Hàng tháng, chúng ta đều cúng kính thắp hương vào ngày mùng Một và ngày Rằm hàng tháng. Nhưng tại sao lại vào 2 ngày này mà không phải là các ngày khác, có lẽ ít người hiểu biết cặn kẽ, sâu sắc. Qua nghiên cứu các tài liệu, chúng tôi xin chia sẻ một số nội dung về nguồn gốc của vấn đề này như sau:
Nhìn từ góc độ lịch sử
Theo truyền thống Phật giáo, cả hai phái Nam truyền và Bắc truyền, vào ngày trăng non (mùng một) và ngày trăng tròn (ngày rằm), chư tăng đều tụ họp lại tại một trú xứ nào đó gần nhất để lắng nghe vị cao đức trùng tuyên giới luật và để phát lồ sám-hối những điều sai lầm đã lỡ tạo ra. Hai ngày này trở thành ngày hội của chư tăng, có ý nghĩa quan trọng trong Phật giáo không những cho hàng xuất gia mà cả cho hàng cư sĩ tại gia.
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao Phật giáo không chọn ngày khác mà lại chọn vào ngày đầu tháng và giữa tháng âm lịch? Điều này không phải là do Đức Phật đặt ra mà do vua Seniya Bimbisàra thưa với Đức Phật về truyền thống tổ chức tốt đẹp của các giáo phái khác, họ biết quy tụ vào ngày mùng 8, 14, 15 của nửa tháng đầu và vào ngày 23, 29 và 30 cho nửa tháng sau ở tại một nơi để thuyết giảng giáo thuyết của họ cho tín đồ nên các vị tỳ kheo cũng tụ họp lại vào ngày đầu tháng và giữa tháng để kiểm thảo và tụng Giới bổn. Điều này đã được ghi lại trong “Đại Phẩm” thuộc Luật Tạng.
Dựa theo nhịp sinh học của vũ trụ
Trong vũ trụ, mọi sự vật, hiện tượng đều tác động và chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Mặt trời cùng với môi trường bao quanh nó liên tục truyền cái trật tự của mình tới tất cả những gì trên Trái đất, Mặt trăng, một vật thể gần Trái đất nhất, cũng gây ảnh hưởng tới Trái đất. Mọi sinh vật và cả những đồ vật vô tri vô giác đều hưởng ứng với nó và thay đổi cùng với nó. Các con sông thay đổi theo dòng cùng ánh sáng Mặt trăng, các đại dương thay đổi các đợt sóng triều theo sự mọc và lặn của Mặt trăng. Không chỉ có vậy, các nhà vật lý, y – sinh học và nhiều ngành khoa học đã phát hiện ngày một nhiều những nhịp điệu có chu kỳ khác nhau diễn ra trong cơ thể của con người cũng như các sinh vật đều chịu ảnh hưởng của mặt trăng, điển hình là chu kỳ rụng trứng, chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, nhịp điệu sinh lý – thụ thai ở con người hay chu kỳ động hớn của động vật…Điều đó cho thấy ảnh hưởng của chu kỳ tròn – khuyết, ngày trăng non, ngày trăng tròn trong những hoạt động của con người từ cổ xưa tới nay, nhất là trong đời sống tâm linh.
Theo chu kỳ mặt trăng
Từ thời thượng cổ, con người đã quan sát chu kỳ thiên nhiên trong việc xác định thời gian. Chu kỳ mọc lặn của mặt trời là 1 ngày thì quá ngắn, chu kỳ mùa nóng lạnh là 1 năm lại quá dài. Chỉ có chu kỳ tròn – khuyết của mặt trăng là hợp lý và dễ nhận biết nhất. Nên, lịch mặt trăng, nghĩa là ngày trăng non (mồng Một) và ngày trăng tròn (ngày Rằm) là chuẩn thời gian trong các nền văn minh cổ, từ Lịch Babylon, Lịch Do Thái, Lịch Hồi giáo, Lịch Trung Quốc, Lịch Hy Lạp, Lịch La Mã… tất cả đều dựa trên mặt trăng, lấy tròn - khuyết làm chuẩn, thậm chí, ngày nay, người Hồi giáo vẫn hòan toàn dùng Lịch mặt trăng, nên năm của họ chậm hơn năm Dương lịch đến gần 40 năm. Do vậy, ngày Trăng non và Trăng tròn đều là ngày quan trọng, ngày dành cho hội họp, họp chợ, cưới hỏi, đặc biệt là tế lễ.
Chu kỳ tròn - khuyết của mặt trăng có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống con người, nhất là đời sống tâm linh
Do sự dung hợp quan niệm của Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo.
Theo truyền thống của Nho giáo và Đạo giáo, ngày Sóc và ngày Vọng là ngày ‘Thiên Địa khai thông”, nghĩa là tất cả những chướng ngại giữa ba cõi: Thiên, Địa, Nhân không còn, nên trời đất sẽ chứng giám cho hành vi của con người, ông bà tổ tiên sẽ cảm thông với lòng thành của con cháu qua lễ vật cúng dường, và quỉ ma ám chướng sẽ không tác hại ai.
Còn đối với Phật giáo, hai ngày Sóc, Vọng là ngày “Trường tịnh” hay ngày thanh tịnh nhất nên các hàng tu sĩ thì làm lễ Bồ Tát để tự kiểm điểm mình có giữ giới luật không, còn các phật tử thì làm lễ Sám hối cầu nguyện bỏ dữ làm lành. Do đó, phần lớn Phật tử thuần thành có tục ăn chay tối thiểu vào hai ngày này.
Nghiên cứu kỹ tiểu sử của Đức Phật, ta sẽ thấy ngày rằm là một ngày quan trọng đối với Ngài: Ngài đản sinh vào ngày rằm tháng Tư, 4 lần đi du lãm ngoại thành để chứng kiến những cảnh làm động tâm ngài mà xuất gia đều trúng vào ngày rằm: lần 1 vào ngày rằm tháng 6 thì thấy người già, lần 2 vào ngày rằm tháng 10 nhìn thấy người bệnh, lần 3 vào ngày rằm tháng 2 nhìn thấy người chết, lần 4 vào ngày rằm tháng 6, nhìn thấy một bậc xuất gia.
Mặt khác, theo lịch trình nghi lễ Phật giáo thì trong 12 ngày Vọng thì có 5 ngày rằm quan trọng: Rằm tháng giêng (Lễ Cầu phúc), Rằm tháng hai (Lễ Phật nhập Niết bàn), Rằm tháng tư (Lễ Phật Đản), Rằm tháng bảy (Lễ Vu Lan), Rằm tháng mười (Lễ hạ nguyên).
Theo quan niệm dân gian
Dân gian quan niệm ‘trần sao âm vậy”, nên, giống như trên trần gian vào ngày Lễ, Tết con người được nghỉ thì ở cõi âm, 2 ngày mồng Một và Rằm hàng tháng, theo luật giới, tất cả các vong linh được hồi gia thăm thân nhân. Theo đó, người cõi trần dâng hương, sắm lễ để cúng kính, đón mời các vong linh gia tiên về ẩm thực và cầu mong cho các vong linh được yên ổn, siêu thoát, phù hộ độ trì cho con cháu bình an, mọi việc hanh thông. Tất nhiên, không phải vong linh nào cũng được về. Những vong linh vì phạm tội nặng mà bị giam nơi điện ngục thì không được phép về; những vong linh phạm tội nhẹ hơn thì có thể về dưới sự giám sát của những vị hành sai nơi địa phủ; những vong linh cô hồn… bởi thế cho nên mới có ngày rằm tháng bảy – Ngày xá tội vong nhân.
Ban Nghiên cứu Tôn giáo