banner 728x90

Bài 2: DU LỊCH HÀN QUỐC _ KHÁM PHÁ XỨ SỞ KIM CHI (Tiếp theo Bài 1...)

08/10/2024 Lượt xem: 2597

Giống như Việt Nam, Hàn Quốc đi lên từ một đất nước nghèo khó, khổ cực, cũng từng bị xâm lược và chịu ảnh hưởng từ các quốc gia láng giềng, nhưng dân tộc này vẫn giữ được quyền độc lập và truyền thống văn hóa vốn có của mình.

Từ một nước thu nhập bình quân đầu người 67 USD/người/năm (năm 1953) nay đã tăng lên 33.700 USD/người/năm (năm 2023) là một quá trình phấn đấu vươn lên vượt bậc. Nhà nước tập trung đầu tư phát triển các tập đoàn công nghiệp lớn, làm nền móng cho sự phát triển kinh tế của đất nước như: Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Hyundai Motor, Tập đoàn Posco, Tập đoàn Kia Motor, và Tập đoàn LG…Nhờ các tập đoàn kinh tế hàng đầu này mà Hàn Quốc hiện nay đang là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới trong nhiều ngành khoa học ứng dụng, điện tử, công nghệ và là quốc gia sáng tạo nhất trên thế giới thời kỳ những năm đầu thập niên của thế kỷ 21.

Ngay cả hình thể người Hàn Quốc cổ xưa thuộc dạng thấp bé nhẹ cân (cao 1m – 1,2 m), thế nhưng ngày nay đã khác, người Hàn Quốc đã vươn lên là một trong số các nước có dân số phát triển hình thể cao to nhất châu Á (cao 1m7 – 1m8)

Về giao thông, qua nhiều năm xây dựng, chính phủ và người dân Hàn Quốc đã hoàn thiện thành công một mạng lưới giao thông tiên tiến, quy củ, tinh vi và hiện đại, bao gồm có các tuyến đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc, xe buýt, dịch vụ phà và các tuyến đường hàng không trải dài khắp đất nước, 91% các tuyến đường bộ tại Hàn Quốc được trải nhựa.

Hệ thống tàu điện cao tốc tại Hàn Quốc là một trong những mạng lưới đường sắt cao tốc nhanh, đúng giờ và có mật độ phân bố dày đặc nhất trên thế giới. Về hàng không, được đầu tư về kĩ thuật hiện đại, sân bay lớn nhất của Hàn Quốc là Sân bay Quốc tế Incheon, nằm trong top 10 sân bay tốt nhất thế giới năm 2020. Các sân bay quốc tế khác bao gồm: Gimpo, Gimhae và Jeju. Cùng với sự ứng dụng của công nghệ cao vào mạng lưới giao thông quốc gia, hệ thống giao thông Hàn Quốc đã vươn lên thành một trong những hình mẫu giao thông thông minh bậc nhất trong khu vực và trên thế giới. Điều khác biệt về giao thông đường bộ của Hàn Quốc là các ngã tư không có bùng binh, mà có vạch kẻ ô bàn cờ.

Tác giả và du khách cùng đoàn chụp ảnh kỷ niệm tại Cung điện Gyeongbokgung

Hàn Quốc nhờ phát triển công trình ngầm mà cho phép sử dụng triệt để tiềm năng đất đô thị. Đối với các nhà quy hoạch, không gian ngầm sẽ tạo ra nhiều cơ hội để làm các tuyến giao thông, các công trình kỹ thuật và kết cấu hạ tầng khác, đồng thời cho phép phát triển tốt hơn môi trường trên mặt đất. Hiện có các loại hầm như: hầm đường sắt, hầm chui đô thị, hầm đường bộ, hầm kiểm soát lũ và các hầm ngầm trong đá và hầm kỹ thuật…

Đến Hàn Quốc, tôi thích nhất hệ thống đường hầm qua đường giao thông ở Thủ đô Seoul. Không giống ở Việt Nam, xây cầu vượt qua đường nhưng chẳng ai thèm đi, một số nơi cầu vượt không có người quét dọn, vệ sinh nên xảy ra tình trạng phóng uế bừa bãi trên cầu vượt, rất bẩn thỉu, người muốn đi qua cầu vượt giờ cao điểm cũng ngại. Vì thế mà người dân cứ vô tư băng qua đường ngay cả lúc xe ô tô, xe máy chạy nườm nượp trên đường, rất nguy hiểm và mất an toàn giao thông.

Còn ở Hàn Quốc, người dân sang đường bằng hệ thống đường hầm được xây dựng rất to rộng, thông thoáng như ở trên mặt đất, bên dưới là các gian hàng bán quần áo, đồ gia dụng, đèn sáng trưng như các siêu thị… vừa tận dụng tối đa diện tích đất đô thị, vừa giải quyết thêm địa điểm cho các hộ kinh doanh, vừa giảm ùn tắc giao thông giờ cao điểm, lại rất tiện lợi, an toàn cho người đi đường. Đây là minh chứng cho cách tính toán rất chi li của các nhà hoạch định kiến trúc, xây dựng người Hàn Quốc.  

Cây lá vàng biểu tượng mùa thu Hàn Quốc

Về kiến trúc ở Thủ đô Seoul các thập niên gần đây mang phong cách Mỹ. Những tòa nhà cao tầng hình khối hộp với nhiều ô cửa kính phẳng như tường, san sát nhau, màu xám và trắng ngà, tạo nên dáng vẻ công nghiệp hoành tráng nhưng xem ra có phần nặng nề.

Đan xen với các tòa nhà cao chọc trời là những khu nhà cổ kính được xây dựng từ xưa mang phong cách kiến trúc của Trung Quốc, mái ngói nâu đỏ, uốn cong theo kiểu thiết kế cung đình và cũng vẫn còn tồn tại một số chung cư cũ rích xây theo lối cổ xưa.   

Đặc biệt là mô hình đô thị nổi đầu tiên trên thế giới tại Hàn Quốc đã và đang được triển khai tại Busan. Thành phố nổi ở ngoài khơi Busan sẽ là “công trình chống lũ lụt” bao gồm một số hòn đảo nhân tạo do con người tạo ra với khả năng dâng theo mực nước biển để loại bỏ nguy cơ ngập lụt. Thành phố này sẽ tạo ra điện sinh hoạt từ các tấm pin mặt trời lắp trên các tòa nhà. Đô thị nổi này là nơi tự sản xuất thực phẩm và nước ngọt. Nó cũng có thể chịu được nhiều thảm họa thiên nhiên, bao gồm lũ lụt, sóng thần và bão cấp 5 vì các sàn nổi của công trình này sẽ được neo xuống đáy biển.

Mục tiêu của Hàn Quốc là phát triển một thành phố chống ngập vươn ra biển và tự sản xuất lương thực, năng lượng và nước ngọt. Các lồng bên dưới nền móng có thể được sử dụng để nuôi sò điệp, tảo hoặc các dạng hải sản khác. Dự kiến thành phố nổi (chống ngập) có thể hoàn thành vào năm 2025.

Đoàn du khách và học sinh Hàn Quốc chụp hình kỷ niệm

Từng là một nước nông nghiệp nghèo, nhưng sau chưa đầy bốn thập kỷ, đất nước Hàn Quốc đã đạt được những thành tựu kinh tế được cả thế giới biết đến như "kỳ tích trên sông Hàn". Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã kéo theo sự di chuyển liên tục của những người dân từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp; phá vỡ cơ cấu tổ chức xã hội truyền thống, trong đó có gia đình.

Trước kia, trong xã hội Hàn Quốc truyền thống, một gia đình điển hình thường bao gồm các thành viên thuộc ba, bốn thế hệ sống cùng trong một mái nhà; một gia đình lớn đông thành viên thường được xem như có nhiều phúc lộc.

Do chịu ảnh hưởng của đạo Khổng, nên gia đình truyền thống Hàn Quốc theo chế độ gia trưởng. Vai trò của người vợ rất thấp trong mối quan hệ gia đình. Sau khi kết hôn, người vợ hầu như chỉ ở nhà lo cơm nước, chăm sóc gia đình. Chỉ đến khi con lớn 18 tuổi trở lên họ mới đi làm. Tất nhiên người chồng phải đi làm kiếm tiền lo kinh tế nuôi cả nhà. Ngày nay quan hệ hôn nhân đã đổi khác, nhưng phần nào vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi các phong tục truyền thống. Ngày càng có nhiều thông tin về những người vợ ngoại quốc bị chồng đánh đập, hành hạ.

Do có nguy cơ dân số già, lực lượng lao động trẻ ngày càng khan hiếm nên Hàn Quốc hiện đang áp dụng hàng loạt biện pháp tài trợ nhằm thúc đẩy tỉ lệ sinh con vốn đang ở mức thấp trong hơn 10 năm qua.

Bắt đầu từ năm 2022 Chính phủ Hàn Quốc cấp 275 USD (tương đương 6,4 triệu VNĐ) mỗi tháng cho tất cả các trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi. Mức trợ cấp này sẽ tăng dần đến mức 457 USD (10,5 triệu đồng) vào năm 2025. Đây là khoản tiền mặt bổ sung bên cạnh khoản trợ cấp hiện nay là 91 USD (2,1 triệu VNĐ) mỗi tháng cho trẻ dưới 7 tuổi. Số tiền mừng cho mỗi phụ nữ mang thai sẽ tăng từ mức 549 USD (12,7 triệu đồng/người) hiện nay lên 915 USD (21,2 triệu đồng/người) vào năm 2025. Ngoài ra, chính phủ còn phát bổ sung 1.931 USD (44,7 triệu VNĐ) cho những người sắp sinh con để hỗ trợ chi phí tiền sản.

Tác giả với trang phục Hanbok của người Hàn Quốc

Về ẩm thực của Hàn Quốc có 2 món ăn phố biến nhất của người Hàn Quốc đó chính là món thịt nướng có tên gọi là bulgogi và món cải thảo muối hay còn gọi là kimchi. Đây là 2 món ăn được người Hàn sử dụng nhiều nhất trong các bữa ăn. Trong đó, món kim chi là món ăn đặc trưng riêng tạo nên ẩm thực văn hóa của Hàn Quốc. Nên người ta gọi Hàn Quốc là xứ sở của kim chi.

Kim Chi là món ăn kèm nhưng không thể thiếu trong bữa ăn của người Hàn Quốc. Hàn Quốc có nền nông nghiệp phát triển, nhưng do thời tiết mùa đông quá lạnh, nhiệt độ trung bình khoảng âm (- 5 độ C) còn thấp nhất có thể xuống tới âm 15 độ C, trời lạnh buốt và có tuyết rơi, nên rau xanh không cây nào sống nổi. Thời gian ít, nên chúng tôi chưa có dịp trải nghiệm ra chợ mua bán, nhưng theo một bạn HDV định cư tại Hàn Quốc cho biết, rau xanh bán ở chợ đắt gấp 4 lần thịt gia súc, gia cầm. Chính vì vậy theo tôi, món Kim Chi được xem là món thay thế rau xanh mùa Đông của người Hàn Quốc.

Ẩm thực Hàn Quốc cũng nổi tiếng với vị cay. Các món ăn không thể bỏ qua khi đến Hàn Quốc là Bulgogi (thịt bò nướng tẩm gia vị), galbi (sườn nướng tẩm gia vị). Trong bữa ăn của người Hàn luôn có rất nhiều món ăn kèm gọi là banchan. Một số món ăn phổ biến khác như bibimbap (cơm trộn), kimbap (cơm cuộn) và naengmyeon (mì lạnh).

Ẩm thực đường phố của Hàn Quốc cũng rất nổi tiếng, có thể kể đến như tteokbokki (bánh gạo và bánh cá), khoai tây chiên, Soondae…

Cũng có một số ít người Việt khen các món ăn của Hàn Quốc ngon, nhưng với riêng tôi không hợp khẩu vị, nên không thấy ngon. Nếu so sánh với ẩm thực Việt Nam thì Hàn Quốc thua xa các món ăn ngon phong phú của người Việt. Cũng may các món ăn Hàn Quốc thuộc dạng ít dầu mỡ, nên còn ăn được, chứ giống các món ăn người Hoa đầy dầu mỡ thì nuốt không nổi.

Đi chợ ở Hàn Quốc cũng giống như đi chợ Việt, cũng trả giá như ở Việt Nam, thông thường giá thực tế chỉ bằng 70% giá rao bán.

Đặc sản nổi tiếng của Hàn Quốc từ xa xưa đến nay là sâm và tinh dầu thông đỏ. Nếu đúng là sản phẩm thứ thiệt của Hàn Quốc thì cực tốt vì phụ thuộc vào giống cây trồng, điều kiện canh tác và khí hậu. Để thu hoạch được sâm tốt thì sâm phải được trồng trên núi cao, trong điều kiện khí hậu và thời tiết giá lạnh và phải là giống của cây Sâm Cao ly (còn gọi là Thiên sâm) mới tốt. Thời điểm thu hoạch sâm phải đủ 6 năm tuổi vì thời điểm này chất lượng sâm tốt nhất, sản lượng thu hoạch cao, hàm lượng saponin thời điểm này cũng đạt mức cao nhất.

Sâm có 2 loại chính là: Thiên sâm và Hồng sâm. Thiên sâm dành cho những người cao huyết áp vì có đặc tính lạnh. Hồng sâm dành cho những người huyết áp thấp vì có đặc tính nóng.

Có đi Hàn Quốc mới biết từ trước đến nay mình toàn dùng sâm rởm mà không hề hay biết. Củ nhân sâm giả thường có màu trắng bệch hoặc có màu vàng trắng chứ không có màu vàng hoàng thổ như nhân sâm thật của Hàn Quốc 6 năm tuổi. Củ sâm thứ thiệt thường có kích thước nhỏ và có thân hình hơi thon dài. Khi cầm lên sẽ thấy có cảm giác củ nhân sâm mềm, nhẹ, nhưng rất chắc. Sâm Cao ly là loại sâm nhỏ, có kích thước chỉ bằng ngón chân cái. Sâm Cao ly là loại sâm tốt nhất vì có hàm lượng saponin cao. Cây được trồng trên núi cao trong điều kiện thời tiết giá lạnh nên không bao giờ có loại sâm to như bắp tay người. Bên này gọi sâm đó là sâm củ cải, được bày bán ở các chợ người Hoa, tất nhiên là không tốt.

Tinh dầu thông đỏ cũng được coi là “Quốc bảo” của Hàn Quốc. Tinh dầu thông đỏ có nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe, nhưng điểm nổi bật là đặc trị mỡ máu. Tôi chưa trải nghiệm thực tế này nhưng đã có nhiều người sử dụng cho thấy kết quả rất tốt. Sâm và tinh dầu thông đỏ được bày bán tại các cửa hàng sâm tại Hàn Quốc có sự bảo trợ của tập đoàn Samsung là sâm thứ thiệt có giá cực đắt. Sâm khô có giá 6 triệu/ 300g /10 củ; Tinh dầu thông đỏ mua 1 hộp gồm 12 vỉ, mỗi vỉ 10 viên, tổng cộng 120 viên có giá gần 8 triệu đồng mua tại Hàn Quốc. Tôi chỉ mua vài củ Sâm Cao ly khô, 10 củ sâm tươi và 1 hộp 6 vỉ tinh dầu thông đỏ mà hết gần 25 triệu VNĐ…Qúa đắt.

Đoàn du khách chụp hình kỷ niệm tại Thư viện Starfield

Đặt chân đến Hàn Quốc, bạn cần tìm hiểu kỹ về những khác biệt trong nếp sống, sinh hoạt và văn hóa Hàn Quốc để tránh những điều cấm kỵ, trái với thuần phong mỹ tục của người Hàn.

Trong sinh hoạt ăn uống, người Hàn thường ngồi trệt trên sàn thay vì dùng ghế ngồi ăn như các nước khác trên thế giới. Đặc biệt, khi ăn cơm thì dùng thìa. Đũa chỉ sử dụng khi ăn mì hay các món ăn khác. Cách cầm thìa, dĩa của người Hàn Quốc cũng rất đặc biệt. Họ sẽ luôn cầm thìa bằng tay phải và dùng đũa để gắp thức ăn. Người Hàn khi ăn uống sẽ không để đũa móc vào thức ăn và đặc biệt thìa sẽ không cắm vào chén cơm. Bởi hành động này được cho là mang tới điềm gở. Do đó, khi dùng bữa cùng với người Hàn Quốc, bạn nên chú ý về cách ăn uống. Khi được mời ăn uống, họ luôn chủ động thanh toán tiền ăn cho cả nhóm đi cùng. Những lần ăn uống kế tiếp, ai là người mời thì người đó sẽ thanh toán lại. Khi rót rượu cho người Hàn Quốc, tuyệt đối không để miệng chai rượu chạm vào miệng của ly rượu. Hành động này được người Hàn cấm kỵ bởi việc rót rượu chạm cốc được coi là việc cúng rượu cho người chết.

Mới quen biết nhau, người Hàn Quốc không mời đến nhà, mà mời ra quán café, quán rượu. Chỉ khi thật thân quen và quý mến khách như người trong gia đình, họ mới mời đến nhà. Khi tới thăm nhà người Hàn Quốc, bạn luôn phải tháo giày ra và để ngoài cửa trước khi bước vào nhà.

Khi giao tiếp với người khác, tuyệt đối bạn không được dùng tay trái. Bởi nếu dùng tay trái trong giao tiếp sẽ bị coi là xúc phạm tới người đối diện. Khi muốn trao hay nhận một vật gì đó từ người khác, bạn nên dùng cả 2 tay để thể hiện sự tôn trọng người khác, đặc biệt là người lớn tuổi.

Tuyệt đối bạn không được dùng mực đỏ viết tên của người Hàn. Đây là điều cấm kỵ bởi họ cho rằng đó là hành động nguyền rủa người đó chết. Do đó, khi đi du lịch Hàn Quốc, bạn phải chú ý tới vấn đề này nếu không muốn gặp tai họa.

Khi tới đền chùa ở Hàn Quốc để tham quan, bạn không được phép đi lối cửa chính mà phải đi lối cửa ngách bên hông. Phải để giày dép ở bên ngoài trước khi bước vào. Đặc biệt không được ngồi hoặc đứng trước hình tượng Phật chính ở trong đền chùa. Bạn nên ngồi ở phía bên không phải phía chính diện. Ngoài ra, cần phải ăn mặc lịch sự, trang trọng và kín đáo khi tới những nơi như đền chùa. 

Hoa anh đào, biểu tượng mùa xuân của Hàn Quốc

Tác giả Đào Quốc Thịnh

 

Tags:

Bài viết khác

Người đi du lịch và người không đi du lịch, cuộc sống khác biệt nhau như thế nào?

Ý nghĩa của việc du lịch chính là mở rộng tầm nhìn, phong phú thêm trải nghiệm cho bản thân.

Bài 1: DU LỊCH HÀN QUỐC _ KHÁM PHÁ XỨ SỞ KIM CHI

Lời giới thiệu: Nhà báo Đào Quốc Thịnh là cây bút chuyên viết phóng sự, phóng sự xã hội, phóng sự điều tra, nhưng những năm gần đây ông lại bén duyên với “du lịch”. Với phong cách viết độc đáo, hấp dẫn, gần gũi với bạn đọc, những bài viết quảng bá du lịch trong và ngoài nước của ông đã thu hút hàng chục ngàn lượt bạn đọc thường xuyên theo dõi và yêu thích.

Nước Nga trong trái tim tôi

(Ghi chép của Đào Quốc Thịnh). Nước Nga nằm ở phía Bắc, phía Đông của Bắc bán cầu, gần Bắc Cực, với diện tích 17,09 triệu km2 được xem là lớn nhất thế giới. Nga có đường biên giới chung với 14 quốc gia, kéo dài tới 57.792 km, trong đó biên giới đất liền dài 20.139 km, cũng được xem là biên giới dài nhất thế giới.

Du lịch Indonesia - Xứ sở “vạn đảo" với những cô gái hồi giáo xinh đẹp

(Ghi chép của Đào Quốc Thịnh). Indonesia nằm giữa Đông Nam Á và châu Đại Dương, nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, phía Bắc giáp với Malaysia, Singapore, Philippines và biển Đông; phía Nam giáp với Australia và Ấn Độ Dương, phía Tây giáp với Ấn Độ Dương; phía Đông giáp với Papua New Guinea, Đông Timor và Thái Bình Dương.

Du lịch Myanmar: Khám phá đất nước của Phật giáo

(Ghi chép của Đào Quốc Thịnh). Du lịch Myanmar là du lịch dành cho những người tâm linh, theo đạo Phật. Đất nước Myanmar với những ngôi chùa linh thiêng, kỳ bí cũng là một trải nghiệm thú vị dành cho du khách.

Singapore – Đất nước của nền văn minh hiện đại

(Ghi chép của Đào Quốc Thịnh). Singapore được gọi là Quốc đảo Sư tử, nhưng không hề có 1 con sư tử nào sống ngoài tự nhiên. Có thể, người ta gọi vậy là vì biểu tượng linh vật huyền thoại: Con cá mang đầu sư tử (đặt tại khu công viên nước giải trí). Nơi đây, được coi như là biểu tượng du lịch của quốc đảo này. Bức tượng mình cá, đầu sư tử nặng gần 70 tấn cao 8,6m được đặt quay đầu về hướng Đông, với ý nghĩa mang lại sự thịnh vượng cho đất nước.

Du lịch Campuchia khám phá vùng đất người Khmer

(Ghi chép của Đào Quốc Thịnh). Vương Quốc Campuchia được mệnh danh là đất nước chùa tháp bởi nơi này sở hữu số lượng lớn đền đài, chùa chiền, với những kiến trúc cổ kính, đi kèm những câu chuyện về văn hoá và lịch sử kỳ bí. Campuchia luôn thu hút những du khách là tín đồ tâm linh, ưa thích phiêu lưu, khám phá với vùng đất đầy bí ẩn này.

Du lịch Malaysia – Tìm hiểu về đất nước, con người

(Ghi chép của Đào Quốc Thịnh). Hãy 1 lần đặt chân đến Malaysia để khám phá những điều thú vị, bạn sẽ không khỏi bất ngờ… Đất nước Malaysia được chia làm hai phần: Bờ phía Tây thường được gọi là bán đảo Maylaysia và bờ phía Đông nằm trên đảo Borneo, được ngăn cách 750km đường biển Đông.
Top