banner 728x90

DU LỊCH KHÁM PHÁ NƯỚC MỸ (Tập 4)

28/07/2024 Lượt xem: 2626

“Du lịch khám phá nước Mỹ” là ký sự dài 5 tập, 12 phần của nhà báo Đào Quốc Thịnh, mô tả chân thực, sinh động, cuộc sống của cư dân Mỹ và người Việt tại California dưới góc nhìn đa chiều, toàn diện, đề cập đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội.

Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc phần 9, 10 của ký sự này. Mời quý vị và các bạn đón xem.

Quang cảnh thành phố New York

Phần 9: Hai nghề làm giàu nhanh nhất ở Mỹ

Ở Mỹ có 2 nghề làm giàu nhanh nhất là nghề luật sư và nghề bác sĩ. Lương trung bình của luật sư là 130,5 USD / 1 giờ. Còn lương bác sĩ gây mê tại Mỹ cũng kiếm được gần 130 USD/ 1 giờ. Bác sĩ phẫu thuật lương trung bình mỗi giờ là: 122,5 USD.

Tất nhiên không dễ để trở thành luật sư và bác sĩ. Để trở thành luật sư ở Mỹ, bạn phải theo học 7 năm và phải vượt qua một kỳ thi nghề nghiệp. Công việc của luật sư là đại diện cho khách hàng trong các vụ kiện hình sự và dân sự, soạn thảo các tài liệu và tư vấn khách hàng về các vấn đề luật pháp. Còn để trở thành một bác sĩ ở Mỹ, bạn phải mất tối thiểu 11 năm với chi phí lên tới vài trăm nghìn USD. Tại sao 2 nghề này lại giàu nhanh nhỉ (?!)

Đi sâu vào tìm hiểu, tôi được biết ở Mỹ, họ rất thích kiện. Hơi tí là kiện, hơi tí là lôi nhau ra tòa. Điều này cũng nói lên người dân Mỹ tin tưởng vào hệ thống luật pháp của nhà nước. Ăn sầu riêng ở khu người Mỹ sinh sống gây khó chịu cho nhà bên cạnh ư…kiện, thế là bị phạt tiền. Mở nhạc quá to gây ồn ào nhà bên cạnh ư…kiện, cũng bị phạt tiền. Một chị mua một cái máy sấy tóc. Thế rồi một hôm buồn buồn chị mang con mèo nuôi ra tắm cho sạch. Tắm xong chị lấy máy sấy tóc sấy lông mèo cho mau khô. Không may con mèo chết. Chị liền thuê luật sư kiện hãng sản xuất. Kết quả hãng sản xuất phải bồi thường cho chị mấy ngàn USD vì trên bao bì sản phẩm không ghi rõ: “Không được sấy lông động vật bằng máy sấy này…”. Hãng sản xuất sau đó phải thay đổi hàng triệu bao bì sản phẩm đã in. Một trong những vấn đề liên quan tới luật pháp phức tạp nhất ở Mỹ là vấn đề y tế, chăm sóc sức khỏe. Vì nó đụng chạm trực tiếp tới khía cạnh: “Sức khỏe và quyền sống”, hiểu theo nghĩa đen của mỗi người. 

Ở Mỹ, đội ngũ nhân viên y tế vào loại hàng đầu thế giới. Máy móc, tiện nghi, cơ sở hạ tầng cũng vậy. Tuy nhiên, chi phí y tế mà người bệnh phải chi trả cũng thuộc hàng đắt nhất thế giới. Những người thuộc tầng lớp nghèo được nhà nước trợ giúp. Những người thuộc tầng lớp giàu có, tất nhiên đủ khả năng chi trả. Riêng tầng lớp trung lưu, y tế là một cơn ác mộng, vì họ phải gánh thường trực một khoản phí bảo hiểm cao ngất ngư. Nếu ai “tặc lưỡi” không mua bảo hiểm, lỡ đổ bệnh, coi như… tán gia bại sản. Có một tỉ lệ rất cao là những người nộp đơn xin phá sản là do dính phải chi phí y tế, khi lỡ đổ bệnh.

Đi khám bệnh không phải như VN, thích đâu là đến khám đó, mà phải được phép của bác sĩ khu vực theo sự chỉ định. Nếu tự đến bệnh viện khám, sẽ là “ném tiền qua cửa sổ” vì giá cả các dịch vụ là giá "trên trời".

Bạn phiên dịch kể: “Cháu du học bên này. Một lần bị cảm sốt, cháu đến bác sĩ gia đình khám, chỉ là chẩn đoán bệnh thôi mà thu 160 USD. Sau đó bà ấy giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa lại nộp thêm 160 USD nữa. Cũng không điều trị mà giới thiệu đến bệnh viện làm xét nghiệm. Kết quả được cấp vài viên thuốc sau 3 lần khám với chi phí gần 500 USD (tương đương với gần 12 triệu đồng tiền Việt)”.

Quang cảnh thành phố New York

Phần 10: Bảo hiểm y tế và du học Mỹ

Ở Mỹ, nếu bạn có bảo hiểm y tế sẽ rất khỏe. Quy trình khám bệnh sau khi mua bảo hiểm y tế là: Chọn cho mình một “Phòng khám gia đình”, hay “Bác sĩ gia đình” ở gần khu vực mình ở. Dân nhập cư thường chọn phòng khám của bác sĩ đồng hương, nếu chưa rành tiếng Anh.

“Phòng khám gia đình” là phòng khám đa khoa, ở cấp độ nhỏ nhất. Trừ trường hợp cấp cứu, phải vào thẳng bất kỳ bệnh viện lớn nào, còn lại khi cảm thấy trong người có bệnh, hoặc khám định kỳ hằng năm, bạn đều phải liên hệ trước với phòng khám gia đình này. Có thể đến trực tiếp xếp hàng, hoặc đặt lịch khám qua mạng, điện thoại… Thủ tục này… rất oải, vì hầu hết các phòng khám không thể giải quyết ngay mà phải chờ trong ít ngày. Đúng hẹn, bạn tới phòng khám, đăng ký, nộp lệ phí và khám bệnh. Nếu là các bệnh nhẹ, bác sĩ gia đình giải quyết tại chỗ, ghi đơn thuốc cho bạn tới nhà thuốc lấy thuốc. Còn nếu bệnh “chuyên sâu”, bác sĩ gia đình sẽ chuyển bạn lên các bác sĩ chuyên khoa ở bệnh viện lớn. Và bạn sẽ lại phải chờ thêm ít ngày, để bác sĩ chuyên khoa xếp lịch.

Các bệnh viện lớn đều có một tấm bảng, hoặc tờ phiếu đánh giá mức độ hài lòng của bạn với đội ngũ điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Chỉ cần bạn chấm họ ở mức khá là họ đã… tá hỏa, xin lỗi, hỏi kỹ nguyên nhân nào khiến bạn cảm thấy không hài lòng. Chắc họ sợ bị đuổi việc.

Ở Mỹ tiêu tiền như rác. Các du học sinh Việt Nam mặc dù được gia đình chu cấp nhưng không đủ trang trải sinh hoạt nên phải tranh thủ làm thuê kiếm thêm thu nhập. Công việc thường là rửa chén bát thuê, bồi bàn, phụ bếp, lương tính theo giờ, cộng thêm tiền Tip một ngày có thể kiếm trên dưới 100 Đô la Mỹ. Một công việc khác thích hợp với nam giới, đó là vào làm trong các hãng, xưởng, đứng dây chuyền sản xuất, phụ việc trong các siêu thị… Mấy công việc này thường xuyên có ở các trung tâm giới thiệu việc làm miễn phí của chính phủ.

Tác giả chụp hình lưu niệm bên cạnh Tàu Sân bay USS Midway, thuộc căn cứ Hải Quân của Hoa Kỳ

Có một lời khuyên dành cho các bạn đang có ý định du học ở Mỹ là: “Nếu bạn quá xuất sắc, được học bổng toàn phần hoặc là “con ông cháu cha” có người đỡ đầu sau khi ra trường thì nên đi du học. Học 4 năm về không biết kiến thức thu nhận được bao nhiêu, nhưng đeo cái mác “Du học Mỹ” nghe ra cũng hoành tráng đấy. Cha mẹ cũng mượn cái mác này để sắp xếp vị trí cho con. Còn nếu bạn là con “thường dân”, trí tuệ không phải dạng xuất chúng, thì đừng nên đi. Mỗi năm cha mẹ gánh nợ hơn một tỷ đồng đóng góp cho con có đáng không nhỉ (?!). Ở Texas còn rẻ, riêng California ăn ở sinh hoạt học phí rất đắt (bình quân 2 tỷ đồng VN/1 người/1 năm). Thế nhưng ra trường xin việc theo đúng ngành học ở Mỹ rất khó (tỷ lệ 1 – 3 %), còn nếu học xong chấp nhận làm như lao động phổ thông thì ai cho nhập quốc tịch (!?) Về nước thì cũng bằng không. Nếu các doanh nghiệp nhỏ lương thấp tuyển dụng thì tiền lương không đủ chi phí đầu vào. Doanh nghiệp nước ngoài lương cao thì chưa chắc đã tuyển dụng. Họ căn cứ vào năng lực thực tế của bản thân chứ không xem trọng bằng cấp. Tất nhiên, nếu bạn giỏi thực sự và có mục tiêu cụ thể, thì du học sẽ là môi trường tốt để bạn phát triển năng lực bản thân. Mà thực tế đã giỏi thì ở đâu bạn cũng giỏi và được trọng dụng.

Ký sự của Đào Quốc Thịnh

(còn nữa)

 

Tags:

Bài viết khác

Tản văn: Đà Lạt, những chiều thu năm ấy

Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Đà Lạt vào một buổi chiều thu ba mươi năm trước. Tôi đi lang thang trên những con đường đất nhỏ bé vòng vèo, với một tâm trạng cô đơn, lãng du, đầy cảm xúc. Tiết trời se lạnh, tôi ngất ngây như lạc vào miền ảo mộng. Đà Lạt chiều thu, đất trời chìm trong sương mù giăng kín khắp mọi nơi, đâu đó tiếng đàn ghi ta bập bùng bản nhạc: "Ai lên xứ hoa đào" của nhạc sĩ Hoàng Nguyên.

Du lịch Đảo Phú Quốc, Kiên Giang

Phú Quốc, nằm trong Vịnh Thái Lan, là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam ở phía Tây Nam, cũng là hòn đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo lớn nhỏ khác tại đây. Phú Quốc cùng với các hòn đảo khác tạo thành huyện đảo Phú Quốc, thuộc tỉnh Kiên Giang.

Du lịch sinh thái, tâm linh: Chùa Bái Đính – Tràng An, một địa danh đặc sắc của châu Á

Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 90km về phía Đông Nam, quần thể danh thắng Tràng An có diện tích 6.172ha, bao gồm ba vùng liền kề nhau là Khu Di tích Lịch sử Văn hóa cố đô Hoa Lư, Khu Danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư, thuộc địa bàn các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, thị xã Tam Điệp và thành phố Ninh Bình.

Chùa Hương, điểm đến du lịch tâm linh

Không chỉ là một sự kiện tôn giáo, lễ hội chùa Hương còn là một bức tranh văn hóa đa dạng và phong phú, phản ánh những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt. Có thể nói, đó là hành trình tìm về cội nguồn, tìm về sự thanh tịnh trong tâm hồn và hướng đến những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Hành trình về miền đất Phật - chùa Hương không chỉ là một chuyến đi mà còn là một một trải nghiệm văn hóa ý nghĩa.

Du lịch Côn Đảo – Du lịch sinh thái, về nguồn

Côn Đảo là một quần đảo ngoài khơi bờ biển Nam Bộ, cách thành phố Vũng Tàu 185km, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 230km và cách cửa sông Hậu 83km. Côn Đảo gồm có 16 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau, với diện tích 76 km2. Trong đó đảo lớn nhất là đảo Côn Sơn, có diện tích 57 km2 là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa – xã hội của huyện Côn Đảo.

Du lịch Điện Biên – Du lịch sinh thái, về nguồn

Điện Biên là một tỉnh miền núi, biên giới Tây Bắc của Tổ quốc, có diện tích 9.562,9 km2. Địa hình chia cắt, nhiều sông suối, đồi núi, có độ dốc lớn. Là tỉnh có chung đường biên giới với 2 quốc gia: Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào (dài 360 km) và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (dài 40,861 km).

Chùa Yên Tử _ Điểm đến du lịch tâm linh

Chùa Yên Tử nằm trên đỉnh núi Yên Tử, thuộc khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử. Chùa Yên Tử nằm trên địa phận phường Phương Đông và xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí), một phần thuộc xã Hồng Thái Đông (huyện Đông Triều). Khu di tích bao gồm các công trình kiến trúc tôn giáo chùa, am, tháp được xây dựng rải rác theo tuyến trải dài từ Bí Thượng (chân Dốc Đỏ) đến đỉnh núi Yên Tử huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, cách Hà Nội 130 km và cách thành phố Hạ Long 40 km.

Du lịch Fansipan, trải nghiệm mùa tuyết rơi

Đỉnh Fansipan nằm trên dãy núi Hoàng Liên Sơn, là dãy núi cao nhất ba nước Đông Dương có độ cao 3.143m so với mặt nước biển, cách thị trấn Sapa 9 km về phía Tây Nam. Fansipan còn gọi là là "Nóc nhà Đông Dương", giáp với tỉnh Lai Châu, có chiều dài khoảng 280km từ Phong Thổ đến Hòa Bình, chiều ngang của chân núi Hoàng Liên Sơn rộng nhất là 75km và hẹp nhất khoảng 45km.
Top