“Du lịch khám phá nước Mỹ” là ký sự dài 5 tập, 12 phần của nhà báo Đào Quốc Thịnh, mô tả chân thực, sinh động, cuộc sống của cư dân Mỹ và người Việt tại California dưới góc nhìn đa chiều, toàn diện, đề cập đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội.
Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc phần tiếp theo và hết của ký sự này. Mời quý vị và các bạn đón xem.
Quang cảnh thành phố New York (Mỹ)
Phần 11: Ý thức chấp hành luật giao thông ở Mỹ
Ngày cuối cùng chúng tôi khởi hành đi San Diego, thành phố đông người Việt sinh sống, xếp thứ 4 của tiểu bang Cafornia.
Sáng sớm, xe chở đoàn chúng tôi đến một tiệm phở người Việt ăn sáng. Tôi ngồi vào bàn chờ vì khách đến ăn đông nghịt. Nhưng cũng không phải chờ lâu, nhân viên nhà hàng đã bưng ra.
Ôi, gì thế này! Nồi lẩu hay tô phở đây! Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, bạn HDV đoàn giải thích, phở bò đấy chú. Nói chính xác là tô phở phải to gấp 4 lần tô phở bán ở Việt Nam. Mỹ ăn mà, to lớn như người Mỹ phải ăn nhiều mới đủ. Có người Việt mới sang đây, mở quán phở theo kiểu bán ở VN, lúc bưng tô phở ra bị người Mỹ chất vấn: “Mày bán cho ai ăn vậy (?!)”
Bên này trước khi đăng ký kinh doanh phở Việt phải đăng ký nhãn hiệu sản phẩm và chất lượng hàng hóa. Ví dụ, đăng ký mỗi tô phở là 2 lạng thịt bò hay gà, thì phải cân đủ thịt cho mỗi tô 2 lạng thịt rồi mới được chế biến. Nếu cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất, thiếu một chút cũng bị phạt. “Vụ này mới”. Đúng là Mỹ! Làm giàu khó nhỉ?!
Có tiệm phở Việt bị khách Việt chơi xỏ. Khi nhân viên nhà hàng bưng tô phở to bự ra, khách bảo múc bớt ra vì ăn không hết. Đến khi họ múc bớt và bưng ra cho khách thì bị khách quay phim chụp hình, gửi đến cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm. Thế là bị phạt tiền. Đúng là chỉ có người Việt mới nghĩ ra trò bẩn.
Xe chúng tôi và các xe lưu thông trên đường chạy tốc độ rất cao trên quốc lộ và đường cao tốc nhưng tuyệt nhiên không thấy tai nạn giao thông. Nói thật là chất lượng đường quốc lộ ở Mỹ cũng chẳng hơn gì chất lượng đường ở VN là mấy. Nếu có khác thì khác ở chỗ làm xong đường ít phải sửa chữa mà thôi.
Quang cảnh thành phố New York (Mỹ)
Trong suốt thời gian ở Mỹ, tôi chưa nhìn thấy vụ tai nạn giao thông nào. Nguyên nhân là do người Mỹ chấp hành luật giao thông rất nghiêm. Không có chuyện vượt đèn đỏ và đi quá tốc độ cho phép. Uống rượu lái xe chắc chắn không có, vì ở Mỹ tội này phạt rất nặng. Nếu là lần đầu tiên vi phạm, sẽ bị phạt từ 300 - 1.000 USD (tương đương 7-23 triệu đồng), từ lần thứ 2 trở đi sẽ là 5.000 USD trở lên (tương đương 116 triệu đồng). Ngoài việc phạt tiền, tài xế còn đối mặt với việc ngồi tù từ 6 tháng đến 3 năm, tịch thu bằng lái và mất đi một vài quyền công dân như sở hữu vũ khí tự vệ, bầu cử.... Nếu tái phạm nhiều lần sẽ bị gắn chip ở chân. Cứ đến gần quán rượu là tín hiệu sẽ báo về cảnh sát, ít phút sau họ đến tóm cổ lôi đi. Tự do ở Mỹ là tự do trong khuôn khổ pháp luật, không phải cứ thích gì làm nấy, không được ảnh hưởng đến người khác.
Một điều khác lạ nữa là luật giao thông ở Mỹ ưu tiên số 1 người đi bộ. Nếu bạn muốn qua đường, chỉ cần bấm nút ưu tiên là các xe sẽ dừng lại cho bạn qua đường. Tất nhiên, dân Mỹ cũng không lạm dụng điều này.
Quang cảnh thành phố San Diego (Mỹ)
Phần cuối và hết: Tạm biệt San Diego và nước Mỹ
Xe chúng tôi đi qua những con đường cỏ xanh mượt mà, bên cạnh những khối tòa nhà cao tầng chọc trời là những hàng cây cổ thụ tỏa bóng mát rượi. Những chùm hoa tím, hoa trắng, hoa đỏ, hoa vàng trên những hàng cây xanh hai bên đường như đang bay trên bầu trời tỏa sắc màu rực rỡ… San Diego là thành phố biển xinh đẹp nhất nước Mỹ. Nơi đây còn là căn cứ Hải Quân của Hoa Kỳ.
Đến San Diego, chúng tôi được đưa đi thăm Tàu Sân bay USS Midway. Tàu sân bay này có hải trình phục vụ 47 năm, là mẫu hạm phục vụ lâu đời nhất của quân đội Mỹ trong suốt thế kỷ 20 (từ cuối chiến tranh thế giới lần thứ 2 đến cuộc giải phóng Kuwait năm 1991), trước khi nó “về hưu” vào năm 1992. Trong đó, đáng chú ý là USS Midway đã từng tham chiến tại VN và cuộc chiến vùng vịnh (bão sa mạc năm 1991).
Ngoài ra, đoàn còn tham quan Beverly Hill, nơi tọa lạc những căn hộ lộng lẫy của những ngôi sao trong làng giải trí Mỹ. Tham quan Đại lộ danh vọng (Hollywood Walk of Fame) nơi lưu danh những ngôi sao nổi tiếng trong làng điện ảnh, truyền hình, âm nhạc của Hoa Kỳ. Tham quan nhà hát Dolby, nơi diễn ra lễ trao giải Oascar của làng điện ảnh Mỹ. Tham quan nhà hát TCL, nơi công chiếu những bộ phim Hollywood trước khi tung ra thị trường. Xem nhà ma, phim không gian 4 chiều Shrek. Đi xe Tram xem toàn cảnh phim trường, nơi ra đời các bộ phim nổi tiếng Kingkong, Fast & Furious…
Tạm biệt thành phố San Diego, chúng tôi di chuyển đến Sân bay Quốc tế Los Angeles để kết thúc hành trình du lịch khám phá nước Mỹ.
Bức ảnh "Nụ hôn bất tử bên bờ San Diego" mô tả sinh động niềm vui của người lính thủy Mỹ trở về sau chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc đã được Nhiếp ảnh gia Alfred Eisenstaedt ghi hình chân thực trong ngày chiến thắng.
Trong gần 30 năm làm báo, tôi đã đi lang thang đến tất cả các tỉnh, thành phố, vùng quê Việt Nam, từ Đất Mũi (Cà Mau) đến địa đầu Móng Cái (Quảng Ninh). Tôi đã từng là lính cầm súng cận kề với cái chết, nhiều lần nằm giữa rừng, sát biên giới Trung Quốc (chốt biên giới phía Bắc, Hà Tuyên) trong tiếng pháo kích xé tai, tiếng khói đạn mù mịt… cũng đã từng bò vào bãi mìn dày đặc của Mỹ để lại ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và nghĩ đến phút giây từ biệt thế giới này. Chỉ có điều khác với những người đi du lịch là đi đến đâu, tôi cũng ghi chép cẩn thận những gì mình đã từng chứng kiến như một chứng nhân lịch sử.
Ra nước ngoài, tôi cũng chỉ mới đặt chân đến khoảng 10 nước ở các châu lục: Châu Á, Châu Mỹ, Châu Âu... và may mắn được đặt chân lên 3 cường quốc: Nga, Mỹ, Trung Quốc...
Tôi muốn đi khắp thế giới này. Đi thật nhiều hơn nữa. Đi để biết thêm những điều mình chưa biết, đi để khám phá, thỏa mãn, sở thích đam mê. Đi để quan sát, trải nghiệm, chiêm nghiệm, suy tư về cuộc sống của con người vô cùng nhỏ bé trong thiên nhiên rộng lớn, vĩnh hằng. Đi để buông bỏ: Tham - Sân – Si … để tự nhủ mình sống tốt hơn.
"Cuộc đời chỉ sống có 1 lần...", câu nói nổi tiếng trong tác phẩm "Thép đã tôi thế đấy" của Nhà văn Nga Nikolai Alekseyevich Ostrovsky cách đây hơn 80 năm đến nay với tôi vẫn còn nguyên giá trị./.
Ký sự của Đào Quốc Thịnh