banner 728x90

Bài 7: Phú Mỹ xưa và nay

04/05/2024 Lượt xem: 2392

        Thị xã Phú Mỹ nằm ở phía Tây tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có  tổng diện tích đất tự nhiên là 337,9438km2, dân số khoảng hơn 100.000 người. Phía Đông giáp các xã Láng Lớn, Suối Nghệ, Nghĩa Thành của huyện Châu Đức và xã Hòa Long, phường Phước Hưng của thị xã Bà Rịa; phía tây giáp huyện Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh); phía Nam giáp xã Long Hương (thị xã Bà Rịa) và xã Long Sơn (thành phố Vũng Tàu); phía Bắc giáp huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai.

        Thị xã Phú Mỹ là cửa ngõ quan trọng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Quốc lộ 51 chạy dọc địa bàn Thị xã Phú Mỹ, từ Bắc xuống Nam, qua các phường Mỹ Xuân, phường Phú Mỹ,  Phước Hòa, Tân Hòa, Tân Hải và chia đều lãnh thổ thành hai phần, tạo điều kiện thuận lợi trong giao lưu, đi lại và việc xây dựng, mở rộng mạng lưới giao thông trong vùng. Quốc lộ 51 là con đường chiến lược quan trọng. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đây là huyết mạch, trở thành nơi tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. Ngày nay, Quốc lộ 51 là đại lộ nối liền khu tứ giác động lực kinh tế phía Nam: thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Thị xã Phú Mỹ hiện là khu công nghiệp mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nằm sát với những khu công nghiệp mới của tỉnh Đồng Nai, hợp thành hệ thống các khu công nghiệp hiện đại dọc sông Lòng Tàu, tạo thành vùng động lực phát triển kinh tế trọng điểm với quy mô lớn ở phía Nam Tổ Quốc.

        Ở vào vị trí cửa ngõ giao thông đường bộ quan trọng nhất của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Thị xã Phú Mỹ cách thành phố Bà Rịa 25km, cách thành phố Vũng Tàu 45km, cách thành phố Biên Hòa 60km và thành phố Hồ Chí Minh 80km. Thị xã Phú Mỹ là tâm điểm mà bao quanh là những thành phố lớn với những khu công nghiệp phát triển vào bậc nhất ở Nam bộ.

        Hiện nay, Thị xã Phú Mỹ có hệ thống đường bộ khang trang, vừa được nâng cấp và xây dựng mới, nối liền trung tâm thị xã với tất cả các phường xã trong huyện và với thị trấn Ngãi Giao (huyện Châu Đức) qua hệ thống giao thông liên huyện từ Mỹ Xuân – Hắc Dịch – Sông Xoài đến Ngãi Giao để lên Long Khánh; từ phường Phú Mỹ đến Tóc Tiên nối lên Ngãi Giao hay về Bà Rịa; từ Tân Hòa, Tân Hải đi Long Sơn…

        Không chỉ có hệ thống đường bộ khá hoàn chỉnh, Thị xã Phú Mỹ nằm bên sông Lòng Tàu, sông Thị Vải với hệ thống sông rạch dày đặc. trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, lịch sử đã từng chứng kiến những trận chiến ác liệt, đẫm máu diễn ra trên sông Lòng Tàu, Thị Vải giữa lực lượng cách mạng tấn công để mở đường chuẩn bị cho những trận đánh lớn ở Sài Gòn với lực lượng phòng thủ, bảo vệ Sài Gòn từ xa của địch.

Sông Thị Vải có lưu vực trên 700km2, được tạo hợp từ sông Cả, sông Thái Phiên, suối Phú Mỹ, chảy qua phường Phú Mỹ, Thị xã Phú Mỹ đổ ra vịnh Ghềnh Rái, dài trên 32km, độ sâu từ 15-20 mét, thích hợp cho việc xây dựng các cảng phục vụ các loại tàu có trọng tải từ 10-40 ngàn tấn cập bến, đã hình thành dự án cảng nước sâu vào loại lớn nhất Việt Nam. Cảng Thị Vải, là một trong những thương cảng lớn và có nhiều ưu điểm của Đông Nam Á, tàu 80 ngàn tấn có thể ra vào cảng này, nằm sâu trong đất liền, cách cửa biển hơn 30km một cách dễ dàng.

        Thị xã Phú Mỹ nằm ở vị trí cửa ngõ của tỉnh trong mối giao lưu kinh tế với thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, có hệ thống giao thông thuận lợi và khá hoàn chỉnh về cả thủy lẫn bộ. Cơ sở hạ tầng phát triển là điều kiện quan trọng để vùng đất này phát huy thế mạnh của mình trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đây là một trong những ưu thế quan trọng, cùng với những ưu thế nổi bật khác để Thị xã Phú Mỹ trở thành nơi thu hút đầu tư của Nhà nước ta cũng như các tập đoàn công nghiệp trong và ngoài nước vào những dự án lớn, hình thành hệ thống các khu công nghiệp trải dài suốt phía Tây, liên hoàn với những khu công nghiệp công nghệ cao dọc sông Lòng Tàu thuộc tỉnh Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh.

        Trong quá khứ, vùng đất Tân Thành đã giữ một vị trí quan trọng trong giao lưu, đi lại, là tuyến đường nối liền hai vùng đất giàu có và đông dân cư Sài Gòn - Gia Định - Biên Hòa (Cù Lao Phố) và Bà Rịa - Long Điền - Vũng Tàu. Từ hơn ba thế kỷ trước đây, đường Thiên lý Bắc – Nam mà người dân địa phương quen gọi là “đường Huế” nối Bà Rịa - Biên Hòa với Sài Gòn - Gia Định đã đi qua Thị xã Phú Mỹ. Đây là con đường bộ ngắn nhất và thuận tiện nhất từ miền Bắc, miền Trung vào Nam bộ. Thời Pháp thuộc, con đường nối liền Bà Rịa đi qua Thị xã Phú Mỹ đến Biên Hòa, Sài Gòn được nâng cấp, mở rộng. Đầu thế kỷ 20, người Pháp gọi con đường này là “Đường Thuộc địa số 01” và đánh giá đây là một con đường đẹp, rải đá rất tốt, xuyên suốt 30 cây số tới ranh giới của tỉnh Biên Hòa.

        Mặc dù nằm sâu trong đất liền so với một số huyện ở Bà Rịa-Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ lại có hệ thống giao thông thủy hết sức thuận lợi. Hệ thống sông ngòi chảy qua thị xã Phú Mỹ không dài, nhưng rộng và sâu, nước chảy mạnh, mang nhiều phù sa tạo bồi đắp nên những bãi sình rộng lớn, là môi trường sinh trưởng của thảm thực vật ngập mặn và các loại hải sản, đặc biệt các loại động vật nhuyễn thể.

 Rừng Sác phía Tây thị xã Phú Mỹ còn giữ được vẻ hoang sơ sau ba mươi năm chiến tranh tàn phá, là thảm thực vật bảo vệ môi trường sinh thái vô cùng quan trọng đối với hệ thống khu công nghiệp phía Tây. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, rừng Sác nói chung và rừng Sác trên địa bàn thị xã Phú Mỹ là vùng căn cứ, nơi xuất quân giành những chiến công vang dội của đặc công thủy. Rừng Sác là nơi bảo toàn lực lượng, là địa bàn kẻ thù bất lực và nếm đòn đau mỗi lần chúng đưa quân tới.

        Sông Xoài, suối Châu Pha làm nên cánh đồng Dong, đã được làm hồ chứa nước phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt cho nhân dân.

        Ngoài những con sông lớn trên, thị xã Phú Mỹ còn có hệ thống sông suối dày đặc bắt nguồn từ núi Dinh, Tóc Tiên, Thị Vải đổ ra sông Lòng Tàu, sông Thị Vải tạo thành hệ thống sông suối như xương cá, phục vụ giao thông, cung cấp nước ngọt cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và đời sống. Từ Bắc xuống Nam có thể kể rạch Cây Bần, rạch Mương, rạch Bàn Thạch, sông Ông Trịnh, suối Ba Sình, sông Mỏ Nhát, suối Nước Mặn, suối Cát Đỏ, Rạch Tre, Rạch Váng, suối Nước Ngọt, Suối Nghệ (rạch Nghệ), Rạch Chanh, rạch Ngã Tư, rạch Cái Mép…

        Cách đây tròn 100 năm, khi viết về hệ thống giao thông thủy ở tỉnh Bà Rịa, người Pháp đã khẳng định ưu thế liên kết thủy - bộ của vùng đất này:

        “Sông làm ranh giới phía Tây của tỉnh lỵ (Bà Rịa) là sông Sài Gòn chảy từ Bắc xuống Nam dọc theo ranh giới dài 12km. Đây là con đường sông quen thuộc đi vào Sài Gòn. Vào quãng hơn 12km sông đi về hướng Tây, rời khỏi ranh giới tỉnh (Bà Rịa) tiếp tục theo hướng Bắc - Nam theo rạch Mon-gom. Rạch này là một nhánh của sông Sài Gòn, từ sông chính nó tách ra khoảng 30km từ phía cửa sông để rồi hợp lại với sông chính vài kilômét trước khi đổ ra biển. Đây là một con rạch quen thuộc của người dân bản xứ làm nghề giao thông đường sông vì nó cho phép người ta đi từ Sài Gòn tới Bà Rịa và Chợ Bến không cần qua biển. Bờ bên phải nối với rất nhiều cửa sông nhỏ bắt nguồn từ tỉnh Biên Hòa hoặc dãy núi Dinh bằng những con kênh mà quan trọng nhất là kênh Tắc Bùi ngăn cách giữa tỉnh Biên Hòa và Bà Rịa và đi sâu vào Gò Già bằng hai nhánh: Tắc Bùi ở phía Nam và Tắc Cua ở phía Bắc. Tắc Cua bắt nguồn từ Biên Hòa đổ xuống phía Nam gặp sông Thị Vải trước khi đổ ra biển. Bên sông Thị Vải có Rạch Mương có thể đi ghe tàu tới cầu Thị Vải nằm trên đường Biên Hòa - Bà Rịa.

        Suối Ba Sít bắt nguồn từ núi Thị Vải có tên là rạch Cóc Giài rẽ đôi thành hai nhánh: rạch Ngã Tư đổ vào sông Cái Mép và hòa với sông Thị Vải. Sông Mỏ Nhát có Rạch Chanh ở bờ trái đổ ra biển với cái tên là rạch Đá Giăm.

        Từ núi Dinh bắt nguồn nhiều dòng chảy: suối Ngọc, suối Người, rạch Váng, suối Mương đổ ra phía Bắc đảo Núi Nứa (Long Sơn) theo một con kênh hướng Đông - Tây và suốt chặng đường đó được mang các tên: rạch Cái Răng, rạch Bộ Hanh, Cái Sao, rạch Bù Mùi, rạch này gặp với sông Chà Và đổ vào vịnh Ghềnh Rái bởi một cửa sông lớn”…

        Người Pháp đã vạch ra con đường thủy quan trọng nối Sài Gòn, Biên Hòa với các trung tâm thương mại ở Bà Rịa (mà hầu hết những sông, rạch đó đều chảy ngang qua hay đổ từ thị xã Phú Mỹ):

        “Khi nói về đường sông Sài Gòn, con đường thủy thông thường như thế này: sông Sài Gòn, rạch Mon-gom, Tắc Bùi, sông Gò Già, rạch Ngã Tư, sông Mỏ Nhát, rạch Đá Găm, rạch Cái Răng, rạch Bô Hanh, rạch Cái Sao, rạch Bu Mùi, rạch Chà Và, sông Khúc Giai và sông Dinh, tất cả các dòng chảy đó cho phép tàu bè lớn lưu thông được”…

Đào Quốc Thịnh (biên soạn)

 

Tags:

Bài viết khác

Lẫm An Nghiệp (Phú Yên) - công trình kiến trúc cổ trên 100 năm

Tọa lạc tại khu phố Định Thắng 1, thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa), lẫm An Nghiệp từ lâu được biết đến là một công trình kiến trúc cổ có niên đại trên 100 năm, đến nay vẫn giữ được nét cổ kính của một di tích văn hóa lâu đời, trải qua bao thăng trầm của thời cuộc.

Ngôi cổ tự gần 400 năm tuổi sở hữu 2 bảo vật quốc gia, diện tích lên đến 58.000m2, là một trong 10 công trình kiến trúc cổ tiêu biểu của Việt Nam

Đây là một trong những ngôi chùa cổ có lịch sử lâu đời ở Việt Nam. Chùa Keo còn biết đến với tên gọi khác đó là chùa Thần Quang Tự. Ngôi chùa được xây dựng quy mô lớn nằm tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Từ lâu, dựa theo dòng chảy của sông nhiều người vẫn gọi chùa là Keo trên nhằm phân biệt với ngôi chùa Keo dưới của Nam Định.

Bí ẩn về cách xây dựng kim tự tháp cuối cùng đã được giải đáp?

Chính xác thì các kim tự tháp vĩ đại của Ai Cập được xây dựng như thế nào bởi các kỹ sư đầu tiên của thế giới văn minh? Đây là chủ đề gây tranh cãi trong nhiều thế kỷ qua.

10 nguyên tắc cốt lõi trong việc trùng tu di tích

Để trùng tu di tích, một công trình kiến trúc lịch sử cần tuân thủ 10 nguyên tắc cốt lõi sau: Hãy cố gắng hết sức để sử dụng tòa nhà (công trình kiến trúc) cho mục đích ban đầu của nó, khi có thể....

Vẻ đẹp thanh tịnh của di tích quốc gia kiến trúc cổ ở Thái Bình

Có vị trí ngay gần quốc lộ 10, di tích quốc gia ở Thái Bình mang vẻ đẹp thanh tịnh cùng nhiều hạng mục kiến trúc cổ kính.

Đình Thượng – Điểm du lịch văn hóa tâm linh đặc sắc

Miền đất sơn thủy hữu tình xã Yên Trị (huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) có một di tích lịch sử, địa điểm văn hóa du lịch tâm linh không thể bỏ qua, đó là đình Thượng.

Bài 12: Phú Mỹ ngày nay đã trở thành đô thị cảng biển, công nghiệp hiện đại

Thị xã Phú Mỹ là cửa ngõ quan trọng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Nơi có tuyến đường quốc lộ 51 và con sông Thị Vải chạy dọc, nối thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai với thành phố Bà Rịa và thành phố Vũng Tàu.

Bài 11: Phú Mỹ xưa và nay

Trong buổi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng bào dân tộc ít người trên địa bàn Phú Mỹ đã có nhiều đóng góp quan trọng về sức người, sức của, trực tiếp tham gia chiến đấu và che chở nghĩa quân kháng chiến. Điều đó phần nào nói lên sự đoàn kết chiến đấu ngoan cường, quyết không cho kẻ thù xâm lược tấc đất cha ông của quân dân Bà Rịa-Vũng Tàu.
Top