Lễ dâng y Kathina (hay còn gọi là lễ dâng y cà sa hay lễ dâng bông), là một trong những ngày lễ lớn và quan trọng nhất của hệ phái Phật giáo Nam tông. Hàng năm, từ ngày 15/9 đến 15/10 âm lịch, bà con người Khmer Nam bộ lại rộn ràng trong không khí tổ chức lễ Kathina, cầu cho phum sóc yên ấm, gia đình an vui, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và thành kính dâng những áo cà sa, các vật dụng dành cho chư tăng.

Các tỳ khưu tăng thọ y cà sa trong Lễ Kathina (Nguồn: internet)
Lễ dâng y Kathina là một nghi lễ mang nét văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, được tổ chức sau 3 tháng an cư kiết hạ và trước ngày tổ chức lễ Oóc – Om – Bóc. Các trụ trì chùa sẽ ấn định một ngày cụ thể rồi thông báo cho Phật tử trong phum sóc biết để tiến hành ngày làm lễ Kathina. Khi nhận thông báo, mỗi phum sóc sẽ có từ 01 đến 03 gia đình cùng nhau tổ chức và vận động các gia đình khác cùng tham gia để khích lệ tín đồ Phật tử thực thi đại hạnh bố thí và tri ân công đức Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), tri ân công đức hàng Phật tử hộ trì Phật pháp.
Về vật phẩm dâng lễ, ngoài những lễ vật truyền thống như áo cà sa, bình, bát, bút… còn có các vật dụng sinh hoạt, đồ dùng hàng ngày cần thiết khác trong chùa như: gạo, thuốc men, thực phẩm... Các Phật tử chuẩn bị lễ vật cúng dường rất trang trọng, dâng lễ lên đầu để tỏ lòng thành kính đối với Tam Bảo và cúng dường chư tăng.

Các vật phẩm được chuẩn bị chu đáo trong ngày lễ Kathina (Nguồn: internet)
Thông thường, Lễ dâng y Kathina được diễn ra trong 02 ngày: Ngày thứ nhất, các gia đình tổ chức cho các đoàn phật tử (gồm đội múa trống Sa dăm, các chú khỉ Hanuman, các chú đeo hình nộm ông địa hoặc một vị thần nào đó trong truyền thuyết, các chú ngựa,....) đi quyên góp tịnh tài gồm dâng bông bạc (dâng cúng cây bông hoa có kèm theo tiền, gọi là cây tiền hoặc dâng cúng cây lá vàng, lá bạc) để mua các vật dụng dâng đến chư tăng. Sự đóng góp mỗi gia đình, mỗi người là không bắt buộc, tùy vào lòng hảo tâm. Sau đó họ thỉnh chư tăng đến để tụng kinh và cầu an cho gia chủ và cư dân trong phum, sóc.
Ngày thứ hai, tổ chức rước Kathina quanh phum sóc của mình, đi kèm đám rước Kathina là đội múa trống Sa dăm, đội Rô băm, các chú khỉ Hanuman,...và những thiếu nữ, các phật tử xếp thành 02 hàng rước các cây hoa, cây lá vàng, lá bạc và lễ vật quan trọng khác tiến về chùa. Sau đó, họ được các vị sư hành lễ Nhiễu Phật 03 vòng xung quanh Chính điện chùa và thực hiện nghi lễ Dâng Y Kathina tại Chính điện bao gồm: Lễ Quy y Tam bảo; Thuyết pháp ý nghĩa Đại lễ Dâng Y Kathina; Lễ Thọ Y Kathina; Lễ tụng kinh cầu an, chúc phúc, hồi hướng, hoàn mãn.
Ngoài ra, để tăng thêm phần long trọng, chính quyền địa phương còn hỗ trợ các chùa tổ chức hội thao dân gian, tổ chức hát dù kê, biểu diễn nghệ thuật truyền thống để phục vụ bà con vui chơi giải trí về ban đêm.
Lễ dâng y Kathina là nét đẹp văn hóa truyền thống trong đời sống cộng đồng người Khmer Nam bộ, với nhiều nghi thức truyền thống và các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian góp phần bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tăng cường sự đoàn kết giữa chư tăng, phật tử trong phum, sóc.
Ban Nghiên cứu văn hóa