banner 728x90

Hình tượng con khỉ trong văn hóa Việt Nam

17/07/2024 Lượt xem: 2407

Có lẽ từ khởi thủy vũ trụ, tạo hóa đã ban cho loài vật này những đặc tính tinh khôn, nhanh nhạy, giàu tình cảm như con người vậy. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, con Khỉ đã trở thành một hình tượng trong văn hóa Việt. Trong 12 con giáp, Thân là con Khỉ đứng hạng thứ 9 của 12 con vật trong Thập nhị Địa chi.

Tượng khỉ thời Lý

Tại tháp Chương Sơn của chùa Đọi Sơn (Duy Tiên - Hà Nam), một danh lam nổi tiếng thời Lý (thế kỷ XI - XII), đã tìm thấy pho tượng một thân và 4 đầu Khỉ khác nhau. Dáng Khỉ tháp Chương Sơn khá hiện thực, đầu rộng 6 cm, mắt tròn, mày cong, mồm mím và trán có điểm vài nếp nhăn, một tay vắt qua tai ôm lấy đầu. Phần thân cao 13,5 cm, hai chân gập lại co lên phía ngực theo kiểu ngồi bó gối, tay trái ôm lấy cổ chân trái. Trên các bức chạm khắc năm 1647 ở hành lang đá chùa Bút Tháp (Thuận Thành - Bắc Ninh) hình tượng Khỉ cũng xuất hiện sinh động.

Sở dĩ Khỉ trở thành hình tượng được điêu khắc trong chùa vì theo Phật thoại, nó là một đệ tử rất thành tâm đối với Đức Phật, đến nỗi quên cả nguy hiểm đe dọa tính mạng.

Trong văn hóa Phật giáo có câu “Tâm Viên ý Mã” (tâm luôn nhảy nhót như con Khỉ và ý thức, suy nghĩ chạy nhanh như con Ngựa). “Tâm viên ý mã’’ ở đây chỉ cái Tâm lăng xăng, buông lung, chạy theo “lục dục thất tình” của chúng sinh. Vậy muốn được thanh thản, không bị vướng vào vòng ô trọc, hệ lụy tầm thường thì mỗi cá nhân phải biết chế ngự “tâm ý” mình.

Ta có thể thấy, pho tượng Thiền sư Vạn Hạnh (đúc bằng đồng ở thời Lê - Nguyễn) thờ tại chùa Tiêu (Tương Giang, Từ Sơn - Bắc Ninh) đã thể hiện được công phu Thiền định cao siêu của một Thiền sư xuất sắc bậc nhất dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi (Vinitaruci), người lập ra thế hệ thứ 12 dòng Thiền Nam phương và cũng là vị cố vấn chính trị nổi tiếng hai triều Tiền Lê và Lý qua việc tạc ngài cưỡi trên lưng Hổ, một tay đặt lên đầu con Khỉ đang chầu bên cạnh.

Không chỉ để dấu ấn trong các ngôi chùa mà hình tượng Khỉ lan tỏa cả vào các di tích đền đình. Trên tấm bia dựng năm 1608 ở đền vua Đinh Tiên Hoàng và đền Lê Đại Hành (Hoa Lư - Ninh Bình) chạm đôi Khỉ ôm nhau. Với kỹ thuật chạm nổi theo kiểu kênh bong, nghệ nhân xưa đã điểm xuyết hình tượng Khỉ cùng các linh thú khác trên các bộ cửa và hệ thống cột ở đền Xám (Hồng Quang, Nam Trực - Nam Định), nơi thờ sứ quân Trần Lãm (một trong 12 sứ quân thời tiền Lê).

Trong tín ngưỡng Tứ phủ, hình bóng con Vượn (một loài Khỉ) là biểu tượng cho không khí rừng núi hoang sơ khi Vượn ra mắt dâng cúng hoa quả. Trong văn học cổ điển Việt Nam, danh từ Vượn đã xuất hiện rất sớm trong buổi đầu của chữ Nôm thời Trần (thế kỷ XIII – XIV), khi Thiền sư Huyền Quang (1254-1334), đệ Tam Tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử viết  trong “Phú vịnh chùa Hoa Yên”:

Chim óc (gọi) bạn, cắn hoa nâng cúng

Vượn bồng con, cời cửa nghe kinh

Thưởng thức dân ca Huế “Lý qua đèo”, dân ca Quan Họ Bắc Ninh “Ăn ở trong rừng” và những điệu xẩm huê tình cũng nhắc đến Vượn với ý nghĩa tượng trưng cho nỗi niềm thương nhớ da diết và cảnh vượt thâm sơn gian nan.

Trong đời sống xã hội thời phong kiến thì từ “Hầu” (con Khỉ) đồng âm với từ “Hầu” - một tước vị quyền quý được xếp theo thứ bậc “Công, Hầu, Bá, Tử, Nam”, cho nên trong nhiều bức tranh đã vẽ hình tượng con Khỉ mang ý nghĩa là “phong hầu” (phong chức tước).

Nếu tranh vẽ hình tượng con Khỉ trèo trên cây Phong thì biểu tượng mang ý nghĩa “Phong hầu quải ấn” (đeo ấn phong hầu). Tranh vẽ hình tượng con Khỉ cưỡi trên lưng Ngựa thì biểu tượng mang ý nghĩa “Mã thượng phong Hầu” (Cưỡi ngựa phong hầu). Tranh vẽ 2 con khỉ ngồi trên cây Tùng hoặc 1 con khỉ cưỡi lên lưng con kia, có nghĩa là “Bối bối phong Hầu” (đời đời phong Hầu). Những dịp Tết Xuân, người ta biếu tặng nhau những bức tranh ấy tỏ ý chúc mừng cho sự thăng quan tiến chức, thành công, may mắn trong sự nghiệp.

Cũng từ thực tế quan sát kỹ các động tác leo trèo, chạy nhảy, săn bắt, hái lượm của loài Khỉ mà trong võ thuật, người ta đã sáng tạo ra môn phái Hầu quyền. Môn phái đặc thù này đòi hỏi người sử dụng phải phối hợp nhịp nhàng thân pháp, thủ pháp, cước pháp thật uyển chuyển, linh hoạt, nhẹ nhàng, chủ yếu lấy nhu chế cương. Để có thân - thủ - cước phi phàm, võ sĩ Hầu quyền phải học cả khinh công và khí công.

Có thể nói, hình tượng con Khỉ đã đi vào văn hóa Việt như một dấu ấn thân thương, gần gũi và mang tính triết - mỹ - nhân văn.

Ban Nghiên cứu Văn hóa

 

 

Tags:

Bài viết khác

Các hình thức diễn xướng trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Hầu bóng là một nghi lễ tiêu biểu và đặc trưng nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu, vốn xuất phát từ người Việt ở Bắc Bộ, nhưng sau đó theo chân người Việt vào Trung Bộ và Nam Bộ, tạo nên những sắc thái riêng cho mỗi miền. Hầu bóng, nhìn từ góc độ văn hóa - nghệ thuật là một hình thức diễn xướng dân gian tổng hợp, một loại hình sân khấu tâm linh.

Lễ hội Nghinh Ông - Nét văn hóa đậm chất dân gian và lâu đời của người dân vùng biển Cần Giờ

Hàng trăm ghe đánh cá của ngư dân huyện Cần Giờ (Tp.Hồ Chí Minh) tham gia đoàn đưa - rước Nghinh Ông, cầu vụ mùa bội thu. Từng đàn hải âu bám theo ghe Nghinh ra khu vực làm lễ. Bên đường người dân lập hương án chờ Nghinh Ông về.

Sự tích hợp các giá trị văn hóa nghệ thuật trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Trong các loại hình văn hóa của con người có một dạng thức văn hóa khá đặc thù, đó là “văn hóa tôn giáo”, như văn hóa Phật giáo, văn hóa Gia tô giáo, văn hóa Ấn giáo và văn hóa Khổng giáo. Đối với một số tín ngưỡng hay tôn giáo sơ khai, chúng ta có thể dõi thấy những dạng thức văn hóa, những quá trình tích hợp văn hóa – nghệ thuật như vậy, trong đó tín ngưỡng thờ Mẫu là một ví dụ khá tiêu biểu.

Lễ hội Nghinh Ông Phú Quốc: Nét đẹp tín ngưỡng thờ Cá Ông của ngư dân đảo ngọc

Lễ hội Nghinh Ông Phú Quốc được xem là lễ hội dân gian lâu đời của ngư dân trên đảo ngọc. Hằng năm, lễ hội đều được tổ chức để tỏ lòng thành kính đối với Cá Ông, cũng như mong muốn một năm mưa thuận gió hoà.

Ý nghĩa tượng Phúc Lộc Thọ

Từ xa xưa, con người luôn tin vào sức mạnh của thần linh để cầu chúc cho niềm vui, tuổi thọ và sức khỏe. Đặc biệt, tượng Phúc - Lộc - Thọ luôn được tôn thờ để gắn kết với những điều tốt đẹp này.

Tín ngưỡng thờ cúng trong các nhà thờ họ ở vùng biển

Nhà thờ họ là một công trình kiến trúc truyền thống của người Việt, được xây dựng để thờ cúng tổ tiên của một dòng họ. Đây là nơi con cháu trong dòng họ tập trung vào những dịp quan trọng như ngày giỗ tổ, lễ Tết, hay các nghi lễ tôn giáo khác để tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên.

Những mặt hạn chế, tiêu cực của tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ lên đồng

Bản thân tín ngưỡng thờ Mẫu là hệ thống các tín ngưỡng ở các trình độ phát triển rất khác nhau, từ sơ khai, nguyên thủy như các hình thức thờ Nữ thần đến các hình thức phát triển cao hơn là thờ Mẫu Tam Phủ Tứ Phủ.

Vẻ đẹp văn hóa trong nghệ thuật múa dân gian của người Dao

Khởi nguồn từ đời sống lao động và những ước mơ về cuộc sống thanh bình, hạnh phúc, nghệ thuật múa dân gian của người Dao phản chiếu những góc nhìn văn hóa đa chiều về cuộc sống, tín ngưỡng và bản sắc văn hóa Dao.
Top