banner 728x90

Bà Rịa - Vũng Tàu những ngày tháng Tư lịch sử

12/03/2025 Lượt xem: 2384

Mùa xuân lịch sử 1975, quân và dân Bà Rịa - Vũng Tàu đoàn kết một lòng đồng loạt mở các cuộc tiến công thần tốc, dũng mãnh đánh tan lực lượng địch tại các căn cứ quân sự trên địa bàn tỉnh. Bằng sức mạnh áp đảo, chỉ trong vòng chưa đầy 4 ngày (từ 17 giờ ngày 26-4 đến 13 giờ ngày 30-04-1975) giải phóng hoàn toàn tỉnh Bà Rịa  - Vũng Tàu, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975.

Tiến đánh Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp (Bà Rịa). Ảnh: Tư liệu


Đầu năm 1975, tình hình trên chiến trường miền Nam chuyển biến mạnh mẽ.  Trước sự suy sụp nhanh chóng của ngụy quân - ngụy quyền, từ ngày 18-12-1974 đến 8-1-1975, Hội nghị Bộ Chính trị họp và hạ quyết tâm chiến lược: giải phóng hoàn toàn miền Nam. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, chiến dịch Tây Nguyên (tháng 3-1975) mở màn cuộc tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam đã giành những thắng lợi vang dội. Thừa thắng, ta mở các chiến dịch lớn giải phóng các tỉnh đồng bằng miền Trung. 
 
Ngày 29-3-1975, Hội nghị Trung ương Cục lần thứ 15 ra Nghị quyết đề ra nhiệm vụ trực tiếp cho toàn miền: “Tranh thủ thời gian, tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân”. Quán triệt tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương Cục, Tỉnh ủy Bà Rịa - Long Khánh chỉ đạo các Đảng bộ, quân dân trong tỉnh chuẩn bị lực lượng, lương thực sẵn sàng tiến công nổi dậy với phương châm “huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”. Toàn quân, toàn dân trong tỉnh phấn khởi, tin tưởng vào trận quyết chiến chiến lược.
 
Từ ngày 9-4-1975 đến 21-4-1975, các lực lượng vũ trang Bà Rịa và Long Khánh cùng với lực lượng chủ lực Quân đoàn 4 và Sư đoàn 6 tiến công giải phóng Xuân Lộc, đập tan tuyến phòng thủ được mệnh danh là “Cánh cửa thép” bảo vệ phía Đông Bắc Sài Gòn. Tình hình chuyển biến hết sức mau lẹ. Ngày 26-4-1975, đồng chí Nguyễn Minh Ninh, Tỉnh Đội trưởng Bà Rịa họp với các đồng chí Bộ chỉ huy Sư đoàn 3 Sao Vàng bàn triển khai phương án giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu. Cuộc tiến công giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu được tiến hành làm 2 giai đoạn: Giai đoạn I: giải phóng thị xã Bà Rịa và toàn tỉnh Phước Tuy; Giai đoạn II: Giải phóng Vũng Tàu.

***

17 giờ ngày 26-4-1975, 19 khẩu trọng pháo trút bão lửa vào các căn cứ của địch, nổ súng báo hiệu lệnh, mở màn cuộc tiến công giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu. 23 giờ ngày 26-4-1975, Trung Đoàn 12 mở đợt tiến công quận lỵ Đức Thạnh. Tại chi khu Đức Thạnh, địch dựa vào công sự kiên cố đã phản kích quyết liệt; tuy nhiên  không chịu nổi các đợt tiến công dồn dập của lực lượng giải phóng. Sáng ngày 27-4-1975, quận lỵ Đức Thạnh được giải phóng. Đây là quận lỵ đầu tiên được giải phóng của tỉnh.
 
Tại thị xã Bà Rịa, sau loạt pháo mở màn chiến dịch lúc 17 giờ ngày 
26-4-1975, Trung Đoàn 141 cùng bộ đội địa phương và lực lượng biệt động dẫn đường tiến công vào thị xã và Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp. Chiến sự trong thị xã ác liệt. Ta và địch giành nhau từng góc phố. Đến rạng sáng ngày 27-4-1975, các mũi tiến công đồng loạt xuất kích đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu của địch. 15 giờ ngày 27-4-1975, ta chiếm lĩnh hoàn toàn các cơ quan đồn bốt của địch trong nội ô. Thị xã Bà Rịa được giải phóng. Cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên đỉnh Lầu nước (Nhà Tròn).

Trên địa bàn Xuyên Mộc và Long Đất, lực lượng vũ trang địa phương cũng đồng loạt mở các cuộc tiến công. Sáng 27-4-1975, lực lượng vũ trang Xuyên Mộc tiến công, áp sát, bao vây các chi khu. Địch tháo chạy hỗn loạn. Trưa 27-4-1975, Xuyên Mộc được giải phóng. 10 giờ sáng, ngày 28-4-1975, huyện Long Đất được giải phóng hoàn toàn.
 
 Với khí thế tiến công, ngày 
28-4-1975, các đơn vị thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng chia làm hai mũi tiến về Vũng Tàu. Đêm 29-4-1975, các lực lượng vũ trang tiến công vào trung tâm thành phố. Hòa với tiếng súng của lực lượng vũ trang, Ban khởi nghĩa các phường cùng cơ sở nội tuyến dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban cán sự nội ô Vũng Tàu hướng dẫn, phát động nhân dân bảo vệ công sở, truy kích địch, giành chính quyền. 9 giờ sáng ngày 30-4-1975, ta chiếm Tòa thị chính và hầu hết các công sở. 13 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, TP.Vũng Tàu hoàn toàn giải phóng.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của Đảng bộ, quân và dân Bà Rịa - Vũng Tàu là kết tinh sức mạnh tổng hợp khối đoàn kết vững chắc của Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh. Là một cuộc hiệp đồng tuyệt đẹp giữa tiến công và nổi dậy, giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và lực lượng binh vận của quần chúng cách mạng. Đã 43 mùa xuân đi qua nhưng những chiến công của mùa xuân ấy - mùa xuân 1975 vẫn sống mãi trong lòng dân tộc. Mỗi người dân Việt Nam nói chung, công dân Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng nguyện cố gắng xứng đáng với sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh; ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Từ Thị Ngọc Trâm

 

Tags:

Bài viết khác

Ký ức 30/04/1975…

Sau này, tôi và Đại tá Đào Văn Sử, Trưởng đại diện Báo Quân đội phía Nam gặp nhau. Anh Sử tâm sự: “Cho dù sau này có biết bao sự kiện đáng nhớ đi qua cuộc đời mình, nhưng không ai có thể quên được những ký ức ngày ấy… Đó là những năm tháng gian lao, vất vả, đổ máu, hy sinh mà vẫn hồn nhiên vui tươi trong sáng đến lạ kỳ. Có những điều khó có thể cắt nghĩa được, ngay cả những người trong cuộc…” (Trích đoạn trong Ký sự "Ký ức 30/4/1975" của tác giả Đào Quốc Thịnh).

Những ngày tháng Tư lịch sử: Quân dân Bà Rịa Vũng Tàu cùng cả nước tiến công, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước

Quân và dân Bà Rịa Vũng Tàu đã tích cực chuẩn bị thế và lực, tạo điều kiện cho các đơn vị bộ đội huyện, tỉnh và chủ lực tập kết tiến công, cùng với quân dân cả nước tiến công giải phóng quê hương, góp phần vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẻ vang của quân và dân Bà Rịa-Vũng Tàu.

Những ngày tháng Tư lịch sử: Quân và dân Bà Rịa Vũng Tàu chuẩn bị cho cuộc tổng công kích.

Ngay sau khi hiệp định Paris có hiệu lực, Ngụy quân, Ngụy quyền đã triển khai “Kế hoạch Hùng Vương”, “Kế hoạch Lý Thường Kiệt” với mục tiêu diệt các lực lượng vũ trang và lực lượng cách mạng của ta. Chúng tấn công lấn chiếm một số vùng giải phóng, lấn chiếm những vùng ta làm chủ trước khi có hiệp định, cưỡng ép nhân dân phải sơn cờ Ngụy trên nóc nhà, trước cửa.

Vì sao đền thờ thánh, miếu thờ thần, chùa thờ phật…

Trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt Nam có rất nhiều nơi thờ cúng khác nhau như đình, đền, chùa, miếu, phủ, quán, am,… Nhưng không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của việc thờ cúng này.

Cần phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo và mê tín dị đoan

Tín ngưỡng là niềm tin, là lối sống, là phong tục tập quán, tình cảm của con người qua nhiều thế hệ, niềm tin của con người vào tín ngưỡng như là một nhu cầu tinh thần tốt đẹp, tín ngưỡng mang tính chất bền vững trong đời sống tinh thần của xã hội…đó còn là những giá trị đạo đức, văn hoá với tinh thần nhân đạo, hướng thiện làm trong sáng hơn tâm hồn con người.

Tự hào về Đảng quang vinh

95 năm xây dựng và trưởng thành, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, làm nên những thành tựu vĩ đại, làm rạng rỡ non sông đất nước ta.

95 mùa xuân của Đảng

95 mùa xuân của Đảng kết tinh trong 39 năm đổi mới cho thấy không có thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thì cũng không có chiến thắng Điện Biên Phủ và đại thắng mùa xuân năm 1975. Thành tựu của 39 năm đổi mới là thước đo giá trị của cuộc đấu tranh giải phóng vì độc lập, tự do. Chúng ta phải trả giá đắt để có được những thành tựu, hiểu biết, kinh nghiệm ngày nay và Đảng đã có bước trưởng thành.

Mãi mãi đi theo Đảng quang vinh

Mỗi độ Xuân về, mỗi người dân Việt Nam lại rạo rực niềm vui trong không khí “Mừng Đảng, mừng Xuân” để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Người đã đem mùa Xuân về cho đất nước.
Top