banner 728x90

Câu chuyện gia đình: Hãy tha thứ cho em

23/07/2024 Lượt xem: 2385

Côn và Na thân nhau từ bé. Hai đứa đi học cùng nhau, đi chăn trâu, mót lúa cũng rủ nhau đi cùng. Na vốn còi cọc nên hay bị bọn trẻ bắt nạt, Côn luôn đứng ra bênh vực. Suốt thời cắp sách, Na và Côn thường mơ ước đổi đời bằng con đường vào đại học để thoát khỏi cuộc sống nghèo khó của cha mẹ.

Uớc mơ đó đã thành hiện thực. Hai đứa trở thành sinh viên. Với vài trăm ngàn đồng trợ cấp từ những gánh lúa nặng trĩu vai mẹ, thiếu trước hụt sau nên cả hai phải kiếm việc làm thêm. Dáng người to khỏe, Côn xin được công việc bảo vệ cho một công ty, lương không cao nhưng bù lại Côn có một căn phòng nhỏ, khỏi thuê nhà. Nhờ vậy, Côn có thể “chi viện” cho Na những tháng đầu, khi cô còn “thất nghiệp”. Những ngày chủ nhật rảnh rỗi, Na hay đến căn phòng nhỏ của Côn chơi, ăn cơm Côn nấu, cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm cũ và phác thảo về tương lai.

Số tiền trợ cấp mẹ gửi cho Na mỗi tháng một co lại. Trong bức thư của đứa em gái mà Na mới nhận được chỉ có vài dòng nhưng nặng trĩu: “Mẹ nói, có lẽ không thể gửi tiền cho chị được nữa. Nếu chị muốn học tiếp thì phải tự lo. Nếu không, chị về quê làm ruộng với mẹ, vài năm nữa lấy chồng!”.

Côn động viên, an ủi, tăng thêm “chi viện” cho Na, còn mình đánh vật với mì tôm trừ bữa. Nhưng vật giá leo thang khủng khiếp. Cuối cùng, Na đành nhận công việc mà trước đó cô dứt khoát từ chối: Nhân viên một quán karaoke với lương cứng là 800.000 đồng/tháng, còn lại do khách hàng “bo”, tùy vào cách “chăm sóc khách hàng” của từng nhân viên. Thời gian làm việc của Na từ 5 giờ chiều đến 10 giờ đêm. Riêng Thứ bảy, Chủ nhật đến 11 giờ.

Theo nhận xét của bà chủ, Na tuy nhỏ con nhưng có khuôn mặt xinh xắn. Bà chủ ứng tiền để cô tút lại mình, sẽ trừ vào lương. Lần đầu tiên xỏ chân vào đôi giày cao gót 10 phân, cô đi dẹo dọ, mấy lần loạng choạng suýt ngã. Cái áo hai dây và cái váy ngắn cũn khiến cô không thể tự nhiên, hai tay luôn đưa lên che khoảng ngực trần. Bà chủ cười: “Mới đi làm đứa nào chả thế! Chỉ vài bữa là quen! Với lại, không làm vậy làm sao hút khách?”.

Bà chủ nói không sai. Chỉ sau hai tuần “đi làm”, Na quen dần với những ánh mắt nhìn chằm chằm vào ngực, không còn khó chịu khi những bàn tay nhơm nhớp mồ hôi vuốt tóc, sờ lưng... Mắt cô sáng rực khi cũng những bàn tay ấy chậm chạp đút những tờ 20.000, 50.000, thậm chí 100.000 cho vào áo lót của cô.

Na nhanh chóng từ giã những chiếc quần âu, áo sơ mi nhàu nhèo, bạc phếch mang từ quê lên. Đi làm, đến giảng đường, cô khoác vào người quần jeans, áo pull... và đôi khi là bộ váy nhí nhảnh tuổi teen. Ba tháng sau, cô nhanh chóng tẩy sạch mọi dấu tích của ruộng đồng, kể cả vết bùn thâm đen trên từng kẽ móng chân bằng các loại xà phòng thơm, sữa tắm, nước hoa...

Thời gian đầu, thấy Na thay đổi nhanh như thế, Côn buồn lắm, nói Na hãy quay lại khi chưa quá muộn. Na là cô gái quê, công việc này không hợp. Từ từ, Côn sẽ kiếm cho việc khác. Na nói Côn đừng lo, đó chỉ là bề ngoài. Na vẫn là Na, và tình yêu cô dành cho anh không thay đổi. Nhưng hóa ra không phải vậy. Na đã thay đổi. Dạo sau này, gặp anh, cô không còn thấy vui như trước. Cô không muốn nhắc lại kỷ niệm và quá khứ. Cô uể oải nhai những món ăn anh nấu, những món ăn quê mà trước đây cô chỉ mong mau đến ngày Chủ nhật để được thưởng thức.

Rồi Na gặp Cát (tên gọi tắt của Cater), người Pháp gốc Việt, đang làm giám đốc điều hành một công ty mỹ phẩm có chi nhánh ở Việt Nam. Không chỉ đẹp trai, Cát còn rất tế nhị và lịch sự trong cách cư xử. Tiền “bo” của Cát không bao giờ ít hơn 100.000 đồng. Đôi khi, hào hứng, Cat đặt vào tay cô tờ 100 đô la mới cứng. Thỉnh thoảng, Cát bao cô cả buổi tối, đưa cô đi chơi, đến vũ trường, vào các quán ăn sang trọng... Cô bước chân vào một thế giới mới. Ở đó có những món ăn ngon, tiền bạc xài thoải mái, đi du lịch Vũng Tàu, Đà Lạt cuối tuần, gặp gỡ những người thượng lưu trong xã hội. Đặc biệt, nhờ Cát mà tiếng Anh của cô tiến bộ rõ rệt. Cát muốn cô nghỉ việc ở quán karaoke để tập trung học nhưng cô không muốn mang tiếng “đào mỏ” Việt kiều. Có lần, cô hỏi Cát, tại sao chọn cô trong khi xung quanh có rất nhiều cô gái xinh đẹp. Cát mỉm cười: “Vì em là cô gái rất Việt Nam!”. Cát còn nói, chờ Na ra trường sẽ làm đám cưới. Na tin Cát nói thật để thỉnh thoảng đến nhà riêng, qua đêm với Cát, như một cách trả ơn, như một người vợ sắp cưới...

Đã lâu Na không đến nhà Côn. Cô thoái thác các cuộc hẹn hay điện thọai với lý do “Em đang bận!”. Nhiều lần Côn đến tìm Na nhưng Na đang đi chơi với Cát, hoặc đang có khách.

Một buổi tối, Côn đến quán, mua vé như mọi người khác và đề nghị tiếp viên phục vụ là Na. Sau phút bất ngờ, Na vui vẻ chào anh, vồn vã, thân mật, hệt như với những người khách khác. Song, Côn ngồi đối diện với Na, nhìn thẳng vào cô với ánh mắt đau đáu: “Em đã thay đổi rồi phải không?”. Na không thể lừa dối anh. Cô nói, cô rất xin lỗi. Cô đã gặp được một người có thể cho mình không chỉ tình yêu mà còn rất nhiều thứ khác. Câu cuối cùng mà cô nói là:“ Hãy tha thứ cho em!”. Côn lặng lẽ gật đầu, lặng lẽ bước ra cửa...

Đùng một cái, Cát gọi điện cho Na, báo tin phải về nước cưới vợ gấp, như một cách cứu giúp ba mẹ trước nguy cơ phá sản do suy thoái kinh tế. Cát xin lỗi vì đã không lường trước được sự việc...

Quán karaoke đóng cửa sau khi bị bắt quả tang vi phạm quy định văn hóa. Bỗng chốc, Na trở thành tay trắng. Cô rơi vào khoảng trống vô vọng, cần biết bao một bờ vai rộng ấm áp để chia sẻ. Cô chợt nhớ Côn.

Nhiều lần Na đã đến, đứng rất lâu trước tòa nhà của công ty Côn nhưng không dám bước vào. Liệu Côn có tha thứ cho cô?

Từ quán cà phê bên cạnh, giọng một ca sĩ đang thì thầm: “Trong câu thơ của em anh không có mặt. Câu thơ hát về một thời yêu thương. Anh đâu buồn mà chỉ tiếc. Em chưa đi hết những ngày đắm say…”.

 Nước mắt Na từ đâu cứ rơi xuống, nóng bỏng...

Thu Hương

 

Tags:

Bài viết khác

Câu chuyện gia đình: Áp thấp tan, ngày mai trời lại nắng

Đài báo ngày mai có áp thấp nhiệt đới gần bờ. Nửa đêm, chị tỉnh giấc khi gió đập vào cửa kính. Trời mưa và lạnh. Căn phòng vẫn còn đèn sáng và mùng chưa mắc, bên cạnh chị, anh nằm co như con tôm, mền đạp dưới chân. Chị kéo mền đắp cho anh. Rồi chị mắc mùng, vừa bực vừa thương.

Truyện ngắn: Chuyện đàn bà

Ngày nào cũng vậy, sáng sớm, khi mặt trời vừa ló dạng thì Tư Lý đã có mặt ở chợ huyện. Tư Lý làm nghề bán chuối hơn ba năm nay và anh bán hàng rất có duyên. Khách hàng hễ đã mua chuối của anh một lần là lần sau lại muốn mua tiếp. Lý do đơn giản là giá rất rẻ. Anh thường mua tận gốc và bán tận chợ. Thường thì lúc các nhánh chuối được xếp ngay ngắn cũng là lúc bà con tụ lại. Ở đây, người dân đi chợ rất sớm, họ mua bán xong còn về làm nương rẫy.

Truyện ngắn: Trở về nơi ấy đảo xa

Hành trang chỉ là chiếc ba lô trên vai, ngày đầu tiên đến đảo trông chị như một nữ thanh niên xung phong rắn rỏi, hoạt bát hơn là một cô giáo thùy mị, dịu dàng.

Truyện ngắn: Sự tích hoa xuyến chi

Đầu hạ, quả đồi lại được tô điểm thêm bằng những bông hoa xuyến chi bé nhỏ, tươi tắn. Những đêm trăng, trai, gái làng tôi lại ra đó hò hẹn. Anh Hòa cũng lấy hết can đảm để nói thật lòng mình với chị, rồi chị nhận lời yêu anh cũng trên quả đồi ngập đầy hoa xuyến chi.

Truyện ngắn: Đuổi nhau

Tôi đến tìm Vũ vào cuối chiều. Ông bảo vệ già nheo mắt nhìn tôi dò hỏi. Tôi nói tên anh. Ông bảo vệ khoát tay: “Về lâu rồi! Đón con!”. Tôi thở dài. Vậy mà sáng nay, anh nhắn tin hẹn sẽ cùng tôi ra ngoại ô ăn tối.

Truyện ngắn: Cam chịu

Đêm nay trăng tròn. Bầu trời có nhiều đám mây, vầng trăng cứ lúc ẩn lúc hiện khiến cho đêm thêm huyền ảo. Tôi ngồi ở lan can nhà nhìn vầng trăng đang trôi trong mây. Bỗng dưng tôi nghĩ rằng Hường cũng đang ngồi đâu đó ngắm ánh trăng. Có thể Hường ngắm ánh trăng để nghĩ về quá khứ và sắp đặt cho tương lai cuộc sống của mình. Ngắm để hy vọng ngày về ánh trăng sẽ chiếu vọng vào căn nhà trên tầng cao chung cư của mình hay có thể là mãi mãi Hường sẽ không trở lại?

Truyện ngắn: Mai con sẽ về với mẹ

Tiếng mẹ thều thào, nặng trĩu, rời rạc như muốn nói với tôi điều gì nhưng tôi không thể nào nghe rõ. Nắng chiều chiếu qua khung cửa kính bệnh viện hắt lên khuôn mặt mẹ thứ ánh sáng vàng vọt hằn rõ vết nhăn thời gian trên đôi má gầy gò khiến lòng tôi như có triệu mũi kim châm.

Truyện ngắn: Rau muống biển

Nơi tôi ở là một làng chài ven biển. Tôi sinh ra đã thấy biển trên đời, ấu thơ nơi tôi lớn là những ngày tôi chạy dọc hoài theo những triền cát nghe sóng vỗ vào lòng...
Top