Cờ ngũ sắc là loại cờ mang ý nghĩa làm tôn thêm vẻ linh thiêng, trang trọng của không gian thờ tự như đình, chùa, đền, miếu... hay các nơi tổ chức lễ hội, được thiết kế dựa theo thuyết Âm dương Ngũ hành, với hình vuông có 5 màu tượng trưng cho 5 hành khí: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Cờ ngũ sắc còn được gọi là cờ thần. Chữ Thần ở đây không mang ý nghĩa thần linh hay thần thánh, mà nó mang nghĩa thần thái, tinh thần, là biểu tượng thể hiện tinh thần, ý chí hay đặc trưng, cốt cách của dân tộc, một dòng họ hay một lễ hội nhất định. Chính vì vậy, cờ thần (cờ ngũ sắc) không chỉ được sử dụng ở các cơ sở thờ cúng mà còn được sử dụng ở các không gian khác, với các mục đích khác nhau.
Đến nay, chưa có tài liệu chính thống nào khẳng định cờ ngũ sắc có từ khi nào, nhưng căn cứ các bức tranh cổ, các chuyện dân gian thì có thể thấy cờ ngũ sắc đã sớm xuất hiện từ thời khởi nghĩa Hai Bà Trưng, nghĩa là, từ hàng nghìn năm nay, cờ ngũ sắc đã được ông cha ta sử dụng trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, trong các không gian sinh hoạt văn hóa tâm linh, lễ hội và những hoạt động liên quan khác.
Về bố cục màu sắc, hiện nay, ta thấy có nhiều loại cờ ngũ sắc khác nhau, bởi cờ ngũ sắc lấy màu trung tâm làm màu chủ đạo, chi phối 4 dải màu kế tiếp, dựa theo quan hệ Ngũ hành tương sinh. Nền giữa có lá màu đỏ, có lá màu vàng, có lá màu xanh, có lá màu trắng..., từ đó màu các viền xung quanh cũng có sự thay đổi khác nhau. Sở dĩ có sự khác nhau này là do có nhiều quan niệm xung quanh vấn đề này mà đến nay chưa có sự thống nhất.
Có người cho rằng trung tâm cờ phải là màu đỏ, vì tổ tiên ta xưa kia lấy đức của Hỏa (màu đỏ) làm vua, mà vua thì luôn ở vị trí trung tâm; có người bảo trung tâm cờ phải là màu vàng, vì trung tâm mang hành Thổ, ứng với màu vàng, vàng Thổ cũng tượng trưng cho đất mẹ nuôi sống con người và vạn vật; lại có ý kiến lập luận trung tâm phải là màu xanh, bởi vạn vật phát triển bắt đầu từ hành Mộc và vũ trụ chuyển động bắt đầu từ phương Đông, mà phương Đông thuộc Mộc, đại diện cho Mộc là màu xanh... Song, có một điểm chung là tất cả diềm cờ ngoài cùng đều mang màu đỏ, có hình dáng ngọn lửa đang cháy, biểu trưng của sự trường tồn, vĩnh cửu.
Về kích thước, cờ ngũ sắc được thiết kế theo nhiều kích cỡ để sử dụng trong các không gian và mục đích khác nhau. Cờ loại to gọi là cờ đại, cờ có kích thước trung bình gọi là cờ trung, kích thước nhỏ gọi là cờ tiểu. Tùy theo quy mô, tính chất từng lễ hội mà người ta lấy kích thước cờ cho phù hợp. Thông thường, người ta hay lấy số đo một cạnh hình vuông lá cờ có tổng của các chữ số là một số lẻ như: 1m, 1,20m, 2,10 m, 3m, 4,50m, 5m... (đây là số đo cạnh hình vuông ngoài cùng, không tính diềm cờ), bởi người Việt quan niệm số lẻ là cơ số, là số dương, số động, biểu thị cho sự phát triển không ngừng.
Ngoài cờ ngũ sắc hình vuông, đâu đó ta còn bắt gặp loại cờ hình tam giác (cờ đuôi nheo), tuy nhiên loại cờ này chủ yếu có kích thước nhỏ và chỉ được dùng để cắm./.
Ban Nghiên cứu Văn hóa