Do sự phong phú, đa dạng của đời sống văn hóa, nhất là về tín ngưỡng, tôn giáo đưa đến và quy định nên người Việt có rất nhiều lễ hội, diễn ra quanh năm ngày tháng, ở khắp mọi miền đất nước. Mỗi lễ hội mang một sự độc đáo riêng có. Tuy nhiên, về nghi lễ, các lễ hội đều thực hiện nhiều nghi thức mang tính bắt buộc. Các nghi thức này được tiến hành theo một trình tự chặt chẽ, nghiêm ngặt từ khi chuẩn bị lễ hội cho đến khi hết hội. Thông thường một lễ hội có các nghi lễ: lễ mộc dục, lễ tế gia quan, lễ rước, lễ tế khai hội và tế giã đám.
1. Lễ mộc dục (lễ tắm tượng thần hay thần vị):
Lễ này thường được tiến hành vào nửa đêm hôm trước ngày khai hội. Trước khi làm lễ này, có nơi người ta tổ chức lễ rước nước. Trước khi thực hiện việc tắm tượng (lau chùi tượng thờ) phải làm lễ cáo thần.
2. Lễ tế gia quan (mặc áo, đội mũ cho tượng thần): được tiến hành sau lễ mộc dục. Nếu thần không có tượng mà chỉ có bài vị (thần vị) thì áo mũ đặt lên ngai, sau đó tượng thần (hay thần vị, hoặc có khi chỉ là áo mũ) đặt lên kiệu, chuẩn bị cho đám rước thần sáng ngày khai hội.
3. Lễ rước: trong một lễ hội thường có rước thần, rước Thành hoàng, rước văn hay rước nước. Lễ rước thần hay rước Thành hoàng thường cử hành trước khi vào lễ khai hội và kết thúc hội. Nội dung, ý nghĩa của lễ rước ở mỗi lễ hội đều có sự khác biệt về đối tượng rước, cách thức tiến hành, trình tự đoàn rước, thành phần người tham gia... Trong các lễ rước thì rước thần và rước nước phổ biến hơn cả.
Thần thường được thờ ở đền, miếu, trong khi đa số lễ hội thường được tổ chức ở đình làng, nơi rộng rãi tiện cho việc hành lễ và tổ chức các trò chơi nên trước khi khai hội, người ta thường tổ chức cuộc rước thần đi theo lộ trình từ đền hoặc đình về nơi hành lễ, xong hội lại rước thần trở lại nơi thờ cũ.
Lễ rước trong các lễ hội truyền thống thường quy định người trực tiếp tham gia rước phải là nam giới tuổi từ 18 trở lên, không có phụ nữ, trừ một vài lễ hội thờ nữ thần (như lễ hội Phủ Dày, lễ hội Hạ Lôi) đoàn rước lại chủ yếu do nữ đảm nhiệm.
Người tham gia rước (gọi là giai đô) là những người được dân làng lựa chọn, cắt cử. Họ là những chàng trai khoẻ mạnh, có tài, có đức, không có điều tiếng đáng chê trách. Ai được chọn trong đội rước là vinh dự cho bản thân và gia đình.
Đám rước khi đi đường có biểu tượng riêng để tránh sự trùng lặp giữa các nhóm cộng đồng. Trước khi khởi hành, chiêng, trống nổi lên từ trong đền, đình. Thường từ nửa đêm, tiếng trống đã gióng liên hồi để mọi người đều biết, ai có phận sự phải lo sửa soạn trước. Ngày xưa thường đốt pháo lệnh trước khi đám rước bắt đầu.
4. Lễ tế thần và khai hội:
Được tiến hành sau lễ rước. Có nơi, trong dịp lễ hội, ngày nào cũng có rước, lễ rước này không phải rước thần mà là rước sớ (rước văn), tức bài văn cúng thần. Mỗi ngày người ta cúng thần bằng một bài sớ riêng. Trong đám rước văn, bài sớ cũng được đặt lên kiệu rước, gọi là kiệu văn.
5. Tế giã đám: Là buổi đại tế cuối cùng của lễ hội. Nghi thức này cũng thực hiện với đầy đủ các bước theo quy định./.
Ban Nghiên cứu Tôn giáo