banner 728x90

Giá trị văn hóa trong tín ngưỡng dân gian và lễ hội

26/04/2024 Lượt xem: 2383

Lễ hội truyền thống có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, có khả năng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của đông đảo công chúng, đồng thời có tác động tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội - chính trị của đất nước. Lễ hội truyền thống là hiện tượng lịch sử và cũng là hiện tượng văn hóa xã hội có mặt ở Việt Nam từ lâu đời, hiện đang thực sự tồn tại và vận hành theo chiều hướng tăng về số lượng, thu hút nhiều người tham gia.

Lễ hội cầu Ngư tại xã Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa

Từ xa xưa, người Việt có niềm tin mãnh liệt và sự thành kính thiêng liêng đối với thần thánh hay các  lực luợng siêu nhiên, tin vào cuộc sống sau khi chết và tin rằng tổ tiên, dòng họ cũng là lực lượng bảo trợ tinh thần cho người đang sống. Tín ngưỡng dân gian thường có những đặc điểm chung: niềm tin vào các lực lượng siêu nhiên; tính thiêng liêng cao cả; sự tôn vinh xen lẫn sợ hãi; là mối quan hệ tương tác giữa con người và thần thánh, thái độ của con người với tự nhiên; tình thương yêu con người và đồng loại.

Đề cập tới tín ngưỡng dân gian, bao giờ người ta cũng nhấn mạnh tới giá trị nhân văn, đặc biệt là yếu tố văn hóa đạo đức trong tín ngưỡng dân gian có giá trị đặc thù nhằm củng cố, bảo vệ đức tin thiêng liêng trong cộng đồng, đồng thời cũng chứa đựng những chuẩn mực đạo đức, mang tính nhân loại. Đó là tình thương đồng loại, hướng đến điều thiện, loại trừ cái ác.

Một nghi thức thờ thành Hoàng

Tín ngưỡng dân gian có khả năng đáp ứng được những nhu cầu về mặt tinh thần, tâm linh của các tầng lớp cư dân trong xã hội: nhu cầu được an ủi, chia sẻ, xoa dịu nỗi đau, mất mát nơi trần thế; ước mơ có điểm tựa tinh thần để đối mặt với những thách thức, rủi ro từ thiên nhiên và xã hội; Để thực hành tín ngưỡng, để củng cố, duy trì và trao truyền đức tin tôn giáo, tín ngưỡng cũng như các giá trị văn hóa đạo đức, con người đã sáng tạo ra hai loại hình di sản văn hóa là:

Di sản văn hóa vật thể/các thiết chế tôn giáo tín ngưỡng (đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ, lăng mộ…) là không gian văn hóa - tâm linh mang tính thiêng liêng quy tụ lòng người. Di sản văn hóa phi vật thể/lễ hội văn hóa truyền thống, nghi thức thờ cúng, các loại lễ vật dâng cúng trong các thiết chế tôn giáo tín ngưỡng, các phong tục, tập quán địa phương, các kho tàng huyền thoại, truyền thuyết, thần phả, sắc phong.

Các thiết chế tôn giáo tín ngưỡng thường là một hợp thể giữa kiến trúc và thiên nhiên, hàm chứa các giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học được tạo dựng ở những vùng địa linh theo đúng các nguyên tắc phong thủy; Có thể nói, tín ngưỡng dân gian và các thiết chế văn hóa gắn với nó là một bộ phận di sản văn hóa của Việt Nam. Bằng chứng xác đáng là, đến nay đã có 2.260 thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng trong đó có quần thể di tích-danh thắng núi Sam, Châu Đốc, An Giang đã được xếp hạng là di tích quốc gia, trên tổng số 3.173 di tích của cả nước.

Do có một niềm tin, có mục tiêu chung, lại được củng cố bằng những hoạt động tập thể qua nhiều chu kỳ lễ hội, kéo dài suốt quá trình phát triển của cộng đồng, cho nên lễ hội góp phần tạo lập ra văn hóa cộng đồng. Theo Phạm Tung, “văn hóa cộng đồng là văn hóa ứng xử của một cộng đồng trong những môi trường, không gian và thời gian lịch sử xác định”. Trong văn hóa cộng đồng, ta nhìn thấy được sự đồng thuận của một nhóm cá thể, một tập thể lớn trong nhiều mặt đời sống: đồng thuận, tự giác chấp thuận và thực hiện các quy tắc chung về nhận thức, mục tiêu phát triển cộng đồng; đồng thuận về lợi ích, cách thức giải quyết hài hòa lợi ích giữa cá nhân với tập thể, bộ phận với toàn thể; đồng thuận trong việc giữ gìn hình ảnh, uy tín của cộng đồng; đồng thuận để xây dựng và giữ gìn tình cảm gắn kết cộng đồng để cùng nỗ lực đương đầu với thách thức và rủi ro.

Lễ hội truyền thống là môi trường đào luyện nhân cách và trao truyền văn hóa, hay nói một cách khác lễ hội truyền thống là nơi khởi nguồn, bồi đắp, duy trì và lan tỏa các giá trị văn hóa. Lễ hội truyền thống không chỉ là không gian văn hóa - tâm linh, mà còn là cơ hội để các thành viên cộng đồng giao lưu, đối thoại với nhau, đặc biệt quan trọng là cơ hội tiếp cận, đối thoại với thần linh, vị thần được gửi gắm, nương tựa về mặt tinh thần cho cả cộng đồng. Điều cốt lõi làm nên lễ hội truyền thống là hạt nhân tâm linh đối tượng được tôn thờ một cách thành kính và thiêng liêng. Chính sự thành kính và thiêng liêng đã tạo ra biểu tượng văn hóa cho mỗi lễ hội. Như vậy, chúng ta cần nhìn nhận tín ngưỡng dân gian và lễ hội truyền thống như là một bộ phận cấu thành quan trọng của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. 

Ban Nghiên cứu Phật giáo phía Nam

 

Tags:

Bài viết khác

Các hình thức diễn xướng trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Hầu bóng là một nghi lễ tiêu biểu và đặc trưng nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu, vốn xuất phát từ người Việt ở Bắc Bộ, nhưng sau đó theo chân người Việt vào Trung Bộ và Nam Bộ, tạo nên những sắc thái riêng cho mỗi miền. Hầu bóng, nhìn từ góc độ văn hóa - nghệ thuật là một hình thức diễn xướng dân gian tổng hợp, một loại hình sân khấu tâm linh.

Lễ hội Nghinh Ông - Nét văn hóa đậm chất dân gian và lâu đời của người dân vùng biển Cần Giờ

Hàng trăm ghe đánh cá của ngư dân huyện Cần Giờ (Tp.Hồ Chí Minh) tham gia đoàn đưa - rước Nghinh Ông, cầu vụ mùa bội thu. Từng đàn hải âu bám theo ghe Nghinh ra khu vực làm lễ. Bên đường người dân lập hương án chờ Nghinh Ông về.

Sự tích hợp các giá trị văn hóa nghệ thuật trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Trong các loại hình văn hóa của con người có một dạng thức văn hóa khá đặc thù, đó là “văn hóa tôn giáo”, như văn hóa Phật giáo, văn hóa Gia tô giáo, văn hóa Ấn giáo và văn hóa Khổng giáo. Đối với một số tín ngưỡng hay tôn giáo sơ khai, chúng ta có thể dõi thấy những dạng thức văn hóa, những quá trình tích hợp văn hóa – nghệ thuật như vậy, trong đó tín ngưỡng thờ Mẫu là một ví dụ khá tiêu biểu.

Lễ hội Nghinh Ông Phú Quốc: Nét đẹp tín ngưỡng thờ Cá Ông của ngư dân đảo ngọc

Lễ hội Nghinh Ông Phú Quốc được xem là lễ hội dân gian lâu đời của ngư dân trên đảo ngọc. Hằng năm, lễ hội đều được tổ chức để tỏ lòng thành kính đối với Cá Ông, cũng như mong muốn một năm mưa thuận gió hoà.

Ý nghĩa tượng Phúc Lộc Thọ

Từ xa xưa, con người luôn tin vào sức mạnh của thần linh để cầu chúc cho niềm vui, tuổi thọ và sức khỏe. Đặc biệt, tượng Phúc - Lộc - Thọ luôn được tôn thờ để gắn kết với những điều tốt đẹp này.

Tín ngưỡng thờ cúng trong các nhà thờ họ ở vùng biển

Nhà thờ họ là một công trình kiến trúc truyền thống của người Việt, được xây dựng để thờ cúng tổ tiên của một dòng họ. Đây là nơi con cháu trong dòng họ tập trung vào những dịp quan trọng như ngày giỗ tổ, lễ Tết, hay các nghi lễ tôn giáo khác để tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên.

Những mặt hạn chế, tiêu cực của tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ lên đồng

Bản thân tín ngưỡng thờ Mẫu là hệ thống các tín ngưỡng ở các trình độ phát triển rất khác nhau, từ sơ khai, nguyên thủy như các hình thức thờ Nữ thần đến các hình thức phát triển cao hơn là thờ Mẫu Tam Phủ Tứ Phủ.

Vẻ đẹp văn hóa trong nghệ thuật múa dân gian của người Dao

Khởi nguồn từ đời sống lao động và những ước mơ về cuộc sống thanh bình, hạnh phúc, nghệ thuật múa dân gian của người Dao phản chiếu những góc nhìn văn hóa đa chiều về cuộc sống, tín ngưỡng và bản sắc văn hóa Dao.
Top