Đồng bằng Bắc bộ là cái nôi của văn hóa Việt Nam. Qua hàng ngàn năm cư trú, cộng đồng người Việt đã tạo nên đời sống văn hóa tinh thần phong phú, độc đáo. Một trong những yếu tố góp phần tạo nên đời sống văn hóa tinh thần đó là giá trị trong tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng. Trong xã hội hiện đại, tưởng như đạo Hiếu trong tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng không còn cơ sở tồn tại, vì làng xã ở nông thôn có những biến đổi sâu sắc. Song, điều đg Việt.
Nghi lễ rước Sắc dân gian
Tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng là một tín ngưỡng khá phổ biến ở làng xã của người Việt. “Người Việt phổ biến nhất, nổi bật nhất là thờ thần ở làng, không làng nào là không có đình, đền, miếu thờ thần”. Bởi thế, “thần Thành hoàng là biểu tượng thiêng liêng nhất của cả làng, ở mỗi làng, khắp các làng xã, tín ngưỡng thờ Thành hoàng là sự kết hợp đỉnh cao của tín ngưỡng sùng bái con người và tín ngưỡng sùng bái thần linh.
Ngôi miếu cổ thờ thần linh
Đình là nơi thờ Thành hoàng làng. Đình vừa là không gian văn hóa, vừa là không gian tôn giáo, tín ngưỡng, đồng thời là đơn vị cơ quan hành chính làng của người Việt ở đồng bằng Bắc bộ. Đình làng là không gian đặc biệt của người Việt “được mọi người nhìn nhận với tính chất đặc biệt đa dụng cả về tôn giáo lẫn xã hội.
Lễ hội làng được coi là ngày giỗ của cả làng, hay còn gọi là ngày Thần kỵ. Nghi lễ tế Thành hoàng làng của người Việt ở đồng bằng Bắc bộ được quy định rất chặt chẽ ở tất cả các khâu, từ việc chọn người chủ tế, bồi tế, các người xướng, y phục, các động tác cũng được quy định rõ ràng trong điển lễ của làng và người thực hiện lễ tế phải thực hiện các động tác đúng như quy định. Đồng thời với tế và lễ, người dân còn tổ chức rước Thành hoàng, với ý muốn đưa thần đi thăm thú làng quê, khoe với thần những công việc tốt đã làm được. Trong lễ tế Thành hoàng làng, phần lễ và phần hội là một tổng thể. Lễ là phần tôn giáo, biểu hiện những giá trị đạo đức sâu lắng nhất của người dân mỗi làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ. Phần lễ gồm một hệ thống hành vi biểu hiện sự tôn kính, biết ơn, sự mong cầu của người dân đối với Thành hoàng làng.
Thành hoàng là người có công với dân làng như: lập làng, lập nghề, dạy học, đánh giặc, cứu người... Cũng giống như thờ cúng tổ tiên, thờ cúng Thành hoàng của người Việt vừa là tín ngưỡng, vừa là đạo lý sống của hậu thế đối với bậc tiền bối có công với làng xóm, đất nước. Nếu thờ cúng tổ tiên là đạo lý thể hiện ý thức hướng về nguồn cội của gia đình, dòng họ, thì thờ cúng Thành hoàng làng cũng là sự tôn vinh các bậc tiền bối ở cấp độ làng xã. Làng nào cũng thờ Thành hoàng, mỗi Thành hoàng có nguồn gốc, công trạng khác nhau “trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”. Vì thế, làng không thể thiếu một biểu tượng thiêng liêng, vị thần hộ mệnh để phát tín hiệu tập hợp, củng cố, bảo vệ phát triển cộng đồng. Việc thờ cúng đó được xuất phát từ sự biết ơn, sự ghi nhớ công ơn của dân làng với người có công với làng.
Mỗi làng xã cổ truyền Việt Nam đều có phong tục tập quán riêng biệt, định hình thành tục lệ làng xã. Trong tâm thức người Việt ở đồng bằng Bắc bộ, Thành hoàng là vị thần tối linh, có thể bao quát, chứng kiến toàn bộ đời sống của dân làng, bảo vệ, phù hộ cho dân làng làm ăn phát đạt, khoẻ mạnh. Các thế hệ dân cứ tiếp tục sinh sôi, nhưng Thành hoàng thì còn mãi, trở thành một chứng tích không thể phủ nhận được của một làng qua những cơn chìm nổi. Thành hoàng chính là vị chỉ huy tối linh của làng xã không chỉ về mặt tinh thần, mà còn một phần về mặt đời sống sinh hoạt vật chất của dân làng.
Tín ngưỡng Thành hoàng đóng vai trò liên kết cộng đồng làng xã, là nơi quy tụ tâm linh cho cư dân. Thành hoàng chứng kiến đời sống của dân làng, ban phúc độ trì cho những người trung hiếu, hiền lành, giáng họa trừng phạt những kẻ độc ác vô luân. Có tai biến, người ta thường đến lễ bái cầu xin thần che trở. Có việc oan ức, người ta thường lễ bái cầu xin thần chứng giám chuyển giữ hóa lành, giải oan cho người đó. Mọi người trong cộng đồng luôn tuân thủ theo luật lệ, đạo đức vì họ luôn tâm niệm rằng thần luôn giám sát những hoạt động của từng thành viên trong cộng đồng. Nhà nước phong kiến Việt Nam chọn lọc và phong sắc cho Thành hoàng làng, nhằm mục đích đoàn kết và động viên toàn bộ sức mạnh của cộng đồng làng, xã và dân tộc thành một khối, đồng thời thực hiện việc quản lý xã hội đến cơ sở xã hội.
Người dân Việt Nam trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, suốt chiều dài lịch sử ấy, người dân phải đoàn kết nhau lại, ý thức cố kết cộng đồng được hình thành và phát triển để chống lại thiên tai và giặc giã. Tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng của người Việt ở đồng bằng Bắc bộ biểu hiện đạo Hiếu, sự biết ơn và mong muốn được đền đáp công ơn của thế hệ sau với thế hệ trước, sự đền đáp đó được lưu truyền từ đời này sang đời khác, củng cố và duy trì bền vững, tạo ra sức mạnh văn hóa trong hội nhập và phát triển.
Ban Nghiên cứu văn hóa