banner 728x90

Câu chuyện gia đình: “Nỗi oan…”

15/10/2024 Lượt xem: 2368

Anh Hai lấy vợ muộn khi ba đứa em chúng tôi (gồm anh Ba, tôi và Miên - đứa em gái) đều có gia đình và ra ở riêng. Chị Thu - chị dâu tôi trẻ hơn anh Hai đến 12 tuổi nhưng rất đảm đang. Ở chung với cha mẹ chồng, ngoài giờ làm việc nhà nước, về nhà, chị luôn làm tròn bổn phận của người con dâu, vừa chăm lo cho bố mẹ chồng vừa làm mọi việc trong nhà mà không hề ca thán lời nào. Anh Hai lấy được vợ trẻ nên cưng chị lắm. Anh thương chị không chỉ vì 10 năm qua, chị đã cho anh hai đứa con ngoan hiền, mà còn vì chị khéo léo trong cách cư xử, sống chân thật với mọi người. Gia đình tôi được hàng xóm khen là gia đình hạnh phúc, đầm ấm.

Thế rồi, đột nhiên, khi cha tôi sang tuổi 72 và mẹ tôi bước vào tuổi 70 thì trong nhà xảy ra chuyện.

Khởi đầu là việc mẹ tôi kêu mất ngủ, sau đó ở nhà thường ngồi trầm tư, không nói một lời, nhưng cứ ra ngoài đường là bà chạy bán sống bán chết. Bà chạy đến nỗi té bầm đầu gối, người ta đỡ đứng dậy bà vẫn chạy tiếp. Hỏi thì mẹ bảo: “Chúng nó rượt đằng sau nên mẹ phải chạy”. Thấy mẹ không bình thường, cả nhà tôi hốt hoảng, đưa bà đến bác sĩ tâm thần. Bác sĩ bảo, mẹ bị rối loạn tâm thần ở người già, phải chạy chữa ngay. Ban đầu, chuyện thuốc thang không tốn lắm, lương hưu của ông bà để dành cùng con cái - đứa giúp một ít coi như cũng tạm lo được. Song dần dà theo thời gian, bệnh mẹ nặng hơn, tiền nong cũng cạn.

Nghĩ đến số vàng cất trong tủ mà vợ chồng dành dụm được, cha tôi định lấy ra để bán lấy tiền tiếp tục trị bệnh cho mẹ trong thời gian tới thì thật bất ngờ, lục lọi khắp nơi mà không thấy đâu. Hỏi mẹ có biết vàng để đâu không thì bà chỉ cười. Mấy đứa con cũng xúm lại tìm giúp, rồi hỏi cha xem có khi nào cha nhớ nhầm, hay mẹ đã bán đi rồi không.

- Không bán cho ai cả. Trước đây, thỉnh thoảng bà ấy lấy ra coi rồi lại cất vào tủ thôi - cha tôi nói.

Chị dâu tôi thì khẳng định: “Mẹ không bao giờ bán, bởi bà có lần nói với chị rằng đó là của để dành dưỡng già. Bà còn dặn chị rằng, bà cất ở góc tủ, bọc trong túi vải màu nâu”.

Tìm hoài không thấy, rà đi rà lại với bao giả thuyết mà không đi đến kết quả nào, nên sự nghi ngờ có người lấy trộm bắt đầu xuất hiện.

- Ai vào đây lấy? - Vợ anh Ba và vợ tôi vốn tính tình không bình tĩnh nên bắt đầu bóng gió. Thực ra, qua cái cách thì thầm của hai người, tôi biết họ nghi chị Thu. Buổi tối về nằm trên giường, vợ tôi còn nói: Bà Thu lấy rồi, chứ còn đâu mà đi tìm…

- Từ từ xem thử, khoan hãy nghi cho ai - Tôi nói một cách thận trọng. Nói thì nói vậy nhưng suy đi, đoán lại, tôi cũng nghiêng về tình huống chị Thu lục tủ lấy vàng.

Anh Ba và em gái tôi thì như người đứng ngoài cuộc, không đổ lỗi cho ai, nhưng tiếc của, thỉnh thoảng nhìn mẹ thở dài rồi lo lắng đến chuyện sắp đến lấy tiền đâu lo cho bà. Cũng từ đó, mỗi lần gia đình lớn của tôi tổ chức ăn uống hay gặp nhau thì y như rằng có sự chia rẽ. Tất nhiên là chuyện mất vàng lại có cơ hội được mang ra mổ xẻ.

- Nghĩ cũng lạ! Để mở được tủ thì phải có chìa khóa. Mà chìa khóa tủ thì chỉ có người trong nhà biết - Vợ anh Ba nói.

- Của cải ông bà dành dụm chỉ có từng ấy. Sau này ông bà có chuyện, bọn mình phải móc túi ra mà lo chứ ai vào đây bây giờ?- Vợ tôi hùa theo.

Những chuyện đại loại như thế cứ lặp đi lặp lại. Riêng chị Thu, từ khi biết nhà bị mất vàng, chị cứ thắc mắc hoài mà không biết phải làm gì. Thấy thái độ của hai người em dâu khang khác đối với mình, hình như chị cũng buồn. Đôi lúc tôi bắt gặp chị vừa múc cháo cho mẹ chồng ăn vừa hỏi nhỏ: “Mẹ cất vàng ở chỗ nào? Số vàng mà có lần mẹ khoe với con ấy?”. Nhưng bà cụ chỉ cười.

Bệnh của mẹ tôi ngày càng trầm trọng và cuối cùng chỉ nằm một chỗ. Vợ chồng tôi, anh Ba và đứa em gái thỉnh thoảng tới thăm cha mẹ chứ không giúp được gì nhiều. Cuối cùng, mọi khó khăn đành nhờ anh Hai và chị Thu gánh vác. Mặc dù vậy, hai người con dâu thứ cũng không buông tha. Có lần tôi nghe vợ anh Ba nói nhỏ với vợ tôi:

- Ai ăn vàng thì người ấy lo chứ bọn mình có đồng nào đâu mà lo…

- Em cũng nghĩ như chị! - Vợ tôi hùa theo - Chăm bà như thế chứ chăm hơn thì cũng chẳng bõ công…

Mẹ tôi bệnh liệt giường như vậy chừng tám tháng thì qua đời. Ngày mẹ mất, chúng tôi chuyển một số đồ đạc để lấy chỗ làm đám tang cho mẹ. Chiếc tủ đựng vàng chuyển gọn sang một bên. Vừa nhấc tủ ra khỏi chỗ, tôi thấy ngay cái túi vải nhỏ màu nâu. “Vàng của cha mẹ đây rồi này!” - tôi la thật to. Mọi người xúm lại. Mở vội ra, chúng tôi thấy có hai cây vàng và một tờ giấy có chữ của mẹ: “Hai cây vàng này ông bà cho các cháu khi lấy vợ lấy chồng mỗi đứa một chỉ, tổng cộng là 8 chỉ, còn lại để lo hậu sự cho cha mẹ”. Tờ giấy ghi ngày, tháng, năm. Tôi nhẩm tính, thời gian này là thời gian mẹ tôi bắt đầu bị bệnh. Có thể bà lấy vàng ra, viết tờ giấy này rồi lẩm cẩm đút vào gầm tủ.

Trong lúc ai nấy mừng rỡ thì chị Thu nước mắt đầm đìa, chạy đến trước bàn thờ mẹ tôi thắp hương và khấn vái khi nỗi oan đã được giải. Rồi chị gục đầu xuống. Tôi chưa bao giờ thấy chị khóc như vậy.

Phúc Nguyên

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Truyện ngắn: Giờ này anh ở đâu?

Dạo ấy, tôi 18 tuổi, vừa tốt nghiệp phổ thông trung học. Gia đình tôi khi đó rất khó khăn. Ba tôi đã mất, chỉ còn mình mẹ bươn chải việc đồng áng nuôi các con. Biết rằng vào đại học là con đường xa tít, không nằm trong khả năng của mình nên tôi chọn cách mà nhiều cô gái trong làng vẫn làm: bán hàng rong ở bến phà, cách nhà khoảng 2 cây số.

Truyện ngắn: Những mảnh đời ghép lại

Không hiểu sao những lúc ngồi trồng rau mầm trên sân thượng, Trầm hay nghĩ về cuộc hôn nhân của đời mình. Hai năm trước, có nằm mơ chị cũng không thể mường tượng ra mình có những buổi sáng thong thả chăm bẵm cho tổ ấm. Đồng ý làm vợ Khang, chị chỉ nghĩ “ừ thôi, cùng phận bèo trôi bám nhau neo đậu, biết đâu đỡ buồn”.

Truyện ngắn: Trở về với các em học sinh thân yêu

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, Mơ xin được về công tác tại trường cũ, nơi cô đã có những năm tháng đầy kỷ niệm của thời cắp sách. Dường như cảnh vật không mấy thay đổi; vẫn là những thầy cô của 4 năm trước, chỉ có các em học sinh là mới. Và có một người mới nữa là người bảo vệ tên Hào, thay thế bác Tánh đã già yếu. Lần đầu nhìn thấy Hào, Mơ thắc mắc, sao trường lại chọn một người khuyết tật làm bảo vệ?

Câu chuyện gia đình: Chung một mái nhà

Một ngày cuối thu. Trong phòng học của An, thằng Bình cầm con voi đất ngắm nghía, châm chọc: “Anh An nắn con voi đẹp quá. Anh phải nắn thêm ông An con ngồi trên lưng với điểm mười treo lộn ngược trước ngực”. Đang làm bài tập toán, An không tập trung suy nghĩ được vì giọng nói léo nhéo của Bình. Nó gắt: “Mày có im cho tao làm bài không!”.

Câu chuyện gia đình: Cuộc đời của má

Với tôi, má là hình ảnh mẫu mực của người phụ nữ miền Trung thuần đức. Má chân phương, mộc mạc, chịu thương, chịu khó. Má tôi làm nông, quanh năm bươn trải, gò lưng trên đồng. Trên người má lúc nào cũng có những “sản phẩm” của đồng ruộng. Khi thì sợi rơm khô trên tóc; có lúc trong túi áo rơi ra mấy hạt thóc; lưng áo luôn mướt mồ hôi; trên vai kẽo kẹt đôi quang gánh… Dường như, má đẹp hơn là nhờ vậy, vẻ đẹp vĩnh hằng của đức hy sinh.

Truyện ngắn: Chuyến đi biển bình yên

Biển trong tôi là một thủy cung huyền bí cần được khám phá bởi cái nắng, cái gió ở đây rất đáng yêu và quyến rũ vô cùng. Nhìn thiên hạ nô đùa với sóng, với trời nước mênh mông mà thấy thích. Thích thì thích nhưng rất sợ bởi tôi không biết bơi.

Truyện ngắn: Câu chuyện giữa rừng thông

Chàng trai đang ngồi cạnh tôi có vẻ ngoài không mấy thiện cảm. Người thấp đậm, nước da sạm nắng, râu cằm tua tủa... hơi ngang tàng và có chút gì đó bặm trợn. Vậy mà tôi phải đi với anh ta suốt một quãng đường dài để vận chuyển một số hàng mới mua từ Hà Nội về Vũng Tàu.

Truyện ngắn: Tìm lại cuộc tình sau mười năm xa cách

Chuyến tàu ngày thứ hai vắng khách, chỉ có mình tôi với một chàng trai trẻ trong khoang 6 giường nằm. Chàng trai có mái tóc bồng gợn sóng khoảng 30 tuổi ấy đang làm cuộc hành trình đi tìm cô gái mà mình thương yêu.
Top