Hai di sản đó là: Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào, huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông; nghề làm bánh khẩu xén, bánh chí chọp của người Thái trắng thị xã Mường Lay.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành quyết định công bố nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào, huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông và nghề làm bánh khẩu xén, bánh chí chọp của người Thái trắng thị xã Mường Lay được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Như vậy, Điện Biên đã có 20 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Dân tộc Lào là một trong 19 dân tộc trên địa bàn tỉnh, sinh sống tập trung ở 23 bản thuộc 9 xã của hai huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông. Phần lớn thổ cẩm người Lào làm ra để sử dụng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, như: váy, áo, khăn, đệm… Những năm gần đây, nhận thấy nghề dệt thổ cẩm, trang trí trên trang phục không chỉ là bản sắc văn hóa, còn mang lại nguồn thu nhập ổn định nên những người phụ nữ Lào ở bản Na Sang, xã Núa Ngam đã cùng giữ gìn, phát huy nghề truyền thống của dân tộc.
Với người Thái trắng thị xã Mường Lay, bánh khẩu xén, bánh chí chọp là món ăn cổ truyền thường bày trên mâm cỗ ngày Tết, là một phần trong văn hóa ẩm thực đặc sắc của thị xã Mường Lay nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung. Bánh chí chọp được làm từ gạo nếp, đồ thành xôi. Khi xôi nguội đem cán mỏng, phơi khô, sau đó cho vào rán. Bánh chí chọp thường có 3 màu chính là trắng, tím, cam, đây là màu của gấc và lá nếp.
Bánh khẩu xén làm từ gạo nếp hoặc sắn, sau khi xay thành bột, ngâm ủ vài tiếng cho bột mềm, rồi đưa vào chõ đồ. Khi xôi chín, cho thêm vừng, trứng gà ta, đường hoặc muối rồi đưa vào cối giã nhuyễn, dùng con lăn để dàn bánh thành miếng mỏng, phơi cho bánh se lại, cắt theo hình thù tùy thích, sau đó đem hong gió hoặc phơi trong nắng nhẹ.
Hiện nay, bánh khẩu xén, bánh chí chọp ở Điện Biên không chỉ là món ăn trong những ngày lễ Tết, đã trở thành hàng hóa bán trên thị trường, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
Với 19 cộng đồng dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc của Điện Biên có một kho tàng văn hóa, tín ngưỡng, tập quán đậm sắc thái bản địa tạo nên sự đa dạng, đa sắc của văn hóa địa phương. Việc tiếp tục được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia góp phần tích cực trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh và phát triển du lịch.
PV (t/h)