Bố cô ta là Trung đoàn trưởng của tôi hồi cả hai người còn phục vụ trong quân đội. Tôi và ông gắn bó với nhau mười mấy năm trời và cũng chính ông đã giới thiệu con gái cho tôi. Năm nay, ông cụ đã ngoài bảy mươi tuổi. Năm ông cụ nghỉ hưu thì cũng là lúc tôi chuyển ngành về công tác tại một công ty xây dựng phát triển nông thôn miền núi.
Hôm tôi mới về phép, ông cụ mời tôi đến nói chuyện. Mở đầu câu chuyện, ông vào đề một cách thẳng thắn:
- Bố biết anh sẽ không bao giờ tha thứ cho hành động đốn mạt ấy. Bố không phản đối. Nhưng…- Giọng ông bỗng tắc nghẹn. Không gian im lặng ngột ngạt trùm lên cả hai người. Một lúc lâu tôi mới cất giọng rụt rè:
- Bố thông cảm cho con - Tôi nặng nhọc nói, con có tính xấu là cố chấp, không cao thượng. Nhưng chúng con không thể sống với nhau được nữa bởi giữa chúng con, không còn tình yêu… Vợ con đã phản bội con. Trước khi lấy nhau chúng con đã giao ước với nhau về trường hợp này.
- Đây hoàn toàn không phải là chuyện cao thượng hay không cao thượng - Ông dằn mạnh tay xuống bàn, những chiếc ly thủy tinh trên mặt bàn bật lên. Những người đã trải qua gần nửa cuộc đời là lính, đã phải chịu thiệt thòi mất mát quá nhiều rồi, không lẽ lại phải tiếp tục gánh chịu nốt cả cuộc đời những điều bất hạnh. Không thể như thế! Không thể được!
Nét mặt đanh lại, giọng ông quả quyết, gay gắt như hồi ông đang còn chỉ huy đơn vị. Bất ngờ như sực nhớ ra cương vị hiện tại của mình, khuôn mặt khắc khổ của ông bỗng già xọm lại. Ông nhìn ra xa xăm, đôi mắt buồn thẳm, giọng trầm hẳn xuống như đang tâm sự với một đồng đội:
- Những người lính một thời xông pha lửa đạn, hòa bình đất nước đổi mới, tưởng được sống bên cảnh đầm ấm vợ đẹp, con khôn, nào ngờ ... lối sống ích kỷ, buông thả, thực dụng, tâm lý thụ hưởng hiện nay đã và đang làm hủy hoại nền tảng đạo đức hôn nhân và tan vỡ biết bao gia đình lương thiện. Hậu quả để lại cho đứa con một tổn thất vĩnh viễn trong tâm hồn trẻ thơ.
Rồi như chợt tỉnh, nét mặt ông giãn ra, ông cuống quýt hỏi thăm sức khỏe của tôi, chuyện công việc cơ quan và mời tôi ở lại ăn cơm.
Đến lượt tôi bối rối. Tôi xúc động trước tình cảm chân thành của ông, rồi cũng chấn tĩnh lại ngay rối rít trả lời. Tôi cố cười để ông vui, cố tình quên đi một người con gái ở giữa chúng tôi, nhưng càng nói cười, lòng tôi càng tan nát và nhìn thấy ông còn đau đớn hơn. Cuối cùng, không thể chịu nổi , tôi đứng dậy xin phép ra về.
Tối Hà Nội, đầu mùa đông, bóng tối sập xuống rất nhanh. Đài báo gió mùa đông bắc tràn về. Đường phố vắng tanh. Lác đác vài hạt mưa hắt xuống lòng đường. Tôi đạp xe về đến căn nhà tập thể ọp ẹp nằm sâu trong ngõ thì trời đã tối mịt. Mẹ tôi vẫn ngồi chờ bên mâm cơm đã nguội ngắt. Thấy tôi về, mẹ tôi vội vã bê nồi canh xuống bếp định đun lại cho nóng nhưng tôi giơ tay cản lại :
- Không cần đâu mẹ! Con ăn rồi.
Im lặng hồi lâu, bà rụt rè nhìn tôi hỏi:
- Ý con thế nào?
Tôi cúi xuống bối rối không tìm được câu trả lời .
- Chuyện của vợ con, con có toàn quyền phán quyết- Giọng bà mệt mỏi buồn rầu nhưng rất bình tĩnh của một người từng trải, đã phải chịu nhiều vất vả khổ đau: chồng mất sớm, một mình phải nuôi bốn người con ăn học, dựng vợ gả chồng.
- Anh em con, mỗi người tham gia giải quyết một kiểu, còn mẹ thấy thương cháu gái, nó còn bé, vô tội và nó mới chính là đứa chịu nhiều đau khổ nhất trong suốt cuộc đời.
- Nhưng nó không thể sống gần một người mẹ như thế - Tôi gạt phắt.
- Con người ta, ai chẳng có những giây phút lỗi lầm. Về cơ bản nó là một người tốt. Tuy nó làm thư ký ở một cơ quan hàng ngày phải giao dịch tiếp khách sang trọng, nhưng nó ăn mặc rất giản dị. Nó ăn ở cũng biết điều lắm, hiền lành, nói năng dễ nghe, ai cũng quý. Dạo cuối năm ngoái, mẹ ốm mà con thì ở xa, không có nó chăm sóc, mẹ khó lòng qua khỏi…
Tôi đoán được mục đích của mẹ, nên vội cắt ngang: con có nói cô ta không tốt với mẹ đâu, nhưng cô ta si mê thằng đó thì phải để cho cô ta đi theo thằng đó mới là hợp lẽ. Con còn phải đi xa, hạnh phúc không thể đảm bảo với một người vợ như thế.
- Tùy con! – Bà thở dài, ánh mắt đau đớn, bất lực.
Dưới ánh đèn Neon lấp lóa, tóc bà như bạc thêm, khuôn mặt nhợt nhạt của bà căng thẳng một cách lạ lùng, mọi vật mờ đục, lặng lẽ, chao đảo. Tôi nhìn mẹ, thẫn thờ, lòng căm giận bùng lên trong tôi. Tôi đứng dậy, loạng choạng đi về phòng riêng như người mù đi trong bóng tối nhập nhoạng, rồi bỗng ngồi thừ ra trên bộ bàn ghế cũ kỹ lâu ngày phủ đầy bụi, đôi mắt trân trối nhìn vào khoảng không vô định, cố lần sợi chỉ rối của ký ức... Mọi người đã chìm trong giấc ngủ từ lâu, im ắng lạ lùng. Trăng lên ló qua khe cửa sổ yếu ớt và lạnh lẽo. Trong bóng đêm bao la, một bàn tay lạnh ngắt chạm nhẹ vào tay tôi và tiếng nói ngắt quãng trong hơi thở hổn hển.
- Em muốn xin anh đừng bỏ em.
Tôi hất mạnh tay cô ta ra và cảm thấy ghê tởm. Với tay lên công tắc, tôi bật đèn sáng trong phòng. Cô ta ngơ ngác nhìn tôi hoảng hốt.
- Em biết anh rất kiên quyết, nhưng mong anh hiểu cho em những ngày anh đi xa, ở nhà em cô đơn như thế nào, anh có biết không? Cả cơ quan chúng nó có người yêu, có chồng đưa đón, còn em lủi thủi như một cái bóng trên chiếc xe đạp cũ ngày ngày…
Tôi dụi tắt điếu thuốc vừa mới châm lửa vào chiếc gạt tàn, nói trong mỉa mai cay đắng.
- Ở nơi rừng núi xa xôi, tôi cũng chỉ biết lấy công việc làm vui. Đồng lương kiếm được, tôi chắt chiu dành dụm mang về cho vợ, cho con, chứ đâu có dám đi nhà hàng, khách sạn như cô…
- Nếu anh có khinh bỉ em, nếu anh không chấp nhận lời cầu xin của em thì cũng mong anh hiểu rằng, dù hư hỏng, đáng tội nhưng trái tim em luôn hướng về anh, ngay cả khi… thể xác em phản bội anh. Em yếu đuối nên không giữ gìn được. Em khổ sở, nhục nhã lắm anh ơi - Tiếng nấc bị kìm nén lâu ngày phá lồng ngực ùa ra như cơn lũ lớn cuốn phăng sự yên tĩnh của đêm đông.
- Thôi đủ rồi – Tôi dằn giọng, thái độ dứt khoát: Cô vào giường ngủ đi, đừng làm cho con tỉnh giấc.
Đêm hôm ấy tôi thức trắng đêm viết tiếp đơn giục tòa án giải quyết sớm với mục đích muốn đẩy nhanh cô ta ra khỏi nhà. Sau đêm ấy, cô ta bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Một tuần nặng nề trôi qua, khoảng thời gian ngắn ngủi ấy dài như một thế kỷ. Cuộc đời không còn đẹp như tôi hằng mơ, hằng tưởng… Đêm đêm, tôi nằm thao thức chờ trời sáng.
***
Ra khỏi phòng xử án, tôi lầm lũi đạp xe đạp đến nhà bạn bè chơi, cố tình về thật muộn để cô ta về trước có thời gian thu xếp đồ đạc dọn đi. Khi ráng chiều đỏ tấy của mùa Đông nặng nề chìm dần xuống, tôi mới lững thững đạp xe về căn nhà tối om, chật hẹp, ngột ngạt khó thở. Bật đèn lên, tôi giật mình nhìn thấy trên giường, cô ta ngồi cúi gằm mặt giấu vào hai đầu gối, bên cạnh là đứa con nằm ôm chặt chú gấu bông, khuôn mặt bầu bĩnh, say sưa ngủ ngon lành.
- Sao chưa đi, còn đợi gì nữa – Tôi tàn nhẫn nói.
- Anh ở nhà ít bữa lại đi. Hay là… con để cho em đón về nuôi?
- Không được, tòa án đã quyết định rồi- Tôi lạnh lùng gạt đi, đứa con của tôi, để tôi gửi nó cho bà. Tôi yêu cầu cô không được bước chân đến đây.
Bỗng cô ta đứng phắt dậy, ngẩng đầu lên nhìn chằm chằm vào tôi với ánh mắt căm thù, cay cú, điên dại, thở hổn hển. Cơn giận dữ bùng lên ở thời điểm tận cùng tuyệt vọng. Như một người sẵn sàng bước vào cái chết nên không còn gì để mất, để sợ. Đôi môi mím chặt cay nghiệt nhưng vẫn đỏ tươi nỗi khát khao một cuộc sống bình yên. Khuôn mặt nhỏ nhắn ngời sáng một tình yêu mãnh liệt.
- Anh độc ác lắm. Anh trả thù tôi như thế mà vẫn chưa hả dạ sao?! Còn định cướp nốt cả đứa con. Nếu cần anh cứ giết tôi đi. Đừng cho tôi nhìn thấy anh, nghe thấy anh, đừng cho tôi được nhắc tên anh trong những đêm lạnh lẽo...
Cô ta bật khóc nức nở, đôi vai rung lên, hai tay buông thõng, bất ngờ cô ta lao đến, vòng tay ôm lấy cổ tôi, toàn thân đổ xuống, mềm nhũn, nóng bỏng.
- Anh, anh…. Thủy gục đầu vào ngực tôi thổn thức.
Tôi lặng người, đứng im như pho tượng, nhìn bóng đêm đen kịt ngoài cửa sổ, rồi vuốt nhẹ mái tóc Thủy an ủi, dỗ dành. Thôi, Thủy đừng khóc nữa! Chúng ta đã tìm thấy nhau rồi mà. Trong bóng đêm dày đặc, tôi và Thủy cũng như biết bao lứa đôi đã lạc nhau và bây giờ phải chăng đã lại tìm thấy nhau, tìm thấy những gì đích thực, những gì thiêng liêng cao quý nhất của chính mình?! Chao ôi! Mất mát thiệt thòi đâu phải là cái chết. Đau khổ con người ta có thể chứa chất chịu đựng được, chịu đựng suốt đời cũng được. Chỉ có quên lãng, chia lìa mới chính là cái chết mà không phải ai cũng dễ dàng vượt qua nổi.
Trong khoảnh khắc, tôi nhìn thấy những khuôn mặt thân thương: ông bố, bà mẹ và đứa con, những cuộc đời cũng đã từng mất mát thiệt thòi quá nhiều sẽ không còn ly tán vì tôi nữa…
Truyện ngắn của Đào Quốc Thịnh