Từ xưa đến nay, mọi người vẫn quan niệm:“Người đàn ông là trụ cột trong gia đình”. Đàn ông là chỗ dựa của phụ nữ. Chính vì vậy mà quyền “lãnh đạo”, “chỉ huy” bao giờ cũng thuộc về các ông chồng. Ngày nay, cùng với sự tiến bộ của xã hội, thực hiện quyền bình đẳng nam nữ nên nhiều chị em đã vươn lên giữ các vai trò địa vị quan trọng của xã hội, làm chủ gia đình và thành đạt trong việc tiếp thị tri thức khoa học kỹ thuật, nên nhiều chị hơn hẳn các đức ông chồng.
Chị L.H.M. trước là người mẫu thời trang. Lấy chồng rồi nhưng vẫn còn rất nhiều người đàn ông theo đuổi chị. Thế là chị cho rằng mình hơn hẳn chồng mọi mặt và thừa sức lấy được người hơn chồng mình. Từ suy nghĩ đó chị đã không chú ý chăm sóc, vun vén, giữ gìn hạnh phúc gia đình mà trái lại còn tỏ ra coi thường cả chồng, ngang nhiên đi chơi với những người đàn ông khác ngay trước mặt chồng.
Còn chồng chị mới đầu còn ghen, sau thấy không đủ sức để chạy theo giữ chị nữa nên anh đành phải chia tay chị. Kể từ khi anh chia tay chị, chẳng thấy chàng trai nào nhiệt tình với chị như trước nữa, họ lặng lẽ rút lui vì người nào cũng lo sợ chị bám vào mình.
Chị N.T.C.V. là con gái duy nhất của một gia đình giàu có. Chị không những được thừa hưởng một gia tài lớn của bố mẹ để lại mà còn biết phát huy nguồn vốn đó để nhân lên gấp nhiều lần. Từ một khách sạn nằm ở vị trí thuận lợi của bố mẹ để lại cho chị, sau vài năm kinh doanh, chị đã mua đất và tiếp tục xây dựng thêm khách sạn thứ 2. Sức mạnh của đồng tiền đã biến tất cả những người xung quanh chị trở thành phương tiện, công cụ của chị. Ngay cả chồng, con chị cũng không nằm trong trường hợp ngoại lệ. Chị luôn cho rằng chồng chị là người hèn kém, không có đầu óc, nên chị làm bất cứ việc gì đều không cần hỏi ý kiến chồng. Sự tôn trọng không còn thì tình cảm cũng mất theo. Và thế là, chị sống trên đống tiền mà vẫn không tìm thấy niềm vui, không tìm thấy hơi ấm gia đình…

Nhiều trường hợp những người phụ nữ có tri thức, không phải ai cũng tạo dựng được hạnh phúc. Đời sống gia đình của chị N.T.L chính là như vậy. Chồng chị vốn là người yêu từ thủa học trò. Trong lúc chị theo năm tháng cứ qua hết trường này lớp nọ thì anh lại lăn lộn nơi chiến trường. Ngày họ thực sự sum họp trong cuộc sống thanh bình thì chị đã là một trí thức có tên tuổi. Và thế là chị luôn luôn thấy anh thô thiển, kém cỏi so với cái tri thức đông tây kim cổ mà chị tích lũy được. Nỗi buồn len lỏi vào lòng chị và sự mặc cảm trong anh. Khoảng cách giữa hai người bắt đầu xuất hiện và ngày càng lớn dần. Hình như chị chỉ còn mỗi niềm say mê là lao vào khoa học. Đó cũng là một điều bất hạnh của chị khi chị không tìm thấy niềm vui trong hạnh phúc gia đình.
Những người phụ nữ có địa vị trong xã hội nhiều khi cũng lâm vào tình thế khó xử. Họ quen giữ tác phong “chỉ huy”, “lãnh đạo” mà quên đi vai trò người vợ trong gia đình. Chị N.P.Q., giám đốc một xí nghiệp sản xuất cỡ nhỏ, nhưng tác phong “ra lệnh” luôn thường trực ở chị. Trong lúc đó, chồng chị chỉ là một nhân viên bình thường ở cơ quan khác. Sinh hoạt của gia đình chị thì vẫn giống như ở xí nghiệp. Người chồng vô tình bị biến thành một nhân viên hay bị sai vặt theo mệnh lệnh của giám đốc. Quan hệ vợ chồng thực chất đã không còn bình thường nữa..
Vì vậy, đối với những gia đình mà người vợ hơn chồng cần phải có thêm một yếu tố nữa: Sự hiểu biết, thái độ cảm thông và trái tim chân thành của một người vợ đối với chồng mới mong xóa dần khoảng cách và giữ được mái ấm gia đình./.
Đào Quốc Thịnh