banner 728x90

Du lịch đảo Hải Nam, Trung Quốc

24/11/2024 Lượt xem: 2460

Thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc

Đảo Hải Nam (Trung Quốc) nằm ở ngoài khơi biển Đông, là tỉnh nhỏ thuộc cực Nam, đồng thời là đặc khu kinh tế của Trung Quốc, bao gồm nhiều đảo, trong đó đảo lớn nhất được gọi là đảo Hải Nam.

Đảo Hải Nam dài 155 kilômét, rộng 169 km, diện tích gần 33.000 km2, tương đương và gần bằng diện tích Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Đảo Hải Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm. Mùa đông lạnh nhất là tháng 1 và tháng 2, nhiệt độ không khí giảm xuống 16 đến 21°C. Mùa hè nóng nhất là tháng 7 và tháng 8, nhiệt độ trung bình khoảng 25 đến 29°C.

Đi du lịch đảo Hải Nam bạn nên đi vào khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau vì lúc này thời tiết không có mưa, thuận tiện cho việc di chuyển và tham quan, khám phá.

Đảo Hải Nam được xem là “mắt bão”. Phần phía Đông của đảo Hải Nam nằm trên đường đi của các cơn bão nhiệt đới, 70% lượng mưa hàng năm bắt nguồn từ các cơn bão và các cơn mưa mùa hè. Lượng mưa trung bình hàng năm là 1.500 đến 2.000 milimét. Khoảng tháng 1 và tháng 2 hàng năm, tại các vùng ven biển trên đảo Hải Nam, khu vực phía Bắc của đảo, thường xảy ra hiện tượng sương mù dày đặc cả ngày lẫn đêm. Điều này là do không khí lạnh mùa đông tiếp xúc với nước biển ấm tạo thành.

Người dân trên đảo phát triển kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, du lịch, khai thác khoáng sản và ngư nghiệp. Về nông nghiệp, ngoài cây lúa, người dân còn trồng dứa, cọ, sisal, dừa, cây cao su, hồ tiêu, cà phê, trà, đào lộn hột, mía, trong đó dứa là nông sản dẫn đầu cả nước.

Về ngư nghiệp, đảo Hải Nam có khoảng 100.000 hộ trang trại nuôi cá thương mại, trong đó chủ yếu là cá rô phi, cả đảo có trên 400 trại tôm giống và nhiều hộ dân nuôi sò điệp, ngọc trai xuất khẩu. Sản lượng đánh bắt xa bờ của ngư dân đảo Hải Nam chủ yếu là cá mú, cá thu, cá ngừ …

Bản đồ đảo Hải Nam, Trung Quốc 

So với Việt Nam và các nước châu Á,  du lịch đảo Hải Nam gần như không có gì đặc sắc ngoài khu vực Hải Hoa Đảo (một hòn đảo nhân tạo thuộc thành phố Đan Châu, Trung Quốc) đang trong quá trình hình thành đầu tư xây dựng và Công viên Khu Du lịch Văn hóa Nam Sơn nằm ở bờ biển phía Nam của tỉnh Hải Nam, cách trung tâm thành phố Tam Á khoảng 40 km. Với diện tích lên đến 50 km², nơi đây được xem là một trong những công trình văn hóa tâm linh nổi bật nhất của Phật giáo tại Trung Quốc.

Ngoài ra, còn có đảo Khỉ và một số bãi biển đẹp như: Đại Đông Hải, Vịnh Á Long, Bãi biển Thiên Nhai Hải Giác… là địa chỉ dành cho các bạn trẻ yêu thích thiên nhiên, thích check-in chụp hình, nghỉ dưỡng và thưởng thức ẩm thực.  

Đáng chú ý nhất là Khu Du lịch Văn hóa Nam Sơn vì có Tượng Phật Quan Âm (màu trắng) có tên đầy đủ là Nam Sơn Hải Thượng Quan Âm trên biển, cao 108 mét. Đây là bức tượng Quan Âm lớn nhất thế giới. Bức tượng này có 3 mặt: Một mặt Tượng Quan Âm cầm hoa sen, một mặt Tượng Quan Âm cầm quyển sách vàng và một mặt Tượng Quan Âm cầm chuỗi hạt Phật giáo. Dưới chân tượng có một đài sen 108 cánh, đài sen cao 10 mét, có 4 tầng, mỗi tầng có 27 cánh hoa sen hình dáng giống nhau. Dưới tòa sen là Kim Cương Đài, bên trong Kim Cương Đài là Cung điện Yuantong có diện tích 15.000 mét vuông. Hầu hết các đoàn khách du lịch đặt chân đến đảo Hải Nam đều không thể bỏ qua nơi này.

Tượng Phật Quan Âm tại Khu Du lịch Văn hóa Nam Sơn

Điểm nhấn trong chuyến đi du lịch Hải Nam có lẽ là Hải Hoa Đảo. Một hòn đảo nhân tạo có diện tích hơn 800 ha, bờ biển có tổng chiều dài khoảng 6,8 km, được thiết kế hình dạng trông giống như một bông hoa vươn mình ra đại dương nên được gọi là “Đảo hoa biển”. Chi phí xây dựng toàn bộ hòn đảo này là hơn 21 tỷ USD do Tập đoàn bất động sản Evergrande đầu tư xây dựng.

Theo thông tin báo chí, cuối tháng 12/2009, Bắc Kinh công bố kế hoạch phát triển đảo Hải Nam thành một địa chỉ du lịch quốc tế. Ngay lập tức, giới đầu tư nhà đất của Trung Quốc ồ ạt kéo tới đây để tìm cơ hội kiếm tiền nhanh. Vì thế mà giá nhà đất ở đây tăng với tốc độ “chóng mặt”, tạo nên bong bóng bất động sản và những cơn sốt đất ảo, gây lo ngại cho việc quản lý của chính quyền địa phương. Đây là lần thứ 2 “bong bóng bất động sản nổ tung”. Lần thứ nhất xảy ra vào năm 1992.

Ngay lập tức một loạt biện pháp kiểm soát cho vay mua nhà, tiền đặt cọc nhà, cũng như tạm ngừng cấp phép xây dựng và sử dụng đất xây dựng… được nhà nước Trung Quốc đưa ra nhằm hạ nhiệt giá nhà, góp phần làm “xì hơi” bong bóng bất động sản…vì vậy đến nay, vẫn còn nhiều khu phố vắng hoe, nhiều công trình xây dựng nửa chừng bị bỏ dở, khiến các nhà chức trách phải mất hàng chục năm để dọn dẹp các khoản nợ xấu và những lô đất trống bị bỏ lại sau đó. Nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, trở thành lực cản lớn cho việc tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc.

Tại Hải Hoa Đảo, khu dự án do chủ đầu tư Evergrande không xây dựng đúng như kế hoạch nên bị cho là công trình trái phép và buộc phải tháo dỡ.  Nên Tập đoàn này cũng đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng nợ rất nghiêm trọng.

“Hải Hoa Đảo” dự án do chủ đầu tư Evergrande xây dựng

Đảo Hải Nam có 5 sân bay dân dụng đang khai thác. Chúng tôi đáp máy bay xuống Sân bay Quốc tế Mỹ Lan, nằm cách thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, khoảng 18 km về phía Đông Nam. Sau đó đoàn di chuyển đến Hải Hoa Đảo (tp.Đan Châu). Từ sân bay quốc tế Mỹ Lan đến Hải Hoa Đảo khoảng 150 km đường bộ (đường cao tốc). Hai bên đường cao tốc vắng hoe, chỉ có cây cỏ, rất ít nhà dân.

Các tour du lịch đảo Hải Nam chỉ có thể nói là “tour ít tiền” chứ không thể nói là “tour rẻ”, bởi vì đắt, rẻ phải được so sánh với chất lượng phục vụ và các điểm tham quan trong chương trình tour.

Điều khiến du khách cảm thấy khó chịu vì bị “tận thu” là tại khu vực Hải Hoa Đảo không cho phép lái xe chở khách tham quan (khu phố đã và đang xây dựng dở dang này), nếu muốn tham quan buộc phải thuê xe điện với chi phí: 68 tệ/ 1 người. Tương đương với 250.000 VNĐ/ 1 người. Tạm tính một đoàn du khách khoảng 28 người sẽ mất 7 triệu VNĐ một lần đi. Trong khi các khu vui chơi giải trí ở đây chưa xây dựng xong, chưa đưa vào khai thác. Khách tham quan cũng chỉ đứng bên ngoài quan sát và chủ yếu là ngắm nhìn đường phố. Vậy mà cũng nghĩ ra cách thu tiền xe điện tham quan…

Trong chương trình tour của các Công ty Du lịch Việt Nam có ghi rõ là “khách tự túc ăn tối” (2 buổi tối) nhưng khách sạn không phục vụ ăn tối, du khách muốn đi ăn tối chỉ có thể đến khu ẩm thực chợ đêm cách đó khoảng 8 – 9 km.

Hải Hoa Đảo không có taxi (có lẽ vì vắng khách) nên không ai có thể đi bộ gần 10 km để ăn tối, rồi về lại khách sạn với quãng đường cả đi và về gần 20 km này. Vì vậy khách buộc phải trả 10 tệ / 1 người cho lái xe để chở đi ăn tối. Cả đoàn sẽ phải chi khoảng hơn 1 triệu đồng cho việc chở đi ăn tối, mà lẽ ra khoản tiền này so với các tour du lịch ở các nước khác là hiển nhiên không mất tiền.

Việc bị “tận thu” còn diễn ra một lần nữa ở Khu Du lịch Văn hóa Nam Sơn khi chỉ một đoạn đường khoảng 3 ngàn mét từ cổng chào phía ngoài vào đến chân Tượng Phật Quan Âm mà khách du lịch phải mất 2 lần đi xe điện.

Một du khách Việt Nam nói với tôi: “Trung Quốc là bậc thầy trong việc kinh doanh và làm kinh tế…nhưng với cách tính “tận thu” kiểu này, xem ra không còn phù hợp với xu hướng du lịch hóa toàn cầu. Những nước phát triển có cách làm riêng, họ không tận thu kiểu này”. Có thể do vậy mà du khách đến đảo Hải Nam vẫn chủ yếu là người Trung Quốc và người Việt Nam, rất ít khách nước ngoài.

 

Du khách chụp hình lưu niệm tại Khu Du lịch Văn hóa Nam Sơn 

Khách sạn Beauty Crown Grand Tree thành phố Tam Á, đảo Hải Nam, Trung Quốc

Một phát hiện rất ấn tượng đối với tôi khi đặt chân xuống sân bay Mỹ Lan là toàn bộ nhân viên sân bay ở đây, bao gồm: Hải quan và nhân viên phục vụ đều không biết tiếng Anh.

Khi các đoàn khách du lịch xuống sân bay để chuẩn bị nhập cảnh, từ xa đã nghe thấy tiếng ồn ào từ các giọng nói như cãi nhau, vừa ra hiệu, vừa chỉ chỏ… của mấy anh nhân viên phục vụ: “Zǒu zhè biān, zǒu zhè biān. Bù dǒng zhōngwén”

Tôi hỏi bạn hướng dẫn viên xem nó nói gì thì được trả lời là: “Nó bảo đi hướng này, đi hướng này. Không biết tiếng Trung à”. Haiz…zà… Cái này thì bó tay thật rồi (cười).

Mấy bạn trẻ tỏ ra sành điệu nói tiếng Anh với các nhân viên ở đây, nhưng kết quả là hai bên mặt đều nghệt ra như… ngỗng…ị. Giao tiếp hiệu quả nhất vẫn là chỉ chỏ và ra hiệu bằng tay (cười). Haiz…zà… Cái này mệt đây… Rất may, đoàn chúng tôi có phiên dịch nên không gặp trở ngại gì. 

Theo một nguồn tin riêng, không chỉ riêng Sân bay Mỹ Lan mà toàn bộ các sân bay khác trên đảo Hải Nam, nhân viên sân bay đều không biết tiếng Anh. Điều này cho thấy nếu đi du lịch tự túc (mà không biết sử dụng phần mềm dịch tiếng nước ngoài) thì sẽ có ngày…”tiêu đời” (cười) bởi giao tiếp cực kỳ khó khăn…Một câu hỏi đặt ra với tôi, đến bao giờ Hải Nam mới hội nhập quốc tế được nhỉ (?!) (cười).

Trung Quốc rất ưa chuộng hình thức và thích màu đỏ. Các khách sạn ở đảo Hải Nam được cho là khách sạn 4 sao, 5 sao, về hình thức thì rất lớn, to, rộng và hoành tráng, thế nhưng lại không có bể bơi và các trang thiết bị cũng rất sơ sài. So với các nước châu Âu và các nước châu Á phát triển, ngay cả so với các thành phố lớn ở Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải… thì khu vực nhà vệ sinh công cộng trên đảo Hải Nam rất ít bồn cầu ngồi, hầu hết là bệ bệt xổm và rất bẩn…Mỗi lần đi vệ sinh, du khách có cảm giác ngại và sợ.

Có thể nói rằng, ngoài một số khu vực ở Hải Hoa Đảo (mới xây dựng) và thành phố Tam Á, thành phố Hải Khẩu ra, đảo Hải Nam chưa được đầu tư đúng mức, nên vẫn còn rất hoang sơ và thưa thớt dân cư. Với diện tích đảo gần 33.000 km2 nhưng dân số chỉ có 10 triệu người, tương đương với dân số thành phố Hồ Chí Minh, của Việt Nam.

Nhắc đến du lịch, không thể bỏ qua mục ẩm thực. Một số món ăn ngon được xem là hấp dẫn trên đảo đối với du khách là: Gà Văn Xương, súp rùa và súp rắn, lẩu Hải Nam, tôm, cua, cơm dừa, lẩu gà nước dừa… Người dân Trung Quốc ăn xì dầu (nước tương) chứ không ăn nước mắm như dân Việt Nam.

Tác giả chụp hình lưu niệm tại đảo Hải Nam, Trung Quốc

Tôi đi theo đoàn, ăn theo đoàn nên cũng không có dịp thưởng thức các món này. Nhưng khu vực ẩm thực đêm ở Hải Hoa Đảo nhiều người khen ngon và rẻ. Một tô “Bún qua cầu” có giá 29 tệ (tương đương với hơn 100 ngàn VNĐ) ăn rất ngon. Tuy nhiên, ở khu chợ đêm Tam Á thì ngược lại. Một tô “Mì cay” giá 25 tệ ăn vừa không ngon, vừa đắt.

Điều khác lạ là các gian hàng ẩm thực ở khu chợ đêm Tam Á, nhân viên vừa bán vừa rao như ở “chợ trời” tạo nên những âm thanh ồn ào, hỗn độn. Ngay cả các khu vực công cộng cũng vậy, dân đảo Hải Nam nói chuyện với nhau như thét vào tai, giống như đang cãi nhau. Điều này trái ngược hoàn toàn với người Nhật. Trên các chuyến xe buýt và khu vực công cộng ở Nhật, mặc dù rất đông người nhưng im phắc, không một tiếng động. Họ tôn trọng không gian chung của mọi người. Hành vi và ứng xử văn hóa là căn cứ để đánh giá trình độ dân trí của từng khu vực ./.

Khách sạn Kim Lập, thành phố Đan Châu, tỉnh Hải Nam Trung Quốc

 

Ghi chép của Đào Quốc Thịnh

 

Tags:

Bài viết khác

Phở bò Việt Nam lọt top ngon nhất thế giới

Phở bò - món ăn đặc trưng của Việt Nam, vừa được vinh danh trong danh sách "20 món súp ngon nhất thế giới" của CNN Travel. Đây là một thành tựu đáng tự hào không chỉ đối với nền ẩm thực Việt Nam mà còn cho thấy sự lan tỏa mạnh mẽ của phở ra thế giới.

Bài 2: Du lịch Nhật Bản, khám phá đất nước mặt trời mọc

Lời giới thiệu: “Du lịch Nhật Bản, khám phá đất nước mặt trời mọc” là một trong những bài viết mới năm 2024 của Nhà báo Đào Quốc Thịnh sau loạt bài quảng bá du lịch trên kênh truyền thông quốc tế BBC (năm 2021). Bằng sự quan sát tinh tế, thông qua những trang viết mộc mạc, giản dị, pha chút hài hước, tác giả đã phản ánh những điều khác biệt, mới lạ của đất nước Nhật Bản so với Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới mà không phải ai cũng phát hiện được.

Bài 1: Du lịch Nhật Bản, khám phá đất nước mặt trời mọc

Lời giới thiệu: “Du lịch Nhật Bản, khám phá đất nước mặt trời mọc” là một trong những bài viết mới năm 2024 của Nhà báo Đào Quốc Thịnh sau loạt bài quảng bá du lịch trên kênh truyền thông quốc tế BBC (năm 2021). Bằng sự quan sát tinh tế, thông qua những trang viết mộc mạc, giản dị, pha chút hài hước, tác giả đã phản ánh những điều khác biệt, mới lạ của đất nước Nhật Bản so với Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới mà không phải ai cũng phát hiện được.

Người đi du lịch và người không đi du lịch, cuộc sống khác biệt nhau như thế nào?

Ý nghĩa của việc du lịch chính là mở rộng tầm nhìn, phong phú thêm trải nghiệm cho bản thân.

Bài 2: DU LỊCH HÀN QUỐC _ KHÁM PHÁ XỨ SỞ KIM CHI (Tiếp theo Bài 1...)

Giống như Việt Nam, Hàn Quốc đi lên từ một đất nước nghèo khó, khổ cực, cũng từng bị xâm lược và chịu ảnh hưởng từ các quốc gia láng giềng, nhưng dân tộc này vẫn giữ được quyền độc lập và truyền thống văn hóa vốn có của mình.

Bài 1: DU LỊCH HÀN QUỐC _ KHÁM PHÁ XỨ SỞ KIM CHI

Lời giới thiệu: Nhà báo Đào Quốc Thịnh là cây bút chuyên viết phóng sự, phóng sự xã hội, phóng sự điều tra, nhưng những năm gần đây ông lại bén duyên với “du lịch”. Với phong cách viết độc đáo, hấp dẫn, gần gũi với bạn đọc, những bài viết quảng bá du lịch trong và ngoài nước của ông đã thu hút hàng chục ngàn lượt bạn đọc thường xuyên theo dõi và yêu thích.

Nước Nga trong trái tim tôi

(Ghi chép của Đào Quốc Thịnh). Nước Nga nằm ở phía Bắc, phía Đông của Bắc bán cầu, gần Bắc Cực, với diện tích 17,09 triệu km2 được xem là lớn nhất thế giới. Nga có đường biên giới chung với 14 quốc gia, kéo dài tới 57.792 km, trong đó biên giới đất liền dài 20.139 km, cũng được xem là biên giới dài nhất thế giới.

Du lịch Indonesia - Xứ sở “vạn đảo" với những cô gái hồi giáo xinh đẹp

(Ghi chép của Đào Quốc Thịnh). Indonesia nằm giữa Đông Nam Á và châu Đại Dương, nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, phía Bắc giáp với Malaysia, Singapore, Philippines và biển Đông; phía Nam giáp với Australia và Ấn Độ Dương, phía Tây giáp với Ấn Độ Dương; phía Đông giáp với Papua New Guinea, Đông Timor và Thái Bình Dương.
Top