banner 728x90

Câu chuyện gia đình: Ước muốn của người quê

21/10/2024 Lượt xem: 2375

Ít cụ bà nào ở quê biết sử dụng nhiều chức năng điện thoại như cụ Thơm. Không chỉ nghe - gọi, cụ Thơm còn biết gửi và đọc tin nhắn, thậm chí còn lướt web và biết nhiều tính năng.

Cụ bảo, khi các con hướng dẫn sử dụng điện thoại, cụ rất hồ hởi, còn chịu khó mày mò, dần rồi quen. Mấy ngày đầu, cụ mê lắm, ngồi đâu cũng mang điện thoại ra bấm bấm, rồi kể lại những điều lượm lặt trên điện thoại cho con cháu, cho dù con cháu bảo những tin ấy đã cũ rích.

Cụ Thơm đông con. Các con của cụ lập nghiệp xa xứ, nhưng cụ bảo được sống chung với vợ chồng con trai cả và cháu đích tôn là hạnh phúc rồi, chưa kể chúng làm ăn khấm khá, trang hoàng căn phòng cụ đầy đủ tiện nghi. Ở cái làng nhỏ ven sông này, cụ Thơm được xem là cụ bà hiện đại nhất. Nhìn cách cụ bấm nút ngâm, xả máy giặt, hay nút hẹn giờ ti vi, máy lạnh... ai cũng khớp. Thật ra cũng chẳng phải cụ giỏi giang gì, chỉ là cụ quen dùng, vì các cụ láng giềng không có mấy vật dụng tiện ích ấy trong nhà.

Cụ tham gia tập dưỡng sinh trong xóm. Đó là cơ hội duy nhất để cụ ra khỏi cổng ngõ. Cụ Thơm rất thích sang nhà hàng xóm, nhưng con cháu cụ lại không thích thế. Vợ chồng con trai cụ có chức tước, ít gần gũi xóm giềng, nhà cụ vì thế gần như biệt lập với những nhà xung quanh. Mỗi khi buồn, cụ lấy điện thoại gọi hết đứa này đứa nọ, vừa đỡ nhớ con cháu, vừa giải khuây. Rồi cụ mở ti vi, xem đủ kênh. Chương trình “Thay lời muốn nói” dù phát muộn, cụ vẫn chờ để xem cho bằng được. Cụ thích chương trình này vì nó khơi gợi kỷ niệm của một thời tuổi trẻ. Có hôm, thấy mẹ thức khuya, vừa xem ti vi vừa khóc theo chương trình, anh con trai cả rầy mẹ “già rồi mà đa đoan, già rồi thì phải hướng tới niềm vui để được sống lâu trăm tuổi”. Rồi anh sưu tầm đủ các đĩa hài để mua vui cho mẹ. Nhưng cụ Thơm không thích thể loại đó.

Mỗi lần cụ nhắc quá khứ xa xưa là anh không thích, vì toàn quá khứ buồn, khổ, mà ngặt nỗi cụ Thơm cứ kể hoài. Người già hình như thích vậy. Quá khứ dù có thế nào cũng là một thời tuổi trẻ họ đã đi qua, nên cứ đau đáu, hoài vọng. Cụ Thơm hay nhắc về cụ ông, về cuộc hôn nhân sắp đặt của cha mẹ hai bên mà cụ tự hào là đã hạnh phúc với nhau cả một đời người. Cụ kể về nỗi khổ con đông, sống thiếu trước hụt sau thời bao cấp, kể về những trận lũ lịch sử chưa kịp sắm sửa thức ăn ngày lũ thì nước đã tràn nhà... Cụ kể xong rồi khóc.

Trải qua sắp hết cuộc đời, với bao lo toan cơm áo gạo tiền, giờ cụ chỉ thích được gần gũi con cháu, được muốn gì làm nấy nhưng sao khó quá. Tuy được con cháu phục vụ tiện nghi đủ đầy, nhưng đời sống tinh thần, cụ chẳng thể nào chạm tay tới. Con trai cả bảo cụ khó tính, rằng nhìn quanh làng, có ai được như cụ? Lắm khi cụ cũng tự trách mình: nhiều người già không nơi nương tựa, đói rét ngoài đường, mình được con cháu tận tụy thế này, sao còn đòi hỏi. Tuy ngồi một chỗ nhưng cụ thừa mứa thông tin. Mở mắt ra là cụ có thể nắm bắt mọi hoạt động trên toàn cầu, nhờ vào chiếc điện thoại đời mới. Điều đó các cụ hàng xóm ai cũng nể. Rồi thì con cháu tuy ở xa nhưng mỗi ngày vẫn có thể nhìn thấy nhau, nói chuyện với nhau nhờ công nghệ hiện đại. Tuy ở nhà quê, nhưng bây giờ có tiền, cái gì cũng có, muốn ăn gì cũng có người phục vụ. Nhưng điều cụ cần không phải là thứ sữa giàu chất đạm để uống thay cơm, hay những tiện ích từ chiếc điện thoại, mà là muốn được gặp gỡ con cháu bằng xương bằng thịt, được chuyện trò, chia sẻ, muốn đi thăm người thân... Ngay khi thèm những món bình dân, cụ cũng ngại mở lời, vì con dâu chỉ muốn bồi bổ cho cụ bằng những món ăn ngon. Khi nhớ con cháu, cụ không dám gọi chúng về thăm, cũng chẳng dám bày tỏ nguyện vọng được đi đây đi đó khi sức khỏe vẫn còn mà quỹ thời gian cho tuổi già ngày càng hạn hẹp, nên thỉnh thoảng cụ tặc lưỡi thở dài.

Hè này, nghe tin con cháu về quê thăm, cụ mừng quýnh. Bấm đốt ngón tay, cụ gật gật đầu rồi lấy cái điện thoại di động đặt dưới gối, xắn cao ống quần bước ra vườn. Cụ xới lại đám rau muống cằn cỗi đã mấy ngày không tưới. Cụ bật máy bơm, rồi kéo ống nước vung khắp vườn. Cây cối chừng như bừng tỉnh khi cụ hào phóng cả bồn nước. Cụ biết chút xíu nữa sẽ bị con trai cả cằn nhằn, rằng cắc cớ chi không bỏ mấy đồng tiền lẻ mua mấy bó rau mà phải tần tảo cho khổ thân già; rằng ở thành phố, con cháu cụ hiếm gì của ngon vật lạ mà cụ phải lăn tăn cho mệt... Nó nói gì kệ nó. Lẽ ra cụ phải vui vì đang được sống dưới mái nhà tam đại đồng đường, nhưng thế giới của cụ chỉ gói gọn trong căn phòng 18m2, vì ai có phần nấy, bận bịu, ít chia sẻ. Tưởng chừng như niềm vui của cụ là cái ti vi, điện thoại, ở đó là cả một chân trời rộng mở với những điều lạ lẫm. Nhưng cụ không cần. Cụ muốn chính tay mình phải làm cho đám rau trở nên xanh tốt, như ngày xưa các con cụ nhờ đám rau ấy mà lớn lên, vẫn giỏi giang, nên người đấy thôi. Lát cụ sẽ sang hàng xóm, nhờ người ta mua giúp rổ cá cơm tươi để cụ làm mắm xổi, vì cụ biết dù xa quê nhiều năm nhưng các con cụ vẫn trung thành với món ăn quê xứ. Cụ cũng nhờ người ta tráng cho ít bánh tráng. Các con cụ có thể ăn món bánh tráng cuốn cá hấp, hay cuốn thịt heo luộc trừ cơm vài ngày cũng được. Cụ mơ màng vì sắp được vòi vĩnh với đám con cháu đòi đi chơi đây đó của mình...

Phúc Nguyên

Tags:

Bài viết khác

Truyện ngắn: Giờ này anh ở đâu?

Dạo ấy, tôi 18 tuổi, vừa tốt nghiệp phổ thông trung học. Gia đình tôi khi đó rất khó khăn. Ba tôi đã mất, chỉ còn mình mẹ bươn chải việc đồng áng nuôi các con. Biết rằng vào đại học là con đường xa tít, không nằm trong khả năng của mình nên tôi chọn cách mà nhiều cô gái trong làng vẫn làm: bán hàng rong ở bến phà, cách nhà khoảng 2 cây số.

Truyện ngắn: Những mảnh đời ghép lại

Không hiểu sao những lúc ngồi trồng rau mầm trên sân thượng, Trầm hay nghĩ về cuộc hôn nhân của đời mình. Hai năm trước, có nằm mơ chị cũng không thể mường tượng ra mình có những buổi sáng thong thả chăm bẵm cho tổ ấm. Đồng ý làm vợ Khang, chị chỉ nghĩ “ừ thôi, cùng phận bèo trôi bám nhau neo đậu, biết đâu đỡ buồn”.

Truyện ngắn: Trở về với các em học sinh thân yêu

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, Mơ xin được về công tác tại trường cũ, nơi cô đã có những năm tháng đầy kỷ niệm của thời cắp sách. Dường như cảnh vật không mấy thay đổi; vẫn là những thầy cô của 4 năm trước, chỉ có các em học sinh là mới. Và có một người mới nữa là người bảo vệ tên Hào, thay thế bác Tánh đã già yếu. Lần đầu nhìn thấy Hào, Mơ thắc mắc, sao trường lại chọn một người khuyết tật làm bảo vệ?

Câu chuyện gia đình: Chung một mái nhà

Một ngày cuối thu. Trong phòng học của An, thằng Bình cầm con voi đất ngắm nghía, châm chọc: “Anh An nắn con voi đẹp quá. Anh phải nắn thêm ông An con ngồi trên lưng với điểm mười treo lộn ngược trước ngực”. Đang làm bài tập toán, An không tập trung suy nghĩ được vì giọng nói léo nhéo của Bình. Nó gắt: “Mày có im cho tao làm bài không!”.

Câu chuyện gia đình: Cuộc đời của má

Với tôi, má là hình ảnh mẫu mực của người phụ nữ miền Trung thuần đức. Má chân phương, mộc mạc, chịu thương, chịu khó. Má tôi làm nông, quanh năm bươn trải, gò lưng trên đồng. Trên người má lúc nào cũng có những “sản phẩm” của đồng ruộng. Khi thì sợi rơm khô trên tóc; có lúc trong túi áo rơi ra mấy hạt thóc; lưng áo luôn mướt mồ hôi; trên vai kẽo kẹt đôi quang gánh… Dường như, má đẹp hơn là nhờ vậy, vẻ đẹp vĩnh hằng của đức hy sinh.

Truyện ngắn: Chuyến đi biển bình yên

Biển trong tôi là một thủy cung huyền bí cần được khám phá bởi cái nắng, cái gió ở đây rất đáng yêu và quyến rũ vô cùng. Nhìn thiên hạ nô đùa với sóng, với trời nước mênh mông mà thấy thích. Thích thì thích nhưng rất sợ bởi tôi không biết bơi.

Truyện ngắn: Câu chuyện giữa rừng thông

Chàng trai đang ngồi cạnh tôi có vẻ ngoài không mấy thiện cảm. Người thấp đậm, nước da sạm nắng, râu cằm tua tủa... hơi ngang tàng và có chút gì đó bặm trợn. Vậy mà tôi phải đi với anh ta suốt một quãng đường dài để vận chuyển một số hàng mới mua từ Hà Nội về Vũng Tàu.

Truyện ngắn: Tìm lại cuộc tình sau mười năm xa cách

Chuyến tàu ngày thứ hai vắng khách, chỉ có mình tôi với một chàng trai trẻ trong khoang 6 giường nằm. Chàng trai có mái tóc bồng gợn sóng khoảng 30 tuổi ấy đang làm cuộc hành trình đi tìm cô gái mà mình thương yêu.
Top