Nếu như ở Bắc Bộ, tục thờ Nữ thần và Mẫu thần có sự phân biệt nhất định mà biểu hiện rõ rệt nhất là thông qua tên gọi và xuất thân của các vị thần thì ở Nam Bộ chúng tôi có cảm giác sự phân biệt giữa hai lớp Nữ thần và Mẫu thần ít rõ ràng hơn. Ví dụ, như ở Nam Bộ, Bà Chúa Xứ, Bà Chúa Ngọc (Thiên Ya Na), Linh Sơn Thánh Mẫu – Bà Đen được coi như là những Mẫu thần và được tôn xưng là Thánh Mẫu, thì Bà Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) trong đó đặc biệt là Bà Thủy Long, Bà Hỏa thì là Nữ thần hay Mẫu thần, hay trường hợp cúng Bảy Bà (Bà Chúa Tiên, Chúa Ngọc, Chúa Xứ, Cửu Thiên Huyền Nữ, Thiên Hậu, Bà Thủy, Bà Hồng, Nữ Oa) thì lại vừa có Mẫu thần vừa có Nữ thần. Tình trạng khó phân lớp giữa Nữ thần và Mẫu Thần này ở Nam Bộ so với Bắc Bộ là hoàn toàn có thể giải thích được vì Nam Bộ là vùng đất mới của người Việt, khi di cư vào đây họ vừa mang các truyền thống tín ngưỡng cũ lại vừa tiếp nhận những giao lưu ảnh hưởng của cư dân sinh sống từ trước, tạo nên bức trang không chỉ đa dạng văn hóa nói chung mà còn cả tín ngưỡng nữa. Đây cũng là một trong các đặc thù của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ.
Linh Sơn Thánh Mẫu – Bà Đen (Tây Ninh)
Do vậy, trên những nét đại lược nhất, có thể chọn ra trong những Nữ thần được thờ phụng ở Nam Bộ các vị nữ thần được tôn xưng là Mẫu thần như Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Xứ, Bà Đen – Linh Sơn Thánh Mẫu, Bà Thiên Hậu, Cửu Thiên Huyền nữ (trong đó kể cả các biến dạng của Mẫu thần trên). Còn lại các vị thần khác như Bà Ngũ Hành, Bà Thủy Long, Bà Hồng, Tứ Vị Nương Nương, Trinh Nữ Nương Nương, Bà Chúa Động, Tổ Cô… đều là các Nữ thần. Sự phân biệt kể trên xuất phát từ hai tiêu chí, đó là: Các vị nữ thần được coi là Mẫu thần là do vị trí được tôn vinh trong tâm thức dân gian cũng như hệ thống nghi lễ hàng năm nhân dân dành cho họ và danh xưng của các vị nữ thần này thường được gọi là Thánh Mẫu.
Các vị thần được coi là Nữ thần hay Mẫu thần vừa nêu trên đều là kết quả của quá trình giao lưu, hôn dung văn hóa của nhiều lớp dân cư cuả người Khơ me, Việt Chăm, Hoa. Đơn cử trong trường hợp Bà Chúa Ngọc vốn gốc là vị nữ thần Po Inư Nưgar – Bà Mẹ Xứ Sở của người Chăm, nơi mà thờ tự chính là Tháp Bà Nha Trang. Sau này, khi người Việt đặt chân vào trung và nam Trung Bộ với truyền thống thờ Mẫu sẵn có từ quê hương nên đã Việt hóa vị thần Chăm này với tên gọi mang chút chữ nghĩa là Thánh Mẫu Thiên Ya Na, còn dân gian vẫn gọi là Bà Chúa Ngọc, như cách gọi phổ biến từ Nha Trang ra tới Huế, trong đó Huế với điện Hòn Chén được coi là nơi gặp gỡ giữa Thánh Mẫu Liễu Hạnh từ Bắc vào và Bà Mẹ Po Inư Nưgar của người Chăm từ Nam ra. Hiện nay, người Chăm không đến Tháp Bà Nha Trang để thờ phụng Bà Mẹ Xứ Sở của mình nữa, mà di chuyển nơi thờ chính của vị nữ thần này về Hữu Đức (Ninh Thuận). Khi người Việt từ Trung Bộ vào Nam Bộ thì đã mang theo vị nữ thần Chăm đã Việt hoá này vào thờ phụng khá rộng rãi ở đây với linh tượng bà Chúa Ngọc với hai người con trai là Cậu Tài, Cậu Quý phối thờ hai bên.
Bà Chúa Xứ và Linh Sơn thánh Mẫu-Bà Đen thì lại là kết quả giao lưu và hỗn dung tín ngưỡng giữa người Việt và Khơ me. Với tâm thức thờ Mẫu từ quê hương là Bắc Bộ và Trung Bộ, người Việt vào Nam Bộ đã bắt gặp tục thờ nữ thần của người Khơ Me, đó là Bà Neang Khmau, một nữ thần Đất để tạo nên hình tượng bà Chúa Xứ mà ngày nay ngoài nơi thờ chính ở Núi Sam (An Giang), còn được dân gian thờ phụng ở hầu khắp Nam Bộ trong phạm vi vùng, làng và thậm chí trong gia đình nữa. Đây là vị Mẫu thần có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp nhất ở Nam Bộ ngày nay.
Tượng Bà Thiên Hậu
Có một sự hỗn dung khác giữa tín ngưỡng Việt và người Khơ me bản địa, đó là hình tượng Bà đen – Linh Sơn Thánh Mẫu. Ai cũng rõ rằng, tiền thân của Bà Chúa Xứ, Bà Đen của Khơ me và kể cả bà Pôn Inư Nagar của Chăm thì đều thấy hình tượng thấp thoáng của Ấn Độ giáo, trong đó vai trò của Siva là nổi bật. Tuy nhiên, quá trình bản địa hoá văn hoá ấn Độ của người Khơ me và Chăm trên địa bàn Trung Bộ và Nam Bộ đã diễn ra trước khi người Việt đầu tiên có mặt. Và sau đó, khi người Việt có mặt nơi đây thì họ lại Việt hoá các vị nữ thần Chăm và Khơ me này thành các vị nữ thần tôn kính của mình. Trong công trình trước kia của mình qua các chuỗi chuyển tiếp Kali – Bà Đinh – Bà Chúa Động – Bà Đen – Linh Sơn Thánh Mẫu. Tất nhiên quá trình nhận thức sự chuyển tiếp này cũng còn cần phải tiếp tục, nhưng một hiện tượng thường đập vào mắt các du khách là ở đền Bà Chúa Xứ, mà như trên đã nói vốn gốc là nữ thần Khơ me, không thấy có hiện tượng phối thờ Bà Đen, nhưng ở đền-chùa Linh Sơn Thánh Mẫu ở núi Bà Đen, thì nơi chính điện, người ta thấy Bà Đen và Bà Chúa Xứ ngồi ngang nhau, một bà mặt đen (Bà Đen) và mặt trắng (Bà Chúa Xứ). Hơn nữa theo quan niệm dân gian ở đây, người ta coi Bà Đen và Bà Chúa Xứ là hai chị em.
Còn một móc xích nữa mà nhân đây xin nêu là tại một ngôi đền lớn thờ Bà Rá mà dân gian quen gọi là Bà Đen ở Phước Long (Bình Phuớc) lại phối thờ linh tượng Bà Linh Sơn Thánh Mẫu ở núi Bà Đen và coi Bà Rá và Bà Đen- Linh Sơn Thánh Mẫu là hai chị em, trong khi đó ở đền Linh Sơn Thánh Mẫu (Tây Ninh) lại không phối thờ Bà Rá. Xa hơn nữa, hé mở cho chúng ta mối quan hệ giữa Bà Chúa Xứ (An Giang) – Bà Đen (Tây Ninh) – Bà Rá (Phước Long) với tục thờ Muk Juk (Bà Đen) của người Chăm ở phía đông nam trên địa bàn Ninh Thuận, Bình Thuận.
Còn Thiên Hậu với rất nhiều đền, miếu, cúng thờ Bà ở khắp Nam Bộ và Trung Bộ thì do người Hoa di dân mang tới khoảng thế kỷ XVII. Ở đây không có sự Việt hoá Thiên Hậu của người Hoa, tuy nhiên khi vào Việt Nam thì Thiên Hậu không chỉ là vị thần bảo hộ của những người buôn bán trên biển mà đã mang đa chức năng hơn, khiến không chỉ người Hoa đến cầu cúng mà còn cả người Việt, thậm chí có đền thờ Thiên Hậu ở Cà Mau lại do toàn người Việt địa phương đến hương khói, cầu xin sự phù hộ của Bà.
Ban Nghiên cứu Văn hóa