banner 728x90

Ký ức dân gian và tín ngưỡng thờ thần cọp ở Nam Bộ

12/05/2024 Lượt xem: 2411

Trong những buổi đầu các bậc tiền nhân “mang gươm đi mở cõi” vùng đất Nam Bộ, họ phải đối mặt với nhiều loại thú dữ như cọp ở trên bờ, cá sấu ở dưới sông. Chính bởi thế, trong đời sống tâm linh, ngoài tín ngưỡng thờ phụng tổ tiên, các vị nhiên thần, nhân thần, người dân Nam Bộ còn có tục thờ thần cọp tại các ngôi đình, miếu, đền.

Nhiều ngôi đình làng ở Nam Bộ đều có ban thờ thần cọp

Người dân Nam Bộ vẫn lưu truyền trong dân gian nhiều câu chuyện, ký ức về loài cọp gắn liền với tiến trình con người khai khẩn vùng đất mới. Đó là những câu ca dao nói về vùng đất Nam Bộ xưa, với nét hoang sơ, rậm rạp, u tịch, sông sâu, thú dữ. Trong đó, loài cọp và cá sấu chính là mối đe dọa thường xuyên cản trở công cuộc khai khẩn lập ấp và tính mạng con người.

Từ thế kỷ XVII đến XVIII, ở vùng đất Nam Bộ cọp nhiều vô kể, chúng sống rải rác ở khắp nơi, ở các cánh rừng ngập mặn tại các cửa của sông Tiền, sông Hậu, kể cả những nơi đã được khai hoang khá sớm như Sài Gòn, Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long... Thức ăn chủ yếu của cọp là heo rừng, nai và các loài ăn cỏ khác. Nhưng dần dần vùng rừng rậm bị khai phá, nguồn thức ăn của cọp ngày càng khan hiếm nên cọp mò về những nơi có dân cư sinh sống để bắt heo, vồ người.

Chính vì quá khiếp sợ trước sự hung dữ của loài cọp, nên người dân Nam Bộ ai cũng tìm cách diệt cọp để trừ họa. Trong dân gian đã xuất hiện nhiều truyện kể ly kỳ về những tấm gương võ nghệ cao cường, dũng cảm, mưu trí diệt cọp như, hai thầy trò nhà sư Hồng Ân và Trí Năng, Bảy Giao, Chín Quỳ, ông Yến, ông Tăng Chủ...

Ở Nam Bộ từ xưa, khi vùng nào đó diệt được cọp, người dân đều vui mừng khôn xiết, nhưng ngay sau đó họ đều lập miếu thờ thần cọp, thậm chí có nơi còn đưa xác cọp về phục chế, bảo quản để thờ. Người dân Nam Bộ không ai dám gọi cọp là “con” mà gọi bằng ông “Thầy”, ông “Hổ”, ông “Khái” hoặc “Hương quản”.

Chính vì xem cọp là biểu tượng của quyền lực mà người dân Nam Bộ lập miếu thờ thần cọp với những danh xưng cao nhất như: “Sơn quân chi thần”, “Sơn lâm đại tướng quân”, “Sơn quan chú động”, “Chúa xứ sơn lâm”, “Mãnh Hổ”, “Thần Hổ” “Thần Cọp”, “ông Thầy”, “ông Cả”, “Ngài”, “ông Ba Mươi”, “Hương quản”… Trước các ngôi đình thường có những bức bình phong, hương án trấn cửa đình được chạm trổ, đắp nổi tượng, phù điêu hoặc vẽ thể hiện hình tượng vị chúa tể rừng xanh với dáng vẻ rất uy nghi, dũng mãnh.

​​​​​Bức bình phong có hình thờ thần cọp ở một ngôi đình

Dân gian Nam Bộ còn có tục lệ là vào ngày mồng ba tết Nguyên đán, sau khi cúng xong, người ta thường dán trước cửa nhà một mảnh giấy hồng điều có vẽ hình cọp với dòng chữ Hán “Sơn Lâm đại tướng quân” với lòng mong muốn Thần Cọp sẽ trấn giữ không cho những tà khí, ma quỷ vào nhà.

Các đình làng ở Nam Bộ phần lớn đều có miếu thờ thần cọp, tọa lạc về phía trái sân đình, với tước “Sơn Lâm chúa tể”. Phong tục thờ cúng ở đình làng Nam Bộ từ xưa đã mặc định “Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ” hoặc thờ Sơn quân. Đây là một quan niệm về thuật phong thủy xem thế đất của đình là mạch quý, với bên tả có Thanh Long bảo vệ, bên hữu có Bạch Hổ trấn giữ nên sẽ không sợ có yêu ma quỷ nào xâm phạm.

Người Nam Bộ xưa cũng quan niệm, Bạch Hổ là Thần (Thần Cọp), hổ tu thành tiên, không ăn thịt, không hại người, ngược lại còn phù trợ cho dân làng. Nhiều nơi trong ngày lễ cúng đình, ngoài việc cúng tế Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ, người ta còn tổ chức nghi lễ riêng cúng tế thần cọp gọi là tế sơn quân, nghĩa là tế thần cọp.

Lễ vật cúng thần cọp gồm mấy lá sớ gói trong giấy hồng thường gọi là hồng đơn và một thủ dĩ (đầu heo) để sống. Sau khi trình cúng tại miếu, dân làng sẽ đem lễ vật lên một ngã ba hay ngã tư đường rừng đặt đó. Nếu qua đêm, hôm sau thủ dĩ và các tờ sớ mới viết mất, thì dân làng tin thần cọp chấp nhận lễ cúng và về nhận tờ sớ. Nếu lễ vật vẫn còn nguyên thì xem như thần cọp từ chối không nhận, sớ phải đốt đi, thủ dĩ phải đem chôn.

Tín ngưỡng thờ cúng thần hổ trong các ngôi đình, đền, miếu là một trong những nét đẹp văn hóa mang tính nhân văn của người Việt ở Nam Bộ và cho đến ngày nay vẫn được duy trì và còn nguyên giá trị về tâm linh.

Ban nghiên cứu văn hóa

 

Tags:

Bài viết khác

Các hình thức diễn xướng trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Hầu bóng là một nghi lễ tiêu biểu và đặc trưng nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu, vốn xuất phát từ người Việt ở Bắc Bộ, nhưng sau đó theo chân người Việt vào Trung Bộ và Nam Bộ, tạo nên những sắc thái riêng cho mỗi miền. Hầu bóng, nhìn từ góc độ văn hóa - nghệ thuật là một hình thức diễn xướng dân gian tổng hợp, một loại hình sân khấu tâm linh.

Lễ hội Nghinh Ông - Nét văn hóa đậm chất dân gian và lâu đời của người dân vùng biển Cần Giờ

Hàng trăm ghe đánh cá của ngư dân huyện Cần Giờ (Tp.Hồ Chí Minh) tham gia đoàn đưa - rước Nghinh Ông, cầu vụ mùa bội thu. Từng đàn hải âu bám theo ghe Nghinh ra khu vực làm lễ. Bên đường người dân lập hương án chờ Nghinh Ông về.

Sự tích hợp các giá trị văn hóa nghệ thuật trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Trong các loại hình văn hóa của con người có một dạng thức văn hóa khá đặc thù, đó là “văn hóa tôn giáo”, như văn hóa Phật giáo, văn hóa Gia tô giáo, văn hóa Ấn giáo và văn hóa Khổng giáo. Đối với một số tín ngưỡng hay tôn giáo sơ khai, chúng ta có thể dõi thấy những dạng thức văn hóa, những quá trình tích hợp văn hóa – nghệ thuật như vậy, trong đó tín ngưỡng thờ Mẫu là một ví dụ khá tiêu biểu.

Lễ hội Nghinh Ông Phú Quốc: Nét đẹp tín ngưỡng thờ Cá Ông của ngư dân đảo ngọc

Lễ hội Nghinh Ông Phú Quốc được xem là lễ hội dân gian lâu đời của ngư dân trên đảo ngọc. Hằng năm, lễ hội đều được tổ chức để tỏ lòng thành kính đối với Cá Ông, cũng như mong muốn một năm mưa thuận gió hoà.

Ý nghĩa tượng Phúc Lộc Thọ

Từ xa xưa, con người luôn tin vào sức mạnh của thần linh để cầu chúc cho niềm vui, tuổi thọ và sức khỏe. Đặc biệt, tượng Phúc - Lộc - Thọ luôn được tôn thờ để gắn kết với những điều tốt đẹp này.

Tín ngưỡng thờ cúng trong các nhà thờ họ ở vùng biển

Nhà thờ họ là một công trình kiến trúc truyền thống của người Việt, được xây dựng để thờ cúng tổ tiên của một dòng họ. Đây là nơi con cháu trong dòng họ tập trung vào những dịp quan trọng như ngày giỗ tổ, lễ Tết, hay các nghi lễ tôn giáo khác để tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên.

Những mặt hạn chế, tiêu cực của tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ lên đồng

Bản thân tín ngưỡng thờ Mẫu là hệ thống các tín ngưỡng ở các trình độ phát triển rất khác nhau, từ sơ khai, nguyên thủy như các hình thức thờ Nữ thần đến các hình thức phát triển cao hơn là thờ Mẫu Tam Phủ Tứ Phủ.

Vẻ đẹp văn hóa trong nghệ thuật múa dân gian của người Dao

Khởi nguồn từ đời sống lao động và những ước mơ về cuộc sống thanh bình, hạnh phúc, nghệ thuật múa dân gian của người Dao phản chiếu những góc nhìn văn hóa đa chiều về cuộc sống, tín ngưỡng và bản sắc văn hóa Dao.
Top