Tứ đại thiên vương được xem là những người canh giữ thượng giới, bảo vệ nhân gian, chống lại tà ma ác quỷ, tứ đại thiên vương đều là những vị thần có pháp lực vô cùng cao cường.
Các vị thiên vương chiến đấu chống cái ác và bảo vệ những nơi Phật pháp được truyền bá. Thân thể các vị được áo giáp che chở, đầu mang giáp sắt.
Tứ đại thiên vương còn được dân gian thường gọi là “Tứ đại Kim cương”. Các Thiên vương ngoài việc giữ gìn Phật pháp còn có trách nhiệm trông nom bốn phương cho mưa thuận gió hoà. Vì thế các Thiên vương cũng được gọi là “Hộ thế Thiên tôn”.
Hình ảnh Tứ đại thiên vương trong Phật giáo
Tứ đại thiên vương trong Phật giáo bao gồm:
Bắc thiên vương Đa Văn Thiên
Đây là vị thần trấn phương Bắc, toàn thân màu đỏ. Có nhiệm vụ theo dõi thế giới, bảo hộ nhân dân, trên tay cầm cây dù thần Hỗn Nguyên Tán, chịu trách nhiệm chính trong việc cai quan Thiên môn.
Nam thiên vương Tăng Trưởng Thiên
Đây là vị thần trấn phương Nam, toàn thân màu xanh lục giúp chúng sinh tăng trưởng thiện căn, bảo vệ cho Phật Pháp không bị xâm phạm. Vị này có món pháp khí lợi hại là thanh Thanh Vân kiếm, trên kiếm có mang bùa, thân kiếm khắc bốn chữ Địa, Thủy, Hỏa, Phong. Khi chỉ kiếm niệm chú thì lửa và gió cùng nổi lên một lúc, giết hại quân đối phương.
Đông thiên vương Trì Quốc Thiên
Đây là vị thần trấn phương Đông, toàn thân màu xanh dương giúp bảo hộ chúng sinh, hộ trì quốc thổ. Tay cầm đàn tỳ bà, biểu thị sự vui vẻ, dùng âm nhạc giáo hóa chúng sinh.
Tây thiên vương Quảng Mục Thiên
Đây là vị thần trấn phương Tây, mang sắc Trắng, tay cầm con rắn/ hoặc con rồng đỏ biểu tượng cho sự suôn sẻ, thuận lợi. Ông được miêu tả là có đôi mắt rất to để theo dõi thế giới và bảo hộ nhân dân.
Truyền thuyết Trung Quốc đã nhắc các vị này từ thế kỷ thứ 4, nhưng đến đời Đường (thế kỷ thứ 7) người ta mới thật sự thờ cúng các vị Thiên vương. Mỗi vị này có 91 con trai và 8 tướng quân, giúp canh giữ mười phương thế giới. Tương truyền rằng, năm 742, Đại sư Bất Không Kim Cương (sa. amoghavajra, Mật tông) niệm chú Đà La Ni gọi các vị Thiên tướng xuống giúp chống ngoại xâm. Vị Bắc Thiên vương và Tây Thiên vương hiện xuống đẩy lùi giặc, nhà vua nhớ ơn cho xây tượng các vị trong chùa chiền.
Sau khi đạo Phật truyền nhập vào Trung Quốc, Tứ đại Thiên vương đã có những trang phục, binh khí, thậm chí chức trách Hán hoá.
Thiên vương Tăng Trưởng cầm kiếm vì mũi kiếm được gọi là “phong” (mũi nhọn), đã lấy chữ đồng âm là “phong” (gió), và chức trách của ông ta là “phong”.
Thiên vương Trì Quốc ôm cây đàn tì bà, và muốn gảy đàn thì trước hết phải điều chỉnh các dây, cho nên lấy chữ “điều”, và chức vụ của ông ta là “điều”.
Thiên vương Đa Văn cầm cái dù. Vì trời có mưa thì mới phải cầm dù, cho nên lấy chữ “vũ” (mưa), và chức vụ của ông ta là “vũ.
Thiên vương Quảng Mục có con rồng quấn trên tay. Vì rồng và rắn đều phải “thuận”, cho nên lấy chữ “thuận”, và chức vụ của ông ta là “thuận”.
Văn hóa của người Hán vốn có tính bao dung rất lớn, vì thế đã làm cho bốn vị thiên thần từ nước ngoài du nhập vào trở thành những vị thần linh chính cống Trung Quốc. Người dân đã gửi gắm vào các vị ấy ước mơ hạnh phúc của dân tộc mình, cùng với tâm nguyện mưu cầu hòa bình tốt đẹp.
Tứ đại thiên vương được cho là đang sống ở tầng trời Cātummahārājika, (tiếng Pāli Cātummahārājika, “của Tứ Đại Vương”) trên sườn thấp của núi Tu Di, đó là mức thấp nhất của các chư thiên của Dục giới (Kāmadhātu). Họ là những người bảo vệ của thế giới và chống lại cái ác, mỗi người có thể chỉ huy một quân đoàn của những sinh vật siêu nhiên để bảo vệ Pháp.
Ban Nghiên cứu Tôn giáo