banner 728x90

Bài 2: Du lịch Nhật Bản, khám phá đất nước mặt trời mọc

06/11/2024 Lượt xem: 2468

Lời giới thiệu: 

“Du lịch Nhật Bản, khám phá đất nước mặt trời mọc” là một trong những bài viết mới năm 2024 của Nhà báo Đào Quốc Thịnh sau loạt bài quảng bá du lịch trên kênh truyền thông quốc tế BBC (năm 2021).

Bằng sự quan sát tinh tế, thông qua những trang viết mộc mạc, giản dị, pha chút hài hước, tác giả đã phản ánh những điều khác biệt, mới lạ của đất nước Nhật Bản so với Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới mà không phải ai cũng phát hiện được.

Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc phần 2 của bài viết này. Mời quý vị và các bạn đón xem.

 

Hoa anh đào, biểu tượng của đất nước Nhật Bản

*Những điểm khác biệt, mới lạ về đất nước, con người Nhật Bản:

(Tiếp theo bài 1)

Về chuyện kiến trúc xây dựng, trước khi đến Nhật Bản, tôi hình dung ra một đất nước phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, sẽ phải được xây dựng hoành tráng…nhưng không phải như vậy. Ngoài các tòa nhà cao tầng ở Thủ đô Tokyo thì khu vực nông thôn hầu hết là các dãy nhà thấp tầng, xây dựng lâu đời nên cũ rích (thuộc dạng nhà cấp 4) trông giống như những cái chuồng chim cu xếp cạnh nhau.

 Nhà của người Nhật đề cao tính tiện lợi, nên luôn có kết cấu nhỏ gọn, đơn giản. Do đặc điểm địa hình và chất đất không ổn định, thường xuyên xảy ra động đất, nên trong kết cấu xây dựng nhà của người Nhật hoàn toàn không “xây” mà chủ yếu là “lắp ghép” các loại vật liệu nhẹ và nhà xây phần lớn là nhà thấp tầng. Theo cách nhìn của cá nhân tôi thì nhà của người Nhật về hình thức rất xấu, không đẹp và quá đơn giản.

Mặc dù Tokyo được bình chọn là thành phố đáng sống, nhưng những gì tôi được tận mắt chứng kiến thì so với nhiều nước trên thế giới, thành phố này thuộc dạng ít cây xanh và ít cây có bóng mát tỏa rộng. Đất chật, người đông, các khu nhà ở san sát nhau, nên thiếu đất trồng cây xanh, thiếu cây cổ thụ có tán rộng. Chính vì vậy, theo cách nhìn của riêng tôi Tokyo không phải là thành phố đẹp.

Không giống như ở Việt Nam, nhà nghèo xây nhà cấp 4, còn nhà giàu thì xây biệt thự, ở Nhật nhà giàu, nhà nghèo đều xây nhà giống nhau về hình thức, nên nhìn bề ngoài rất khó phân biệt người giàu, người nghèo. Xin giấy phép xây dựng nhà ở Nhật rất khó khăn và phải tuân thủ theo đúng quy hoạch, nên Tokyo rất ít nhà dân. Giữa những khối nhà cao tầng san sát nhau ở Tokyo rất khó phân biệt đâu là công sở, đâu là chung cư cao tầng, thế nhưng anh bạn HDV đoàn chỉ cho tôi cách phân biệt chung cư và văn phòng làm việc rất thuyết phục, đó là: nhà có lan can bên ngoài là nhà chung cư, nhà chỉ có ô kính, không có lan can là nhà văn phòng, công sở. Quả là sự quan sát tinh tế.

Toàn cảnh Thủ đô Tokyo (ảnh chụp từ trên cao)

Một vấn đề xã hội nan giải tại Nhật Bản hiện nay là vấn đề già hóa dân số và nhà bỏ hoang ngày càng tăng cao. Nhật Bản hiện đang có hơn 9 triệu căn nhà bỏ hoang. Nguyên nhân chính của tình trạng nhà bỏ hoang tăng cao tại Nhật Bản là vấn đề già hoá dân số, bởi những người già cô đơn ở vùng nông thôn được đưa vào viện dưỡng lão hoặc qua đời ngày càng tăng cao.

Cửa sổ bị đóng kín, lớp sơn bong tróc và cỏ mọc um tùm là điều có thể bắt gặp ở nhiều căn nhà bỏ trống tại Nhật Bản. Những ngôi nhà bị bỏ hoang khi chủ nhân qua đời hoặc chuyển đến sống ở viện dưỡng lão, trong khi người thân không muốn chuyển đến ở hoặc không đủ tiền tu sửa. Quyền thừa kế và sở hữu bất động sản ở Nhật Bản cũng là trở ngại khi xử lý những căn nhà hoang (nhằm phát huy tính năng động cống hiến của lớp trẻ cho xã hội nên nhà nước Nhật đánh thuế cao tài sản thừa kế, để hạn chế tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào tài sản thừa kế). Đó là chưa kể nhiều trường hợp không xác định được người thừa kế, hay tranh cãi trong việc phân chia tài sản.

Ở Nhật Bản, việc những cụ ông, cụ bà ngoài 60 tuổi vẫn phải lao động kiếm tiền không còn là chuyện xa lạ mà đã trở thành thực tế. Theo đó, Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số rất cao, người trên 65 tuổi chiếm gần 30% tổng dân số, trong đó có tới 9 triệu người già vẫn đang làm việc. Quan điểm sống của người Nhật là sinh ra là để làm việc, cống hiến, chứ không phải để hưởng thụ, vì vậy ra đường du khách dễ dàng bắt gặp những người già tóc bạc trắng, nhưng vẫn mải mê lao động như: Lái xe, quét rác, công nhân, tạp vụ… Người Nhật rất khỏe mạnh, dẻo dai, ngay cả phụ nữ cũng có thể đứng làm việc cả ngày, thậm trí những người 70 đến 80 tuổi vẫn hăng hái làm việc, không phải tham tiền mà vì họ rất yêu thích làm việc.

 Tuy nhiên, bên cạnh những ưu việt thì cuộc sống ở Nhật xem ra có vẻ lặng lẽ, cô đơn, buồn tẻ, nhà nào biết nhà nấy. Ngay cả vợ chồng, hay cha mẹ và con cái cũng ít quan tâm đến nhau. Con cái đủ tuổi trưởng thành thì tự lo cho cuộc sống của riêng mình. Ở thôn quê, chính quyền khuyến khích người dân lắp điện thoại bàn ở từng nhà riêng để theo dõi sức khỏe các cụ già sống một mình. Anh Đ.T, người có thâm niên hơn 2 năm sống và làm việc tại Nhật Bản cho biết: “Một số cô gái lấy chồng Nhật sang đây vài năm, thấy cuộc sống quá buồn tẻ so với Việt Nam nên chịu không nổi đã tìm đường trốn về nước”.

Một cảm giác khi tiếp xúc trực tiếp với người Nhật, nhìn vẻ mặt, tôi thấy họ có vẻ ngoài rất khắc khổ… từ chuyện ăn uống quá tiết kiệm, đến việc lầm lũi làm việc và xếp hàng trước đám đông… Một đất nước không được thiên nhiên ưu đãi, gặp quá nhiều thiên tai và phải tự vươn lên bằng trí tuệ và chính sức lao động của mình thì âu cũng là lẽ tất yếu. Những con người tuyệt vời ấy rất đáng trân trọng.

Thủ đô Tokyo Nhật Bản

Mỗi bữa ăn của người Nhật không quá một chén cơm. Bữa ăn có rất nhiều món ăn nhưng mỗi thứ một chút chút, đủ cho mỗi người một hai lần gắp. Thịt rất ít, chủ yếu là cá chiên sơ qua, hoặc nướng, cắt khúc. Có rau sống nhưng lại không có canh rau như ở Việt Nam mà chỉ có một nồi canh chế biến từ đậu tương, đầu nành và thêm một ít gia vị của họ, nếu ăn không quen sẽ rất khó nuốt.

Người Nhật có tính kỷ luật rất cao, rất có ý thức giữ vệ sinh chung và tôn trọng không gian công cộng. Nếu không tìm thấy thùng rác thì họ bỏ rác vào balô mang về nhà. Trên xe buýt hay chỗ đông người, không hề có tiếng ồn ào. Họ giữ im lặng để khỏi ảnh hưởng đến người khác. Ngay cả ăn Buffet buổi sáng, họ cũng ăn nhanh và lặng lẽ rời khỏi bàn để nhường chỗ cho những người đến sau.

Trái với người Nhật, người Việt Nam vừa ăn vừa “tám” chuyện rôm rả nửa tiếng đồng hồ vẫn chưa xong. Thiếu tôn trọng tập thể đã trở thành thói quen “khó chữa” của một số ít người nhận thức còn hạn chế. Có trường hợp mấy chị “sồn sồn” vào nhà vệ sinh đánh phấn, tô môi, trang điểm nửa tiếng đồng hồ, bắt cả đoàn du khách đang di chuyển xuống sân bay làm thủ tục nhập cảnh phải đứng lại chờ đợi. Đúng là sồn sồn…(cười). Đó là chưa kể, trên bàn nhậu hay trên một số chuyến xe khách chạy tuyến Vũng Tàu và khu vực miền Đông Nam Bộ (Việt Nam) mà nhiều lần tôi được chứng kiến, mấy chàng thanh niên gọi điện thoại “nổ, chém gió” phần phật trên xe ô tô, khoe xài tiền tỉ, làm mấy cô gái trẻ ngồi gần đó há hốc mồm, giật “đùng đùng” theo nhịp lắc lư của xe, có vẻ như đang … “ngợp”. Người xưa nói: “Gieo hành vi, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt nhân cách”. Để xây dựng được một nếp sống như người Nhật, phải được rèn luyện, giáo dục từ nhỏ…”. Đối với người Nhật, gia thế, địa vị xã hội và thu nhập không quan trọng, quan trọng chính là trình độ học vấn của mỗi người vì nó liên quan đến nhận thức con người.

Một cảnh trên tàu điện ngầm, phương tiện đi lại chủ yếu của người dân Nhật Bản

Về giao thông tại Nhật Bản cũng có nhiều điểm khác biệt so với Việt Nam, đó là giao thông tay lái nghịch, xe đi bên trái đường. Phương tiện di chuyển của người dân Nhật Bản chủ yếu là tàu điện ngầm, xe buýt công cộng và đi bộ. Ít người có xe ô tô riêng. Lưu thông trên đường hầu như không có xe máy. Ở một số khu phố đông dân cư, xe đạp đi trên vỉa hè bên trái (có vạch sơn trắng phân luồng cho người đi bộ bên phải vỉa hè).

Các tuyến đường giao thông chính, huyết mạch, phải đi qua rất nhiều hầm chui. Suốt dọc tuyến đường cao tốc hơn 100 km từ Phú Sĩ đến Thủ đô Tokyo hai bên đường được che chắn bởi hàng rào tôn, nhựa, cao khoảng 3 m, còn gọi là hàng rào chắn âm thanh chống ồn khu vực đông dân cư. Không chỉ vậy, hàng rào này còn đảm bảo an toàn cho xe lưu thông. Tuy nhiên do đường cao tốc này xây dựng từ lâu, cũ kỹ, nhỏ hẹp (chỉ có 4 làn xe chạy) nên có thêm rào chắn, con đường sẽ có cảm giác chật hẹp hơn và trở nên xấu xí, không đẹp. Ở Nhật Bản, không những có dải phân cách ở giữa đường, họ còn làm thêm hàng rào dọc theo vỉa hè để người dân không thể bước xuố́ng mặt đường, gây cản trở lưu thông. Với người Nhật thì an toàn là trên hết.

Vào mùa mưa, hệ thống giao thông tại Nhật Bản thoát nước rất tốt. Nhằm giúp Thủ đô Tokyo không bị ngập lụt mỗi khi mùa mưa đến, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng một trong những hệ thống ngầm chống ngập lớn nhất thế giới. Hệ thống đường hầm có tên “Kênh xả ngầm bên ngoài khu vực đô thị” của Nhật Bản được ví như một chiếc phễu, hứng nước từ các khu vực chung quanh rồi đổ ra sông Edogawa qua một đường hầm dài 6,3km, nằm sâu 50m dưới lòng đất.

Nhật Bản phân loại nước thải rất khoa học và bài bản. Trên vỉa hè có các loại nắp cống khác nhau nhằm phân biệt đường nước thải, nước máy, nước mưa. Tất cả các loại nước thải đều phải được xử lý trước khi đưa ra môi trường. Ở Nhật Bản không có chuyện mất nắp cống như ở Việt Nam. Khi được hỏi cách xử lý của người Nhật về tình trạng trộm cắp nắp cống, nắp chắn rác… trên các trục đường giao thông, một chuyên gia Nhật Bản trả lời như sau: “Khoảng 40 năm trước đây, chúng tôi cũng gặp vấn nạn này nhưng đến nay hầu như chấm dứt do cách xử lý đúng địa chỉ, đúng chỗ... Vấn đề đặt ra là người ta lấy để làm gì? Chắc chắn là không để dùng, mà chỉ để bán kiếm chút tiền. Vậy ai mua? Chắc chắn là người thu mua sắt vụn... Đấy, chính là ở chỗ đấy. Người lấy trộm thì luôn di chuyển, nhưng người thu mua thì có tính cố định và ngay cả nơi tái chế cũng cố định. Vậy sẽ phạt, xử lý thật nặng hai nơi này để họ: Không dám mua; Không dám tái chế. Như vậy kẻ trộm "không có khách hàng..." thế thì họ lấy trộm làm gì nữa…”

 Ôh, quá hay. Vậy tại sao Việt Nam không học theo cách này nhỉ (?!)

Mùa hoa anh đào nở

Khi nhắc đến đất nước Hoa Anh Đào thì ai cũng nghĩ đây là một nước kinh tế, kỹ thuật và khoa học rất phát triển, ít người nghĩ đến ngành nông nghiệp của Nhật Bản. Thật ra những người làm nông nghiệp của Nhật rất giàu có và sung túc. Nông nghiệp của Nhật Bản phát triển theo hướng khoa học bền vững vì vậy có sản lượng rất cao, chất lượng rất tốt và đứng hàng đầu thế giới. Hoa quả, trái cây là một trong thế mạnh của ngành nông nghiệp. Nói đến trái cây phải nói đến Fukushima. Cả bốn mùa, mùa nào thức ấy, đều có thể thưởng thức trái cây ở Fukushima các mùa trong năm. Mùa xuân có dâu tây; mùa hè có cherry, dưa, đào; mùa thu có hồng, nho, lê và táo; mùa đông thì cũng vẫn có táo, thêm cả cà chua và quýt…

Trong hành trình ngắn ngày du lịch tại Nhật Bản, chúng tôi chỉ được ghé qua vườn trái cây Miharashien thuộc thành phố Fuefuki, tỉnh Yamanashi và thưởng thức nho tươi. Nho tươi chín đen có thể ăn ngay tại vườn vì không có chất bảo quản. Tuy nhiên, những trái nho này ăn mau ngán vì ngọt quá, thiếu độ dai, giòn, không ngon bằng nho Việt Nam. Một điểm khác lạ là những người dân nhật bản trồng cây ăn trái trước nhà chỉ để làm cảnh. Trái cây sai trĩu quả lúc lỉu trên cành nhưng họ không ăn. Muốn ăn, họ ra siêu thị mua về thưởng thức. Nguyên nhân là các cây họ trồng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhà nước đã quy hoạch từng vùng cho từng loại cây xanh và giám sát chặt chẽ quy trình, thời gian chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật, nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và phòng chống dịch bệnh. Không ăn trái cây nhà trồng mà ra siêu thị mua trái cây về ăn, điều này cũng nói lên người dân Nhật Bản tin tưởng tuyệt đối vào các chính sách của nhà nước và sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.

Về ẩm thực Nhật Bản, ai cũng nghĩ ngay tới món ăn nổi tiếng nhất là món Sushi được chế biến bằng nhiều nguyên liệu khác nhau như tôm, cá, cua… gói cùng cơm trộn với giấm, đường, muối... Sushi rất đa dạng nhưng điểm chung không thay đổi giữa các loại đó là phần cơm trộn giấm. Món nổi tiếng Nhật Bản có Sushi & Sashimi, Tempura, mỳ Udon, mỳ Soba, mỳ Ramen…nhưng tôi không hợp với bất cứ món nào kể trên đây nên không thấy ngon.

Trong giao dịch thương mại, người Nhật không chấp nhận tiền USD (Mỹ) hay USD (Úc) nên muốn mua bán ở Nhật Bản phải ra ngân hàng hoặc sân bay đổi tiền Việt hoặc tiền USD ra đồng Yên mới xài được. Nếu đây không phải là chiến lược quản lý tiền tệ thì đúng là…bảo thủ (cười).

Tỷ lệ không dùng tiền mặt ở Nhật vẫn còn kém hơn nhiều so với các quốc gia khác. Tuy nhiên ở Nhật Bản, những đồng tiền xu nhỏ bé vẫn giữ một vị trí quan trọng trong các giao dịch kinh tế. Điều này khác xa với Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có nhiều cố gắng để đưa tiền xu vào giao dịch kinh tế, nhưng những nỗ lực này cho đến nay đều không đạt hiệu quả. Vì nhiều lý do, người dân vẫn từ chối sử dụng tiền xu và các đồng tiền xu dần dần bị gạt ra khỏi hệ thống thanh toán trên toàn quốc.

Tác giả chụp hình lưu niệm bên cạnh Tượng nữ thần tự do tại Mỹ và phiên bản 2 tại Nhật Bản.

Du lịch Nhật Bản có muôn điều để nói, nhưng trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến những điều khác biệt, mới lạ so với Việt Nam và các quốc gia khác. Nếu như văn hóa “tiền típ” phổ cập ở Mỹ thì ở Nhật lại ngược lại. Bạn không nên đưa tiền típ cho nhân viên phục vụ, đối với người Nhật, việc khách đưa tiền típ cho tức là bản thân họ phục vụ không đúng và khách không hài lòng với dịch vụ của họ.

Một điểm cần chú ý là khi ra đường bạn không nên tùy tiện chụp hình người khác, nhất là trẻ con. Nếu chưa được sự đồng ý của họ có nghĩa là bạn vi phạm pháp luật.

Tuyệt đối bạn không được mang trái cây, thức ăn vào Nhật Bản. Nếu nhập cảnh mà khai báo với hải quan thì bị tịch thu, phạt tiền. Không khai báo sẽ bị phạt tù. Thế nhưng từ Nhật Bản đi các nước, bạn được phép mang thoải mái.

Trong giao dịch văn bản, người Nhật sử dụng fax và con dấu cá nhân, chứ không dùng email (thư điện tử) và chữ ký. Trong giờ làm việc, nhân viên không được phép sử dụng điện thoại di động, nếu sử dụng sẽ bị kỷ luật, cao hơn là đuổi việc.

Khi dùng bữa tại Nhật Bản, bạn tuyệt đối không được cắm đũa vào bát cơm và tránh cắt móng tay, móng chân vào ban đêm. Người Nhật rất kiêng kỵ số 4 chữ có phát âm là “tử”, bạn không nên tặng quà hay làm bất cứ việc gì cho người Nhật liên quan đến số 4 được cho là xui xẻo này. Nếu tặng quà cho người Nhật, bạn tránh tặng khăn mùi xoa. Điều đó thể hiện bạn muốn cắt đứt mối quan hệ với họ. Bạn không được dùng đũa gắp thức ăn cho người khác. Bạn không nên nói chuyện điện thoại trên tàu, vì đó là hành động vô lễ, thô lỗ, mất lịch sự.

Nếu có dịp ghé thăm đất nước Nhật Bản, bạn hãy thử dũng cảm một lần tham gia tắm Onsen. Tắm Onsen là một hình thức tắm khỏa thân tập thể. Onsen là suối nước nóng tự nhiên, do ở Nhật có nhiều núi lửa. Nước từ Onsen là nước tinh khiết từ các nguồn nước ngầm dưới lòng đất và rất giàu khoáng chất. Vì thế người Nhật tìm đến Onsen không chỉ để thư giãn mà còn để chữa bệnh và chăm sóc cho cơ thể. Nếu như các nơi khác trên thế giới, tắm được xem là một việc riêng tư nên hầu hết mọi người đều tắm một mình. Nhưng khi tắm Onsen ở Nhật tất cả mọi người sẽ tắm cùng nhau ngoài trời và hoà hợp với thiên nhiên. Mặc đồ khi tắm onsen là một điều tối kỵ, mọi người phải khỏa thân 100% thể hiện sự bình đẳng với mọi người, không phân biệt giới tính, tuổi tác. Tất nhiên có khu vực dành riêng cho nam và khu vực dành riêng cho nữ.

Vườn nho Miharashien thuộc thành phố Fuefuki, tỉnh Yamanashi

Một trải nghiệm thú vị trong chuyến đi du lịch Nhật Bản với tôi lần này là được tham quan thung lũng Owakudani, nơi núi lửa vẫn còn hoạt động. Khói từ thung lũng bay lên như những màn sương bao phủ kín một vùng. Tiết trời giá lạnh. Mưa lất phất bay. Gió giật từng cơn mạnh đến nỗi thiếu chút nữa là người tôi cũng như một số thanh niên khác đứng gần đó bay xuống vực. Mọi người nhìn nhau…cười, quá bất ngờ vì gió ./.

Thung lũng Owakudani, nơi núi lửa vẫn còn hoạt động

Đào Quốc Thịnh

 

Tags:

Bài viết khác

Phở bò Việt Nam lọt top ngon nhất thế giới

Phở bò - món ăn đặc trưng của Việt Nam, vừa được vinh danh trong danh sách "20 món súp ngon nhất thế giới" của CNN Travel. Đây là một thành tựu đáng tự hào không chỉ đối với nền ẩm thực Việt Nam mà còn cho thấy sự lan tỏa mạnh mẽ của phở ra thế giới.

Du lịch đảo Hải Nam, Trung Quốc

Đảo Hải Nam (Trung Quốc) nằm ở ngoài khơi biển Đông, là tỉnh nhỏ thuộc cực Nam, đồng thời là đặc khu kinh tế của Trung Quốc, bao gồm nhiều đảo, trong đó đảo lớn nhất được gọi là đảo Hải Nam.

Bài 1: Du lịch Nhật Bản, khám phá đất nước mặt trời mọc

Lời giới thiệu: “Du lịch Nhật Bản, khám phá đất nước mặt trời mọc” là một trong những bài viết mới năm 2024 của Nhà báo Đào Quốc Thịnh sau loạt bài quảng bá du lịch trên kênh truyền thông quốc tế BBC (năm 2021). Bằng sự quan sát tinh tế, thông qua những trang viết mộc mạc, giản dị, pha chút hài hước, tác giả đã phản ánh những điều khác biệt, mới lạ của đất nước Nhật Bản so với Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới mà không phải ai cũng phát hiện được.

Người đi du lịch và người không đi du lịch, cuộc sống khác biệt nhau như thế nào?

Ý nghĩa của việc du lịch chính là mở rộng tầm nhìn, phong phú thêm trải nghiệm cho bản thân.

Bài 2: DU LỊCH HÀN QUỐC _ KHÁM PHÁ XỨ SỞ KIM CHI (Tiếp theo Bài 1...)

Giống như Việt Nam, Hàn Quốc đi lên từ một đất nước nghèo khó, khổ cực, cũng từng bị xâm lược và chịu ảnh hưởng từ các quốc gia láng giềng, nhưng dân tộc này vẫn giữ được quyền độc lập và truyền thống văn hóa vốn có của mình.

Bài 1: DU LỊCH HÀN QUỐC _ KHÁM PHÁ XỨ SỞ KIM CHI

Lời giới thiệu: Nhà báo Đào Quốc Thịnh là cây bút chuyên viết phóng sự, phóng sự xã hội, phóng sự điều tra, nhưng những năm gần đây ông lại bén duyên với “du lịch”. Với phong cách viết độc đáo, hấp dẫn, gần gũi với bạn đọc, những bài viết quảng bá du lịch trong và ngoài nước của ông đã thu hút hàng chục ngàn lượt bạn đọc thường xuyên theo dõi và yêu thích.

Nước Nga trong trái tim tôi

(Ghi chép của Đào Quốc Thịnh). Nước Nga nằm ở phía Bắc, phía Đông của Bắc bán cầu, gần Bắc Cực, với diện tích 17,09 triệu km2 được xem là lớn nhất thế giới. Nga có đường biên giới chung với 14 quốc gia, kéo dài tới 57.792 km, trong đó biên giới đất liền dài 20.139 km, cũng được xem là biên giới dài nhất thế giới.

Du lịch Indonesia - Xứ sở “vạn đảo" với những cô gái hồi giáo xinh đẹp

(Ghi chép của Đào Quốc Thịnh). Indonesia nằm giữa Đông Nam Á và châu Đại Dương, nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, phía Bắc giáp với Malaysia, Singapore, Philippines và biển Đông; phía Nam giáp với Australia và Ấn Độ Dương, phía Tây giáp với Ấn Độ Dương; phía Đông giáp với Papua New Guinea, Đông Timor và Thái Bình Dương.
Top