Có thể nói, Việt Nam là một quốc gia có nhiều loại hình tôn giáo, tín ngưỡng, với trên 80% dân số có đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo. Ngoài 14 tôn giáo đã được Nhà nước thừa nhận, Việt Nam còn có nhiều loại hình tín ngưỡng dân gian như thờ cúng tổ tiên, thờ anh hùng dân tộc, thờ thành hoàng, thờ mẫu, tàn dư của tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ cúng các tổ nghề, thờ cúng ma, cúng thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi phía Bắc, thờ cúng Yang của đồng bào các tộc người thiểu số Tây Nguyên…
Trong thời gian qua, các lễ hội, tôn giáo, tín ngưỡng, diễn ra sôi động trên khắp mọi vùng, miền đất nước. Sự sôi động, nhộn nhịp của các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân, củng cố, nâng cao giá trị đạo đức, lối sống của người Việt, củng cố, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực các lễ hội,tín ngưỡngđã và đang có nhiều tác động tiêu cực đối với xã hội, đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm trên phương diện quản lý Nhà nước.
Trong hoàn cảnh xã hội nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, người dân đang có xu hướng trở về với những giá trị truyền thống trong các loại hình tín ngưỡng như thờ cúng tổ tiên, thờ thành hoàng, thờ các anh hùng dân tộc, thờ mẫu...,là biểu hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực này thì một bộ phận không nhỏ người dân tham gia vào các hoạt động tín ngưỡng không bằng tâm thành kính, hướng về cội nguồn, mà mang tính chất vụ lợi, thực dụng. Tâm lý trông chờ vào sự trợ giúp của thần, thánh xuất hiện ở nhiều người và nhiều tầng lớp người trong xã hội.
Đi lễ Hùng Vương
Trong phạm vi gia đình, dòng tộc, ở nhiều địa phương,từ khu vực thành thị tới nông thôn, hiện tượng tế lễ, phúng điếu linh đình, cầu kỳ, tốn kém trong ma chay, giỗ chạp; hoạt động xem ngày, kén giờ để cử hành các nghi lễ tang, ma; mời thày cúng lập đàn cúng tế, lập ban thờ, xem hướng đặt mồ mả…diễn ra khá phổ biến. Cùng với đó là phong trào xây dựng mồ mả, từ đường dù hoàn cảnh kinh tế của nhiều gia đình còn rất khó khăn. Sự phục hồi sôi động của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cũng phát sinh không ít các tiêu cực khác như mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ về đất đai, về các khoản đóng góp…Các sinh hoạt tín ngưỡng chung của cả cộng đồng như thờ thành hoàng làng, thờ anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hóa cũng đang bị biến dạng, méo mó. Từ ý nghĩa tốt đẹp ban đầu, giờ đây các anh hùng, các danh nhân văn hóa, những người có công với cộng đồng đang dần bị biến thành những vị thánh mang đầy bản chất thực dụng để đáp ứng mong muốn trần tục của người dân.
Một hoạt động tín ngưỡng bị lạm dụng đáng kể nữa là hầu đồng. Ngày nay, các “con nhang đệ tử” theo dự các giá hầu không vì mục đích tìm hiểu những giá trị văn hóa truyền thống đích thực trong tín ngưỡng thờ mẫu mà chủ yếu để cầucác“thánh” giải tai ương, hạn ách hoặc cầu tài, lộc, công danh… Mỗi lễ hầu đồng tiêu tốn hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Cùng với đó, hiện tượng đồng đua, đồng đú nở rộ và xu hướng mẫu hóa các cơ sở thờ tự gia tăng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân để thu lời...
Cổng Đình So Hà Nội
Lễ hội truyền thống chứa đựng khát vọng và là nơi giải tỏa những ước muốn tâm linh của người nông dân trong xã hội xưa. Lễ hội làng được mở trước và sau mỗi mùa vụ sản xuất nhằm thiết lập sự cân bằng cần thiết trong quan hệ nhiều chiều giữa người và người; giữa người và vạn vật; người và thần linh; người và vũ trụ. Người dân đến với tín ngưỡng, lễ hội để bày tỏ sự tôn kính thần linh và mong ước về những điều tốt lành trong cuộc sống, vì vậy, lễ hội truyền thống mang tinh thần hướng thượng cao. Ở nhiều lễ hội, cái thiêng trong tín ngưỡng, lễ hội đã bị những nhu cầu trần tục của con người làm cho vẩn đục, cái dung tục đã dần thay thế cho cái thiêng và lòng thành kính.
Tình trạng ra vấn đề cho các cơ quan nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý là làm sao để định hướng người dân có được những sinh hoạt tín ngưỡng lành mạnh; để những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống trong tín ngưỡng được duy trì, phát huy, được thực hành sống động trong xã hội hiện đại, góp phần thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân; mặt khác hạn chế dần những mặt tiêu cực nảy sinh, đưa sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội trở lại với những giá trị thực trên cơ sở bảo lưu những giá trị đã có và bổ sung thêm những giá trị mới.
Công tác quản lý hoạt động tín ngưỡng là nhiệm vụ của hai ngành văn hóa và tôn giáo. Trong sự tác động tự phát bởi mặt trái của nền kinh tế thị trường, đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội có sự phát triển thiên lệch, vượt ra ngoài khuôn khổ quy định của pháp luật, đặc biệt là hoạt động lễ hội ngày càng xô bồ, bát nháo.
Sự tác động của hệ thống tín ngưỡng dân gian đến đời sống tôn giáo diễn ra suốt chiều dài lịch sử với cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Một mặt tín ngưỡng dân gian góp phần cải biến các tôn giáo ngoại nhập, mặt khác chúng tự làm giàu, phong phú thêm bằng các giá trị văn hóa tôn giáo. Đến lượt mình các tôn giáo góp phần củng cố, duy trì, chuyển tải nhiều giá trị văn hóa tín ngưỡng. Tuy nhiên, sự tác động của tín ngưỡng với tôn giáo đã làm xuất hiện và gia tăng các hoạt động tôn giáo lệch chuẩn, làm nhiều giá trị văn hóa tôn giáo bị biến dạng, gây tác động xấu tới xã hội.
Ban Nghiên cứu văn hóa