãi là “Thành hoàng” là tên gốc từ Hán: “Thành” là cái thành, còn “Hoàng” là cái hào đào sâu bao quanh thành, tức vị thần coi giữ, bảo trợ cho cái thành trì của Trung Quốc. Sách Lễ nghĩa thông khảo của Trung Quốc nói “Thành hoàng là thần bảo vệ Thành. Vì vậy đã là Thành dù to hay nhỏ người Trung Quốc đều thờ Thành hoàng”.
Như vậy, cùng mang tên Thành hoàng nhưng ở Trung Quốc là vị thần của Thành trì, Thành thị, mà nổi tiếng nhất là Thành hoàng của Thượng Hải, phổ biến nhất ở Trung Quốc từ thời Đường – Tống; còn ở Việt Nam thì Thành hoàng là vị thần của mỗi làng xã, trong khi đó các làng, thôn của Trung Quốc chỉ thờ các Thổ thần.
Các nhà nghiên cứu của nước ta cũng đã để công khảo cứu tên “Thành hoàng” được dùng ở nước ta từ bao giờ. Ở Trung Quốc người ta truy tìm gốc gác vị Thành hoàng đầu tiên ở sách Chu Lễ là Thùy Dung (hay Chúa Dung), theo quan niệm dân gian là vị Hỏa thần, luôn trú ngụ trên tường và cửa thành, nhưng việc cúng lễ Thành hoàng và phong Vương cho Thành hoàng là từ thời Hậu Đường (934) và tới thời nhà Minh thì chính thức hóa việc cúng tế Thành hoàng ở các phủ, châu, huyện. Còn ở nước ta, sách đầu tiên nói đến Thành hoàng là Việt điện u linh, đó là Tô Lịch với tướng hiệu “Đô phủ Thành hoàng thần quân” của thành Đại La, lúc đó là trị sở của phủ đô hộ nhà Đường tại Việt Nam. Cũng phải ghi nhận rằng, việc phong thần này là theo mô thức Thành hoàng của Trung Quốc và do các quan đô hộ Trung Quốc gia phong. Đó là một kiểu Thành hoàng Trung Quốc được áp đặt ở Việt Nam và sau này nhà nước phong kiến Việt Nam tiếp tục gia phong và thờ phụng. Đặc biệt là sau khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long đã phong thần Tô Lịch là Quốc Đô Thăng Long Thành hoàng Đại Vương. Đến đời Trần thì với mỹ hiệu: Bảo Quốc Trần linh định bang, Quốc đô Thành hoàng Đại Vương. Đến triều Lê, năm 1442, vua Lê Nhân Tông cho lập đền thờ Đô Đại Thành hoàng./.
Ban Nghiên cứu Tôn giáo