
Giống như nhiều gia đình khác ở làng quê Bắc Bộ, gia đình tôi vẫn giữ phong tục tắm lá mùi vào chiều 30 Tết. Năm nào cũng vậy, dù bận sắm sửa đủ thứ cho mâm cỗ đón xuân, mẹ tôi vẫn không quên mua một nắm lá mùi. Mẹ bảo, phải chọn những bó mùi già, loại đã cho ra những chùm hoa trắng li ti và quả nhỏ thì nấu nước mới thơm. Lá mùi được mẹ rửa sạch cả rễ, đun trong chiếc nồi gang trên bếp củi hay bếp rơm đỏ lửa. Trong thoáng chốc, một mùi thơm ngan ngát, thanh khiết đã tỏa quyện khắp nhà. Mẹ cẩn thận bưng chậu nước, nhắc anh em chúng tôi tắm sớm để còn chuẩn bị mâm cúng tất niên.
Tôi không biết phải dùng từ ngữ gì mới diễn tả thật đúng mùi thơm kỳ lạ và khác biệt của lá mùi già. Chỉ biết, trong cái rét cuối đông, tắm lá mùi không chỉ làm cho cơ thể sạch sẽ, thơm tho mà tinh thần cũng như được “gột rửa”, trút bỏ hết những lo toan, phiền não. Mẹ thường nhân chuyện tắm lá mùi mà thủ thỉ, nhắc nhở chúng tôi gác lại những chuyện không hay của năm cũ để đón một năm mới an vui...
Năm tháng cứ thế qua đi, cuộc sống xô bồ đưa đẩy anh em chúng tôi đi làm xa, rồi lập gia đình và vào miền Nam sinh sống. Có năm thu xếp được để về thăm mẹ, có năm không. Năm vừa rồi, tôi hứa với mẹ, đến Tết con sẽ về, vậy mà cuối cùng tôi lại thất hẹn. Chúc Tết mẹ qua điện thoại mà nghe giọng mẹ nghèn nghẹn...

Sớm nay qua chợ, tôi bắt gặp người đồng hương bán những bó mùi già. Chỉ là thứ rau thơm quê kiểng thôi mà sao thấy thân thương đến lạ. Chẳng rõ tự bao giờ, cái cảm giác háo hức, chộn rộn đón Tết trong tôi đã vơi đi, nhường cho những mối lo cơm áo gạo tiền. Chợt nhận ra mình cũng như bao đứa trẻ khác, từng có một tuổi ấu thơ thật vô tư, được tung tăng theo mẹ đi chợ Tết, được tắm dòng nước thơm ngát từ thứ cây “nhà quê” này. Bỗng da diết nhớ những chiều năm cũ, thấy khói rơm rạ bay, thấy dáng mẹ lui cụi tảo tần bên bếp lửa...
Hương Lan