Theo tập tục dân tộc Việt Nam xưa, người nữ tuy là một bộ phận không thể thiếu trong tổ chức đời sống gia đình, nhưng lại có một vị trí rất khiêm tốn trong tổ chức xã hội. Vì vậy, họ ít được trang bị tri thức và học các ngành nghề.
Nữ giới là một bộ phận luôn phụ thuộc vào nam giới không thể tách rời độc lập. Câu nói ở cửa miệng mọi người, nhất là ở tầng lớp Nho giáo trí thức: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, đã minh chứng điều đó.
Ngay từ thời đức Phật còn tại thế, ni chúng đã được xem là một trong bốn chúng xuất gia của đệ tử Phật. Lòng từ bi bình đẳng của đức Thế Tôn là thế, nhưng khi đạo pháp truyền sang các nước láng giềng, có một số nước ni chúng không được dự vào hàng tăng. Ở Việt Nam ta, vấn đề ni giới không đến nỗi quá khe khắt như các nước truyền thống Nam Tông, nhưng vẫn theo quán lệ không coi trọng ni giới lắm, nên các vị ni trưởng nổi bật ít được ghi vào sử sách.
Đến đầu thế kỷ hai mươi, do hấp thụ văn hóa phương Tây, chữ quốc ngữ bắt đầu được dạy tại nhiều vùng nông thôn cả nước. Người phụ nữ con nhà giàu có được đi du học ở phương Tây, trở về phát huy sự hiểu biết của mình trong vai trò doanh nhân, kỹ sư, nhà báo, chen vai sát cánh với nam giới trong mọi công cuộc phát triển đất nước.
Riêng giới Phật giáo, sự học tập giáo nghĩa còn rất cục bộ ở dạng sư tư truyền thừa với tính cách các lớp gia giáo, ngoài các trường hương lâu lâu được mở một lần ở ngôi chùa nào đó. Sự học ở đấy thiên về hành trì theo nghi thức thiền môn hơn là mở rộng sự hiểu biết về tam tạng giáo điển.
Sự học của chư tăng tương đối hoàn thiện hơn như trong bài “Các trường Phật học ở Nam Bộ nửa đầu thế kỷ 20”.
Về phần chư ni, vì quan niệm trọng nam khinh nữ cổ hủ của ông cha ta mà nữ giới ít có cơ hội theo đòi nghiên bút thi thố tài năng với đời. Ở thế tục còn như thế, chốn thiền môn còn khe khắc hơn. Các đệ tử nữ xuất gia đầu tiên là phải công quả cho nhà chùa, mặc nhiên lãnh phần chuyên lo cơm nước cho đại chúng. Từ sáng đến trưa rồi lại chiều; công việc nối tiếp lăng xăng, các ni không có thì giờ rỗi rảnh học thuộc hai thời công phu để đi thọ trì cùng chư huynh đệ. Cũng vì lý do mặc nhiên phân công đó mà những năm đầu thế kỷ hai mươi ở Nam Bộ gần như không có vị nào được phong là ni sư, cũng như không có vị ni nào độc lập trụ trì một ngôi chùa được ghi chép lại.
Do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, Tăng Ni có điều kiện tiếp thu đều có quyền tham gia học hỏi, trong giới xuất gia ở Nam Bộ mới lác đác xuất hiện một số ni cô có tài đức đứng ra mở lớp dạy học.
Theo thứ tự thời gian, từ nửa đầu thế kỷ 20, các ni trường lần lượt xuất hiện ở Nam Bộ gồm có:
1. Trường Ni Giác Hoa.
2. Trường Ni Hải Ấn.
3. Trường Kim Huê.
Ảnh: Chư tôn đức Ni chụp ảnh trước chùa Kim Huê đã trùng tu lần thứ nhất 1955
Tục gọi là chùa Bông, ở Tân Vĩnh Hòa, tỉnh Sadec, nay thuộc thị xã Sadec do Hòa thượng Ngộ Giác Chánh Quả làm trụ trì. Hòa thượng là người hoằng luật và trì luật nổi tiếng ở Sadec lúc bấy giờ. Từ Năm 1936, Hòa thượng mở lớp dạy luật cho cả Tăng Ni các nơi theo học. Các môn học gồm có: Luật tứ phần, Đại luật, Luật Sa di, Phạm Võng, Trường a hàm, Qui nguyên trực chỉ.
4. Trường Ni Giác Linh.
Chùa này do bà Nguyễn Thị Trượng, pháp danh Diệu Tâm, thường gọi là bà Ba Xàng, đệ tử của hòa thượng Phi Lai Như Hiển Chí Thiềng, xây cất vào năm 1937. Bà là một điền chủ lớn ở Cái Tàu Hạ, Sadec. Theo sự hướng dẫn của cô Hồng Nga (cô Hai Ngó) bà phát tâm xây chùa Giác Linh giống như chùa Giác Hoa ở Bạc Liêu.
Năm 1940, bà phát tâm ủng hộ ni sư Diệu Tịnh mở ni trường tại chùa Giác Linh một năm.
Ni trường thỉnh: Hòa thượng Thanh Kế Huệ Đăng chùa Thiên Thai, Bà Rịa chứng minh
Hòa thượng Đạt Thái Chánh Thành, chùa Vạn An làm pháp sưThượng tọa Mật Hiển chùa Trúc Lâm làm pháp sư
Ni sư Diệu Không làm giáo thọ
Ni sư Diệu Tịnh làm giáo thọ
Lớp học này ni chúng cả miền nam và miền trung đều qui tụ có đến trên 100 vị. Ni chúng từ đây mặc áo nhựt bình theo kiểu miền trung. Trước đó ni chúng miền nam mặc áo dài lỡ, cổ kiềng màu đen.
Trường dạy được ba tháng, bà Ba Xàng do bất mãn điều gì hay có người điều ra tiếng vào sao đó mà tự ý không tiếp tục hỗ trợ nữa. Trường coi như ngưng hoạt động.
Chùa Giác Linh hay Chùa bà Ba Xàng (Giác Linh) chính là Sắc Tứ Tân Hòa tự hiện nay ở Cái Tàu Hạ, Sadec. Chùa được xây từ trước 1936, đến nay vẫn còn nguyên vẹn.
Năm 1939 chùa được vua Bảo Đại ban cho biểu đề Sắc tứ Tân Hòa tự, vì chùa nằm trên xã Tân Hòa. Từ đó chùa có hai tên Giác Linh và Tân Hòa. Hiện nay người ta chỉ gọi là chùa Tân Hòa, nhưng tên thường gọi vẫn là chùa bà Ba Xàng.
1945-1947, cô Ba Xàng tổ chức ni trường lần hai, mời hòa thượng Khánh Anh giảng dạy. Học ni có các vị: Tịnh Khiết (Kim Liên - Khánh Hội); Như Hạnh, Như Hòa (Phật Tánh - Trà Ôn); Như Huy, Như Đức (Từ Vân - Phú Nhuận); Không Nguyệt, Giác Nhẫn (Giác Thiên – Vĩnh Long).
5. Trường Ni Vạn An.
Âu, cũng là kinh nghiệm cho người làm việc lớn, nương tựa vào sức một người, khi gặp vô thường biến đổi dễ bị hụt hẫng vì sự đổi dời này. Ít ai có tâm hồn bố thí không vì lợi ích cho bản thân như ông Cấp Cô Độc thời đức Phật, nên dễ gặp hoàn cảnh như chùa Giác Linh thuở nọ.
Không được thuận duyên ở chùa Giác Linh, Ban lãnh đạo do ni sư Diệu Tịnh chịu trách nhiệm chẳng thể để ni chúng giải tán nửa chừng. Sẵn chùa Vạn An của hòa thượng Đạt Thái Chánh Thành đương kim pháp sư có vườn tược cây cối mát mẻ, ni chúng có thể tạm ở tu học được.
Do sự hoan hỷ hứa khả của hòa thượng Chánh Thành, Trường ni Vạn An được cấp tốc thành lập. Tuy trường tạm lợp bằng lá nhưng nhờ sự vận động của hòa thượng nên ni chúng được ủng hộ rất dồi dào, thỉnh thoảng ngày chúa nhật được chèo xuồng dạo chơi kinh rạch hái bần.
Sang chùa Vạn An thành phần Ban chứng minh vẫn như cũ.
Các môn học gồm có: Duy thức phương tiện đàm, Duy thức đích khoa học, Luận đại thừa bách pháp, Tứ phần luật, Tỳ ni hương nhũ, Viên giác lược sớ, Lăng Nghiêm kinh tập chú.
6. Trường ni Linh Phước:
Năm 1941, bà Bang Biện mời Ni sư Diệu Tịnh mở lớp gia giáo một năm tại chùa Linh Phước ở Cai Khoa, Sadec. Lúc mới mở, trường thỉnh cầu pháp sư Mật Hiển phụ trách giảng dạy. Ban đầu pháp sư đồng ý nhưng về sau vì lý do sức khỏe, pháp sư viết thư từ chối.
Ban giáo thọ gồm có:Thầy Chánh Quang, Giác Tâm.
Cụ Huyền Cơ ở Bình Định vào có dạy một thời gian.Ni sư Diệu Tịnh vì lý do sức khỏe nên dạy rất ít.
Học chúng là chư Ni đã mãn khóa học ở trường Vạn An.Cuối năm 1941 trường bế giảng.
7. Trường Ni Phước Huệ
Năm 1941, Hòa thượng chùa Kim Huê Ngộ Giác Chánh Quả đưa số ni chúng gần ba mươi vị về chùa Phước Huệ giao cho ni sư Diệu Hoa Chơn Ngạn coi sóc. Phần Hòa thượng chỉ chuyên dạy luật cho ni chúng thôi. Ban giáo thọ ngoài hòa thượng còn có thầy Huệ Phương dạy luận, ni sư Diệu Hoa dạy duy thức. Năm 1947, do phong trào tiêu thổ kháng chiến chống Pháp, chùa Phước Huệ bị đốt ni trường tạm ngưng. Có một người trước cảnh hỏa thiêu Phước Huệ tự đã cảm tác:
Ngôi chùa Phước Huệ đẹp vô song
Đâu ngỡ giờ đây rụi lửa hồng
Tưởng đặng ngàn năm lưu vạn cổ
Nào hay một phút hóa hư không
Mấy cô nhen nhúm tua bền chí
Huynh đệ bình an chớ ngả lòng
Còn đất còn trời còn Phật đạo
Cuộc đời suy thịnh bởi Thiên công.
Có một ni cô theo học tại Phước Huệ họa lại:
Ruộng dâu còn biến đổi thành sông
Sao nỡ trách chi ngọn lửa hồng
Vạn vật chẳng ngoài câu tứ tướng
Xưa nay thành trụ hoại rồi không.
Phước Huệ nát tan âu đành thế
Việt Nam nô lệ mới đau lòng
Càng thiêu càng đốt càng nên thép
Lẽ đâu đổ tội tại Thiên công.
Năm 1946, ni sư Diệu Hoa Chơn Ngạn mở lại trường ni tại Phước Huệ. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, ni sư bày ra làm tương chao tự túc kinh tế nhà chùa, chư ni vừa học kinh vừa lao động sản xuất. Nhờ khéo tổ chức, tương chao Phước Huệ nổi tiếng khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh. Nhờ thế nhà chùa có đủ kinh phí duy trì lớp học, cho đến khi các trường ni do Giáo hội Tăng già Nam Việt thành lập và điều hành từ 1950.
8. Trường Ni Kim Sơn:
Chùa Kim Sơn do bà Năm Chanh hiến cúng cho Ni sư Diệu Tấn từ năm 1939. Năm 1940, Ni sư Diệu Tấn mới bắt đầu mở trường thâu nhận Ni chúng tu học. Ni sư là đệ tử của hòa thượng Phi Lai Như Hiển Chí Thiềng. Ni sư là con nhà quan chức ở Sadec quyết chí cắt đứt trần duyên xuất gia tìm đường giải thoát, chuyên tâm tu học, được thầy thương bạn mến. Trước khi viên tịch, năm 1933, Hòa thượng Phi Lai trao cho Ni sư một cây thước bảng, gọi là để làm vật tùy thân và ứng duyên hóa đạo. Ni sư đã không nề cực khổ ra tận Huế tìm học với các bậc cao đức. Sau khi trở về mở lớp dạy học tại Kim Sơn. Ni chúng tựu học rất đông.
Các giáo thọ gồm:Thầy Chí Thiện (1939) dạy kinh
Thầy Hành Trụ (1940) dạy kinh
Cụ Trần Huỳnh (dạy kinh Kim cang chư gia)
Ni sư Diệu Tấn dạy luật và duy thức
Trường do ba thí chủ: ông sếp Mạnh, bà Hộ Hiền và bà dược sĩ Thái Văn Hiệp ủng hộ mỗi tháng 20 đồng. Ngoài ra, Ni chúng lãnh thêm đồ thêu, đan, móc của trường nữ công Mỹ Ngọc để tự túc. Trường Kim Sơn rất nổi tiếng lúc bây giờ, vì thời cuộc bất an nên ngưng hoạt động từ 1945.
Ni chúng thời ấy có:
Phổ Đức (Phổ Đức, Mỹ Tho)
Như Liên (Giác Hoa, Gò Vấp)
Như Đức (Kiều Đàm, Long Thành)
Huyền Huệ (Tổng thư ký Ni bộ Nam Việt)
Diệu Hoa (Giám học Ni viện Từ Nghiêm)v.v.
9. Trường Ni Vĩnh Bửu:
Chùa Vĩnh Bửu do hai ông hội đồng Tỉnh và Hoài thành lập ở chợ Thơm quận Mỏ Cày, Bến Tre. Năm 1940 chùa được cúng cho Hòa thượng Như Trí Khánh Hòa. Hòa thượng Khánh Hòa mở lớp dạy ni chúng tại đây, với kỷ luật rất nghiêm, thường có mặt trong thời khóa tu học của đại chúng để theo dõi kiểm soát.
Năm 1946 Hòa thượng Khánh Hòa trở về chùa Tuyên Linh với lý do già yếu, giao cho Ni sư Hồng Huệ Diệu Ninh làm trụ trì coi sóc.
Ni chúng ở các tỉnh theo học rất đông:
Sadec có: Diệu Châu, Diệu Lý, Diệu Nghĩa, Giác Nhẫn
Mỹ Tho có: Như Ngộ
Sài Gòn có: Như Hạnh, Đàm Hương
Bến Tre có: Như Minh, Diệu Ninh, Tịnh Đắc, Diệu Tâm.
10. Trường Ni Long Hòa:
Chùa Long Hòa ở Tiểu Cần, Trà Vinh do Hòa thượng Huệ Quang sáng lập. Năm 1945, Hòa thượng mở trường dạy Ni chúng do Phật tử Triệu Huệ Trí cúng dường phần ngoại hộ. Thành phần giảng dạy gồm có: Hòa thượng Khánh Anh dạy chính thức, các thầy Chí Đạt, Quảng Minh, Hiển Thụy trợ giáo. Trường dạy chưa đầy năm bị nạn “dậy sóc” (“cáp duồng”) đe dọa an ninh các học Ni nên đành phải giải tán.
Học Ni lớp bây giờ là các Ni trưởng:
Như Huy (chùa Từ Vân, Phú Nhuận)
Như Hoa (chùa Viên Giác, Bình Chánh)
Như Đức (chùa Kiều Đàm, Long Thành)
Như Phú (chùa Kim Sơn, Phú Nhuận)
11. Trường Ni Huê Lâm – 1947:
Năm 1945, ông bà huyện Nguyễn Kỳ Sắc hiến cúng chùa Huê Lâm cho Ni sư Hồng Ẩn Diệu Tánh.Năm 1947, trường Ni Huê Lâm mới bắt đầu hoạt động. Do hoàn cảnh bất ổn của chiến tranh, sinh hoạt trường lớp khó phát triển, trường chỉ hoạt động với tính cách gia giáo, dạy nội bộ thôi. Nhưng với tinh thần kỷ luật rất nghiêm, trường Huê Lâm tồn tại đến khi Giáo hội Tăng già thành lập Ni trường. Từ đó Ni chúng theo học tại các trường do giáo hội lập.
12. Trường Ni Tăng Già.
Năm 1946, Hòa thượng Hành Trụ và hai thân hữu Thiện Tường, Thới An từ Sadec về Vĩnh Hội mướn đất Chà lập ngôi chùa Tăng Già ở gần hãng thuốc lá Mic để ở và dạy các tăng ni theo học.Năm 1947, nhận thấy sĩ số mỗi ngày một đông, Hòa thượng Hành Trụ giao cho Hòa thượng Thiện Tường tìm thuê một miếng đất ruộng ở gần đó lập nên ngôi chùa để chư tăng tu học lấy tên là chùa Giác Nguyên.
Từ năm 1947, trường Tăng Già chỉ dạy riêng cho ni chúng. Ngoài Hòa thượng Hành Trụ dạy Kinh bộ còn có sự trợ giảng của thầy Huệ Phương, một cựu học tăng ở trường Báo Quốc Huế dạy Duy Thức học và các bộ Luận. Thời đó, ni chúng dư học gồm có các ni sư, sư cô: Huyền Huệ, Huyền Phương, Viên Huy, Đạt Lý và các đệ tử của hòa thượng: Tịnh Ý, Tịnh Quang, Tịnh Hạnh, Tịnh Huệ, Tịnh Khiết, Tịnh Nguyệt, Tịnh Đức, Tịnh Chánh, Tịnh Thành, Tịnh Danh v.v.
Bắt đầu từ năm 1952, trường ni Từ Nghiêm do Giáo hội Tăng Già Nam Việt thành lập và quản lý. Học chúng các trường ni ở Nam Bộ đều theo học ở các trường học có qui củ do giáo hội tổ chức.
Trường Tăng Già chỉ giữ nhiệm vụ đào tạo những người mới xuất gia.Năm 1962, chùa bị hỏa hoạn, ban tái thiết xin hòa thượng đổi tên chùa Tăng già thành Kim Liên ni tự.
Tóm lại, từ đầu thế kỷ 20, Ni giới chưa được chú trọng phát triển do những điều kiện, tập tục như đã nêu ở phần đầu. Bắt đầu năm 1927, trường Ni Giác Hoa khai mở, một sự kiện mới thức tỉnh lòng tự tin, ý thức cầu tiến vượt khó của Ni chúng và nhất là được sự hỗ trợ của chư tôn Hòa thượng có tư tưởng tiến bộ hết lòng dạy dỗ. Các trường Ni lần lượt hình thành, tuy thời gian chỉ giới hạn một năm lúc ban đầu, nhưng cũng đã ươm mầm cho các trường Ni dài lâu hơn trong những năm sau.
Mãi đến khi giáo hội Tăng già Nam Việt thành lập trường dạy Ni ở chùa Từ Nghiêm với tổ chức hợp lý, học hành theo chương trình qui củ nhất định, chư Ni theo học các Ni trường ở các thập niên trước hình thành một ban giáo thọ, trợ giúp chư tôn đức giảng dạy các trường ni của giáo hội hiệu quả hơn.
Theo Đặc san Suối Nguồn số 5 - Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang.