Trước đây, do định kiến xã hội mà người phụ nữ nếu vì một lý do nào đó không lấy được chồng đã phải sống đơn độc suốt đời. Điều này đến nay vẫn còn hiện hữu trong ý thức của nhiều người, làm thành bức rào ngăn cản những phụ nữ muốn tìm đến niềm khát khao được làm mẹ.
Vì thế, những người phụ nữ không lấy được chồng nếu dám “liều mình” có con, thì ngay lập tức trở thành đối tượng phán xét của người đời, khiến họ phải lẩn tránh hoặc có những quyết định tiêu cực khác. Ngày nay, cùng với sự tiến bộ của xã hội về mọi mặt, ý thức về quyền sống tự nhiên của con người ngày càng được khẳng định, cách nhìn nhận về người phụ nữ cũng khác hơn. Trong thực tế có không ít phụ nữ vì nguyên nhân nào đó, không có điều kiện lập gia đình. Thế nhưng, dù không có chồng, họ vẫn khát khao có một đứa con.

Xét ở nhiều góc độ khác nhau, chúng ta thấy niềm khát khao ấy là chính đáng và về khách quan, đang cần phải được cảm thông. Sức mạnh của niềm khát khao làm mẹ đã làm cho người phụ nữ quá lứa lỡ thì chấp nhận mọi mất mát hy sinh, kể cả vật chất và tinh thần.
Chị NTH, 39 tuổi làm nghề bán vé số ở nhà trọ đường Nguyễn Trường Tộ, P3, TP. Vũng Tàu là một ví dụ. Chị quê ở Long An. Cách đây 5 năm, người phụ nữ nông dân ấy đã buộc phải rời bỏ đồng ruộng, quê hương để đến Vũng Tàu sinh sống. Lúc ấy chị đã gần 40 tuổi và nhận ra không thể trông chờ vào “duyên số”, chờ một người đàn ông cưới mình về làm vợ. Niềm khát khao có một đứa con ngày một lớn dần. Thế là chị quyết định bỏ quê hương… Chị tìm đến TP. Vũng Tàu khi đã có bầu được hơn 1 tháng. Những người buôn thúng bán bưng xung quanh phòng trọ nơi chị ở đã giúp chị qua cơn vượt cạn. Bây giờ đứa bé đã 5 tuổi. Chị bằng lòng với quyết định của mình và tâm sự với mọi người là chờ cháu lớn thêm chút nữa sẽ đưa cháu về sống ở quê chứ hiện nay chỉ là tạm bợ mà thôi.
Trường hợp chị V.H.Q. phần nào nhẹ nhàng hơn. Chị là công nhân của một xí nghiệp may ở TP. Vũng Tàu. Cũng giống như chị H, chị Q đã ngoài 38 tuổi mà vẫn chưa thấy ai “nhòm ngó”. Nhiều đêm chị thao thức, nước mắt ngắn dài buồn vì phận mình không có một mái ấm gia đình như những người khác. Thế rồi chị chủ động đi tìm… và mang bầu như kết quả của một lẽ đương nhiên. Chị em trong tổ thương chị, bàn với chị nên đi phá thai để giữ thể diện, để khỏi bị kỷ luật. Chị Q nước mắt lưng tròng lên gặp tổ chức xí nghiệp kể hết ngọn ngành và xin được nuôi con. Kết quả là không những chị Q không bị kỷ luật mà còn được các đoàn thể xí nghiệp tạo điều kiện giúp đỡ chị trong lúc sinh nở. Bây giờ cháu bé đã 8 tuổi. Sau giờ tan ca, mỗi lần nhìn ánh mắt rạng rỡ của chị khi đón con, người ta cảm nhận được niềm hạnh phúc tột cùng trong đôi mắt ấy.

Hạnh phúc đó cũng đồng thời đã đến với chị N.T.C.N. Khác với 2 trường hợp trên, chị NTCN cũng có hình thức ưa nhìn, nhưng cả thời xuân sắc, chị miệt mài với khoa học đến khi sực tỉnh với những nhu cầu riêng tư thì đã quá muộn màng. Với cái tuổi gần 50 trong cương vị lãnh đạo một cơ quan nhà nước, nghĩ tới, nghĩ lui, biết rằng chị khó lòng tìm được một người chồng, chị N.T.C.N đã xin từ chức. Rất ít người hiểu nguyên nhân. Hơn một năm sau chị sinh con theo mong ước của mình. Niềm khát khao được làm mẹ đã thôi thúc chị hy sinh cả địa vị để đổi lấy một điều rất thường tình như những người phụ nữ khác.
Chắc chắn sẽ còn nhiều trường hợp tương tự như trên tiếp tục xảy ra. Dư luận hẳn còn nhiều ý kiến trái ngược về hiện tượng những người phụ nữ không chồng mà có con. Vấn đề đặt ra ở đây là không thể vì thiên chức làm mẹ của những cô gái không lấy được chồng mà dẫn tới bi kịch kế tiếp; phá vỡ hạnh phúc của một gia đình, của một người phụ nữ khác. Dư luận xã hội cần có cái nhìn đúng mức, thái độ cảm thông với những số phận không may mắn của những phụ nữ như đã nêu ở trên và trong xã hội./.
Đào Quốc Thịnh