Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Về nguồn gốc chùa Tân An, Thượng tọa Thích Giác Hiền-Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Văn hóa Phật giáo tỉnh-cho biết: Từ 15 năm trước, trong đại nguyện lưu giữ tư liệu và giới thiệu Phật giáo Gia Lai đến đại chúng, ông đã lặn lội khắp nơi tìm hiểu, thu thập tài liệu biên soạn và cho ra mắt tập sách “Lược sử các chùa, tịnh xá tỉnh Gia Lai”. Sách tập hợp nhiều tư liệu quý, trong đó có mục giới thiệu về chùa Tân An.
Chùa Tân An nhìn từ trên cao. Ảnh: Bá Tính
Theo đó, chùa do Quản đạo Kon Tum đương thời là Võ Chuẩn và một số tín đồ thành lập từ năm 1930 thuộc hệ phái Bắc tông. Bức hoành phi đề “Sắc tứ Tân An tự” năm Bảo Đại thứ 14 treo trong chùa cũng do ông Võ Chuẩn trong Viện Hàn lâm cúng tặng. Ban đầu, chùa được dựng đơn sơ, cách chỗ hiện tại khoảng 1 km. Đến năm 1954, chùa dời đến vị trí hiện tại.
Qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, kiến trúc cơ bản của chùa định hình vào năm 1960. Về lịch sử các đời trụ trì chùa Tân An, trước năm 1954 do “thầy Ba” (không rõ tiểu sử) quản lý, từ 1954 đến 1963 do thầy Trừng Bỉ quản lý, từ 1963 đến 1970 do thầy Tịnh Diệu quản lý, từ 1970 đến 1972 do phật tử quản lý và từ 1972 đến 2023 do Hòa thượng Thích Thiện Hải trông coi.
Theo khảo sát tư liệu năm 2022 của chúng tôi, trong hệ thống tự viện Phật giáo tại Gia Lai, ngôi chùa hình thành sớm nhất trên địa bàn tỉnh là chùa An Bình (phường Tây Sơn, thị xã An Khê), tiếp theo là các chùa ra đời vào thập niên 20 của thế kỷ trước như: An Thạnh (xã An Phú, TP. Pleiku), Bửu Thắng (phường Hội Thương, TP. Pleiku), Bửu Minh (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh). Chùa Tân An thuộc giai đoạn hình thành thứ ba vào thập niên 30 của thế kỷ trước.
Ngược dòng lịch sử thì những năm 1930, thị xã An Khê đương thời thuộc huyện Tân An, tỉnh Kon Tum. Còn ông Võ Chuẩn (1895-1956) là quan chức cao cấp nhà Nguyễn thời Vua Bảo Đại, năm 1933 được bổ chức Quản đạo Kon Tum, đến năm 1938 đổi làm Tuần vũ Quảng Bình, 1939 làm Tuần vũ Quảng Ngãi, 1940 làm Tổng đốc Quảng Nam hàm đến Thượng thư.
Ở phương diện đóng góp cho văn hóa lịch sử vùng Tây Nguyên, ông nổi tiếng với tập “Kontum tỉnh chí” in dài kỳ vào năm 1933-1934 trên tạp chí Nam Phong. Thời làm quan tại Kon Tum, ông Võ Chuẩn đã góp công lớn vào việc xây chùa Bác Ái và đây cũng là ngôi chùa duy nhất trong lịch sử chùa chiền Kon Tum được sắc tứ, tức được Nhà nước công nhận chính thức, có biệt đãi.
Như vậy, chùa Tân An được sắc tứ năm 1939 khi ông Võ Chuẩn đã rời Kon Tum và không có chân trong Viện Hàn lâm đương thời. Cho nên về người lập ra chùa Tân An và người tặng bức hoành phi cho chùa cần được tìm hiểu thêm.
Đầu năm 2022, khi chúng tôi đến tìm hiểu, trụ trì chùa Tân An là Hòa thượng Thích Thiện Hải (1937-2023) lúc ấy tuổi đã cao song vẫn còn minh mẫn cho biết: Khi xưa, chùa được triều đình ban cấp cho một văn bản sắc chỉ kèm bức hoành phi, nhưng sắc chỉ ấy đã thất lạc từ lâu, chỉ còn lại bức hoành. Bức hoành phi “Sắc tứ Tân An tự” (bằng chữ Nho) kích thước lớn dày nặng được sơn son thếp vàng hiện được treo trang trọng phía trên giữa chánh điện.
Khảo sát kỹ văn tự trên bức hoành, chúng tôi thấy ngoài 5 đại tự ở giữa, hai bên còn 2 dòng chữ nhỏ. Dòng bên phải viết: “Bảo Đại thập tứ niên lục nguyệt cát nhật” cho biết niên đại của bức hoành phi này được làm vào ngày lành tháng 6 năm 1939. Dòng bên trái viết: “Hàn lâm viện Kiểm tịch Phạm Quỳ phụng cung” cho biết danh tính người tặng bức hoành phi này tên là Phạm Quỳ giữ chức Kiểm tịch thuộc Viện Hàn lâm tặng.
Theo quan chế nhà Nguyễn, chức Kiểm tịch thuộc Viện Hàn lâm giữ hàm Chánh bát phẩm giúp các quan Học sĩ biên soạn, kiểm duyệt các tài liệu, sách vở trong triều đình. Lai lịch ông Phạm Quỳ chúng tôi đã thử tra cứu nhưng chưa có thông tin cụ thể. Tuy vậy, chi tiết quan trọng này cũng giúp xác định người tặng bức hoành phi cho chùa Tân An sau khi được nhà vua phong tặng.
Chánh điện chùa Tân An. Ảnh: Xuân Toản
Cũng xin lưu ý rằng, năm 1939 viết trên bức hoành phi chỉ xác nhận thời gian bức hoành phi được làm và tặng cho chùa Tân An, còn đó có phải cũng là thời điểm được ban sắc tứ hay không thì chưa có căn cứ, bởi văn bản ghi rõ việc này, như lời thầy Thiện Hải nói, tiếc rằng đã mất hoặc thất lạc từ lâu.
Khảo sát tư liệu mở rộng, chúng tôi thấy một số tư liệu văn bản và ảnh chụp liên quan đến sự kiện Vua Bảo Đại đến Pleiku đầu năm 1933. Năm 1932, khi Vua Bảo Đại du học ở Pháp về, ra Thanh Hóa bái yết tổ tiên, rồi tiến hành tuần du nhiều địa phương thuộc khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Chuyến đi này được tác giả ký tên “Song Cử” ghi chép lại trong bài “Ngự giá Nam tuần hành trình ký” đăng trên tạp chí Nam Phong (số 182-183 năm 1933, bản quốc ngữ).
Thông tin bài báo này cho biết: Ngày 15-2-1933, Vua Bảo Đại lên Pleiku. Khi đến đạo Gia Lai, quan Công sứ người Pháp là Jeannin và Quản đạo người Việt là Tôn Thất Cổn tiếp đón đưa về nghỉ tại tòa Công sứ, do đạo Gia Lai mới thành lập cuối năm 1932 chưa kịp xây hành cung cho nhà vua dừng chân theo lệ thường.
Chiều cùng ngày, vua xem người Thượng đua ngựa, ghé các đồn điền trồng chè nổi tiếng tại đây là Sở Catecka (Bàu Cạn), Sở Sapko (Đất Bệt), Sở Sti. Đến tối đó lại lên đường sang Kon Tum, qua ngày 17 thì quay về Pleiku ăn sáng rồi sang Buôn Ma Thuột, tiếp đó xuống Khánh Hòa, Ninh Thuận...
Một số trang mạng đăng ảnh chuyến tuần du lên Pleiku của Vua Bảo Đại, trong đó có bức ảnh chụp chú thích vua và tùy tùng đến thăm một ngôi chùa tại Pleiku, tiếc rằng không rõ đó là chùa nào. Trên đường tuần du của Vua Bảo Đại năm 1933 từ Quy Nhơn lên Pleiku đã có một số ngôi chùa được xây dựng: An Bình, Tân An ở An Khê; An Mỹ, Bửu Thắng, Bửu Minh ở Pleiku. Tiếc là ghi chép trong bài “Ngự giá Nam tuần hành trình ký” lại không nhắc đến sự kiện này.
Như vậy, sau chuyến “ngự giá Nam tuần” vào trung tuần tháng 2-1933 của Vua Bảo Đại, có 2 ngôi chùa trên Tây Nguyên thuộc tỉnh Kon Tum được hoàng gia ban sắc tứ, là chùa Bác Ái (nay thuộc phường Quyết Thắng, TP. Kon Tum) và chùa Tân An (nay thuộc phường Tây Sơn, thị xã An Khê).
Ngoài ra, theo thông tin trên tấm hoành phi đề niên đại “Bảo Đại Quý Tỵ niên” tức năm 1953 tại chùa Khải Đoan ở Đắk Lắk (nay thuộc phường Thống Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) thì Tây Nguyên còn có thêm 1 ngôi chùa sắc tứ, nhưng nhà nước phong kiến đã kết thúc từ năm 1945 nên ý nghĩa không còn như trước. Và do đó, hiện nay, tại 3 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, mỗi tỉnh có 1 ngôi chùa sắc tứ.
Theo Báo Gia Lai