banner 728x90

Bài 2: Bà Rịa - Vũng Tàu - Những ngày tháng Tư lịch sử

28/04/2024 Lượt xem: 2503

     Chủ động, sáng tạo, chớp thời cơ, kết hợp tiến công và nổi dậy; tiến công quân sự kết hợp với chính trị, binh vận; phát huy sức mạnh đoàn kết của mọi người, mọi tầng lớp, lứa tuổi với quyết tâm giải phóng quê hương – đó chính là sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ, quân và dân tỉnh BR.VT góp phần cùng bộ đội chủ lực giải phóng Bà Rịa – Vũng Tàu trong tháng tư lịch sử của mùa Xuân năm 1975. Tinh thần này được thể hiện rất rõ qua những ngày đầy khí thế cách mạng hào hùng của tháng tư cách đây 49 năm.

      Từ ngày 9 đến 21-4-1975, các lực lượng vũ trang Bà Rịa và Long Khánh đồng loạt tiến công nhiều vị trí ngoại vi cùng với Quân đoàn 4 và Sư đoàn 6 bộ đội chủ lực quân khu giải phóng Xuân Lộc, đập tan tuyến phòng thủ được mệnh danh là “cánh cửa thép” bảo vệ phía Đông Bắc vào Sài Gòn. Tình hình chuyển biến hết sức mau lẹ. Sư đoàn 3 - Sư đoàn Sao vàng phối hợp với Quân đoàn 2 được lệnh hành quân cấp tốc vào giải phóng Bà Rịa – Vũng Tàu, chặn con đường rút chạy ra biển của địch. Ngày 23-4-1975, Tỉnh ủy và Tỉnh đội Bà Rịa họp với Sư đoàn Sao vàng bàn kế hoạch phối hợp giải phóng Bà Rịa – Vũng Tàu. Phương án giải phóng Bà Rịa – Vũng Tàu được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn 1 là giải phóng Bà Rịa và toàn tỉnh Phước Tuy, chiếm cầu Cỏ May; giai đoạn 2 là giải phóng Vũng Tàu.

      17 giờ 30 ngày 26-4-1975, 19 khẩu trọng pháo của Sư đoàn đã trút bão lửa vào các căn cứ của địch, báo hiệu lệnh tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. 20 phút sau, pháo ta bắn cấp tập, áp đảo trận địa cho bộ binh xung phong, địch gọi pháo từ Bình Ba và Núi Đất bắn chặn các hướng cửa mở, dựa vào công sự kiên cố chống trả quyết liệt. Các mũi tiến công của ta được lệnh ngưng đợt 1 lúc 21 giờ để củng cố lực lượng.

        23 giờ ngày 26-4, Trung đoàn 12 mở đợt tiến công lần thứ 2. Các trận địa pháo của địch tại Núi Đất, Bình Ba nã đạn dữ dội vào đội hình ta. Đại đội công binh của trung đoàn được lệnh tiến công vào trận địa pháo Bình Ba. Địch bỏ chạy tán loạn. Trung đoàn 12 cùng với các lực lượng huyện Châu Đức làm chủ Chi khu Đức Thạnh lúc 4 giờ sáng ngày 27-4-1975. Các lực lượng của huyện có mặt lúc 6 giờ sáng cùng ngày, tiếp quản chi khu, quận lỵ, cử cán bộ về các ấp giúp đồng bào ổn định tình hình, kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền đăng ký trình diện. Đây là quận lỵ đầu tiên của tỉnh được giải phóng.

        17 giờ ngày 26-4-1975, trọng pháo của Sư đoàn Sao Vàng đồng loạt nổ súng vào tỉnh đoàn bảo an, khu tiếp liệu, tiểu khu Bà Rịa, Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp. Đại đội 4 xe tăng xuất kích từ hướng Núi Dinh cùng Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 141 theo sự hướng dẫn của đội biệt động thị xã tiến dọc đường Lê Lợi vào Bà Rịa. Sáng ngày 27-4, đội hình Tiểu đoàn 7 tiếp tục đánh vào khu tiếp liệu, khu an ninh, Ty cảnh sát và Sở chỉ huy Liên đoàn bảo an. 6 giờ sáng, ta chiếm toà hành chính rồi phát triển lực lượng ra hướng Cầu Mới, Ty chiêu hồi. Một mũi đánh ngược lên hướng Lộ 2, điểm nhà đá Cây Cầy. Trưa 27-4, ta làm chủ đoàn bảo an. Các cụm pháo Ông Trịnh, Láng Cát trên lộ 15 lần lượt rút chạy.

       Ở phía Tây, Tiểu đoàn 9 đánh chiếm khu vực Núi Dinh, tiến vào thị xã Bà Rịa. Khẩu đội ĐKZ của Tiểu đoàn liên tiếp bắn cháy 2 xe tăng, buộc địch phải rút chạy. Trong khi đó, ở phía Đông, Tiểu đoàn 8 tiến công Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp, tình hình chiến sự phát triển thuận lợi. Đại đội 4 xe tăng cùng Tiểu đoàn 9 đánh xuống cầu Cỏ May, chuẩn bị tiến về giải phóng Vũng Tàu.

Nhân dân thị xã Bà Rịa chào đón Quân giải phóng. Ảnh tư liệu

      Tại Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp, bọn tân binh cùng bọn tàn binh tổ chức phòng thủ, ngoan cố chống trả. Tiểu đoàn 8 tổ chức tấn công quyết định. 15 giờ ta đập tan ổ kháng cự này. Ủy ban quân quản thị xã Bà Rịa thành lập lúc 18 giờ cùng ngày. Cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên đỉnh lầu nước (Nhà Tròn) và khắp các đường phố của thị xã Bà Rịa.

        Thực hiện phương châm tiến công và nổi dậy nói trên, sáng ngày 27-4-1975, khi lực lượng vũ trang Xuyên Mộc bao vây, áp sát chi khu, địch tháo chạy hỗn loạn về Bà Rịa và Vũng Tàu. Trưa ngày 27-4, Xuyên Mộc được giải phóng.

      Tại Long Điền, C25 bộ đội huyện Long Đất cùng 15 du kích phối hợp với Tiểu đoàn 445 đánh vào Long Điền. 9 giờ sáng ngày 27-4, đồng chí Phạm Văn Quán, cơ sở mật tại Long Điền đã cắm cờ Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam lên nóc chi khu quân sự địch. Sau khi làm chủ Long Điền, Tiểu đoàn 445 bố trí hai đại đội chốt ở ngã ba Long Điền, đánh tan các toán quân địch từ Bà Rịa và Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp chạy về, bảo vệ cho Sư đoàn Sao Vàng phát triển lực lượng về hướng Long Hải và Vũng Tàu.

       Tại Đất Đỏ, trưa 27-4, đại đội du kích liên xã Long Tân – Phước Thạnh – Phước Thọ – Phước Hoà Long vừa được thành lập, phối hợp với đại đội 25 của huyện Long Đất tiến công Đất Đỏ, địch tan rã, bỏ súng, bỏ đồn chạy thoát thân. Các xã Phước Thạnh, Phước Thọ, Phước Hoà Long được giải phóng lúc 12 giờ 30 phút ngày 27-4-1975.

       Lực lượng chính trị huyện và các chi bộ xã vận động quần chúng xuống đường thu chiến lợi phẩm, tước vũ khí, 16 giờ cùng ngày, xã Phước Lợi được giải phóng. C25 bộ đội Long Đất tiến về Long Hải chặn toàn bộ số tàn quân địch, huyện Long Đất được giải phóng hoàn toàn. Chiều 28-4-1975, ngư dân Phước Tỉnh được lệnh đưa bộ đội qua sông, giải phóng Vũng Tàu.

      Trưa 27-4-1975, xã Mỹ Xuân được giải phóng. Được sự chỉ đạo của huyện, xã Phước Hoà tổ chức hai cánh quân giải phóng ấp Lam Sơn và khu trung tâm xã, sau đó tiếp tục bung ra chiếm lĩnh, kiểm soát các ấp còn lại. Chính quyền cách mạng lâm thời xã Phước Hoà được thành lập lúc 12 giờ ngày 27-4-1975.

      Vũng Tàu và các vùng phụ cận trong những ngày 28, 29 và 30-4-1975 trở nên sôi động. Đại pháo ta từ Bà Rịa nã dữ dội vào thành phố Vũng Tàu. Sư đoàn 3 cùng lực lượng địa phương tiến công bằng ba mũi: một mũi tiến công từ Cửa Lấp đánh vào hướng Núi Nhỏ; một mũi qua cầu Cỏ May bằng 50 chiếc thuyền của nhân dân Phước Lễ, Long Hương tấn công vào Núi Lớn; một mũi tấn công vùng Lầy Rạch Cá Đôi chiếm núi Nưa. Địch cho Vũng Tàu là hậu cứ an toàn của chúng, nhưng các cơ sở cách mạng đã ráo riết hoạt động từ nhiều tháng trước, công nhân nhà máy đèn, nhà máy nước đã được giác ngộ và tổ chức thành lực lượng cách mạng, làm chủ và bảo vệ nhà máy, bảo đảm nước và nguồn điện cho thành phố sau ngày giải phóng. Ủy ban khởi nghĩa phường Thắng Nhì tổ chức quần chúng cách mạng xuống đường chiếm trụ sở phường trước khi bộ đội chủ lực tiến vào. Khi quân ta tiến công thành phố, bọn lính thủy đánh bộ chiếm giữ khách sạn Palace (nay là khách sạn Hoà Bình), chống trả quyết liệt và rất ngoan cố. 13 giờ ngày 30-4-1975, trung tá ngụy chỉ huy ở khách sạn Palace tự sát, bọn tàn quân vội kéo cờ trắng đầu hàng, cuộc tổng tiến công giành thắng lợi vẻ vang. Trung đoàn 12 luôn ghi nhớ hình ảnh hai em thiếu nhi ở Thắng Tam là Trương Ngọc và Võ Đình Thành hy sinh trong khi làm nhiệm vụ đưa đường tiểu đoàn 6 đánh chiếm khách sạn Palace, cứ điểm cuối cùng của địch.

        Trước ngày 30-4-1975, nhà tù Côn Đảo có 7.448 tù nhân, trong đó có 4.234 tù chính trị cầm cố trong 8 trại giam. Chúa đảo Lâm Hữu Phương cùng cố vấn Mỹ rút chạy từ chiều hôm trước. Đại úy Phạm Huỳnh Trung nắm quyền chỉ huy ra lệnh khóa chặt cửa các trại giam, tổ chức di tản và chuẩn bị thủ tiêu tù chính trị bằng lựu đạn vào giờ chót. Tình thế đảo ngược khi Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Bọn ác ôn kinh hoàng tháo chạy, dẫm đạp lên nhau tại Cầu Tàu, tranh cướp ghe ra tàu Mỹ di tản. Sau khi kiểm tra nguồn tin bằng Rađiô và trực tiếp quan sát tình hình, những người có trách nhiệm ở Trại VII quyết định chớp thời cơ tự giải phóng. Đảo ủy lâm thời được thành lập lúc 3giờ sáng ngày 1-5-1975 ngay sau khi Trại VII được giải phóng. Theo sự chỉ đạo của Đảo ủy, tù chính trị tổ chức lực lượng vũ trang, chia thành nhiều mũi, chiếm các vị trí xung yếu của đảo và mở cửa giải phóng cho các trại. 9 giờ sáng 1-5-1975, Đài phát thanh Côn Đảo phát tin tù chính trị hoàn toàn làm chủ Côn Đảo và công bố danh sách các thành viên trong chính quyền cách mạng. Rạng sáng ngày 4-5, chuyến tàu chở lực lượng vũ trang ra giải phóng Côn Đảo cập bến cũng là lúc tình hình trên đảo đi vào ổn định. Ngày 5-5-1975, con tàu đầu tiên đưa các chiến sĩ tù nhân Côn Đảo về đến Vũng Tàu. Ủy ban quân quản Vũng Tàu tổ chức trọng thể cuộc mít tinh tại cảng Rạch Dừa chào đón những người con ưu tú của Tổ quốc vừa chiến thắng trở về.

Đào Phúc Nguyên

 

Tags:

Bài viết khác

Kiến trúc độc đáo của Chùa Phước Thành trên đất Cù Lao Giêng

Cù Lao Giêng không chỉ đẹp bởi phong cảnh sông nước hữu tình, mà còn có nhiều công trình tín ngưỡng tâm linh đặc sắc. Một trong số đó phải kể đến chùa Phước Thành, ẩn chứa câu chuyện truyền miệng về đôi chim hồng hạc từng về trú ngụ.

Phụng Sơn Tự - ngôi chùa cổ đậm nét kiến trúc Nam bộ

Phụng Sơn Tự là một chùa cổ lâu đời ở TP.Hồ Chí Minh, độc đáo với tượng ông Chằn hay tượng con gà trống theo truyền thuyết Khmer, tượng thần tối cao Brahma thuộc Hindu giáo...

Chùa Viên Giác: Ngôi chùa có tháp bằng gốm cao nhất Việt Nam

Chùa Viên Giác ở Sài Gòn có tuổi đời hơn 60 năm, nổi bật với ngôi tháp thờ Xá lợi Phật được làm hoàn toàn bằng gốm sứ.

Ngôi chùa được phong sắc tứ duy nhất tại Gia Lai

Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.

Tháp Hòa Lai - Công trình kiến trúc lâu đời bậc nhất của người Chăm

Tháp Hòa Lai tọa lạc ngay trên đường quốc lộ 1A, thuộc địa phận thôn Ba Tháp, xã bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Tháp được xây dựng vào khoảng thế kỷ 6 đến thế kỷ 9, có kiến trúc nghệ thuật độc đáo của vương quốc Chăm Pa vùng Panduranga xưa. Tháp Hòa Lai đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia năm 1997.

Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia 300 tuổi ở Hải Phòng

Không chỉ biết đến là một trong ngôi đình thờ Đức Vương Ngô Quyền tại Hải Phòng, đình Phụng Pháp nổi bật bởi nét kiến trúc bề thế, độc đáo.

Lăng Ông Bà Chiểu – Ngôi đền cổ nhất Sài thành

Lăng Ông Bà Chiểu là một trong những công trình cổ xưa nhất ẩn mình ở Sài Gòn phồn hoa đô hội. Trải qua hơn 200 năm lịch sử, nơi đây chứng kiến bao thăng trầm và đổi thay của thành phố.

Tháp cổ hơn nghìn tuổi ở Quảng Nam, dáng vẻ huyền bí, kiến trúc hiếm có khó tìm

Tháp cổ Bằng An hơn 1.000 năm tuổi là tháp Chăm có kiến trúc hình bát giác độc đáo, hoàn toàn không giống bất cứ ngôi tháp nào còn tồn tại cho đến ngày nay tại Việt Nam.
Top