banner 728x90

Bài 4: Phú Mỹ xưa và nay

29/04/2024 Lượt xem: 2732

       Xã Phước Hòa ngày nay là một xã đông dân cư và tương đối phát triển của Tân Thành. Những địa danh Đồng Tranh, Gò Me, Gò Dầu, Láng Tranh, Bến Cây Lim (hay Liêm, do đọc chệch), núi Đất (núi Trần, hay núi Ba Con Heo), sông Mỏ Nhát… đã đi vào ký ức của nhân dân Phước Hòa - Ông Trịnh.

       Hiện nay, phường Phước Hòa gồm có các khu phố Ông Trịnh, Song Vĩnh (được chia tách từ ấp Ông Trịnh), Hải Sơn, Lam Sơn, Phước Sơn (ấp Lam Sơn và Phước Sơn được chia tách từ ấp Hải Sơn) và Phước Lộc. Phước Hòa là phường có diện tích lớn nhất thị xã Phú Mỹ (8.301,83 ha), dân số khoảng 15.589 người (trong đó 14,83% theo Phật giáo; 70,25% theo Thiên Chúa giáo- khu phố Hải Sơn có đến 90% dân số theo Thiên Chúa giáo; 0,18% theo đạo Tin Lành; 0,42% theo đạo Cao Đài; và 14,32% không theo tôn giáo hoặc theo các tôn giáo khác; phần lớn là người Kinh, có 14 hộ thuộc các dân tộc ít người). Thế mạnh kinh tế hiện nay của phường Phước Hòa là công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ. Hiện nay, các khu phố Hải Sơn, Phước Lộc, Song Vĩnh đã phát triển rất nhanh.

        Các nghề có thu nhập tương đối cao ở Phước Hòa là thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, nghề đá xuất khẩu ở Phước Hòa đã thu hút gần 1 ngàn lao động. Ngoài những nghề trên, Phước Hòa còn có nghề nông, làm muối (làng muối Phước Lộc). Từ cuối thế kỷ 19, nghề làm muối đã có ở Phước Hòa. Năm 1901, Phước Hòa có 47,6 ha diện tích làm muối. Dân số Phước Hòa lúc ấy khoảng 739 người, là xã có dân số đông nhất trên địa bàn thị xã Phú Mỹ.

       

        Qua khảo sát bước đầu, nhiều câu chuyện dân gian cho thấy đa số nhân dân cư ngụ ở Phước Hòa đều có nguồn gốc từ tỉnh Gia Định (vốn là quan, quân của Nguyễn Huệ) di dân về đây hồi cuối thế kỷ 19, trong đó có nhiều gia đình người Chăm, vốn là hậu duệ của những người đi theo để bảo vệ ông Trịnh (khoảng trên 30 gia đình) và người từ miền Bắc di cư năm 1954.

        Năm 1945, trung tâm xã Phước Hòa nằm trên địa phận xã Hội Bài hiện nay (kéo dài khoảng 3km đến cầu Rạch Váng, phía Đông và Đông Bắc là rừng Giồng - cây cối rậm rạp, khó phân định ranh giới; phía Đông Nam giáp với xã Long Hương, ngã tư Hội Bài; phía Nam giáp với cù lao Bà Trao - Núi Nứa, phía Bắc giáp với xã Phú Thạnh (sau đó là xã Phú Mỹ). Phước Hòa có chiều rộng chừng 8 km, diện tích tự nhiên toàn xã khoảng 24 km2, dân số khoảng 45 hộ, trên dưới 200 người, với 4 ấp: Phước Hòa, Phước Hiệp (Rạch Chanh), Phước Tân (Rạch Nghệ) và ấp Phước Long (ngã tư Hội Bài).

        Bấy giờ nhân dân thường chọn các gò cao, rộng và thường làm nhà sinh sống ven theo các nhánh sông, rạch (bến Bà Chiếu, bến Cầu Quan và dọc Rạch Chanh) để tiện đốn củi, hầm than, múc dầu ráy, lượm chai cục và đánh bắt hải sản để sinh sống.

        Phước Hòa có nhiều di tích lịch sử - văn hóa và truyền thuyết lưu truyền trong dân gian cũng như được ghi chép trong thư tịch cổ phản ánh quá trình khai phá vùng đất này.

        Năm 1998, lần đầu tiên một di tích khảo cổ học ở thị xã Phú Mỹ được tổ chức khai quật quy mô. Đó là di tích khảo cổ học Gò Cá Sỏi, thuộc ấp Phước Lộc, xã Phước Hòa. Di tích nằm trên một cái gò, bao bọc xung quanh là đầm lầy nước mặn và rừng đước. Từ những hiện vật: rìu đá, mảnh gốm, hòn lăn, con kê… mà cuộc khai quật thu được đã cho biết từ cách đây 2.500-2.700 năm vùng đất này đã có con người sinh sống.

        Từ Gò Cá Sỏi, các nhà khảo cổ học đã thăm dò những gò tương tự trong vùng đã phát hiện được rất nhiều mảnh gốm, rìu đá có niên đại tương tự Gò Cá Sỏi. Các nhà khảo cổ học cũng đã cho biết mối quan hệ giữa Gò Cá Sỏi với di tích Bưng Bạc, Bưng Thơm và một số di tích khảo cổ học khác trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu. Như vậy, trước khi người Việt đến vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu khai hoang mở đất, trên địa bàn này nói chung và thị xã Phú Mỹ nói riêng đã có những người bản địa sinh sống…

       Hình ảnh Bà Rịa Vũng Tàu năm 1920

        Ở phường Phước Hòa hiện nay có nhiều địa danh mang tên Ông Trịnh: ấp Ông Trịnh, núi Ông Trịnh, sông Ông Trịnh, chợ Ông Trịnh, bến Ông Trịnh… Ông Trịnh chắc hẳn là tên một nhân vật có quan hệ gắn bó với vùng đất này. Nhưng khác với Lê ni cô đã trở thành địa danh Thị Vải, nhân vật ông Trịnh không thấy ghi trong sử sách. Tuy nhiên, trong dân gian vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện về nguồn gốc và công trạng của ông. Đặc biệt, hiện nay đền thờ và phần mộ của ông và con ông vẫn còn tại Phước Hòa.

        Đền thờ Ông Trịnh (hay miếu ông Trịnh, miếu Ông Lớn) tọa lạc gần chân núi Ông Trịnh. Trên bàn thờ chính điện ghi Tôn Miếu Nguyễn Quý Công. Điều này cho biết người được tôn thờ mang họ Nguyễn, chứ không phải họ Trịnh như dân gian lưu truyền. Hai bên bàn thờ ông Trịnh là bàn thờ Tả ban, Hữu ban. Phía trước bàn thờ là phần mộ ông, đắp hình voi phục, có bia gỗ những không còn đọc được chữ; phía trước có nhà võ ca, bàn thờ tiên sư và chư vị.

        Ngoài ngôi mộ và đền thờ gần chân núi Ông Trịnh, ven quốc lộ 51 còn có một ngôi mộ cũng mang tên mộ ông Trịnh. Phía sau ngôi mộ cũng có miếu thờ. Nhân dân địa phương cho rằng đây là mộ con trai ông Trịnh. Tháng 1 năm 1998, do phải giải tỏa mặt bằng để mở rộng quốc lộ 51 ngôi mộ này buộc phải di dời. Viện Khoa học Xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh phối hợp ngành Văn hóa Thông tin tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức khai quật và di chuyển ngôi mộ này. Kết quả khai quật cho thấy chủ nhân ngôi mộ có thể là một người đàn ông có địa vị trong xã hội (phú hộ hay thủ lĩnh quân sự một địa phương, đã có công mở mang, khai phá và giữ gìn vùng đất này), khi chết được tôn thờ, được hương khói. Chưa có căn cứ để xác định “Trịnh” là tên hay họ. Các nhà khoa học khai quật di tích này đoán định niên đại của ngôi mộ có thể ở vào khoảng nửa cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, không sớm hơn.

        Phước Hòa có ngôi Vạn Thông Phật Đường tương đối nổi tiếng, thu hút nhiều khách trong và ngoài địa phương hành hương, cúng Phật, vãn cảnh.

Đào Quốc Thịnh (biên soạn)

Tags:

Bài viết khác

Di tích lịch sử Dinh Độc Lập (Tp.Hồ Chí Minh)

Di tích Dinh Độc Lập tọa lạc tại số 135, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, có tổng diện tích là 12ha, bốn mặt là 4 trục đường bao quanh - phía Đông Bắc giáp đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa; phía Tây Nam giáp đường Huyền Trân Công Chúa; phía Tây Bắc giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai; phía Đông Nam giáp đường Nguyễn Du.

Di tích bến Vàm Lũng - đường Hồ Chí Minh trên biển

Bến tiếp nhận vũ khí Vàm Lũng (thuộc ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), nằm theo rạch Chùm Gộng hướng về trung tâm huyện Ngọc Hiển, được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao xếp hạng di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 3996/QĐ-BVHTTDL ngày 10/11/2010.

Thờ Tứ Bất Tử, tín ngưỡng độc đáo của người Việt

Trước khi các tôn giáo lớn định hình trên mảnh đất hình chữ S, người Việt đã phát triển tín ngưỡng của riêng mình. Ngoài thờ gia tiên, tổ nghề, các anh hùng chống ngoại xâm…, tục thờ bốn vị Thánh bất tử là Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Bà Chúa Liễu có nhiều nét vô cùng độc đáo.

Hình tượng ‘Lưỡng long chầu nguyệt’ trong văn hóa Việt

Trong quan niệm người Việt, rồng luôn là con vật linh thiêng, biểu tượng cho quyền uy, sức mạnh. Và hình ảnh “Lưỡng long chầu nguyệt” trên các mái đình đền, chùa chiền, không chỉ biểu tượng cho sức mạnh thần thánh mà còn ẩn trong đó những giá trị nhân văn, phản chiếu trí tuệ, ước vọng của con người và nền văn minh cổ xưa.

Chùa Vĩnh Nghiêm - Ngôi chùa Phật giáo Bắc tông ngay giữa trung tâm thành phố Hồ Chí Minh

Chùa Vĩnh Nghiêm, ngôi chùa cổ sở hữu một kiến trúc Phật giáo Bắc tông nằm ngay giữa trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Ngôi chùa mang nhiều nét kiến trúc độc đáo, không gian thanh tịnh an yên giữa lòng Sài Gòn tấp nập.

Linh vật trong văn hóa truyền thống Việt Nam

Linh vật được sử dụng như những biểu tượng văn hóa để truyền đạt ý niệm và niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng; góp phần quan trọng phản ánh diễn trình phát triển của nghệ thuật thuật tạo hình Việt Nam.

Chantarangsay: ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer giữa lòng Thành phố Hồ Chí Minh

Chùa Chantarangsay hay còn có tên gọi khác là chùa Candaransi, tọa lạc tại Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, là ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer đầu tiên được xây dựng tại vùng Sài Gòn - Gia Định xưa.

Gò tháp An Lợi: Dấu ấn kiến trúc cổ

Ẩn mình trong khung cảnh yên bình của ấp An Lợi (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn), Gò tháp An Lợi là một trong những di tích đặc biệt mang đậm dấu ấn văn hóa Óc Eo, từng rực rỡ trong lịch sử Đông Nam Á.
Top