Theo sử sách ghi lại, cụ Lê Công Hành được triều đình nhà Lê cử đi sứ nhà Minh. Trên đường đi sứ, quan lại nhà Minh không để cho đoàn sứ bộ đi đường chính, mà lại dẫn đi theo đường tắt đến một vùng rừng núi thì đoàn hết cả lương ăn. Lê Công Hành bèn cho chặt tre, đan thành những cái dặm, cái dũi, rồi cho quân lính xuống suối kiếm cá và lên rừng tìm trái cây để ăn. Nhờ đó đoàn sứ bộ vẫn mạnh khỏe, đủ sức tiến thẳng về kinh đô nhà Minh.
Khi ông hoàn thành công việc ngoại giao, vua nhà Minh muốn thử trí thông minh của sứ thần Việt Nam, bèn sai đóng một cái lầu cao, rồi mời Lê Công Hành lên chơi. Khi ông đã lên lầu, thì ở dưới đất quân Minh bèn cất thang đi. Không còn lối xuống nữa, ông dành ở trên lầu một mình. Ông đưa mắt nhìn quanh lầu thì chỉ thấy có hai pho tượng sơn son thếp vàng và một chum nước, cùng với hai cái lọng cắm trước bàn thờ. Ngoài cửa lầu treo một bức nghi môn thêu nổi ba chữ “phật tại tâm”. Trên lầu còn có hai cây tre tươi và một con dao.
Ngày ngày trôi qua vẫn chỉ có một mình trên lầu vắng, bụng đói mà không có cơm ăn, chỉ có một chum nước. Ông nghĩ bụng: có nước uống, tất phải có cái ăn. Ông quay ra ngoài ngắm bức nghi môn rồi lẩm nhẩm: “Phật tại tâm” nghĩa là phật ở trong lòng, ông mỉm cười một mình, rồi bẻ tay pho tượng ra ăn thử xem sao. Thì ra hai pho tượng được nặn bằng bột chè lam. Từ đó ngày hai bữa, ông cứ ung rung bẻ dần hai pho tượng phật để ăn.
Vốn là một người hay làm, ngôi chơi buồn không chịu nổi, ông bèn trẻ tre ra vót nan lọng. Sau khi quan sát kỹ cách làm lọng và nhớ nhập tâm các chi tiết để ghép lọng. Ông lại dùng bọng tre để dun nước uống, khi đã biết cách làm lọng rồi, ông lại đem bức nghi môn xuống tháo ra xem cách thêu. Với bàn tay khéo léo và lòng kiên trì, ông lại thêu vào giống hệt như cũ. Nhờ cách ấy mà ông đã tự học được cách thêu nổi và cách làm lọng của người Trung Quốc.
Khi ăn hết hai pho tượng và chum nước cũng không còn, ông tìm cách để xuống. Những buổi chiều ông ngồi ngắm trời mây qua lầu, thấy những con giới xoè cánh chao đi chao lại như những chiếc lá, từ đó giúp ông nảy ra ý định nhảy xuống bằng cách mạnh bạo ôm hai cái lọng nhảy xuống đất một cách bình an vô sự. Trước lời lẽ đối đáp trôi chảy và trí thông minh sáng tạo tuyệt vời của sứ giả Việt Nam, triều đình nhà Minh vô cùng kính phục, đồng thời làm tiệc lớn để tiễn ông về nước.
Về nước, tuy làm quan to trong triều nhưng ông vẫn thường về quê hương để truyền dạy nghề thêu và nghề làm lọng cho nhân dân năm xã: Quất Động, Tam Xá, Vũ Lăng, Hướng Dương và Hương Giai. Vua lê phong ông làm Kim tử Vinh lộc Đại phu sung chức Tả Thị Lang Bộ Công tước Thanh Lương hầu và cho theo họ Vua đổi thành Lê Công Hành. Khi mất ông được truy tặng Thượng Thư Thái Bảo Lương Quận Công. Ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành được các triều Lê và Nguyễn phong 9 đạo sắc. Đạo sắc sớm nhất còn giữ được là của vua Lê Thần Tông phong năm Đinh Sửu 1637 niên hiệu Dương Hòa thứ 3. Đạo sắc này và các đạo sắc khác còn lưu lại ở đình Đào Xá (Thắng lợi, Thường Tín).
Đối chiếu với nhiều tư liệu có thể khẳng định rằng: Nghề thêu, đặc biệt là cách thêu màu nổi (dân thợ quen gọi là kiểu thêu Bắc Kinh) ở Quất Động có từ thế kỷ thứ XV đời vua Lê Thái Tông (1423-1442) tình đến nay đã gần 600 năm. Theo tư liệu tại tấm bia khắc danh các nhà khoa bảng Việt Nam số 34 dựng ở Quốc Tử Giám (Văn Miếu – Hà Nội) có khắc tên Tiến sĩ Trần Khái. Ông sinh năm 1606 tại làng Quất Động, huyện Thượng Phúc, trấn Sơn Nam – Nay là thôn Quất Động, thi đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Sửu 1637, niên hiệu Dương Hòa thứ 3 đời Lê Thần Tông (1608-1662) – Như vậy, hiện nay rất nhiều tài liệu lại ghi ông tổ nghề thêu của Việt Nam: Tên khai sinh là ông Trần Quốc Khái, sinh năm Bính Ngọ 1606 tại xã Quất Động, đỗ Tiến sĩ vào thời Lê Chân Tông (1643-1659), mất năm 1662 thọ 56 tuổi, năm Bính Tuất 1646 ông được triều đình nhà Lê cử đi sứ nhà Minh.
Như vậy, năm Đinh Sửu 1637 khi Trần Khái đỗ Tiến sĩ thì vị tổ nghề thêu Việt Nam Lê Công Hành đã làm Thành Hoàng làng của nhiều làng trong vùng và đã được triều đình nhà Lê phong sắc – Hai vị “Danh nhân ấy” ấy rõ ràng là hai vị khác nhau cách hơn 200 năm. Chúng ta cần tìm hiểu lịch sử: Cụ tổ nghề thêu Lê Công Hành sinh chính xác năm nào? và mất chính xác năm nào? Thân thế, cuộc đời chưa tỏ? Lịch sử còn nhầm lẫn với Tiến sĩ Trần Khái cùng làng Quất Động. Đối chiếu bản “trích ngang lý lịch” trên của hai vị danh nhân, ta thấy có sự trùng hợp lý thú. Đó là hai vị cùng được một triều đại Lê Thần Tông phong sắc. Tiếp đó, cùng một năm 1673, khi Lê Công Hành, ông tổ nghề thêu, thành hoàng của nhiều làng trong vùng, được vua gia phong sắc chỉ thì Trần Quốc Khái cũng thi đỗ Tiến sĩ - Đây là một trong những lý do dẫn đến nhiều người cho rằng Lê Công Khái là là ông tổ nghề thêu Việt Nam, hoặc đồng nhất hai ông với nhau.
Năm 2004, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tây (nay thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội) phối hợp với Ban Thường vụ Huyện ủy Thường Tín, Hà Nội đã trả lại đúng chính danh tôn ông tổ nghề thêu Việt Nam cho danh nhân văn hóa lịch sử Lê Công Hành trong cuốn sách “Thường Tín - Đất danh hương”.
Lăng mộ cụ Lê Công Hành nằm tại thôn Quất Động, xã Quất Động, cách đền thờ cụ Tổ nghề thêu khoảng 2km. Lăng mộ được qui hoạch trên khu đất rộng 1.485m2, xung quanh với những cây ăn quả, cây lưu niên rợp mát. Toàn bộ phần lăng mộ được xây gạch với diện tích khoảng 15m2. Trước lăng mộ xây hai trụ biểu cao khoảng 3m, đỉnh trụ đắp búp sen, dưới là các ô lồng đèn để trơn, thân trụ không trang trí. Khu mộ làm cao hơn nền khoảng 20cm, lát gạch đỏ gồm phần để tro cốt và một am nhỏ đặt bia mộ.
Triều đình phong kiến Việt Nam xưa có nhiều nhu cầu về áo mão triều phục, cân đai, màn che, trướng gấm; nhu cầu về đồ thêu của gia đình các quan lớn trong triều cũng không nhỏ. Thêm vào đó, kinh tế phát triển, vào thời Lý, Trần, Mạc, Lê, Nguyễn... nhiều đình, đền, chùa được xây dựng, tu bổ khắp các làng quê, kẻ chợ, cho nên nghề thêu, nghề làm tàn lọng ở Quất Động và các làng lân cận cũng rất phát triển.
(còn nữa….)
Thạc sĩ Phùng Quang Trung