Lễ hội Nghinh Ông là nét văn hóa đặc sắc truyền thống của ngư dân miền biển, cầu mong được mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, ngư dân vượt qua sự khắc nghiệt của thiên tai khi hành nghề trên biển để đánh bắt được nhiều tôm, cá, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ rước kiệu của Nam hải Tướng quân xuống thuyền rồng ra biển
Lễ hội nghinh Ông là loại lễ hội nước lớn nhất của ngư dân miền biền. Có nhiều tên gọi khác nhau như: lễ rước cốt ông, lễ cầu ngư, lễ tế cá "Ông", lễ cúng "Ông", lễ nghinh "Ông", lễ nghinh ông Thủy tướng, nhưng tất cả đều có chung một quan niệm rằng cá "Ông" là sinh vật linh thiêng ở biển, là vị cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển nói chung. Ở mỗi địa phương, Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức vào các thời gian khác nhau, tùy vào từng nơi sẽ có thời gian tổ chức riêng.

Vào ngày lễ, tất cả các ghe, thuyền đều trang trí rực rỡ và tiến ra khơi
Lễ hội Nghinh Ông dù được tổ chức ở địa phương nào thì cũng sẽ có 2 phần bắt buộc là phần lễ và phần hội. Phần lễ sẽ bao gồm lễ tế và lễ rước kiệu của Nam hải Tướng quân xuống thuyền rồng ra biển. Sau phần lễ là phần hội, phần này bao gồm những hoạt động vui chơi và ăn uống.
Phần lễ
Phần lễ với 2 phần chính là lễ tế và lễ rước kiệu của Nam hải Tướng quân xuống thuyền rồng ra biển. Lễ rước kiệu diễn ra khá trang trọng, từ mờ sáng đã có hàng ngàn ngư dân và du khách trong trang phục quần áo chỉnh tề cùng những lễ vật đã chuẩn bị sẵn cùng tụ hội về ngay trước cửa lăng để dự lễ. Trước cửa nhà dân nằm trên con đường mà đoàn Nghinh Ông sẽ đi qua đều được lập sẵn bàn thờ và mâm cỗ gồm: gạo, muối, rượu, trà, hương đèn, hoa quả để chờ nghinh Ông về.
Ở ngoài bờ biển, các ghe tàu đánh bắt của địa phương đều đã neo đậu sẵn trên bờ biển chờ dự lễ hội Nghinh Ông. Trên những chiếc ghe giăng đầy đèn, kết hoa, treo cờ màu sắc rực rỡ và trước mỗi ghe đều bày mâm lễ vật chuẩn bị sẵn sàng ra khơi cúng Ông.
Những lễ vật mà ngư dân cúng tế thường là gà, vịt, đầu heo, heo quay,… đặc biệt là không bao giờ được cúng Ông bằng đồ hải sản vì đây là binh tướng của Ông. Ngoài ra, trên biển còn có tàu của Công an, bộ đội biên phòng cũng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự giúp buổi lễ nghinh Ông trên biển diễn ra an toàn, tốt đẹp.
Lễ tế được diễn ra khá trang trọng với các nghi thức cổ truyền ngay sau khi phần lễ rước kết thúc. Lễ cầu an, xây chầu đại bội, hát bội lần lượt diễn ra tại lăng.
Phần hội
Khác với phần lễ, phần hội được diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí như: thả chài, bắt vịt trên biển, trói cua, đá bóng cà kheo diễn ra sôi nổi trên bãi biển. Một số nơi, lễ hội Nghinh Ông còn có thêm những trò chơi mới như: đánh bi sắt, chạy marathon, bóng chuyền bãi biển, cờ tướng, triễn lãm thành tựu nghề biển và các ngành nghề khác của địa phương.
Qua đó tạo điều kiện cho khách tham dự giao lưu với ngư dân. Cùng với các hoạt động vui chơi, ngư dân và các du khách cũng được mời đến cùng nhau ăn uống, vui chơi, trò chuyện thân tình…
Lễ hội Nghinh Ông mang đậm bản sắc văn hóa của người dân miền biển, được tổ chức mỗi năm 1 lần với mong ước: mưa thuận, gió hòa, làm ăn phát đạt. Đây cũng là dịp để ngư dân tỏ lòng biết ơn của mình và là dịp để vui chơi giải trí sau một năm làm lụng vất vả.
Ban Nghiên cứu Văn hóa