banner 728x90

Vịnh Lăng Cô, vẻ đẹp bình yên

19/12/2024 Lượt xem: 2485

Vịnh Lăng Cô

Vịnh Lăng Cô có chiều dài 42,5 km, cách thành phố Huế hơn 60 km và cách Đà Nẵng 20 km; là vịnh biển gần như nguyên sơ nằm dưới chân đèo Hải Vân, với bãi tắm phẳng lì, nước xanh ngắt bao la tuyệt đẹp với hệ sinh thái rất đa dạng, phong phú. Nhìn ra xa là những cánh rừng nhiệt đới rộng lớn trên những dãy núi nhấp nhô, nằm giữa núi rừng và biển là đầm Lập An rộng lớn. Đây là một trong những thắng cảnh, địa danh du lịch nổi tiếng của tỉnh Thừa Thiên Huế, được Vua Khải Định xem là chốn bồng lai tiên cảnh.

Vịnh Lăng Cô

Nằm giữa đèo Phú Gia và đèo Hải Vân với những rặng cây nhiệt đới, bãi biển Lăng Cô dài hơn 10km, cát trắng, nước trong và được xếp hạng là một trong 30 bãi biển đẹp nhất thế giới. Khởi thủy, Lăng Cô vốn là một làng chài ven biển, người dân sống với nghề đánh bắt hải sản và nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An. Bãi biển với cát trắng trải dài ở làng Cò (tên cũ của Lăng Cô) cũng là nơi sinh tụ của cư dân từ xứ Quảng ra và từ xứ biển Quảng Trị vào cùng với người xứ Huế, tạo nên sự đa dạng về cách sống, văn hóa, con người. Làng chài Lăng Cô đã có tuổi đời hơn 250 năm. Đây là nơi cư ngụ, sinh sống của những người dân kiếm sống bằng nghề chài lưới.

Đầm Lập An là đầm nước lợ được nối với biển thông qua một eo nhỏ giáp chân núi Hải Vân, diện tích rộng lớn khoảng 7.100 ha. Làn nước phẳng lặng trong lành, màu nước của đầm thay đổi theo thời gian và thời tiết, khi thì xanh biếc, khi thì ngả vàng ấm áp dưới ánh mặt trời, khi thì tím thẫm trong hoàng hôn, tạo nên một khung cảnh huyền ảo. Xa xa là núi Bạch Mã xanh rì, phía sau là những con đường nhỏ, ngẩng mặt lên trời là mây lững lờ trôi, đầm Lập An sở hữu cho mình vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ và  thơ mộng.

Vịnh Lăng Cô

Đầm Lập An là nguồn lợi tự nhiên tạo sinh kế cho người dân ven đầm. Sò mai, cua đá, cá dìa, cá mú lưới, cá ngát, cá hồng, cá hanh…rất đa dạng và phong phú. Đầm Lập An cũng là vương quốc hàu của xứ Huế. Món đặc sản này mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng chục nghìn tấn hàu đi các tỉnh. Ngày xưa, khi chưa có điện lưới, cuộc sống của người dân quanh đầm Lập An diễn ra theo một cách mộc mạc, thủ công, gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên. Chiều chiều, đám trẻ nhỏ đi nhặt những con sò nằm sâu trong cát, ngư phủ thả lưới giăng câu, đào những đụn cát tìm hải sâm hay đi bắt hàu. Đêm trên đầm Lập An, những ngư dân đều đặn chong đèn cào nghêu, bắt cá. Bóng người lẻ loi, nhỏ bé trong cái không gian mênh mang rộng lớn càng khiến cho đầm Lập An thêm huyền bí. Giữa những hàng cọc nuôi hàu bằng gỗ, thi thoảng từng đàn cá nhỏ giật mình nhảy lao xao trên mặt nước, vảy bạc lấp lánh dưới ánh đèn. Chúng nhảy cùng hướng di chuyển của xuồng làm bắn lên những giọt nước lợ nghe vị mặn mòi, thảng cả mùi muối và cá tôm. Không khí yên bình, tiếng mái chèo khua nước tạo nên một khung cảnh tĩnh lặng nên thơ.

Vịnh Lăng Cô

Đứng từ đèo Hải Vân hay từ Hải Vân Quan nhìn xuống, Lăng Cô đẹp như một bức tranh thủy mặc với cát vàng biển xanh, đầm phá tím thẫm, có rừng núi bao quanh trong long lanh nước bạc. Hoàng hôn ở đầm Lập An cũng là thời khắc đẹp.

Làng chài Lăng Cô bình dị nối liền dải bờ biển với đầm Lập An tĩnh lặng như gương, nhiều người khi đến đây cũng đã thử làm ngư dân với các hoạt động câu cá, thả lưới..., hay thong thả săn tìm những góc hình độc đáo về cuộc sống đời thường trên đầm phá.

Hương Lan

 

 

 

Tags:

Bài viết khác

Tản văn: Đà Lạt, những chiều thu năm ấy

Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Đà Lạt vào một buổi chiều thu ba mươi năm trước. Tôi đi lang thang trên những con đường đất nhỏ bé vòng vèo, với một tâm trạng cô đơn, lãng du, đầy cảm xúc. Tiết trời se lạnh, tôi ngất ngây như lạc vào miền ảo mộng. Đà Lạt chiều thu, đất trời chìm trong sương mù giăng kín khắp mọi nơi, đâu đó tiếng đàn ghi ta bập bùng bản nhạc: "Ai lên xứ hoa đào" của nhạc sĩ Hoàng Nguyên.

Du lịch Đảo Phú Quốc, Kiên Giang

Phú Quốc, nằm trong Vịnh Thái Lan, là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam ở phía Tây Nam, cũng là hòn đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo lớn nhỏ khác tại đây. Phú Quốc cùng với các hòn đảo khác tạo thành huyện đảo Phú Quốc, thuộc tỉnh Kiên Giang.

Du lịch sinh thái, tâm linh: Chùa Bái Đính – Tràng An, một địa danh đặc sắc của châu Á

Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 90km về phía Đông Nam, quần thể danh thắng Tràng An có diện tích 6.172ha, bao gồm ba vùng liền kề nhau là Khu Di tích Lịch sử Văn hóa cố đô Hoa Lư, Khu Danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư, thuộc địa bàn các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, thị xã Tam Điệp và thành phố Ninh Bình.

Chùa Hương, điểm đến du lịch tâm linh

Không chỉ là một sự kiện tôn giáo, lễ hội chùa Hương còn là một bức tranh văn hóa đa dạng và phong phú, phản ánh những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt. Có thể nói, đó là hành trình tìm về cội nguồn, tìm về sự thanh tịnh trong tâm hồn và hướng đến những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Hành trình về miền đất Phật - chùa Hương không chỉ là một chuyến đi mà còn là một một trải nghiệm văn hóa ý nghĩa.

Du lịch Côn Đảo – Du lịch sinh thái, về nguồn

Côn Đảo là một quần đảo ngoài khơi bờ biển Nam Bộ, cách thành phố Vũng Tàu 185km, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 230km và cách cửa sông Hậu 83km. Côn Đảo gồm có 16 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau, với diện tích 76 km2. Trong đó đảo lớn nhất là đảo Côn Sơn, có diện tích 57 km2 là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa – xã hội của huyện Côn Đảo.

Du lịch Điện Biên – Du lịch sinh thái, về nguồn

Điện Biên là một tỉnh miền núi, biên giới Tây Bắc của Tổ quốc, có diện tích 9.562,9 km2. Địa hình chia cắt, nhiều sông suối, đồi núi, có độ dốc lớn. Là tỉnh có chung đường biên giới với 2 quốc gia: Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào (dài 360 km) và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (dài 40,861 km).

Chùa Yên Tử _ Điểm đến du lịch tâm linh

Chùa Yên Tử nằm trên đỉnh núi Yên Tử, thuộc khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử. Chùa Yên Tử nằm trên địa phận phường Phương Đông và xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí), một phần thuộc xã Hồng Thái Đông (huyện Đông Triều). Khu di tích bao gồm các công trình kiến trúc tôn giáo chùa, am, tháp được xây dựng rải rác theo tuyến trải dài từ Bí Thượng (chân Dốc Đỏ) đến đỉnh núi Yên Tử huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, cách Hà Nội 130 km và cách thành phố Hạ Long 40 km.

Du lịch Fansipan, trải nghiệm mùa tuyết rơi

Đỉnh Fansipan nằm trên dãy núi Hoàng Liên Sơn, là dãy núi cao nhất ba nước Đông Dương có độ cao 3.143m so với mặt nước biển, cách thị trấn Sapa 9 km về phía Tây Nam. Fansipan còn gọi là là "Nóc nhà Đông Dương", giáp với tỉnh Lai Châu, có chiều dài khoảng 280km từ Phong Thổ đến Hòa Bình, chiều ngang của chân núi Hoàng Liên Sơn rộng nhất là 75km và hẹp nhất khoảng 45km.
Top