banner 728x90

Các vị thần bảo hộ gia đình trong quan niệm người Việt

30/06/2024 Lượt xem: 2436

 

Trong quan niệm của người Việt, bên cạnh tổ tiên, mỗi gia đình đều có các vị thần bảo hộ, nên trong đời sống tâm linh, người Việt cũng rất coi trọng việc thờ cúng các vị thần này với ước mong cầu bình an, may mắn, phát đạt.

Tiền chủ

Theo quan niệm của người Việt, Tiền chủ là người chủ đầu tiên của ngôi nhà, của mảnh đất mình ở. Nhà có sự thay đổi chủ theo thời gian nhưng tại cõi âm, Tiền chủ vẫn nhớ ngôi nhà xưa của mình nên thường đi lại thăm nom, coi sóc những chủ sau này. Vì lẽ đó, các chủ ở sau không muốn bị vong hồn Tiền chủ quấy rối nên phải lập bàn thờ.

Bàn thờ Tiền chủ là một cây hương xây ở ngoài sân. Cây hương gồm một trụ cao khoảng 1m trở lên, phía trên xây rộng ra như một bàn thờ, có thành đằng sau và hai bên. Trên bàn thờ đặt một bình hương, không đặt bài vị vì không ai biết tên Tiền chủ, khi khấn cúng chỉ cần khấn bản gia Tiền chủ là được. Người Việt thường cúng Tiền chủ vào ngày rằm, mùng một, dịp lễ, tết hoặc khi trong nhà gặp chuyện không may nhằm cầu xin sự bình an.

Lễ vật dâng cúng Tiền chủ gồm: hương, hoa, quả, trầu, cau. Lễ chay hoặc lễ mặn tùy tâm, nhưng phải tinh khiết, đầy đặn với sự thành kính, chân tâm.

Thần tài

Nhiều gia đình người Việt thờ Thần Tài, nhất là các gia đình làm nghề buôn bán. Theo truyền thuyết, Thần Tài chính là Triệu Công Minh, người đời nhà Tần. Ông lánh đời đi tu tại núi Chung Nam, về sau đắc đạo, được phong hàm Chính Nhất Huyền Đàn nguyên soái, coi việc đuổi trừ ôn dịch, cứu bệnh trừ tà. Hơn nữa, ai bị oan ức đến cầu cứu ông đều được ông giúp đỡ. Người buôn bán cầu cúng ông để được phát đạt, may mắn. Ông được thể hiện là một người mặt đen, râu rậm, tay cầm roi, cưỡi cọp đen. Dân gian còn gọi Ông là Tài Bạch Tinh quân hay Triệu Công nguyên soái.

Thần Tài còn được thể hiện dưới hình dáng một người phụ nữ. Thần Tài này liên quan đến truyền thuyết về một người lái buôn tên Âu Minh. Khi Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo, được Thủy thần ban cho một hầu gái tên là Như Nguyệt. Âu Minh đem Như Nguyệt về nuôi, từ đó làm ăn phát đạt, chỉ vài năm đã phất lên nhanh chóng. Một hôm, vào ngày tết, Âu Minh giận, đánh Như Nguyệt. Sợ hãi, Như Nguyệt chui vào đống rác rồi biến mất. Từ đó, nhà Âu Minh sa sút và khánh kiệt. Theo truyền thuyết này mà người dân xem Như Nguyệt là Thần Tài và lập bàn thờ. Tục kiêng hót rác trong này tết cũng xuất phát từ đây vì người ta sợ sẽ hót mất Thần Tài ẩn trong đống rác, làm ăn sẽ không phát đạt.

Theo thời gian, hình tượng Thần Tài có nhiều thay đổi. Có lúc Thần Tài đầu đội mũ cánh chuồn, hai tay để trên gối, mặc áo thụng, chân đi hài, tay cầm túi vải đựng tiền; có lúc Thần Tài là tượng ngồi với tư thế chân co, chân xếp, tay cầm bó lúa, đầu để trần. Ngày nay, Thần Tài được hình dung là vị thần cầm xâu tiền hoặc một thoi vàng xuồng.

Bàn thờ Thần Tài thường dán giấy đỏ, để ở góc nhà, thường xuyên thắp hương, có thể có bài vị, câu đối nhưng có khi thậm chí cần một cái mâm đồng nhỏ trên đặt lễ là được.

Thần Tài không chỉ được cúng vào ngày tết mà được cúng quanh năm, nhất là trong những gia đình buôn bán để mong vị thần này phù hộ. Vào ngày tết, Thần Tài được bao sái sạch sẽ, nếu tượng đã cũ, người ta sẽ thỉnh vị mới về vì họ tin vào năm mới, Thần Tài có sạch sẽ thì làm ăn mới phát đạt.

Thánh sư

Những gia đình theo nghề chuyên môn nào đó (nghề mộc, nghề rèn, nghề kim hoàn, nghề thêu may...) thường thờ Thánh sư, tức vị tổ nghề. Thờ Thánh sư là một biểu hiện đẹp đẽ trong tâm linh người Việt. Người ta tin rằng, Thánh sư đã sáng tạo ra ngành nghề thì vẫn sẽ quan tâm và phù hộ cho các thế hệ con cháu tiếp tục phát đạt theo nghề.

Bàn thờ Thánh sư để một góc nhà riêng, không lẫn với bàn thờ gia tiên, có bài vị, đỉnh trầm hay bát hương.

Lễ Thánh sư thường vào những ngày sóc (ngày mùng Một âm lịch, “sóc” là mở đầu), ngày vọng (ngày rằm âm lịch, “vọng” là trông, ngày này, người xưa thường ra sân ngắm trăng), ngày sinh hay ngày mất của Thánh sư. Nhiều gia đình thường đặt lên bàn thờ Thánh sư sản phẩm tốt nhất mới làm được với ý nghĩa trình lên tổ sư kết quả mới khi phát huy sự nghiệp của vị tổ nghề.

Long quân Chúa mạch

Người Việt Nam tự nhận là con Rồng cháu Tiên. Dân gian gọi là Bố rồng, cũng gọi là Vua rồng, theo chữ Hán gọi là Long quân, Long vương. Bố rồng ở dưới nước, được gọi là Long vương, Bố rồng ở trên mặt đất được gọi là Long quân.

Như vậy, các gia đình làm nhà trên đất liền, bao gồm nhà cửa, vườn tược, cây cối, đều được một vị thần quản lý, phù hộ. Vị thần ấy được tôn là Long quân chúa mạch. Không có bàn thờ riêng, thần thường ngự trên hương án đặt trước bàn thờ tổ tiên, là thần coi sóc toàn bộ gia đình.

Nhị vị Thần môn (Còn gọi là Ông Thiện, Ông Ác)

Theo truyền thuyết Trung Quốc, đời thượng cổ, ở ngoài khơi Đông Hải có ngọn núi tên là Độ Sóc Sơn. Chân núi có cây đào cổ thụ, hai ông thần ngồi dưới cây chuyên trừng trị loại yêu quái ngoài biển Đông nên dân gian thường chọn mảnh gỗ đào, vẽ hình hai vị thần ấy treo hai bên cánh cửa để trừ tà ma.

Đến đời nhà Đường, vua Thái Tông về già, đêm đêm sinh ra chứng hoảng loạn, mất ngủ, lúc nào cũng thấy ma quái nên cho gọi hai tướng: một người là Trần Quỳnh, mặt vàng, một người là Uất Trì Cung, mặt đen, chặn giữa cửa cung. Từ đó, ma quỷ sợ không dám đến nữa.

Hai câu chuyện trên dần dần nhập vào nhau. Hai vị thần ở Độ Sóc Sơn và hai vị tướng nhà Đường cũng lẫn lộn với nhau, tên gọi cũng khác đi. Dân gian gọi một cách đơn giản là Nhị vị thần môn, hay là Ông Thiện, Ông Ác.

Đông trù Tư mệnh

Người ta tin rằng, bộ hạ của Ngọc Hoàng thượng đế có một vị quan mang tên hiệu là Đông trù tư mệnh. Vị quan này có nhiệm vụ theo dõi sinh tử cho những người dưới trần gian. Ông theo mệnh lệnh của Ngọc Hoàng mà định đoạt số phận cho từng con người (tư mệnh là như thế). Là một vị quan ở trên thượng giới, ông không có bàn thờ riêng ở từng tư gia. Nhưng người dưới trần phải biết đến ông, phải khẩn cầu nhờ ông phù hộ. Cùng với các vị thần coi đất đai, cửa ngõ, bếp núc, ông thường về ngự trên hương án, trước bàn thờ tổ tiên của các gia đình.

Tranh thờ Đông trù Tư mệnh

Táo phủ Thần quân (tức Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ)

Bên cạnh thờ cúng tổ tiên, người Việt còn thờ cúng Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ. Thổ Công là thần trông coi không gian bao quanh gia đình, Thổ Địa trông coi mạch đất của gia đình, còn Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa. Điều này xuất phát từ truyền thuyết dân gian, xưa có hai vợ chồng nhà nọ rất nghèo khổ. Chồng tên là Trọng Cao, vợ là Thị Nhi. Họ lấy nhau đã lâu mà không có con, cho nên thường buồn phiền cãi lẫy với nhau.

Một hôm Trọng Cao quá tức giận mà đánh vợ. Tức mình, Thị Nhi bỏ nhà ra đi, rồi gặp một chàng trai là Phạm Lang, anh này đã dùng lời ngon ngọt và khéo léo quyến rũ được Thị Nhi. Hai người ăn ở với nhau thành vợ chồng.

Khi Trọng Cao hết giận, thấy vợ bỏ đi mất, liền đi tìm kiếm khắp nơi, nhưng không thấy, buồn rầu bỏ công ăn chuyện làm, ra đi làm người hành khất để đi tìm vợ.

Một ngày, Trọng Cao đến một nhà khá giả xin ăn, bà chủ nhà đem cơm ra cho. Thì ra đó là Thị Nhi. Hai người nhận ra nhau, tình xưa nghĩa cũ dễ nào quên. Thị Nhi hối hận vì đã lấy Phạm Lang. Họ đang hàn huyên thì bất ngờ Phạm Lang từ ngoài đồng đi làm về, Thị Nhi mới nói Trọng cao vào ẩn trong đống rơm. Phạm Lang về nhà cốt để lấy tro bón ruộng, nên đốt đống rơm lấy tro. Trọng Cao đang say ngủ trong đống rơm vì đường xa mỏi mệt ấy bị chết cháy. Người vợ cũ là Thị Nhi, thấy vậy cũng lao vào lửa chết theo. Phạm lang thấy vợ chết cũng lao mình vào đống rơm đang cháy ấy mà chết.

Thượng đế thấy ba người có nghĩa mới phong cho làm Táo Quân, và phân chia mỗi người một việc: Phạm Lang là Thổ Công trông lo việc bếp; Trọng Cao là Thổ Địa trông nom việc nhà; Thị Nhi là Thổ Kỳ trong nom việc chợ búa.

 

Việc thờ các thần này trong gia đình người Việt thực chất là thờ trời đất, trong đó gắn với quan niệm của Đạo giáo về ngũ phương.

Do người dân chỉ quen gọi là Thổ Công và chỉ nhớ có Thổ Công nên trong Thổ Công đã bao hàm cả Thổ Địa, Thổ Kỳ. Thổ Công là một dạng của Mẹ Đất, là vị thần trông coi nhà cửa, định đoạt họa phúc cho một gia đình. Thổ Công còn là vị thần quan trọng nhất trong gia đình. Nhà nào cũng lập một bàn thờ Thổ Công. Ngày giỗ, ngày lễ, tết, nhất là khi đào móng làm nhà, đào giếng trong vườn, đều phải cúng.

Đồ lễ gồm giấy vàng, bạc, trầu cau, nước, hoa quả. Cúng chay hoặc cúng mặn. Cúng mặn phải có rượu, xôi, gà (hoặc chân giò). Theo tục xưa, riêng đối với nhà có trẻ con, trong tết ông Công, người ta còn cúng một con gà luộc. Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn), ngụ ý nhờ vị thần xin với Ngọc Hoàng cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy.

Ngày 23 tháng Chạp hằng năm là ngày dân gian làm lễ tiễn ông Công, ông Táo về trời. Sau khi hóa vàng, tro của bát hương, chân hương và cá chép sẽ được thả xuống sông để tiễn đưa các thần.

Lễ cúng, tùy hoàn cảnh gia đình mà có thể là lễ chay hay lễ mặn, nhưng đều phải có bộ mũ, áo, hia.

Mũ dành cho 2 ông có hai cánh chuồn, mũ cho bà thì không có cánh chuồn, được trang hoàng lóng lánh những dây kim tuyến màu sắc sặc sỡ. Mũ làm bằng giấy, kèm theo một chiếc áo và một đôi hia.

Mũ, áo, hia mỗi năm một màu hợp với hành của năm đó (năm có hành Kim: cúng mũ màu trắng, năm có hành Mộc: cúng mũ màu Xanh, năm có hành Thủy: cúng mũ màu đen, năm có hành Hỏa: cúng mũ màu đỏ, năm có hành Thổ: cúng mũ màu vàng)

Sau lễ tiễn đưa ông Táo rồi, đến ngày mùng Bốn tháng Giêng phải nhớ làm lễ rước Ngài về (có nơi cúng vào đêm giao thừa) gọi là lễ “Tiếp Táo” hay “Tiếp Thần” (đón thần Táo). Lễ này rất đơn giản, treo hình tượng mới của Táo Quân, tượng trưng là Ngài đã trở về đến nhà, trấn thủ trong gia đình để tiếp tục phù hộ và giám sát việc thiện ác.

Đương niên hành khiển

Dân gian tin rằng, có những vị thần trên trời được giao việc coi sóc trần gian trong một năm. Vị thần ấy gọi là Đương niên hành khiển.

Hàng năm, các làng tổ chức lễ cúng thần hành khiển vào dịp lễ kỳ yên (lễ cầu an) cùng với việc lễ bái Thành hoàng. Cúng thần hành khiển đều lập đàn ngoài trời, lễ chỉ có hương đăng, hoa quả.

Người ta tin rằng, trong vòng 12 năm, theo lịch can chi, mỗi năm đều có một thần cai quản, hết năm lại “bàn giao” cho vị thần khác.

Những vị hành khiển điều hành các việc trong năm. Có năm thiên tai, có năm thịnh vượng, tùy theo từng vị đại vương nên phải cúng lễ các thần vào đầu năm.

Lễ cúng đêm giao thừa chính là để đón vị Đương niên hành khiển này, tiến hành vào giờ Tý (1 giờ sáng), có gia đình, đến sáng mùng Một mới làm. Lễ cúng có xôi, chè, bánh, trái. Quan trọng nhất là phải có chân giò hoặc một con gà trống luộc chín, mỏ gà ngậm một bông hồng. Người ta còn xem chân giò hoặc móng gà để biết thần hành khiển phán bảo gì vào dịp năm mới./.

Ban nghiên cứu Tôn giáo

 

 

Tags:

Bài viết khác

Các hình thức diễn xướng trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Hầu bóng là một nghi lễ tiêu biểu và đặc trưng nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu, vốn xuất phát từ người Việt ở Bắc Bộ, nhưng sau đó theo chân người Việt vào Trung Bộ và Nam Bộ, tạo nên những sắc thái riêng cho mỗi miền. Hầu bóng, nhìn từ góc độ văn hóa - nghệ thuật là một hình thức diễn xướng dân gian tổng hợp, một loại hình sân khấu tâm linh.

Lễ hội Nghinh Ông - Nét văn hóa đậm chất dân gian và lâu đời của người dân vùng biển Cần Giờ

Hàng trăm ghe đánh cá của ngư dân huyện Cần Giờ (Tp.Hồ Chí Minh) tham gia đoàn đưa - rước Nghinh Ông, cầu vụ mùa bội thu. Từng đàn hải âu bám theo ghe Nghinh ra khu vực làm lễ. Bên đường người dân lập hương án chờ Nghinh Ông về.

Sự tích hợp các giá trị văn hóa nghệ thuật trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Trong các loại hình văn hóa của con người có một dạng thức văn hóa khá đặc thù, đó là “văn hóa tôn giáo”, như văn hóa Phật giáo, văn hóa Gia tô giáo, văn hóa Ấn giáo và văn hóa Khổng giáo. Đối với một số tín ngưỡng hay tôn giáo sơ khai, chúng ta có thể dõi thấy những dạng thức văn hóa, những quá trình tích hợp văn hóa – nghệ thuật như vậy, trong đó tín ngưỡng thờ Mẫu là một ví dụ khá tiêu biểu.

Lễ hội Nghinh Ông Phú Quốc: Nét đẹp tín ngưỡng thờ Cá Ông của ngư dân đảo ngọc

Lễ hội Nghinh Ông Phú Quốc được xem là lễ hội dân gian lâu đời của ngư dân trên đảo ngọc. Hằng năm, lễ hội đều được tổ chức để tỏ lòng thành kính đối với Cá Ông, cũng như mong muốn một năm mưa thuận gió hoà.

Ý nghĩa tượng Phúc Lộc Thọ

Từ xa xưa, con người luôn tin vào sức mạnh của thần linh để cầu chúc cho niềm vui, tuổi thọ và sức khỏe. Đặc biệt, tượng Phúc - Lộc - Thọ luôn được tôn thờ để gắn kết với những điều tốt đẹp này.

Tín ngưỡng thờ cúng trong các nhà thờ họ ở vùng biển

Nhà thờ họ là một công trình kiến trúc truyền thống của người Việt, được xây dựng để thờ cúng tổ tiên của một dòng họ. Đây là nơi con cháu trong dòng họ tập trung vào những dịp quan trọng như ngày giỗ tổ, lễ Tết, hay các nghi lễ tôn giáo khác để tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên.

Những mặt hạn chế, tiêu cực của tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ lên đồng

Bản thân tín ngưỡng thờ Mẫu là hệ thống các tín ngưỡng ở các trình độ phát triển rất khác nhau, từ sơ khai, nguyên thủy như các hình thức thờ Nữ thần đến các hình thức phát triển cao hơn là thờ Mẫu Tam Phủ Tứ Phủ.

Vẻ đẹp văn hóa trong nghệ thuật múa dân gian của người Dao

Khởi nguồn từ đời sống lao động và những ước mơ về cuộc sống thanh bình, hạnh phúc, nghệ thuật múa dân gian của người Dao phản chiếu những góc nhìn văn hóa đa chiều về cuộc sống, tín ngưỡng và bản sắc văn hóa Dao.
Top