banner 728x90

Chay và mặn

08/05/2024 Lượt xem: 2423

Vợ tôi nói: Hôm nay mùng một, em nấu vài món chay thật ngon, anh có thể mời bạn về dùng bữa cho vui. Tôi cười khi nghĩ rằng hôm nay vợ tôi thật “biết điều”.

Bữa cơm dọn ra, người bạn chặc lưỡi khen ngon. Vợ tôi bẽn lẽn đỏ bừng mặt, món gà rán đó anh!

Mô Phật! Gà rán cũng… chay! Thật ra nguyên liệu cũng chỉ là măng tre trộn đậu hủ rán pha chút muối đường rồi bỏ vào dầu sôi mà lật qua lật lại đến chín vàng!

Thế là cuộc tranh luận không đặt ra lại tuôn ào đến ngay trong bữa cơm đúng ngày mùng một!

“Mùng một ăn chay”, từ câu dặn dò nay đã trở thành thói quen hiện thực của người Phật tử. Một thói quen của người Phật tử mà ngay tôi lại là một đoàn sinh “lão làng” của Gia đình Phật tử (GĐPT) thì càng tuân thủ hơn. Ở đây, xin miễn bàn về vấn đề trì niệm hay giới niệm hoặc Tam bảo - ngũ giới. Phật đã dạy y cứ tâm mà tu, hà cớ gì phải y cứ cái thân mà tu?

Bạn tôi, “cái ngữ” ấy na ná tôi là Phật tử chân chính, tháng ăn chay tới bốn ngày mà ngày nào cũng vậy, giỏi lắm là rau muống luộc chấm chút tương chao. Thật ra chẳng muốn tranh luận làm gì. Phật giáo Đại thừa ở Nhật Bổn, Tây Tạng một số phái cũng ăn uống bình thường, Phật giáo hệ phái Theravada cũng không ăn chay, thậm chí ngay ở đây cũng có người bảo ăn trứng gà công nghiệp “không trống” cũng là… ăn chay!

Miễn là, đừng mượn dao giết người. Có người muốn ăn thịt mà không dám cắt cổ gà đành đem chiêu ác khẩu xui khiến người khác “mần” giùm! Cái tội này gánh gấp trăm ngàn lần kẻ khác, y như đã là đoàn sinh GĐPT lại sắm cần đi câu cá về nhà làm bữa. Hỏi tại sao thì bảo “cho vui”! Cái “cho vui” sao cay đắng ác nghiệt thế kia! Cái mắt cứ thèm nhìn, cái khẩu cứ thèm ăn và tâm cứ thế tham lam bám víu.

Thế mà lại nay, ăn món chay mà bụng cứ nghĩ tới thịt cá, tới gà rán. Tôi có cứng nhắc không? Biết vậy thôi, tôi chỉ cần nói nhỏ với vợ rằng: Em cứ chiên xào hủ tiếu với đậu hủ rồi rắc lên bột “Aji ngon Moto” như trên ti-vi quảng cáo là nghe mùi vị ngọt thịt ngay cần gì gọi là gà rán! Không khéo, ăn không giống rồi nghe phàn nàn mà thấy giống quá thì… ăn gà rán thật có tốt hơn không? Cớ sao lại thích để con mắt đánh lừa mình rồi dắt dẫn mình vào con đường vi phạm ngũ giới, trong khi ăn chay chỉ cho lòng nhẹ nhàng không còn ý nghĩ sát sanh.

Cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa đã định nghĩa: “Ăn chay, hay ăn lạt, nghĩa là ăn những loài thảo mộc: hoa quả, rau cải, không ăn những món ăn thuộc loài động vật như thịt, cá, tôm, cua, sò, ốc những vật hữu tình, biết tham sống sợ chết như người” theo những gì đã biết trong giờ tu học Phật pháp của GĐPT.

“Cái ngữ” quay sang tôi một tràng thao thao bất tuyệt: Thì cứ bí luộc, xì dầu, gạo thơm dẻo vẫn ngon như thường nhất là khi bụng đói queo, cớ chi thịnh soạn bày biện bên ngoài cho đẹp vừa con mắt, bắt cái thọ đè cái tâm, bắt cái xúc đè cái ý... khiến cái khẩu lung tung nịnh hót đãi bôi! Mi mặc áo Lam trên người mà bụng cứ nghĩ mưu cầu lợi riêng, cứ chạy theo danh vọng, hò hét với đàn em, khúm núm với kẻ trên như gà mất đầu chạy loanh quanh. Mi như ngựa thả trên thảo nguyên, tưởng đồng cỏ mênh mông tha hồ phóng đại hay gặm cỏ tùy thích, té ra, mi chẳng có cỏ mà gặm, nhìn thảo nguyên kia bị rào che tự lúc nào! Sao không nói thật rằng mời bạn qua dùng bữa cơm rau thân mật hoặc “rửa cái bụng trần gian tục lụy” bấy lâu nay nghe còn sướng tai hơn!

Ngày xưa đi trại, chỉ rau muống lá me, cơm sống gạo vàng vẫn giành nhau mà chén, nước đun sôi để nguội còn hăng mùi khói củi… có đứa nào ôm bụng kêu rên, bụng vẫn no đầy tiếp tục trò chơi lớn kia mà! Ngay hôm qua đây thôi, có người tu Bát quan trai, khi bước vào quá đường lại dè bĩu, món ăn như thế này làm sao mà tu? Mi thấy sao?

Tôi đỏ mặt, cái ngã to đùng tự dưng trỗi dậy phừng phừng. “Cái ngữ” ấy coi thường tôi quá. Ít ra, tôi cũng đã “có mặt tham gia” từ những sự kiện thời nhà Ngô đàn áp Phật giáo cho đến năm 1997 với sự tái hiện tổ chức GĐPT trên toàn cõi đất nước. Trước đây,“cái ngữ” ấy từng vỗ vai khen tôi khéo léo quen biết huynh trưởng GĐPT từ cấp Trung ương cho đến thị thành, biết lăng xăng nghe trên răn dưới, biết chạy vạy từ nơi này đến nơi nọ để nhằm mục đích phụng sự đạo pháp. Thế mà giờ đây “cái ngữ” ấy bảo tôi là “kẻ vô tổ chức, phi chính phủ” vì không thấy ai mà chỉ thấy mình với cái ngã to bự, cái sự lý ái thủ bám víu, ngồi đó đợi người khác cung phụng nể nang rồi khi nhắm mắt hy vọng màu cờ phủ lên áo quan kèm theo hai hàng đoàn sinh thắp nến, cầm hoa đứng hai bên đường với gương mặt eo xèo nhớ tiếc mình!

Đã vậy, “cái ngữ” ấy còn xỏ xiên rằng tôi là cư sĩ nỗi gì. Chẳng qua tôi đang tu Tiên, chẳng phải tu Thiền, tu Mật hay tu Tịnh độ. Tôi đang luyện linh đơn để “trường sinh bất lão” bằng nguyên liệu là danh vọng, tiền bạc, mê đắm tham sân được chưng nấu trên ngọn lửa bản ngã bỉ thử to đùng, chẳng chịu hiểu câu “Hồi đầu thị ngạn”, là còn “dục ái trụ địa phiền não” nên tâm ý giờ mới còn mãi với “vô minh trụ địa phiền não” nên nhìn qua thì thấy tôi “bảnh chọe” thật nhưng xét kỹ thì tôi “chẳng giống ai” rồi cả đời khổ cứ khổ mới chết chứ!

“Cái ngữ” ấy “ăn được, nói được”, nói chung là “không chơi được” hà cớ gì mình mời về nhà ăn chung bữa cơm chay! Có lẽ, kể từ hôm nay, thấy mặt là ghét! Nhưng xét nghĩ, không có “cái ngữ” ấy không được. Lời nói ấy thế mà đúng, nghe ra nóng bừng cả tai, tái mét cả mặt, sự thật mất lòng, vì bấy lâu nay có ai dám nói thẳng trước mặt mình đâu! Đúng là đường vinh quang nào chẳng chông gai bầm giập.

Nhạc sĩ Phạm Duy có câu hát rằng “Đố ai nằm ngủ không mơ?”. Tôi đã từng mơ, mơ thấy mình ăn chay thật là ngon chỉ với tương chao ngô bí mà lòng thấy nhẹ nhàng, không ngụy mị, không dối trá với chính mình, không lầm lẫn giữa cái tâm và cái thân ngũ uẩn tứ đại. Dẫu biết, ăn chay đối với người Phật tử không phải là một sự hiếu kỳ, một sự hiếu danh, một cách đổi món ăn cho ngon miệng, một cách kiêng cữ theo lời dặn của bác sĩ (Phật học phổ thông - Hòa thượng Thích Thiện Hoa).

Đêm mằm mộng, thấy như thật. Tôi là ai? Tôi loạng choạng nơi cõi vô vi trống rỗng tịch diệt, không nhà không cửa, không tiền không danh, không con không vợ, không đến không đi, không buồn không vui, không tức cảnh sinh tình… nhưng thế mà sướng, chẳng lôi thôi giữa vòng u minh sinh tử! Ừ thì tỉnh dậy mau để làm người trong cõi Ta-bà này, chấp nhận đối diện với hiện trường thực tế, cố gắng phủi tay quên bớt sự đời để Chủ nhật tới chở vợ con thong dong phố phường nhìn cười thiên hạ cứ bon chen và để tỉ tê ly cà-phê “chánh mạng” cùng các bạn hiền bên hiên nhà mơ màng nhìn làn mưa chiều lâm thâm khoái trá.

Thục Độ/Báo Giác Ngộ

 

 

Tags:

Bài viết khác

Nghi thức học trò lễ - Nét văn hóa cần giữ gìn

Là một hình thức thi khá mới, song được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao TP.Thủ Dầu Một đã tổ chức thành công hội thi “Nghi thức học trò lễ” lần thứ II - 2024.

Khám phá Bia đá chùa Đại Bi - Bảo vật Quốc gia ở Hưng Yên

Với chất liệu đá xanh nguyên khối, Bia “Đại bi Diên Minh tự bi” có niên đại thời Trần, năm Đinh Mão, niên hiệu Khai Thái thứ 4 (năm 1327), dưới triều vua Trần Minh Tông.

Ngôi chùa ‘thiên tạo’ nằm sâu trong hang đá tồn tại hơn 20 thế kỷ, là nơi đầu tiên Phật giáo du nhập vào Việt Nam

Nét đẹp đặc biệt của chùa đó chính là phong cảnh cực kì hài hòa, thế lưng tựa núi, mặt hướng biển, không khí trong hang lúc nào cũng mát mẻ và dễ chịu.

Chiêm ngưỡng những nhà thờ nổi tiếng ở Nam Định

Nam Định từ lâu được biết biết là xứ sở nhà thờ, nơi có những ngôi nhà thờ đẹp nguy nga, thu hút du khách đến khám phá.

Bên trong nhà cổ kiến trúc Hoa gần 100 tuổi ở Sóc Trăng

Nhà gỗ với kiến trúc truyền thống của người Hoa có tuổi đời gần 100 năm là địa chỉ quen thuộc của nhiều du khách tham quan.

Sắc Đông trên núi Bà Đen

Núi Bà Đen trong tiết trời đầu Đông luôn mang vẻ đẹp thanh thoát, bình yên, thoát khỏi nhịp sống sôi động của thành phố bên dưới. Trong tiết trời đầu Đông, không khí ở ngọn núi này se lạnh, vừa đủ để cảm nhận cái dịu mát lạ lùng, hơi ẩm từ sương còn đọng trên từng chiếc lá, mỗi mỏm đá, khẽ buông mình xuống theo từng cơn gió thoảng qua.

Ngôi chùa rộng hơn 4.000m2 được xây trên hàng trăm cột bê tông, được ví như ‘bồng lai tiên cảnh’ giữa lưng chừng trời

Chính điện của chùa được xây dựng bên sườn núi, với 120 cột xi măng cốt thép rất kiên cố, mỗi cột cao từ 5-18m.

Độc đáo chùa Khmer miền Tây: Ngôi chùa hơn 400 năm tuổi, lộng lẫy như cung điện

Tại xã Viên Bình, H.Trần Đề (Sóc Trăng) có một ngôi chùa Khmer hơn 400 năm tuổi, chính điện được xây dựng nguy nga, lộng lẫy.
Top