Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Rồng là linh vật đứng đầu trong tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng). Người Việt vẫn thường suy tôn nguồn gốc của dân tộc là “Con Rồng cháu Tiên” bởi rồng chính là biểu hiện của niềm tự hào về dòng giống, cội nguồn.

Thành bậc chạm rồng thềm điện Kính Thiên thời Lê sơ
Theo các nhà nghiên cứu, mỗi thời kỳ, con rồng được thể hiện một nét riêng, phản ánh đặc trưng xã hội thời đại ấy. Rồng thời Lý tượng trưng cho mơ ước của cư dân trồng lúa nước nên luôn được tạo trong khung cảnh của nước, của mây cuộn. Rồng thời Lý có mình dài như rắn, có bốn chân, mỗi chân có ba móng cong nhọn. Hình ảnh của rồng là hình ảnh vị thần phun nước làm mưa để dân cày ruộng, mang lại lúa gạo nuôi sống con người. Đến thời Trần, đầu rồng uy nghi và đường bệ với chiếc mào lửa ngắn hơn. Thân rồng tròn lẳn, mập mạp, nhỏ dần về phía đuôi, uốn khúc nhẹ, lưng võng hình yên ngựa.
Còn trong thời Lê, đầu rồng to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay vào đó là một chiếc mũi to. Thân rồng lượn hai khúc lớn. Chân có năm móng sắc nhọn quắp lại dữ tợn. Rồng thời Lê tượng trưng cho quyền uy phong kiến. Cũng chính bắt đầu từ thời đại này xuất hiện quan niệm tứ linh: Long (rồng), ly (lân), quy (rùa), phụng (phượng) tượng trưng cho uy quyền của vương triều.
Tới thời Nguyễn, rồng vẫn còn đứng đầu trong bộ tứ linh nhưng đã được nhân cách hoá, được đưa vào đời thường như hình rồng mẹ có bầy rồng con quây quần, rồng đuổi bắt mồi, rồng trong cảnh lứa đôi... Hình tượng rồng dùng cho vua có năm móng, còn lại là bốn móng.
Tuy nhiên, đối với người Việt, rồng không hẳn là linh vật dành riêng cho nhà vua hay hoàng gia. Con rồng Việt đã vượt khỏi chốn cung cấm, xuất hiện ở hầu khắp đình chùa, miếu vũ… trong dân gian. Rồng không được thờ cúng trong đền chùa như những linh vật khác, chúng ta thường thấy hình ảnh rồng luôn trong tư thế nằm chầu, rồng cuốn quanh cột xây, rồng nằm uốn lượn trên mái đình. Hình ảnh này chính là biểu tượng cho sự che chở, phục vụ, luôn sẵn sàng bảo vệ. Trong phong thủy, rồng là linh vật hội tụ các yếu tố tự nhiên, do đó được coi như một linh vật của sự thịnh vượng, may mắn, trí tuệ, được gửi gắm những ước vọng trong đời: cầu nắng, cầu mưa, cầu phồn thực…Rồng của dân gian biểu trưng cho sự tốt đẹp, may mắn và thịnh vượng, là sức mạnh của sự sống. Rồng xuất hiện là thể hiện cái tốt đẹp, chân-thiện-mỹ. Hình tượng rồng Việt Nam ngậm viên châu trong miệng thể hiện tinh thần tôn trọng các giá trị nhân văn cao quý, sự uyên bác và tinh thần cao thượng.

Trong 12 con giáp, rồng đứng thứ năm. Rồng là con vật tuy chưa ai nhìn thấy diện mạo thật của nó nhưng trong lịch sử và nghệ thuật, trong văn học và đời sống của người Việt, nó là con vật xuất hiện nhiều hơn cả. Hình tượng rồng là một biểu tượng văn hóa, phương Tây thường đối lập với sức mạnh chính nghĩa và cuối cùng bị sức mạnh chính nghĩa đánh bại. Những người sinh vào năm rồng thường được gọi là người tuổi Thìn. Dân gian ta tin rằng những người tuổi Thìn thường là những con người có tâm tính bộc trực, tốt bụng, thường giúp đỡ người khác. Người tuổi Thìn là người có trí tuệ, thông minh, sáng suốt, có tâm đạo, tự thân có mối liên kết sâu sắc với tâm linh. Chính vì vậy, cha ông ta thường tin rằng, năm Thìn là năm mang đến đại cát, đại lợi. Là biểu tượng của sự cao quý, sức sống vĩnh hằng và sức mạnh vũ trụ nên hình tượng rồng được sử dụng nhiều nhất có lẽ trong kiến trúc đình chùa.
Tiếp nối các giá trị văn hóa truyền thống cha ông, ngày nay, con rồng không chỉ nằm yên trong sử sách, trong các tác phẩm mỹ thuật (điêu khắc, hội họa, trang trí), mà còn được tái hiện một cách sống động và hấp dẫn trong các lễ hội dân gian. Có thể thấy, biểu tượng rồng hiện diện rất phong phú, đa dạng trong văn hóa Việt qua mọi thời đại, trong các hoạt động của cộng đồng dân cư. Vì lẽ đó, con rồng mãi mãi là con vật thiêng trong tín ngưỡng văn hóa của cư dân nông nghiệp lúa nước nói chung và của người Việt nói riêng.
Ban Nghiên cứu lịch sử