banner 728x90

Lễ thức trong tang ma của người Việt

15/06/2024 Lượt xem: 2561

Lễ thức trong tang ma được coi là lễ thứ quan trọng bậc nhất để đưa ông bà, cha mẹ vừa mất về gặp tổ tiên và gia nhập vào hàng các vị tổ tiên (những người mới chết được lập bàn thờ riêng, cho tới khi giỗ hết, cải táng sạch sẽ, mới được ghép thờ chung với tổ tiên). Sách Thọ Mai gia lễ đã ghi chép khá chi tiết các quy định của lễ tang. Rất nhiều thứ lễ được quy định trong đám tang: lễ phục hồn, phạn hàm, thành phục, thiên cữu, yết tổ, khiển điện. Sau khi chôn cất, còn các lễ thành phần, phản khốc, sơ ngu, mở cửa mả (sau ba ngày), lễ 49 (hoặc 50) ngày, lễ 100 ngày. Quy định tang phục của con cháu, nghi thức lễ… đều nhằm mục đích biểu lộ đạo hiếu sâu sắc của con người.

Sau lễ tang ma, lễ giỗ là nghi thức rất được chú trọng. Ngay trong truyện cổ tích Tấm Cám quen thuộc với người Việt Nam cũng thấy chi tiết, cô Tấm sau khi đã được làm hoàng hậu, ngày giỗ cha vẫn phải về nhà dự lễ. Trong tâm lý người Việt, ta thấy cả nỗi lo lắng về sự “mất giỗ”.

Có con mà gả chồng xa

Trước là mất giỗ, sau là mất con

Ngày giỗ (kỵ nhật) là ngày kỷ niệm ngày mất của người thân trong gia đình hàng năm. Trong các lễ giỗ, có ba ngày chú ý nhất tiểu tường (giỗ đầu), đại tường (giỗ hết), trừ phục (lễ cởi bỏ đồ tang). Các ngày giỗ thường kỳ trong các năm sau được coi là cát kị (giỗ lành).

Trước lễ tiểu tường, nhiều gia đình còn làm lễ tiên thường (cáo giỗ) nhằm xin phép Thổ công để linh hồn người đã mất trở về gia đình nhận giỗ. Đồ lễ cúng trong giỗ đầu và giỗ hết phải chuẩn bị rất chu đáo. Trong cỗ cúng, cũng như đã cúng suốt 49 ngày sau khi người thân mất, bao giờ cũng phải có bát cơm úp vào một quả trứng luộc. Cách giải thích hiện tượng này có khác nhau: bát cơm úp thể hiện lòng hiếu thảo đầy đặn của con cháu, và quả trứng (sẽ là con gà) là dấu tích thờ mặt trời, hoặc quan niệm quả trứng là dấu hiệu cầu mong sự hồi sinh, trứng là cội nguồn. Cũng có người giải thích: vì bát cơm úp và đôi đũa bông là biểu tượng của âm dương để tạo nên những sự sống mới… vào ngày giỗ, nhiều gia đình làm cỗ cúng rất to, mổ lợn, giết bò linh đình, khá tốn kém. Ngay trong dân gian xưa đã có sự chê trách việc này:

Sống thì chả cho ăn nào

Chết thì cúng giỗ mâm cao cổ đầy

Mâm lễ cúng giỗ

Có một số nguyên nhân của việc làm giỗ to: trước hết, gia chủ mời tổ tiên và người thân mới mất về hưởng lễ, mặt khác là để tiếp đãi khách khứa. Trong số này có cả những người thân tộc vốn con thứ, cháu ngoại đến gửi giỗ (họ thường mang đồ lễ, gạo và tiền đến như hình thức góp giỗ) và cả bạn bè, xóm giềng của gia chủ. Đây cũng là hình thức cảm ơn những người đã giúp đỡ gia đình trong những ngày tang lễ mà do bận rộn họ không đón tiếp được chu đáo (đó là chưa kể tới khía cạnh “trả nợ miệng” ở làng quê). Theo quy định xưa, vào ngày giỗ đầu, trang phục tang lễ mũ gậy, áo xô lại được con cháu mang ra mặc. Khách đến vái lễ trước bàn thờ, gia chủ cũng phải vái trả lễ như trong những ngày tang (khách vái hai lạy, chủ vái trả một lạy, khách vái bốn lạy, chủ vái trả hai lạy…). Khi khách đã vãn, tổ tiên đã hưởng lễ, gia chủ làm lễ và hóa vàng. Đồ mã được gửi cho người chết cũng theo quy định: ở lễ Đại tường đó là “mã biếu” vì người chết phải sử dụng để biếu các ác thần mong tránh sự quấy nhiễu (dân gian quan niệm cõi âm như cõi trần), ở lễ Đại tường và lễ Trừ phục (một ngày tốt được chọn sau lễ Đại tường để đốt bỏ tang phục) đồ mã còn cần nhiều hơn: mọi vật dụng sinh hoạt cho người chết (quần áo, giày dép, xe cộ), thậm chí cả các hình nhân bằng giấy để xuống cõi âm phục vụ cho họ. Sau khi hóa (đốt) những đồ mã này, đổ một chén rượu lên đống tàn vàng để vật mã trở thành vật thật, tiền thật dưới cõi âm. Người ta còn hơ một chiếc đòn gánh, gậy trên ngọn lửa hóa vàng, hoặc dựng một cây mía bên cạnh với lời giải thích “để các cụ gánh vác về”. Tâm thức dân gian thật bình dị và giàu tính thực tiễn.

Ban Nghiên cứu Tôn giáo

 

Tags:

Bài viết khác

Nhạc cụ truyền thống trong hát Chầu Văn

Hát Chầu văn hay còn được gọi là hát văn hay hát hầu đồng là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền và một phần tín ngưỡng thờ Mẫu của văn hóa Việt Nam. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (tín ngưỡng thờ Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuần), một tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Nét văn hóa tâm linh trong kiến trúc nhà thờ họ

Kiến trúc nhà thờ họ là biểu tượng vật chất đậm nét văn hóa phi vật thể của các tộc họ ở Việt Nam. Đây là nơi lưu giữ giá trị, tổ chức, quan hệ, và thành tựu của mỗi dòng tộc qua nhiều thế hệ. Theo truyền thống, nhà thờ họ thường được xây dựng theo cấu trúc đơn giản nhưng hài hòa, mang đậm nét riêng của văn hóa dân gian.

Vai trò và ý nghĩa của nhà thờ họ tại Việt Nam

Nhà thờ tổ hay từ đường là một ngôi nhà dành riêng cho việc thờ cúng tổ tiên của một dòng họ hay từng chi họ tính theo phụ hệ (dòng của cha). Nhà thờ họ phổ biến trong văn hóa người Việt tại khu đồng bằng và trung du Bắc Bộ và Trung Bộ.

Tứ quý trong tranh dân gian Đông Hồ

Tranh Tứ quý thuộc loại tứ bình (bốn bức) khổ lớn, vẽ cảnh tứ thời: Xuân, hạ, thu, đông. Mỗi mùa có một loài cây, loài hoa đặc trưng. Mùa xuân: hoa mai, hoa lan, hoa đào. Mùa hạ: hoa sen, hoa hồng, hoa lựu. Mùa thu: hoa cúc, hoa phù dung. Mùa đông: cây trúc, cây thông (tùng).

Cỗ và mâm cỗ truyền thống của người Việt

Mâm cỗ ở mỗi vùng quê Việt Nam có hương vị riêng nhưng bao giờ cũng vậy, mỗi mâm có 4 hoặc 6 người. Thông thường người ta kiêng ngồi 5 người, ở mâm cỗ có ít nhất hai người thân nhau, cũng có khi 3 cặp đều thân nhau thành một cỗ. Người nhà chủ tế nhị mời những người ăn ý với nhau vào một cỗ, sàn sàn lứa tuổi với nhau vào cùng mâm. Những người có tửu lượng mạnh hoặc nhẹ vào một cỗ, những người bằng vai phải lứa với nhau vào một cỗ. Đàn ông vào cỗ với nhau, còn đàn bà ngồi với đàn bà.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ Việt Nam

Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều mang trong mình những nét văn hóa riêng. Văn hóa là cái gốc cho sự phát triển, phồn thịnh của một đất nước. Việt Nam là một dân tộc mang một nền văn hóa đậm đà bản sắc, đa dạng và phong phú. Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam từ lâu đã đóng vai trò quan trọng đối với người dân Việt, văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội và tâm thức người dân.

Tín ngưỡng dân gian trong lễ hội cổ truyền ở Việt Nam

Tín ngưỡng dân gian đóng vai trò quan trọng trong các lễ hội cổ truyền của Việt Nam, thể hiện bản sắc văn hóa, tâm linh và lòng tôn kính đối với các thế lực siêu nhiên, Tổ tiên, thần thánh. Bài viết tìm hiểu một số đặc điểm nổi bật về tín ngưỡng dân gian trong các lễ hội cổ truyền của người Việt, đặc biệt, lễ hội liên quan đến tín ngưỡng dân gian như: tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng vạn vật hữu linh, tín ngưỡng thờ Thành hoàng, tín ngưỡng thờ Tổ tiên, tín ngưỡng thờ Mẫu...

Ý nghĩa và mục đích của tục “Bán khoán con lên chùa”

Bán khoán con cho chùa là một tín ngưỡng dân gian, một hình thức gửi gắm về mặt tâm linh. Có hai hình thức bán khoán con lên chùa: Bán khoán đến hết năm 12 tuổi rồi “chuộc” con ra, hoặc là bán khoán trọn đời. Từ xưa đến nay, nhiều gia đình quan niệm, khi sinh con ra, đứa trẻ hay đau yếu, khóc lóc không phải là do bị bệnh từ thân hoặc những đứa trẻ sinh vào giờ kỵ, ngày phạm (tức ngày mùng 1, 5, 8, 15, 23, 24, 28 và ngày 30 Âm lịch).
Top