banner 728x90

DU LỊCH KHÁM PHÁ NƯỚC MỸ (Tập 3)

28/07/2024 Lượt xem: 2401

“Du lịch khám phá nước Mỹ” là ký sự dài 5 tập, 12 phần của nhà báo Đào Quốc Thịnh, mô tả chân thực, sinh động, cuộc sống của cư dân Mỹ và người Việt tại California dưới góc nhìn đa chiều, toàn diện, đề cập đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội.

Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc phần 7, 8 của ký sự này. Mời quý vị và các bạn đón xem.

Thành phố San Diego thuộc bang  California

Phần 7:  Tìm hiểu cuộc sống của Kiều bào VN tại California

Đến California, chúng tôi ghé thăm 2 Trung tâm mua sắm lớn nhất ở đây là: Tanger Outlet Factory và Phước Lộc Thọ- Trung tâm thương mại lớn nhất của người Việt tại quận Cam, bang  California, Hoa Kỳ (Tên tiếng Anh là Asian Garden Mall). Trung tâm mua sắm Phước Lộc Thọ được xem là một biểu tượng của cộng đồng người Việt tại đây.

Quả thật, có sang Mỹ, tận mắt chứng kiến cuộc sống của bà con Việt kiều trong guồng máy công nghiệp Mỹ mới thấy họ quá vất vả. Ngay cả người Mỹ cũng vậy. Sáng dậy sớm, ăn vội khúc bánh mì kẹp thịt hoặc thức ăn nhanh, rồi vừa lên xe vừa ăn, họ tranh thủ đến chỗ làm, để lao vào công việc.

Theo thống kê mới đây cho thấy, cứ 3 người Mỹ thì có 1 người béo phì. Tác hại của thức ăn nhanh và đồ ngọt. Bánh ngọt của Mỹ rất ngọt. Tối về họ tranh thủ tắm rửa nấu ăn, chăm sóc con cái, gia đình.

Người thân VN sang chơi cũng chỉ dám xin nghỉ 1 ngày tiếp khách vì nghỉ lâu sợ bị đuổi việc. Trừ một số thành phố lớn khu trung tâm ở bờ Đông nước Mỹ là nhộn nhịp về đêm. Còn lại khu vực bờ Tây, khu người Việt và dân các nước nhập cư, tối đến khoảng 9, 10 giờ tối là tắt đèn tối thui, họ đi ngủ sớm để còn lấy sức ngày mai làm việc. Rất ít dịch vụ công phục vụ buổi tối. Ở Mỹ hoàn toàn không có chuyện tối đến tụ họp, tán gẫu ở quán cafe và nhậu lai rai trong các quán nhậu như ở VN. Ngày này nối tiếp ngày khác, được lập trình sẵn như trên máy tính, nên cuộc sống có phần tẻ nhạt. Ngay cả Việt kiều Mỹ khi chúng tôi hỏi về các địa danh trên đất Mỹ cũng mù mờ, tịt mít. Người ở địa phương nào biết địa phương đó, bang nào biết bang đó. Có người định cư cả chục năm rồi nhưng chỉ biết đúng đoạn đường từ nhà đến chỗ làm. Họ không có tiền, không có điều kiện và thời gian để đi chơi. Việt kiều về nước cũng chỉ cá biệt có một số người làm ăn khá, dư giả tiền bạc. Còn lại phần đông cũng phải chắt chiu, dành dụm cả chục năm trời mới có đủ tiền để về VN một lần. Đến lúc này tôi mới nhận ra một điều, VN vẫn là thiên đường. Không nơi nào bằng quê hương xứ sở, nơi mình sinh ra và lớn lên ...

Có thể ở Mỹ dễ sống hơn các nước kém phát triển nếu cần cù chịu khó lao động là có tiền. Thế nhưng rất khó làm giàu bởi bị kiểm soát ngặt nghèo. Tháng thu về mấy chục ngàn USD nhưng cũng phải chi trả hàng trăm loại hóa đơn thu tiền khác, nên còn lại không bao nhiêu. Nếu kiếm tiền ở Mỹ mang về VN tiêu xài thì OK. Làm ăn gian dối ở Mỹ thì không có đất sống. Du học sinh Mỹ kiếm được một chỗ làm trong các doanh nghiệp đã là rất khó khăn, nên đừng mơ trở thành công chức, viên chức nhà nước và lao động đúng nghề (trừ một vài trường hợp xuất sắc lắm mới được tuyển dụng đặc cách). Chưa kể nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH ở VN sang đó phải lao động rửa bát thuê, kiếm sống mưu sinh. Tiếng Anh dù có giỏi mấy cũng chỉ như một người dân bản địa vô nghề.

Ở Mỹ không bị lấn chiếm vỉa hè như ở VN, và cũng không có chuyện giành nhau mặt đường. Nhà phía trong đắt hơn nhà mặt tiền vì yên tĩnh, vì thế người Việt sang đây toàn mua nhà mặt tiền vừa rẻ, vừa để kinh doanh.

Tác giả chụp hình lưu niệm trong Trung tâm mua sắm Phước Lộc Thọ thuộc bang  California

Phần 8: Hãy cảnh giác nơi công cộng

Mua nhà ở Mỹ đắt không kém gì VN. Thuê nhà xem ra còn đắt hơn. Có một phương án hay cho những lao động mới nhập cư ở Mỹ mà không có chỗ làm ổn định, không đủ tiền mua nhà, thuê nhà, thì họ có thể mua một căn “Nhà di động”.

Nhà di động là chiếc xe thùng bằng sắt bịt kín có cửa sổ (dạng Rơ mooc) được kéo đi bởi một chiếc xe bán tải. Trên xe có nhà vệ sinh, thùng chứa nước, đủ kê một chiếc giường và bếp nấu ăn. Dạng nhà này rẻ, chỉ như mua một chiếc ô tô, mà mua xe ô tô ở Mỹ thì quá rẻ (tính ra chỉ bằng một nửa tiền mua xe ô tô ở VN) do chính sách thuế. Chính vì vậy 87% dân Mỹ có xe hơi riêng.

Người có nhà di động đi đâu kéo nhà theo đến đó. Tối đến tìm bãi đất trống đậu xe là có chỗ ngủ qua đêm. Ở Mỹ, chính quyền quản lý người dân bằng thẻ căn cước gắn chip, nên không cần phải khai báo tạm trú, tạm vắng như ở VN trước đây. Công dân có quyền sinh sống bất cứ địa phương nào trên đất Mỹ, miễn sao không vi phạm pháp luật. Hiện VN cũng đang làm theo cách này.

Nếu nói về mặt quản lý trật tự xã hội thì Mỹ tiên tiến hơn các nước khác. Thế nhưng vài năm gần đây thì Mỹ thua xa Trung Quốc. Ngày 01 tháng 5 năm 2023 (trước ngày chúng tôi chuyển đến một ngày), khách sạn 4 sao có tên gọi là Double Tree by Hilton Sterling bị kẻ trộm đột nhập vào phòng có 3 du khách VN, lấy đi 2 hộ chiếu, 2 điện thoại di động, 39.000 USD và 37 triệu đồng tiền Việt Nam. Nạn nhân sau đó suy sụp và bị đột quỵ, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Rất may kẻ gian chỉ lấy tiền. Vứt lại gần đó 2 hộ chiếu và 2 điện thoại di động, nên tìm lại được. Nếu không, sẽ phải ở lại Mỹ xin cấp lại hộ chiếu rất phức tạp. Thời gian cấp lại hô chiếu khoảng một tháng rưỡi đến 2 tháng. Tiền ăn ở đi lại, thuê nhà, chờ làm thủ tục sẽ là thiệt hại khôn lường.

Sở dĩ chúng vứt lại điện thoại vì có lấy cũng không dùng được. Công nghệ Mỹ rất hiện đại. Nếu báo cảnh sát, kể cả thay sim mới, chỉ cần mở máy điện thoại mất lên là màn hình đen ngòm, điện thoại chính thức thành cục gạch không thể sử dụng được, nên ở Mỹ không ai ăn trộm điện thoại.

Tác giả chụp hình lưu niệm bên cạnh Tàu Sân bay USS Midway, thuộc căn cứ Hải Quân của Hoa Kỳ

Điều đáng nói là các phòng khách sạn đều mở bằng thẻ từ, tại sao lại mất được nhỉ (?!) Tôi nghĩ chỉ có 2 trường hợp xảy ra, một là lúc đóng cửa phòng vướng dép, nên cửa phòng đóng không khít mới có thể vào được, hoặc trường hợp thứ hai là nhân viên khách sạn thông đồng… Đang thắc mắc, hoang mang lo lắng thì anh bạn đi cùng đoàn động viên tôi: “ ở Mỹ còn khá đấy ông ạ. Tôi đi các nước Châu âu như Pháp, Italia, Tây Ban Nha, mấy lần bị mất cắp. Bạn tôi đi bộ ra tắm ở bãi biển gần khách sạn còn bị nó rút súng ra trấn lột. Nạn trộm cắp vặt, móc túi ở Châu Âu còn kinh khủng hơn cả VN. Cứ thấy mấy anh da đen và ngay cả mấy anh da trắng áo vét rất lịch sự tới gần, nở một nụ cười “cầu tài” làm quen là phải hết sức cảnh giác. Bọn chúng còn hơn cả nghệ sĩ xiếc đường phố. Chỉ cần đi qua chạm vào người là đã bị móc túi mất sạch. Bạn tôi căn dặn: “Ông phải may túi trong quần mới tránh mất đồ nếu ra nước ngoài”.

Theo tôi thì cứ thấy anh Tây nào (kể cả chị Tây nào) đến gần, nở nụ cười làm quen thì chạy nhanh về khách sạn cho chắc...

Ký sự của Đào Quốc Thịnh

(còn nữa)

 

Tags:

Bài viết khác

Câu chuyện gia đình: Áp thấp tan, ngày mai trời lại nắng

Đài báo ngày mai có áp thấp nhiệt đới gần bờ. Nửa đêm, chị tỉnh giấc khi gió đập vào cửa kính. Trời mưa và lạnh. Căn phòng vẫn còn đèn sáng và mùng chưa mắc, bên cạnh chị, anh nằm co như con tôm, mền đạp dưới chân. Chị kéo mền đắp cho anh. Rồi chị mắc mùng, vừa bực vừa thương.

Truyện ngắn: Chuyện đàn bà

Ngày nào cũng vậy, sáng sớm, khi mặt trời vừa ló dạng thì Tư Lý đã có mặt ở chợ huyện. Tư Lý làm nghề bán chuối hơn ba năm nay và anh bán hàng rất có duyên. Khách hàng hễ đã mua chuối của anh một lần là lần sau lại muốn mua tiếp. Lý do đơn giản là giá rất rẻ. Anh thường mua tận gốc và bán tận chợ. Thường thì lúc các nhánh chuối được xếp ngay ngắn cũng là lúc bà con tụ lại. Ở đây, người dân đi chợ rất sớm, họ mua bán xong còn về làm nương rẫy.

Truyện ngắn: Trở về nơi ấy đảo xa

Hành trang chỉ là chiếc ba lô trên vai, ngày đầu tiên đến đảo trông chị như một nữ thanh niên xung phong rắn rỏi, hoạt bát hơn là một cô giáo thùy mị, dịu dàng.

Truyện ngắn: Sự tích hoa xuyến chi

Đầu hạ, quả đồi lại được tô điểm thêm bằng những bông hoa xuyến chi bé nhỏ, tươi tắn. Những đêm trăng, trai, gái làng tôi lại ra đó hò hẹn. Anh Hòa cũng lấy hết can đảm để nói thật lòng mình với chị, rồi chị nhận lời yêu anh cũng trên quả đồi ngập đầy hoa xuyến chi.

Truyện ngắn: Đuổi nhau

Tôi đến tìm Vũ vào cuối chiều. Ông bảo vệ già nheo mắt nhìn tôi dò hỏi. Tôi nói tên anh. Ông bảo vệ khoát tay: “Về lâu rồi! Đón con!”. Tôi thở dài. Vậy mà sáng nay, anh nhắn tin hẹn sẽ cùng tôi ra ngoại ô ăn tối.

Truyện ngắn: Cam chịu

Đêm nay trăng tròn. Bầu trời có nhiều đám mây, vầng trăng cứ lúc ẩn lúc hiện khiến cho đêm thêm huyền ảo. Tôi ngồi ở lan can nhà nhìn vầng trăng đang trôi trong mây. Bỗng dưng tôi nghĩ rằng Hường cũng đang ngồi đâu đó ngắm ánh trăng. Có thể Hường ngắm ánh trăng để nghĩ về quá khứ và sắp đặt cho tương lai cuộc sống của mình. Ngắm để hy vọng ngày về ánh trăng sẽ chiếu vọng vào căn nhà trên tầng cao chung cư của mình hay có thể là mãi mãi Hường sẽ không trở lại?

Truyện ngắn: Mai con sẽ về với mẹ

Tiếng mẹ thều thào, nặng trĩu, rời rạc như muốn nói với tôi điều gì nhưng tôi không thể nào nghe rõ. Nắng chiều chiếu qua khung cửa kính bệnh viện hắt lên khuôn mặt mẹ thứ ánh sáng vàng vọt hằn rõ vết nhăn thời gian trên đôi má gầy gò khiến lòng tôi như có triệu mũi kim châm.

Truyện ngắn: Rau muống biển

Nơi tôi ở là một làng chài ven biển. Tôi sinh ra đã thấy biển trên đời, ấu thơ nơi tôi lớn là những ngày tôi chạy dọc hoài theo những triền cát nghe sóng vỗ vào lòng...
Top