banner 728x90

Lễ cấp sắc của người Tày ở Định Hóa

23/07/2024 Lượt xem: 2601

Trải qua thời gian, mặc dù hiện nay Lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Tày của huyện Định Hóa (Thái Nguyên) đã có nhiều thay đổi, phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại, song những giá trị cốt lõi vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Do vậy, Lễ cấp sắc trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người Tày nơi đây.

Lễ cấp sắc được người dân coi là nghi lễ khá nghiêm ngặt và phải chuẩn bị thật chu đáo

Tại Thái Nguyên, người Tày sinh sống tập trung nhiều nhất ở huyện Định Hóa, với hơn 46.000 người (chiếm 37% toàn tỉnh). Lễ cấp sắc là một trong những nghi lễ độc đáo, lâu đời của người Tày ở địa phương. Đây là dịp để tìm ra một thầy cúng am hiểu phong tục, tập quán dân tộc, có uy tín rất lớn để mọi người gửi gắm sự tin tưởng, bởi hầu hết các hoạt động trong cộng đồng, dòng họ, gia đình của người Tày đều nhờ cậy đến thầy cúng. 

Để được làm nghề thầy cúng, bản thân ngoài việc phải có gia đình, dòng họ nhiều đời làm nghề thầy cúng, còn phải là người thực sự có năng lực, kiến thức sâu rộng, uy tín trong cộng đồng. Thầy cúng phải biết đọc sách cổ, biết xem hướng, ngày đẹp, vận mệnh, tướng số. Ngoài ra, thầy cúng còn phải tuân thủ những quy định chặt chẽ, trong đó nhân cách đạo đức được coi trọng hàng đầu.

Lễ cấp sắc được người dân coi là nghi lễ khá nghiêm ngặt, có nhiều tiêu chí. Là ngày trọng đại và vui chung không chỉ của gia đình, dòng họ mà của cả cộng đồng làng xã, nên việc chuẩn bị lễ cấp sắc được chuẩn bị trước đó cả tháng (chuẩn bị lương thực, thực phẩm; tìm thầy, chọn ngày lành, tháng tốt...).

Đặc biệt, một yêu cầu rất quan trọng trong thực hành nghi lễ cấp sắc, là phải mời được thầy có chức sắc cao hơn chức sắc hiện tại của mình để cấp cho mình. Theo lời các bậc cao niên, hầu như việc trao truyền chỉ thực hiện trong dòng họ. 

Công tác chuẩn bị cho Lễ cấp sắc được diễn ra chu đáo

Tháng 6/2024 vừa qua, ông Ma Đình Sung, xóm Đá Bay, xã Bình Yên đã được chọn để làm thủ tục cấp sắc. Cả tháng trước đó, công tác chuẩn bị cho Lễ cấp sắc đã được hoàn thiện, chu đáo. Ông Sung cho biết: “Thầy chọn được ngày tốt hợp với tuổi của tôi để làm nghi lễ cấp sắc. Từ sau Lễ cấp sắc này, tôi có đủ năng lực giúp gia đình, dòng họ cúng cầu may mắn. Thấy tự hào và cũng thấy mình phải có trách nhiệm hơn từ đây”.

Trong Lễ cấp sắc, nghi lễ dâng rượu đến Ngọc Hoàng được thực hiện đầu tiên, sau đó đến các bậc thánh thần, tổ tiên, dòng họ; khai quang và xin quẻ âm dương… Lễ vật chuẩn bị cho Lễ cấp sắc gồm rượu, vàng hương, hoa quả, xôi, đồ mặn. Ngay từ hôm trước anh em họ mạc đã đến góp gạo, gà, rượu, thịt... đến ăn mừng.

Khi trên nhà đang diễn ra các nghi thức lễ, thì dưới sàn nhà bộ phận đầu bếp tất bật công việc bếp núc, chuẩn bị các thức món dâng kính tổ tiên và làm cơm đãi thực khách.

Sau khi hoàn thành các thủ tục Lễ cấp sắc, ông Ma Đình Sung chính thức trở thành thầy cúng, được phép thực hành các nghi lễ trong gia đình, dòng họ, cộng đồng thôn, làng

Sau khi các thủ tục của Lễ cấp sắc hoàn thành, thầy cúng cao tay chủ trì buổi lễ đội mũ, mặc áo cho người vừa được cấp sắc. Sau cùng là lễ tạ ơn, báo cáo Ngọc Hoàng, thánh thần, tổ tiên, dòng họ về việc cấp sắc thành công viên mãn.

Kể từ đây, người được cấp sắc trở thành một thầy cúng thực thụ, được phép thực hành các nghi lễ cúng đám ma, đám cưới, mừng thọ, giải hạn, vào nhà mới, cúng trẻ đầy tháng…

Lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Tày đã có nhiều thay đổi, những nghi lễ được giản ước, phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại

Hiện, Lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Tày đã có nhiều thay đổi, những nghi lễ được giản ước, phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại. Thầy cúng Lường Phúc Kiệm, thực hiện làm thủ tục cấp sắc cho ông Ma Đình Sung chia sẻ: “Trước đây, Lễ cấp sắc còn rườm rà thủ tục hơn rất nhiều, kéo dài 3, 4 ngày ấy chứ. Nhưng bây giờ, nhiều thủ tục đã được giản lược nên thời gian cũng giảm chỉ trong 1 ngày rưỡi. Cũng đỡ tốn kém hơn rất nhiều!”.

Quy trình thực hành Lễ cấp sắc đã thể hiện rõ những giá trị văn hóa, bản sắc độc đáo riêng có của đồng bào dân tộc Tày; đồng thời cho thấy tinh thần đoàn kết, gắn bó của các thành viên trong gia đình, dòng họ. 

Trước sự tác động mạnh mẽ của nhiều yếu tố trong thời kỳ hội nhập, để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp phù hợp. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên mong muốn: “Việc giữ gìn, trao truyền, phát huy giá trị Lễ cấp sắc của dân tộc Tày là cần thiết, mong các cấp, ngành quan tâm, có biện pháp bảo vệ phù hợp”.

Theo Báo dân tộc

 

 

Tags:

Bài viết khác

Nét độc đáo trong trang phục truyền thống của người Khmer

Việt Nam có 54 dân tộc cùng sinh sống và mỗi dẫn tộc đều có trang phục truyền thống riêng. Tuy nhiên trang phục dân tộc Khmer có lẽ được xem là nổi bật và cầu kỳ nhất, đặc biệt trang phục truyền thống của phụ nữ Khmer Nam bộ mang nét duyên, nét độc đáo không thể lẫn lộn với bất kỳ một trang phục nào khác.

Độc đáo tục rước dâu của người Dao Thanh Y ở Bình Liêu (Quảng Ninh)

Lễ cưới của người Dao Thanh Y ở Bình Liêu (Quảng Ninh) không chỉ là một nghi thức quan trọng trong đời sống hôn nhân, mà còn mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống với nhiều phong tục đặc sắc hiếm thấy ở các dân tộc khác. Trong đó, Lễ rước dâu là phần đặc biệt nhất, thể hiện sự giao thoa giữa tín ngưỡng, phong tục và tinh thần cộng đồng.

Tết Thanh minh của người Dao

Tết Thanh minh không chỉ là dịp để tưởng nhớ tổ tiên mà còn là một nét văn hóa đặc sắc của nhiều dân tộc thiểu số, trong đó có người Dao Quần Chẹt ở các tỉnh Tuyên Quang, Hòa Bình, Vĩnh Phúc. Đây là dịp để con cháu sum vầy, thể hiện lòng thành kính với bậc tiền nhân, đồng thời lưu giữ những phong tục truyền thống.

Nét văn hóa trong trang phục dân tộc H’mông

Nằm trong một quốc gia đa dân tộc, dân tộc H’mông được coi là một thành viên quan trọng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Cùng với tiếng nói, chữ viết, trang phục cũng là một trong những chi tiết quan trọng đầu tiên để nhận biết và phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Trang phục truyền thống không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa, mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của từng tộc người.

Những tấm dệt đan sắc núi rừng

Giữa sắc thẫm của đại ngàn Trường Sơn, đây đó nổi lên màu trắng của những dải mây vành khăn ở lưng chừng núi, màu đỏ của hoa gạo, hoa chuối, màu xanh của cây cỏ, màu vàng của lá úa rơi rụng, hay màu tím của hoàng hôn, màu của những tia nắng tán sắc cuối chân trời khi chiều muộn… Tất cả đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên mà người Tà Ôi ở không gian sống của chính tộc người mình

Những điều cần biết về tục thờ Linga và Yoni của người Chăm

Tục thờ Linga và Yoni có nguồn gốc từ cộng đồng người sống ở vùng lưu vực sông Ấn, thuộc chủng tộc Sumerian và Dravidan. Tín ngưỡng của họ gắn liền với thần thoại về thần mẹ và sự thờ cúng âm lực, coi sinh thực khí là nguồn gốc của mọi sự sáng tạo.

Các phong tục cần biết khi đến các làng bản của người dân tộc

Đồng bào các dân tộc Bắc Hà nói riêng và Lào Cai nói chung rất hiếu khách, nhưng khi du khách đến thăm làng, bản nên chú ý những điều kiêng kỵ và cần biết một vài phong tục, tập quán sinh hoạt để tiện ứng xử và giao tiếp.

Nhuộm răng đen - Phong tục lâu đời của người Việt

Nhuộm răng đen là một tục lệ lâu đời, xuất hiện từ thời Hùng Vương, tồn tại suốt mấy ngàn năm trong lịch sử văn hóa của người Việt. Đây vốn là phong tục cổ truyền không chỉ của cư dân người Việt mà còn tồn tại ở cộng đồng các dân tộc như Thái, Mường, Dao, Lự, Si La,…Trong cộng đồng người Việt, tục nhuộm răng đen chủ yếu chỉ phổ biến ở khu vực miền Bắc và miền Trung, còn ở miền Nam không thấy dấu vết của phong tục này.
Top