banner 728x90

Phát huy không gian văn hóa thành điểm đến hấp dẫn

26/05/2024 Lượt xem: 2551

Không ít di tích tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội đã và đang được khai thác hiệu quả, là cơ sở, nền tảng để phát triển du lịch, đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân; qua đó, quảng bá, lan tỏa rộng rãi những giá trị của di tích và của tín ngưỡng, tôn giáo. Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, là nơi thờ tự các vua Hùng đã có công dựng nước. Trải qua các thời kỳ lịch sử, nơi đây đã được các triều đại và nhân dân gìn giữ, phụng thờ, trở thành điểm hội tụ văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, phong tục... của dân tộc Việt Nam. 

Người dân hành hương về Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn đều đến với động Hương Tích để dâng lễ

Gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đền Hùng trở thành một trong những địa chỉ văn hóa tâm linh thu hút đông đảo đồng bào trong và ngoài nước, đặc biệt vào dịp Giỗ Tổ (10.3 Âm lịch). Đây cũng là điểm đến nổi bật và quan trọng nhất của du lịch Phú Thọ. Lượng khách du lịch đến tham quan và tham dự Lễ hội đền Hùng chiếm khoảng 85 - 90% tổng lượt khách đến tỉnh Phú Thọ hàng năm, khoảng 82% tổng doanh thu du lịch - dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Với những giá trị văn hóa, tiềm năng du lịch, Quyết định số 552/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21.4.2017 phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025, với mục tiêu Khu di tích lịch sử đền Hùng sẽ là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc, điểm du lịch về với cội nguồn dân tộc đặc biệt hấp dẫn. Các sản phẩm du lịch dựa trên nguyên tắc bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững. 

Địa danh di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) thuộc xã Hương Sơn huyện Mỹ Đức, Hà Nội là Di tích quốc gia đặc biệt. Quần thể danh thắng này gồm hệ thống đình, đền, chùa, hang, động rải rác quanh dãy núi Hương Sơn ở 5 thôn: Yến Vỹ, Đục Khê, Hội Xá, Tiên Mai và Phú Yên. Các di tích Phật giáo được chia làm 3 tuyến chính là: Thiên Trù - Hương Tích; Long Vân - Thanh Sơn; Bảo Đài - Tuyết Sơn. Các chùa, động ở đây được phát hiện và xây dựng vào thế kỷ XVII - XIX.

Chùa Hương đã góp phần làm nên nét văn hóa đặc sắc, đa dạng của đạo Phật Việt Nam, là dòng chảy liên tục hội tụ, kết tinh và lan tỏa của Sơn môn Hương Tích. Hàng triệu đồng bào từ mọi miền đất nước đã về đây cùng thành kính bày tỏ ước vọng Quốc thái, dân an.

Nét nổi bật của danh thắng Hương Sơn là Lễ hội chùa Hương tổ chức với quy mô lớn, kéo dài 3 tháng mùa xuân và diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh. Mỗi năm quần thể này đón khoảng 1,5 triệu khách. Trong đó, hơn 90% du khách đến với Hương Sơn vào dịp Lễ hội chùa Hương.

Để phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt gắn với phát triển du lịch văn hóa, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mỹ Đức nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đưa ra 3 khâu đột phá: tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh thu hút đầu tư; đổi mới công tác quản lý phát triển du lịch - dịch vụ chất lượng cao gắn với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp.

Địa phương cũng ban hành các chương trình, nghị quyết, đề án để khai thác, phát huy những lợi thế phát triển văn hóa du lịch trên địa bàn, với chỉ tiêu cụ thể: phấn đấu đến năm 2025 đón 2 triệu lượt khách/năm, 50.000 lượt khách quốc tế; năm 2030 đón 4 triệu lượt khách/năm, trong đó 1 triệu lượt khách quốc tế.

Khách hành hương di tích Bà Chúa Sứ Núi Sam

Đối với Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam tọa lạc dưới chân núi Sam thành phố Châu Đốc An Giang. Người dân địa phương vẫn lưu truyền những câu chuyện thú vị về Bà Chúa Xứ núi Sam gắn với quá trình khai hoang và chống giặc ngoại xâm.

Trong tín ngưỡng của người dân Châu Đốc nói riêng, vùng Nam bộ nói chung, Bà Chúa Xứ núi Sam nằm trong hệ thống Thánh Mẫu, được tôn thờ trong điện thần và tổ chức các thực hành liên quan như lễ hội, tế lễ và các hình thức diễn xướng dân gian khác.

Nơi đây cũng là một trong những danh thắng nổi tiếng và là điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước khi đến vùng đất Nam bộ, nhất là lễ hội Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Lễ hội diễn ra từ ngày 23 - 27.4 Âm lịch hàng năm, được thực hiện theo nghi thức truyền thống, mang đậm văn hóa của cư dân vùng Tây Nam bộ, thể hiện bản sắc, sự kế tục của cộng đồng người Kinh trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với người Hoa, Khmer, Chăm, với cả phần lễ và phần hội đặc sắc. Lễ hội đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2014.

Năm 2018, Khu du lịch núi Sam với cảnh quan thiên nhiên độc đáo cùng quần thể di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, gồm miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang, gắn với Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam đã được công nhận là Khu du lịch quốc gia với định hướng phát triển trở thành trung tâm du lịch đặc sắc về văn hóa tâm linh của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Ban Nghiên cứu văn hóa

 

Tags:

Bài viết khác

Nhà thờ gỗ Kon Tum có tuổi đời hơn 100 năm giữa núi rừng Tây Nguyên

Nhà thờ gỗ Chính tòa Kon Tum là một báu vật giữa núi rừng Tây Nguyên – do chính một vị linh mục người Pháp thiết kế và khởi xướng. Kiến trúc của nhà thờ được thiết kế hài hòa giữa kiểu kiến trúc Roman và nhà sàn gỗ của người Ba Na. Một sự kết hợp đặc sắc giữa văn hóa Tây phương và văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của vùng Tây Nguyên. Công trình khởi công năm 1913 và hoàn thành vào năm 1918. Đến nay, sau hơn 100 năm, Nhà thờ vẫn nguyên vẹn như thủa ban đầu.

Thánh đường Hồi giáo Xuân Lộc (Đồng Nai)

Huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai là nơi tập trung nhiều cộng đồng người Chăm sinh sống, vì vậy, từ năm 2006, xã Xuân Hưng đã được xây dựng một ngôi thánh đường Hồi giáo nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa của người dân. Ngôi thánh đường có tên là Masjid Nourul Ehsaan được xem là thánh đường Hồi giáo lớn thứ 2 tại Việt Nam, sau thánh đường Hồi giáo tại An Giang.

Lễ trưởng thành của thiếu nữ làng Chăm Lương Tri

Lễ trưởng thành là nghi thức quan trọng đánh dấu bước phát triển trong đời người của thiếu nữ Chăm Hồi giáo Bàni. Đây là thời điểm các cháu chính thức được cộng đồng công nhận tín đồ Hồi giáo Bàni. Lễ trưởng thành đối với thiếu nữ gọi là Karơh, do Cả sư và các chức sắc thuộc thánh đường Hồi giáo Bà ni thôn Lương Tri đảm nhiệm thực hành nghi lễ.

Chùa Thầy – sự hòa điệu giữa kiến trúc Phật giáo với các tôn giáo và tín ngưỡng bản địa

Kiến trúc cảnh quan là nghệ thuật kiến trúc điều hòa được mối quan hệ giữa tự nhiên – con người – kiến trúc để tạo nên một môi trường sống hài hòa, có giá trị thẩm mỹ và tinh thần. Chùa Thầy là một công trình tiêu biểu cho vẻ đẹp của kiến trúc cảnh quan thiên nhiên ở đồng bằng Bắc Bộ.

Khám phá Kiến trúc độc đáo của nhà thờ Yali ở Gia Lai

Nhà thờ Yali tọa lạc tại xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Công trình nằm cạnh tuyến đường tỉnh 673, cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 30km về phía Bắc.

Phép ứng xử trong ăn uống - Nét đẹp của người Chăm

Người ta nói rằng, phải ngồi bên mâm cơm của người Chăm thì mới thấy hết được những nét đẹp văn hóa trong ứng xử của họ. Nếu người Kinh "ăn trông nồi, ngồi trông hướng" thì với người Chăm, ăn uống hàng ngày hay ngày đình đám đều phải tuân theo các phép ứng xử có từ lâu đời.

Chùa Hang – Nơi Phật giáo đầu tiên du nhập vào Việt Nam

Chùa Hang nằm ở khu 1 thuộc phường Vạn Sơn, Đồ Sơn, Hải Phòng. Theo các tài liệu nghiên cứu thì chùa được một nhà sư tên Bần, người xứ Thiên Trúc (có tài liệu ghi là người Ấn Độ) đã đến cư trú tại hang và mở chùa này vào thế kỷ thứ 2 trước công nguyên. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là nơi đầu tiên đạo Phật du nhập vào nước ta.

Nguồn gốc và ý nghĩa lá cờ Phật giáo

Từ quốc gia cho đến các tổ chức trong xã hội, đều phải có một biểu tượng, cờ chính là một trong những biểu tượng. Phật Giáo không nằm ngoài quy ước đó. Cờ Phật giáo là một lá cờ được thiết kế vào cuối thế kỉ XIX nhằm tượng trưng và đại diện một cách thống nhất cho Phật giáo và được tất cả Phật tử trên khắp thế giới sử dụng.
Top