banner 728x90

Các hình thức tín ngưỡng và nghi lễ vòng đời người

02/06/2024 Lượt xem: 2885

Nghi lễ vòng đời là thành tố quan trọng cấu thành bản sắc văn hóa của người Việt Nam. Các giá trị văn hóa trong nghi lễ vòng đời phản ánh quan hệ đa chiều của con người với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội; đồng thời phản ánh trí tuệ, kinh nghiệm, sức sống, sức sáng tạo của con người trong tiến trình lịch sử. Điều này lý giải cho vai trò và sự chi phối của các nghi lễ vòng đời đến cuộc sống của mỗi thành viên trong cộng đồng. Biểu hiện sự chi phối đó là những nghi lễ: đầy cữ, cưới xin, tang ma … nhằm cầu mong may mắn, bình yên, mạnh khỏe.

Liên quan tới đời sống của cá nhân, từ khi sinh ra đến khi chết, có nhiều hình thức tín ngưỡng và lễ nghi, trong đó nổi lên mấy hình thức tín ngưỡng tiêu biểu sau:

Cả một loạt lễ nghi liên quan tới sự ra đời của đứa trẻ, trong đó nổi bật hơn cả là tục thờ Bà Mụ và lễ đầy cữ. Theo quan niệm dân gian, một cữ là bảy hay chín ngày, tùy theo đứa trẻ là trai (7 ngày) hay gái (9 ngày). Đầy cữ, nghĩa đen là đủ thời gian tượng trưng cho số vía của đứa trẻ. Có nghi lễ cúng đầy cữ, gọi là cúng Bà Mụ.

Mâm cúng lễ đầy cữ 

Theo quan niệm dân gian người Việt, muốn hình thành một con người phải do 12 bà mụ nặn ra, mỗi bà nặn một bộ phận cơ thể. Trong lễ đầy cữ cúng Bà Mụ, mỗi vật dâng cúng phải đủ con số 12 như: hài, mũ, quần áo, vàng mã, trái cây, bánh, ốc, trầu…

Trước kia ở người Việt và hiện nay ở một số tộc người thiểu số vẫn có ban thờ Bà Mụ, thường là đặt trên tường cạnh giường của các bà mẹ. Khi trẻ đau ốm hay gặp điều gì nguy hiểm (bị ngã, bị đau) bà mẹ thường kêu tên Bà Mụ, thậm chí sắm lễ cúng Bà Mụ. Bà Mụ trở thành vị thần bảo trợ cho cha mẹ và trẻ em.

Cưới xin là mốc rất quan trọng trong đời sống của mỗi cá nhân. Nếu việc ra đời và nuôi dưỡng một con người do Bà Mụ chủ sự thì việc kết duyên nam nữ lại do một vị nhân khác làm chủ sự: Tơ Hồng hay Nguyệt Lão, có khi dân gian “nữ hóa” vị này thành Bà Nguyệt: Ông Tơ – Bà Nguyệt. Nghi lễ quan trọng trong hôn lễ là Lễ Tơ Hồng. Khi rước dâu về nhà chồng, phải lập bàn thờ ở giữa sân có thắp hương, nến. Cô dâu, chú rể quỳ trước bàn thờ để nghe một vị đọc văn tơ hồng nhắc lại công ơn của ông Tơ Hồng đã se duyên cho đôi lứa và cầu xin ông Tơ Hồng phù hộ cho họ hạnh phúc được lâu bền hơn. Sau đó cô dâu, chú rể cùng uống chung rượu, ăn chung lá trầu, quả cau - biểu tượng cho sự gắn bó không chia lìa.

Dân gian đã có huyền thoại và những câu ca dao nói về ông Tơ Hồng và việc se duyên cho nam nữ theo định mệnh, số phận.

Ở các dân tộc Tày, Nùng, Nàng Hai (Nàng Trăng) còn là vị thần biểu tượng cho tình yêu và nhân duyên, do vậy trong các dịp Hội Hai, trai gái tập trung làm nghi lễ cầu nhân duyên đối với vị nữ thần này, có nét gì giống với ông Tơ, bà Nguyệt ở người Việt.

Theo quan niệm dân gian, mỗi người sinh ra cầm tinh một con vật nào đó trong 12 con vật, chịu sự chiếu mệnh của một tinh tú nào đó trên trời và đã mang trong mình căn số nhất định. Từ đó mới nảy sinh ra niềm tin và sự nương nhờ, che chở của một vị Thần bản mệnh. Lá số tử vi là thể  hiện toàn bộ số phận cũng như niên hạn sinh tử của một con người.

Vì thế mà mỗi con người, nhất là những người ra đời vào những giờ khác không thuận lợi, chịu sao chiếu mệnh không tốt, đều phải thờ thần bản mệnh, coi đó như lực lượng siêu nhiên bảo trợ cho sinh mạng của mình. Khi gặp ốm đau, rủi ro, có thể phải thực hiện các nghi lễ, như bán khoán đổi tên, thờ cúng thần sao, nhất là sao Bạch Hổ. Người đó phải bán khoán cho thần (thường là Đức Thánh Trần), phải đội bát nhang bản mệnh của mình vào một ngôi đền, chùa nào đó để vị thần bản mệnh che chở. Ở nhiều dân tộc thiểu số có tục cúng nối mệnh, nối số cầu mong được khỏe mạnh và trường thọ.

Nghi lễ tang ma

Ma chay là hệ thống các nghi lễ tín ngưỡng liên quan tới người chết. Đây là một tín ngưỡng thuộc loại sớm nhất của con người, có thể ngay từ người Nêanđéctan (sơ kỳ đá cũ, cách ngày nay hàng triệu năm) và tồn tại cho tới ngày nay. Toàn bộ nghi lễ và tín ngưỡng tang ma đều xuất phát từ quan niệm về linh hồn và đời sống của con người sau khi chết. Có thể nói đây là hệ thống các nghi lễ, từ việc tìm kiếm sinh khí, chiêu hồn, lập tang chủ, mộc dục, phạm hàm, phạt mộc, nhập quan đến việc chôn cất (chia của, 49 ngày, giỗ đầu, đoạn tang, cải táng, mồ mả, bia ký, nghĩa địa, cúng giỗ hằng năm (kỵ nhật).

Rồi từ tín ngưỡng tang ma này nó đan kết với các hình thức nghi lễ của Đạo thờ Tổ tiên, Đạo giáo và Phật giáo,…

Có thể nói có bao nhiêu tộc người thì có bấy nhiêu kiểu cách, nghi lễ ma chay, tùy quan niệm chung của các tộc người thiểu số cũng giống như người Việt, ở người Mường, Dao, Hmông,… trong đám tang có nghi thức đưa hồn người chết về quê hương xa xưa (Dao, Hmông) hay về Mường Trời (Mường), từ đây sản sinh ra các bài hát dẫn hồn, đưa hồn mà thầy cúng là người chủ xướng. Mo Lên trời, mo Đẻ đất đẻ nước của tộc người Mường là áng sử thi bất hủ sinh ra chính trong nghi lễ tang ma này.

Ở người Việt có lễ cải táng, các tộc người khác không có nghi lễ này, nhưng ở các tộc người Tây Nguyên lại nghi lễ Bỏ ma, một lễ hội lớn, tưng bừng và náo nhiệt thuộc loại nhất trong đời sống tinh thần của các tộc ở Tây Nguyên. Còn ở người Lô, Dao thì lại có tục ma khô, với nhiều nghi thức khá độc đáo, kể cả việc sử dụng trống đồng (Lô Lô).

Có lẽ không có một lĩnh vực nào của đời sống tâm linh, siêu nhiên lại ám ảnh và chi phối đời sống hiện hữu, trần tục của con người bằng cái chết và thế giới người chết. Từ đây, nó thêu dệt nên bao biểu tượng, huyền thoại và cũng sản sinh ra nhiều giá trị văn hóa mang đầy tính nhân bản. Đây cũng là điểm hội tụ mà tất cả các tôn giáo đều tập trung khai thác sao cho phù hợp với quan niệm và mục tiêu của mình.

Ban Tôn giáo phía Nam

 

Tags:

Bài viết khác

Phong tục cúng giỗ đầu trong văn hóa của người Việt

Giỗ đầu còn gọi là Lễ tiểu tường, là ngày giỗ đầu tiên, tổ chức sau ngày người mất đúng một năm. Đây cũng chính là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt từ xa xưa cho đến hiện nay.

Sự khác biệt trong phong tục thờ cúng giữa người Hoa với người Việt

Dù chịu ảnh hưởng bởi lối sống của người Việt nhưng người Hoa vẫn giữ được những phong tục riêng, đặc biệt là phong tục thờ cúng. Chính việc giữ gìn phong tục này đã tạo nên sự khác biệt độc đáo giữa người Việt và người Hoa, góp phần làm đa dạng bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Hình tượng chim hạc trong đời sống tâm linh người Việt

Chim Hạc với hình ảnh nhẹ nhàng, tinh tế uyển chuyển là biểu trưng cho điềm lành, thanh cao thoát tục, trường thọ và hạnh phúc. Người dân dùng hình tượng Hạc để biểu thị mong ước ấm êm, gia đình vui vẻ.

Vai trò của bản hội trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Bản hội chính là một loại hình cộng đồng tôn giáo, tín ngưỡng. Cộng đồng này được cố kết với nhau bởi có cùng niềm tin vào sự độ trì của các vị thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu và có chung một đồng thầy với những năng lực đặc biệt. Những phân tích lý thuyết về mối quan hệ giữa cộng đồng và di sản văn hóa đã chỉ ra vai trò chủ thể sáng tạo, thực hành, bảo vệ và trao truyền di sản của cộng đồng. Không có cộng đồng ắt sẽ không có di sản.

Tứ Phủ Thánh Cô trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Tứ Phủ Thánh Cô gồm Thập Nhị Thánh Cô (Mười hai cô). Trong Đạo Mẫu, Tứ Phủ Thánh Cô đứng sau Ngũ Vị Tôn Ông, Tứ Phủ Chầu bà, Tứ Phủ Quan Hoàng, đứng trên Tứ Phủ Thánh Cậu.

Tục thờ cúng bà Mụ trong tín ngưỡng người Việt

Lễ cúng Mụ thịnh hành trong một số dân tộc châu Á trong đó có dân tộc Việt, và thường được tổ chức vào những thời điểm khi đứa trẻ mới sinh được 3 ngày (ngày đầy cữ), 1 tháng (ngày đầy tháng) và 1 năm (ngày thôi nôi).

Hành lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Cũng như các tôn giáo, tín ngưỡng khác, tín ngưỡng thờ Mẫu cũng có những nguyên tắc nhất định trong việc hành lễ. Hành lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu là hệ thống những hành vi, động tác nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện.

Tứ Phủ Thánh Cậu trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Tứ Phủ Thánh Cậu gồm có 12 Thánh Cậu, là các hình tượng nam thiếu niên, nhanh nhẹn, xông xáo, mạnh mẽ, hiếu động và thường là hầu cận của một vị thánh quan trong Tứ Phủ Quan Hoàng.
Top